Giấc Ngủ

8 quan niệm sai lầm về giấc ngủ có thể gây hại sức khỏe

Bạn thường xem tivi hay uống rượu trước khi ngủ để thư giãn? Đây chính là những quan niệm sai lầm về giấc ngủ có thể gây nhiều tác hại cho sức khỏe đấy!

Những quan niệm sai lầm về giấc ngủ như người trưởng thành chỉ cần ngủ 5 tiếng hay dễ ngủ là tốt có thể khiến bạn dễ trầm cảm, béo phì hay tiểu đường. Bạn hãy cùng Hello Bacsi thay đổi những quan niệm sai lầm về giấc ngủ này nhé.

1. Người trưởng thành chỉ cần ngủ 5 tiếng

Các nhà nghiên cứu cho rằng người trưởng thành không cần ngủ nhiều là quan niệm sai lầm về giấc ngủ gây ảnh hưởng lớn nhất tới sức khoẻ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) khuyến nghị người trưởng thành nên ngủ từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm. Tuy nhu cầu giấc ngủ của mỗi người là khác nhau nhưng nhu cầu này thường không chênh lệch quá lớn khỏi số giờ trên.

Tình trạng thường xuyên ngủ ít hơn số giờ khuyến cáo gây ra nhiều tác hại khác nhau tới sức khỏe. Đối với hệ tim mạch, nguy cơ tăng huyết áp và đau tim sẽ tăng. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ bị giảm chức năng nhận thức và tăng nguy cơ trầm cảm. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì cũng tăng lên.

2. Xem tivi có thể giúp ngủ ngon hơn

8 quan niệm sai lầm về giấc ngủ có thể gây hại sức khỏe

Nhiều người xem tivi như một thói quen để thư giãn và ngủ ngon hơn nhưng thói quen này thật ra đang phá hoại giấc ngủ của bạn. Không chỉ tivi mà điện thoại di động, máy tính bảng và tất cả các loại thiết bị điện tử đều không phải cách giải trí lành mạnh trước khi ngủ.

Ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị điện tử ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ và kéo theo nhiều vấn đề như béo phì và giảm chất lượng làm việc vào ngày hôm sau. Vậy nên, bạn hãy bỏ những thiết bị trên ra khỏi phòng ngủ để có môi trường ngủ tốt nhất cho sức khỏe.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Ánh sáng xanh ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào

3. Giờ ngủ không ảnh hưởng tới sức khỏe

Giờ giấc ngủ nghỉ và hoạt động của cơ thể có xu hướng trùng với giờ mọc lặn của mặt trời nên buổi tối thường dành cho việc ngủ. Tuy nhiên khi phải làm ca đêm hay phải thức đêm chăm con, bạn có thể mất ngủ ban đêm và chủ quan nghĩ rằng mình có thể ngủ bù vào ban ngày. Việc này lâu dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn rất nhiều.

Việc đôi khi thức khuya không gây ảnh hưởng quá lớn nhưng thay đổi thói quen ngủ nghỉ trong một khoảng thời gian dài không hề lành mạnh. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những ai làm việc vào ca đêm thường bị rối loạn nhịp sinh học và giảm sút giấc ngủ chất lượng. Họ cũng có nguy cơ mắc những vấn đề sức khỏe như trầm cảm và tiểu đường cao hơn.

4. Nhắm mắt trên giường cũng là… ngủ

8 quan niệm sai lầm về giấc ngủ có thể gây hại sức khỏe

Đôi khi bạn có thể trằn trọc nằm trên giường không ngủ được nhưng lại nghĩ rằng việc nhắm mắt nằm trên giường cũng có tác dụng gần như giấc ngủ. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu đánh giá đây là một quan niệm sai lầm về giấc ngủ và cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Bạn có thể cảm thấy mình được nghỉ ngơi khi nằm nhắm mắt trên giường nhưng thật ra cơ thể vẫn còn phải hoạt động.

Tất cả mọi thứ từ não, tim đến phổi của bạn hoạt động khác nhau khi ngủ so với khi thức. Nếu bạn chỉ nằm nhắm mắt mà không ngủ, những bộ phận bên trong cơ thể vẫn làm việc như khi bạn thức. Vậy nên, trạng thái chỉ nhắm mắt nằm trên giường không giúp bạn nghỉ ngơi thật sự như khi thực sự ngủ đâu.

5. Dễ ngủ là một dấu hiệu lành mạnh

Một người có giấc ngủ lành mạnh thực sự phải mất một vài phút để đi vào giấc ngủ nên nếu bạn có thể ngủ ngay lập tức mọi lúc mọi nơi thì có thể bạn đang thiếu ngủ đấy. Quan niệm rằng dễ ngủ là tốt không những sai lầm mà còn có thể gây nguy hiểm vì quan niệm này sẽ khiến bạn dễ chủ quan và nghĩ rằng mình không gặp vấn đề về sức khỏe. Thật ra, bạn hãy điều chỉnh lại giờ giấc ngủ của mình nếu thấy mình đi vào giấc ngủ quá nhanh.

6. Uống rượu sẽ cải thiện giấc ngủ

8 quan niệm sai lầm về giấc ngủ có thể gây hại sức khỏe

Các loại rượu không hề giúp bạn ngủ ngon hơn mà ngược lại còn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau. Quan niệm uống rượu để dễ ngủ không chỉ là sai lầm mà thậm chí còn rất nguy hiểm. Rượu có thể gây ngưng thở khi ngủ hoặc làm chứng này tồi tệ hơn.

7. Bộ não và cơ thể có thể ngủ ít

Công việc, bạn bè và gia đình dễ khiến bạn không có được một giấc ngủ trọn vẹn mỗi đêm. Khi này, bạn có thể an ủi bản thân rằng bạn chỉ cần cố gắng uống cà phê và chịu đựng cơn buồn ngủ thì sẽ thích nghi được với việc ngủ ít này. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm về giấc ngủ.

Khoa học đã chứng minh việc thường xuyên ngủ ít hơn 5 – 6 giờ một ngày không giúp bạn thích nghi mà chỉ khiến cơ thể dễ gặp vấn đề hơn. Bạn cần điều chỉnh lại lịch sinh hoạt của mình để không bị mất giấc ngủ nữa nhé.

8. Ngáy lớn khi ngủ không nguy hiểm

8 quan niệm sai lầm về giấc ngủ có thể gây hại sức khỏe

Ngáy to là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của chứng ngưng thở khi ngủ, một bệnh có thể ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giấc ngủ. Nếu bạn bị ngáy to mãn tính, hãy quan sát các dấu hiệu đi kèm để kịp thời chữa bệnh. Chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ nên nếu bạn ngáy to kèm theo các triệu chứng như bị mệt mỏi hoặc buồn ngủ vào ban ngày thì hãy đi khám ngay.

Ngoài ra, những người có tình trạng sức khỏe khác như thừa cân hoặc béo phì, huyết áp cao hoặc hút thuốc sẽ có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao hơn. Bạn hãy bỏ những thói quen xấu này để có giấc ngủ chất lượng hơn.

Nếu không thay đổi những quan niệm sai lầm về giấc ngủ, về lâu dài bạn dễ gặp các vấn đề nguy hiểm như trầm cảm, suy giảm chức năng nhận thức, tiểu đường… Bạn hãy xây dựng một thói quen ngủ nghỉ khoa học hơn để bảo vệ sức khỏe của mình nhé.

Như Vũ Hello Bacsi

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News