Sức Khoẻ

7 vị thuốc và món ăn hỗ trợ người bệnh phổi mạn tính lúc giao mùa

SKĐS- Khí hậu dần chuyển sang lạnh là điều kiện tốt để bệnh phổi mạn tính tái phát. Tuy nhiên, nếu biết sử dụng một số món ăn từ thảo dược sẽ giúp lá phổi của người bệnh hoạt động tốt hơn, đẩy lùi các biểu hiện tái phát của bệnh.

1. Bệnh phổi mạn tính trong y học cổ truyền

Bệnh phổi mạn tính được xem là giai đoạn mạn tính ổn định của các bệnh lý hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính diễn tiến kéo dài.

Theo y học cổ truyền bệnh thuộc các chứng khái thấu, háo suyễn, đàm ẩm… tức là chỉ đàm ẩm hợp tà khí gây tắc trở khí đạo dẫn đến phế khí tuyên giáng thất điều, đàm ẩm đình tích gây ra.

Trên lâm sàng biểu hiện ho khan hoặc ho có đờm, có nhiều đờm khò khè trong cổ, thở gấp cấp bách…

Nguyên nhân cơ chế được biết do phế, tỳ, thận hư nhược.

Vì vậy, YHCT nhấn mạnh vào bồi bổ nâng cao chính khí ngũ tạng (Phế – Tỳ – Thận) kết hợp với các thuốc chỉ khái, hóa đàm, bình suyễn.

2. Thảo dược và món ăn từ thảo dược hỗ trợ trị bệnh phổi mạn tính

2.1 Đảng sâm

Đặc điểm vị thuốc: Đảng sâm có vị ngọt hơi đắng, tính ấm, quy vào kinh phế tỳ, giúp bồi bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân, kiện tỳ, dưỡng vị. Có tác dụng bồi bổ phế tỳ khí hư, hỗ trợ các trường hợp bệnh lâu ngày gây suy nhược mệt mỏi.

7 vị thuốc và món ăn hỗ trợ người bệnh phổi mạn tính lúc giao mùa

Vị thuốc đảng sâm tốt cho người bệnh phổi mạn tính.

Món ăn có đẳng sâm: Cao cơm nhãn, sâm, mật ong

Đảng sâm 250g, sa sâm 125g, nhãn nhục 120g, mật ong lượng vừa đủ. Cho đảng sâm, sa sâm, nhãn nhục vào nồi, đổ nước vừa phải ngâm đến khi nở đều thì đun với lửa nhỏ, cứ 20 phút sôi chắt lấy nước và cho nước vào như vậy 3 lần rồi hòa chung đun với lửa nhỏ cho sánh lại, hòa với mật ong, đun sôi, để nguội đựng trong lọ uống dần. 1 thìa canh/3 lần/ngày.

Tác dụng bồi bổ phế tỳ khí hư hỗ trợ điều trị bệnh phổi mạn tính lâu ngày kèm mệt mỏi, ăn kém, suy nhược.

2.2 Hạnh nhân

Đặc điểm vị thuốc: Hạnh nhân có vị ngọt mềm, tính bình, giàu chất dinh dưỡng, chứa protein, đường, canxi, phospho, các loại vitamin A, B1, B2, C… Các thành phần trong hạnh nhân khi vào cơ thể tạo thành một chất có tác dụng trấn tĩnh trung khu hô hấp và cũng là vị thuốc chính điều trị hen suyễn, khó thở, nhuận tràng theo Đông y.

Hạnh nhân có thể dùng độc vị bằng cách rang chín, mỗi ngày nhai 10 hạt vào 2 buổi sáng – chiều.

Món ăn: Thành phần gồm hạnh nhân 15g, ma hoàng 15g, cam thảo 6g, đậu phụ 250g. Các nguyên liệu trên đun trong 1 giờ, bỏ bã, ăn đậu phụ và uống nước mỗi ngày 2 lần (sáng – chiều).

2.3 Cam thảo

Đặc điểm vị thuốc: Có vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ ích trung tiêu, điều hòa tỳ vị khí, điều hòa tác dụng của các vị thuốc khác. Được chỉ định phối hợp điều trị ho và hen suyễn.

2.4 Bách hợp

Đặc điểm vị thuốc: Có vị ngọt nhạt, tính mát, quy vào kinh tâm và phế, có tác dụng nhuận phế, chỉ khái, dưỡng tâm, an thần, nhuận tràng, lợi tiểu… thường được dùng làm thuốc bồi bổ, chữa ho khan hoặc ho có đàm trong các trường hợp viêm phế quản phổi.

7 vị thuốc và món ăn hỗ trợ người bệnh phổi mạn tính lúc giao mùa

Vị thuốc bách hợp nấu cháo có tác dụng bổ phế kiện tỳ.

Món ăn: Cháo bách hợp và cháo bát bảo

Cháo bách hợp: Bách hợp 30g, gạo tẻ 50g, đường phèn, nước 400ml nấu thành cháo. Ngày 2 bát ăn vào sáng và tối. Có tác dụng bổ phế kiện tỳ, chỉ khái bình suyễn, dùng để hỗ trợ điều trị viêm phế quản phổi, lao phổi gây ho khan hoặc ho đàm lâu ngày không khỏi kèm ăn ngủ kém.

Cháo bát bảo: Khiếm thực, hoài sơn, hồng táo, hạt sen, ý dĩ, đậu cove, long nhãn, bách hợp mỗi thứ 6g, gạo tẻ 150g, đường phèn vừa đủ. Rửa sạch thuốc đun sôi 40 phút, sau đó cho gạo tẻ vào đun thành cháo và hòa đường phèn đến tan là được. Ăn ngày 2 lần sáng – tối.

2.5 Mộc nhĩ hay còn gọi là nấm tai mèo

Đặc điểm vị thuốc: Mộc nhĩ có chứa protit, lipid, glucid, canxi, sắt, vitamin B1, B2, PP.

Theo đông y mộc nhĩ có vị ngọt, tính bình, quy kinh tỳ vị, đại trường, can, thận, có tác dụng bổ dưỡng khí huyết, thanh huyết, chỉ huyết, có tác dụng tốt trong bồi bổ hỗ trợ điều trị cho người mắc bệnh tim mạch, hen suyễn.

Mộc nhĩ đen 15g, đường phèn 15g nấu với một lượng nước vừa đủ uống trong ngày, giúp trị chứng hen suyễn, miệng khô, sắc mặt tái xanh, tay chân lạnh.

Món ăn: Chè bách hợp mộc nhĩ kỷ tử

Mộc nhĩ 10g, bách hợp 10g, lê 1 quả, kỷ tử và đường phèn lượng vừa đủ. Ngân nhĩ đun sôi 30 phút, bách hợp đun thêm 15 phút, sau đó cho lê vào đun thêm 15 phút và cho kỷ tử và đường phèn vào đun cho tan đường là được.

Tác dụng: Nhuận phế, chỉ khái.

2.6 Gừng

Đặc điểm vị thuốc: Gừng có vị cay, tính ôn, quy vào kinh phế – tỳ – vị, có tác dụng giải biểu tán hàn, ôn trung, kiện tỳ vị, ôn hóa đàm ẩm mà giúp chữa ho suyễn, nôn ói, thủy thũng, bụng chướng.

Cách dùng: Trà gừng mật ong

Trà xanh tươi 15g, gừng tươi 1/2 củ, mật ong 20ml, nước sôi 400ml. Gọt vỏ gừng, thái lát, đập dập cho vào cùng lá trà xanh, cho nước sôi và đậy nắp bình trong 3 – 5 phút là dùng được.

Một số hướng dẫn dinh dưỡng và chế độ ăn Trung Quốc cho thấy việc sử dụng trà gừng ấm mỗi buổi sáng giúp ngăn chặn cảm hàn lạnh tái phát nhiều lần và mạnh khỏe phổi.

2.7 Củ nghệ

Đặc điểm vị thuốc: Nghệ có chứa nhiều chất dinh dưỡng, mùi thơm dễ chịu, có tác dụng kích thích sự bài tiết mật, kháng khuẩn, có tác dụng bảo vệ và giảm dị ứng điều trị hen suyễn. Sử dụng nghệ tươi pha nước uống mỗi ngày hoặc nghệ chế biến món ăn giúp giảm hen suyễn đáng kể.

7 vị thuốc và món ăn hỗ trợ người bệnh phổi mạn tính lúc giao mùa

Uống nước nghệ tươi hàng ngày giúp giảm hen suyễn.

3. Lợi ích của dinh dưỡng với bệnh phổi mạn tính

Ở người bệnh phổi mạn tính, cơ hô hấp cần năng lượng gấp nhiều lần để hoạt động so với người không mắc bệnh. Vì vậy, dinh dưỡng là sử dụng thực phẩm làm nhiên liệu cho tất cả các hoạt động, chế độ dinh dưỡng không thể chữa khỏi bệnh nhưng sẽ giúp người bệnh dễ thở hơn, thể chất và tinh thần sẽ tốt hơn.

Dinh dưỡng giúp duy trì tốt cân nặng phù hợp vì thừa cân/béo phì làm gia tăng tình trạng khó thở hoặc quá gầy yếu làm bệnh nhân nhanh chóng kiệt sức, suy nhược dễ mắc bệnh lý nhiễm trùng đưa đến các đợt cấp của bệnh.

Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý: Đa dạng và tăng cường nhóm thực phẩm chống oxy hóa, nhiều chất xơ, tránh các thực phẩm gây đầy bụng khó tiêu, cân bằng các nhóm thực phẩm từ muối – đường – đạm – mỡ – chất xơ – nước. Cân bằng cả ba mặt vận động – tinh thần – xã hội giúp lá phổi khỏe hơn, hạn chế tái phát, nhiễm trùng.

Mời bạn xem tiếp video:

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News