Phong Thuỷ

11 điều cần biết về bàn thờ Thần Tài ông Địa và ngày Vía Thần Tài chuẩn nhất

11 điều cần biết về bàn thờ thần tài ông địa và ngày vía thần tài chuẩn nhất

Nếu đã nắm được nguồn gốc ông Thần Tài và phong tục thờ cúng ở Việt Nam thì không khó khăn để hiểu đầy đủ các kiến thức về bàn thờ Thần Tài và ngày Vía Thần Tài sao cho đúng và đầy đủ nhất.

1. Cúng Thần Tài ngày nào?

Như đã đề cập, người Việt trước đây thờ cúng Thần Tài quanh năm chứ không chỉ mỗi vào các ngày Lễ, Tết hay vọng (ngày Rằm), sóc (ngày mồng Một). Tuy nhiên, lễ vật cúng có khác nhau đôi chút.

– Các ngày Lễ, Tết, Rằm, mồng Một: Thường làm đồ mặn hoặc cả mâm cỗ đầy, còn ngày thường thì đơn giản chỉ là quả cau, lá trầu, nước lọc với đĩa hoa quả.

– Duy có một ngày duy nhất trong năm người dân nô nức cúng ông Thần Tài đó là ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch – Ngày Vía Thần Tài.

2. Ngày Vía Thần Tài là gì? Ý nghĩa ra sao?

Như câu chuyện Vía Thần Tài say rượu mà Phong Thủy Nhà Xinh đã kể, ngày Vía Thần Tài là ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch, tức ngày mồng 10 Tết Âm lịch.

Đây là ngày Thần Tài từ giã chốn trần gian để bay về trời theo câu chuyện truyền miệng dân gian. Nó do những người làm ăn, kinh doanh buôn bán lập ra để tỏ lòng biến ơn Thần Tài – người đi tới đâu là “ban phát” may mắn tới đó giúp họ buôn may bán đắt cả năm, đồng thời cầu mong tiếp tục được ban phát tài lộc trong Năm mới.

Đó cũng là lí do nhiều cửa hiệu, nhà hàng chọn ngày Vía Thần Tài để khai trương, mở hàng. Còn người dân thì đổ xô đi mua vàng vì tin rằng nếu mua vàng vào ngày này sẽ được nhiều phúc lộc, giàu sang, phú quý.

11 điều cần biết về bàn thờ thần tài ông địa và ngày vía thần tài chuẩn nhất

Vào ngày Vía Thần Tài người dân thường đổ xô đi mua vàng

3. Bàn thờ Thần Tài trông như thế nào?

Bàn thờ Thần Tài không cần to. Nó có thể làm bằng đá hoặc gỗ, thường chỉ là một chiếc khám (bàn thờ) nhỏ được sơn son thiếp vàng hay đôi khi chỉ được làm từ một chiếc thùng gỗ dán giấy đỏ xung quanh.

Ngày nay, nhiều gia đình còn xây bàn thờ Thần Tài bằng gạch men có vách tựa sát vào vách nhà.

4. Bàn thờ Thần Tài gồm những gì?

Phía bên trong cùng bàn thờ Thần Tài thường dán bài vị của Thần Tài được viết bằng mực nhũ kim.

Phía trước bài vị là bát hương với 2 cây đèn nhỏ ở hai bên.

Các đồ thờ gồm: Bộ khay ấm chén 5 chiếc với 3 chén nước, 2 chén rượu; gạo, muối, lọ hoa với mâm bồng để bày biện hoa quả và các lễ vật.

Tùy từng gia chủ, có người khắc cả chữ đại tự và câu đối hai bên khám nhằm biết ơn sự giúp đỡ của Thần Tài và cầu mong được tiếp tục gia hộ.

5. Vị trí đặt bàn thờ Thần Tài

Khác với bàn thờ tổ tiên hay bàn thờ Thổ Công đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ; bàn thờ Thần Tài thường đặt ở dưới đất, trong góc nhà, góc văn phòng hoặc góc cơ quan, xí nghiệp…

6. Hướng bàn thờ Thần Tài

Bàn thờ Thần Tài phải hướng ra cửa chính để biểu thị cho sự quang minh chính đại. Hơn nữa, thông thường hướng cửa chính luôn là hướng đẹp và hợp với gia chủ.

7. Bài trí bàn thờ Thần Tài ông Địa

Nếu trong khám thờ cả Thần Tài và ông Địa (bàn thờ Thần Tài Ông Địa) như ở miền Nam thì Thần Tài luôn ngồi ở phía tay trái và ông Địa ngồi ở phía tay phải theo hướng đối diện với người đứng thắp hương (nhìn từ ngoài vào).

Tuy nhiên cũng có nhiều nơi lại đặt vị trí của hai ông theo trật tự ngược lại và đặt thêm tượng ông Cóc ở phía trước tượng Thần Tài.

11 điều cần biết về bàn thờ thần tài ông địa và ngày vía thần tài chuẩn nhất

Bàn thờ Thần Tài ông Địa

8. Lễ vật cúng Thần Tài và ngày Vía Thần Tài gồm những gì?

Tương truyền rằng, với Thần Tài cúng tỏi, với ông Địa cúng chuối tây chín vàng (chuối lùn, chuối xiêm…).

Ngày thường: Lễ vật cúng đơn giản với trầu, nước, hoa quả, bánh ngọt hay xôi chè.

Vào những ngày lễ lớn như ngày Vía Thần Tài, Tết Nguyên Đán: Cúng đồ mặn với thịt luộc, gà luộc hay thịt lợn quay…

Với người dân Nam Bộ: Lễ vật cúng ngày Vía Thần Tài khá cầu kỳ gồm: 1 con tôm luộc, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng thịt heo quay, 1 xấp tiền vàng bạc, 1 dĩa trái cây, 3 ly rượu trắng.

Trước Tết Nguyên Đán, các gia chủ thường lau dọn bàn thờ Thần Tài ông Địa sạch sẽ và trong ba ngày đầu Năm mới không đổ rác vì sợ sẽ đổ mất cả Thần Tài ẩn nấp trong đó.

9. Cách bày biện hoa quả trên bàn thờ Thần Tài

Bày biện hoa quả theo nguyên tắc “Đông Bình – Tây Quả”. Nghĩa là đặt lọ hoa ở bên tay phải, còn đĩa hoa quả đặt ở bên tay trái theo hướng đối diện với người đứng thắp hương (nhìn từ ngoài vào).

10. Cách lau dọn bàn thờ Thần Tài ông Địa

Ngoài việc lau bụi bặm cho khám và các đồ thờ, trước khi đặt bàn thờ Thần Tài ông Địa hoặc vào dịp cuối năm; người dân còn tẩy trần cho Thần Tài và ông Địa bằng nước lá bưởi hoặc nước sạch pha với rượu trắng. Nếu bàn thờ bị hỏng hóc thì mang vứt bỏ và thay thế bằng một chiếc khám mới.

11 điều cần biết về bàn thờ thần tài ông địa và ngày vía thần tài chuẩn nhất

Thần Tài gõ cửa sẽ được may mắn?

11. Văn khấn Thần Tài

Có 2 bài văn khấn Thần Tài theo hai bản khác nhau, Phong Thủy Nhà Xinh cập nhật đầy đủ để gia chủ tham khảo:

A – Thứ nhất: Bài khấn theo “100 điều cần biết về phong tục thờ cúng của người Việt”.

Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hôm nay, ngày….tháng…..năm……

Tín chủ con là….., ngụ tại …..cùng toàn gia lễ thỉnh.

Kính dâng hương đăng hoa quả, trầu cau,….. kính cẩn thưa rằng:

Kính cáo: Ngũ phương ngũ thổ Long thần

Tiếp nhận lòng thành, che chở ban ân

Thêm tài thêm lộc, mọi sự đều lành

Cúi mong soi xét, nguyện ước thành tâm

Phúc đến năm năm, giúp cho tín chủ

Kính cẩn dâng lời.

B – Thứ hai: Bài khấn theo “Văn khấn cổ truyền Việt Nam”

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.

– Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

– Con kính lạy ngày Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

– Con kính lạy Thần tài vị tiền.

– Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.

Hôm nay là ngày…….tháng…….năm………………….

Tín chủ con là……………………………………………..

Ngụ tại………………………………………………………

Thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài vị tiền.

Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News