Phật Giáo

Âm đức là gì ? Cả đời không lo thiếu thốn nếu có được âm đức

Âm đức là gì ? Cả đời không lo thiếu thốn nếu có được âm đức

Vận mệnh mỗi người là do tự bản thân họ quyết định, không ai có thể sắp đặt chúng ta được. Và những gì tương lai nhận được là do bản thân chúng ta gây dựng nên. Nhận hoa thơm quả ngọt hay trái đắng, nhận được phúc hay hoạ đều là do bản thân của mỗi người tạo nên

Người xưa cho rằng, Đức chính là ngọn nguồn của hết thẩy phúc báo, là cội nguồn của phúc hoạ của chúng ta. Nhưng để hiểu Đức là gì và việc tích đức như thế nào thì không phải ai cũng biết.

Ngày hôm nay các bạn hãy cùng Kênh Tử Vi chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem Đức là gì, những việc làm tích đức sẽ như thế nào để có thể thay đổi được vận mệnh con người nhé

Đức ở đây là gì

Người xưa có câu: “Hành thiện là lấy việc tích âm đức làm thiện, âm đức là lấy việc bảo vệ chúng sinh và sống không tà dâm làm gốc.”

Sống trên đời này, nên làm điều thiện tích đức, điều này không chỉ tạo phúc cho gia đình, cho bản thân mà còn tích đức cho con cháu đời sau. Muốn tích âm đức thì phải có lòng nhân ái và làm nhiều việc thiện.

Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, đã gieo “nhân”, “quả” ắt sẽ đến, đừng thấy “quả” chưa đến mà coi thường luật nhân quả ở đời, chỉ là “quả” có thể sẽ xuất hiện muộn mà thôi.

Chữ “Đức” (“德” ) trong tiếng Hán bao gồm năm bộ phận cấu thành, đó là“彳” (Xích) “十” (Thập) “罒” (là chữ mắt “目” nằm ngang) “一” (Nhất) và “心”(Tâm).

Trong đó “彳” (Xích) chỉ bước đi chậm rãi, lâu dài, trường kỳ. Có thể hiểu rằng, “đức” là phải từng chút từng chút tích lũy mà thành, không phải là việc nhất thời mà là việc của cả một đời.

“十” (Thập) ngụ ý là nhiều, là đầy đủ, là thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười, cũng có ngụ ý là bốn phương tám hướng. Điều đó có nghĩa rằng, con người dù ở đâu, lúc nào cũng phải dùng đức hạnh để đối đãi với người khác.

“罒” là chữ mắt “目” nằm ngang, nhấn mạnh rằng, người có đức thì có thể biết rõ thị phi, thật giả, có thể phân biệt được tốt xấu, đúng sai.

“一” mang ý nghĩa là chỉnh thể, tổng thể, là toàn bộ, ý nói người có đức lấy đại cục làm trọng, không tư lợi cho bản thân, vạn pháp quy nhất, một lòng một dạ, không tâm không tạp niệm, không vướng bận.

“心” là chỉ nội tâm, muốn tu dưỡng được đức thì cần phải dựa vào tu dưỡng nội tâm. Tâm là bên trong, là thật lòng, chân tình, trung thành.

Tâm (“心”) là bộ phận dưới cùng của chữ đức (“德”), ý nói đức là trong đáy lòng không có vụ lợi, tư lợi.

Từ đó có thể thấy rằng: “Đức” là đạo đức, phẩm hạnh, phẩm đức. Chân thành, tư tưởng và lời nói – hành động là thống nhất với nhau thì được gọi là “đức”. Đức hạnh, mỹ đức, phẩm đức, bồi dưỡng đạo đức là cảnh giới cao nhất mà một người cần theo đuổi.

Một người chỉ có bồi dưỡng đầy đủ đạo đức tốt đẹp, nhân ái, thiện lương, mang trong mình lòng biết ơn thì người ấy mới tràn ngập dòng năng lượng thuần chính. Khi thân thể tràn ngập trường năng lượng thuần chính thì sẽ hấp thụ những thứ tốt đẹp, thuần chính.

Người xưa có câu rằng, phong thủy âm dương bảo hộ người lương thiện, còn kẻ trộm, tà dâm, phóng túng thì dù ở nơi phong thủy tốt cũng khó có phúc báo. Hay những câu như: “nhà tích thiện thì tất sẽ có dư phúc”… đều là để nhấn mạnh tầm quan trọng của “đức” đối với sinh mệnh mỗi người. Làm người phải lấy đức làm gốc, quản lý một đơn vị, một xí nghiệp thì càng phải lấy đức làm gốc mới mong thành công lâu dài.

Âm Đức Dương Đức là gì

Âm không phải là “âm”, “dương” mà nó được hiểu như “âm công, âm đức, âm phúc” mang một ý nghĩa khác là ám, tức là thầm lặng, âm thầm hay kín đáo, không hiển lộ ra bên ngoài chẳng hạn. Điều này mang ý nghĩa như người làm việc thiện phải làm được ở trong sự thầm lặng, một cách kín đáo hay lặng lẽ và không hề phô trương.

Mọi người thường nói “tích âm đức”. Vì sao lại nói như vậy, rốt cuộc câu này có ý nghĩa gì?

Phàm là hành thiện mà được người biết đến tức là dương thiện. Hành thiện mà người khác không biết đến gọi là âm đức.Làm việc tốt để người khác biết gọi là “dương đức”. Dương đức phúc báo nhanh, người ta sẽ ca ngợi bạn, tuyên dương bạn, báo đáp bạn bằng vật chất hoặc khen thưởng biểu dương. Dương đức đã được báo đáp rồi thì sẽ hết.

Làm việc tốt mà không để người khác biết gọi là “âm đức”. Âm đức dù không được ai biết đến, không được ai biểu dương, nhưng phúc báo lớn, tích được lâu dài.Âm đức sẽ được Trời báo, dương thiện được hưởng tiếng thơm trên đời

Cũng có người nói rằng: Âm đức là chỉ những việc tốt đã làm ở dương gian mà lại được ghi công tại âm gian, là những việc tốt được làm một cách âm thầm, lặng lẽ. Tục ngữ có câu rằng: “Con người hành thiện thì Trời đất đều biết, ắt có phúc báo”. Hành thiện chính là chỉ âm đức. Con người tích đức càng nhiều thì phúc báo càng lớn.

Âm đức trong dân gian còn gọi là “âm chất” (lặng lẽ an định lòng dân). Trong cuốn sách khuyến thiện “Văn xướng đế quân âm chất văn” nói rằng: Dẫu chúng ta làm việc tốt hay việc xấu thì đều có báo ứng với bản thân và người nhà mình, chính là “gần thì ứng với thân, xa ứng với con cháu”.

Đừng sợ làm việc tốt thì sẽ phải chịu thiệt. Hành thiện sẽ tích đức, đức ấy vĩnh viễn là của bạn, người khác không thể trộm được, không thể cướp được. Tự mình tu đức thì tự mình được phúc báo, vì đức là một loại năng lượng. Tuy đức nhìn không thấy, sờ không được, nhưng không lúc nào và không nơi nào là không tồn tại.

Dương đức không lâu dài, đa số là tùy theo việc làm tốt mà nhận được phúc báo ngay trong đời. Âm đức tích được lâu, hơn nữa càng tích càng lớn, càng tích càng dày, còn có thể để lại phúc trạch cho cháu con. Do đó làm việc thiện thì nên xuất tự đáy lòng, không nên truy cầu để người khác biết.

Người xưa rất coi trọng âm đức, cho rằng âm đức mới là trân quý, còn dương đức chỉ là một chút hư danh, không có giá trị thực tế đối với sinh mệnh.

”Sống trong đời sống cần có một Tấm Lòng”, và tấm lòng chỉ ”để gió cuốn đi”.. Đó chính là âm đức vậy.

Thế nào là tích âm đức?

Hành thiện mà người biết đến là dương thiện, hành thiện mà người chẳng hay là âm đức.

Âm đức chính là thành tựu việc tốt mà không cầu báo đáp. Dẫu người khác thờ ơ, lạnh nhạt, cười chê, kỳ thị cũng chẳng để tâm. Xây cầu đắp đường, đào giếng dẫn nước, châm đèn rót trà, quyên góp lo tang sự, cứu trợ lúc hiểm nguy đều là tích âm đức. Không cầu công danh, không xưng mình là người thiện, không tung hô người lại càng là âm đức.

Từ việc lớn như thấy người gặp nguy nan dũng cảm ứng cứu, đến việc nhỏ như tiện tay nhặt rác trên đường giúp người không trượt ngã cũng là âm đức. Âm đức có thể thấy trong những việc nhỏ không đáng kể đến trong cuộc sống. Thậm chí âm đức còn thể hiện trong cử chỉ tưởng chừng như đơn giản như: Luôn mỉm cười với mọi người, giúp kẻ phiền lòng giải mối phiền ngàn thu, chuyên tâm với công việc của mình khiến lãnh đạo yên lòng, đồng nghiệp mãn nguyện.

Dưới đây là 5 việc làm tích âm đức mà bất cứ ai cũng nên ghi nhớ để thực hiện. Dù chỉ làm được một điều cũng chứng minh bạn là người có phúc. Đương nhiên, làm được càng nhiều thì phúc báo của bạn lại càng sâu dày!

  1. Việc làm tích âm đức thứ nhất: Năng kết thiện duyên

“Duyên” chính là quan hệ giữa người với người. Thiện duyên tức là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh. Điều này lợi cho mình mà cũng ích cho cả người.

Cho dù có thích hay không, chúng sanh trên đời đều cần phải kết thiện duyên, tránh xa ác duyên, đây cũng là một trong những phương thức tích phúc báo tốt nhất.

Vậy vì sao kết thiện duyên lại là việc làm tích âm đức quan trọng?

Phật gia cho rằng, thiện duyên giống như một chuyến đò ngang của sinh mệnh, chỉ có những người năng kết thiện duyên rộng rãi thì mới có thể ngồi trên chuyến đò hướng đến tương lai tốt đẹp đó.

Một người bình thường sẽ rất vất vả và cũng phải trải qua trăm ngàn khó khăn mới có thể đạt được mục tiêu của đời mình, nhưng người năng kết thiện duyên thì có thể đạt được dễ dàng hơn.

Một người bình thường khó tránh được tai họa, nhưng người năng kết thiện duyên lại có thể gặp họa mà hóa lành. Cuộc sống khó ngờ ác duyên là thiện duyên.

Trong Phật gia có một câu chuyện kể rằng: Một lần Phật Thích Ca Mâu Ni dẫn dắt các đồ đệ đi truyền pháp và hóa duyên.

Khi đến cạnh một con sông lớn, ngài hỏi các đồ đệ của mình rằng: “Có một khối đá tảng rộng ba thước vuông, đặt ở trên nước mà không bị chìm, trái lại còn có thể đi qua sông. Tảng đá ấy cũng không bị ướt. Các con có thể nói cho ta biết, rốt cuộc nguyên nhân là vì sao không?”

Các đệ tử trầm tư suy nghĩ, không ai nói ra được đạo lý trong đó. Cuối cùng, họ không còn cách nào đành thỉnh giáo Phật Thích Ca Mâu Ni.

Phật Thích Ca Mâu Ni trả lời: “Đạo lý này rất đơn giản. Đó là do tảng đá ấy có thiện duyên. Thiện duyên của tảng đá là gì? Chính là chiếc đò. Tảng đá đặt trên đò mà xuôi qua sông, nên bản thân nó không tự nhiên bị chìm xuống, cũng không bị ẩm ướt

Con người trên thế gian cũng là như thế, chỉ có gặp được thiện duyên mới có thể có được lợi ích, có được điều tốt đẹp, mới có thể làm thành việc tốt, mới có thể trở thành người tốt!

Nếu không thì chỉ có thể làm chuyện xấu, trở thành ác nhân. Cho nên, con người sống trên đời, nên lựa chọn cho mình một người thầy tốt, kết giao một số bạn bè tốt, đây cũng chính là thiện duyên của con người.”

Mỗi một ý niệm đều dẫn đến nhân quả báo ứng, là tốt là xấu tùy thuộc vào hành động và tu hành của mỗi người.

Càng nhiều ý niệm, ngôn ngữ hay hành động thiện lành thì càng nhiều âm đức được tích góp lại. Đồng thời, bạn cũng sẽ góp nhặt được càng nhiều thiện duyên.

Một người biết cách đối nhân xử thế, biết cách xây dựng các mối quan hệ xã giao tốt đẹp thì cuộc sống và công việc của người đó càng thêm thuận lợi, suôn sẻ như ý. Cuộc đời của người đó tự nhiên cũng ngập tràn may mắn.

âm đức là gì ? cả đời không lo thiếu thốn nếu có được âm đức

  1. Việc làm tích âm đức thứ hai: Tin vào nhân quả

Chư Phật Bồ Tát xuất hiện ở thế gian thuần thiện vô ác nhưng vẫn không thể rời khỏi chân lý của luật nhân – quả.

Cho nên, Phật Pháp mới có câu: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”.

Trước hết cần phải nói rằng, hiện tại có rất nhiều người học Phật hiểu lầm chữ “không”. Chữ “không” trong đạo Phật khác hẳn so với chữ “không” ở ngoài đời.

Chữ “không” ở ngoài đời có nghĩa là không có. Còn chữ “không” trong đạo Phật không có nghĩa như vậy, mà là nói ở ngay nơi sự vật đang hiện hữu vốn không có bản chất thật sự, chỉ do nhiều thứ kết hợp lại với nhau mà tạo thành.

Vạn vật vốn không có thật, nhưng chúng ta chấp là thật có, cho nên đức Phật đã nói “không” để phá cái tâm chấp có, chấp thật đó.

“Nhân quả bất không” – Nhân quả vì sao bất không?

Trong quá trình chuyển biến, nhân biến thành quả, quả lại biến thành nhân; nhân quả vĩnh viễn tuần hoàn, vĩnh viễn luân chuyển. Đó chính là nhân quả bất không.

Những nghiệp nhân quả báo, kiết hung, họa phước trên đời cũng luôn tuần hoàn, tiếp nối không dừng.

Mỗi một người tạo nghiệp là “nhân”, chịu báo ứng là “quả”. Khi chịu báo ứng, người đó lại tiếp tục tạo nghiệp, vĩnh viễn luân chuyển, vĩnh viễn tuần hoàn.

Phật gia dạy rằng: Chúng ta đều phải tu thiện tích đức, cố gắng kiểm soát bản thân để không sinh ra ác niệm, càng không nên làm tổn thương người khác, không vi phạm luân thường đạo lý.

Còn nếu như tạo ác quả, báo ứng sẽ giáng xuống không thể tránh khỏi, kéo dài từ đời này qua đời khác.

Quả báo thông cả ba đời: có hiện đời, nhân thiện – ác trong đời này đã tạo thì ngay trong đời này có được quả thiện – ác báo ứng, đây gọi là hiện báo.

Cũng có những nghiệp thiện – ác trong đời này chúng ta đã làm, ngay trong đời này không có quả báo mà quả báo lại đến trong đời sau kiếp sau, việc này trong Phật pháp gọi là sanh báo. Bạn trong đời sau sẽ gặp cái quả báo này.

Còn có một loại những nghiệp thiện – ác trong đời này đã làm, đến đời sau cũng chưa có quả báo mà phải đợi đến đời thứ ba, hoặc đời thứ tư, hoặc giả là đến ngàn vạn kiếp sau, hoặc giả là vô lượng kiếp sau gặp được duyên thì quả báo này mới hiện hành, đây đều gọi là hậu báo.

Nhân – quả thông cả ba đời, tạo tác nhân nghiệp thì nhất định có quả báo. Nếu như nói tạo tác nhân nghiệp mà không có quả báo vậy thì trên lý nói không thông mà trên sự cũng nói không thông, nhất định sẽ có quả báo.

Do đó khởi tâm động niệm của chúng ta lời nói việc làm không thể không cẩn trọng.

Trong kinh thường nói “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ Tát là người giác ngộ, họ lo sợ chính mình tương lai chịu ác báo cho nên họ đoạn cái nhân ác trước, quyết định không tạo cái nhân ác, do vậy mà tội chướng của họ bị tiêu diệt, công đức mới có thể được viên mãn, mới có thể tu hành thành Phật quả.

Còn chúng sanh phàm phu thì thường hay tạo nhân ác nhưng lại mong muốn không gặp ác báo. Phật nói cái tâm trạng này cũng giống như ở dưới ánh mặt trời mà muốn vứt đi cái bóng của chính mình vậy, tốn công vô ích, là việc không thể được.

  1. Việc làm tích âm đức thứ ba: Hiếu kính cha mẹ

Cổ ngữ nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, nghĩa là trong trăm cái thiện thì hiếu kính cha mẹ là đứng đầu.

Hành thiện tích đức, trước hết là phải biết hiếu kính cha mẹ. Cha mẹ được ví là phúc điền lớn nhất trên thế gian. Hiếu kính với cha mẹ là đạo lý hiển nhiên của người con. Đó không chỉ là bổn phận mà còn là cách bồi đắp phúc báo của chính bản thân mình.

Phật gia có dạy: Nếu có thể hiếu kính cha mẹ, làm cha mẹ vui lòng, phúc đức là vô tận.

Hiếu thuận cha mẹ chính là hành động tích âm đức tốt nhất trên đời. Một người làm được việc làm tích âm đức thứ ba này sẽ đạt được 4 loại phúc báo: Là người đường hoàng, sung túc giàu có, tam an vô bệnh, trường thọ an khang.

Có thể tưởng tượng một cách đơn giản hơn: Một người sinh ra và lớn lên trong một gia đình hòa thuận hạnh phúc, tâm trạng mỗi ngày đều vui vẻ thoải mái.

Tâm thái cũng vì vậy mà khoan hậu hiền hòa, đối nhân xử sự cũng sẽ khéo léo, không câu nệ toan tính. Phúc báo tự nhiên cũng đến cuồn cuộn không ngừng.

Bậc làm cha mẹ nên trở thành tấm gương sáng cho con cái, thân là con thì phải coi việc hiếu kính cha mẹ là nghĩa vụ và trách nhiệm hàng đầu. Đây chính là một trong những việc làm tích âm đức trực tiếp nhất mà ai cũng nên ghi nhớ.

  1. Việc làm tích âm đức thứ tư: Năng bố thí

Phật gia dạy rằng: bạn bố thí đi cái gì thì sẽ nhận lại thứ đó. Bố thí cũng giống như gieo trồng hạt giống, bố thí càng nhiều thì thu hoạch càng bội thu.

Cần phải hiểu rằng, bố thí ở đây không chỉ là hành động quyên tặng, dâng cúng cho các thầy sư trong chùa miếu, mà bao gồm rất nhiều phương diện.

Bố thí tài thì nhận về phúc báo, bố thí pháp thì thu về trí tuệ. Tu nhân tích đức, làm việc thiện, trời không phụ lòng.

Mỗi ngày, thêm một nụ cười, thêm một câu tán thưởng, thêm một lần nhường nhịn, thêm một hành động giúp đỡ… đó đều là hành động bố thí. Bố thí thực ra chính là đang tu phúc và tu trí tuệ.

Tâm thái của bạn ra sao sẽ quyết định cách bạn nhìn thế giới. Khi bạn giang hai cánh tay, thế giới cũng sẽ ôm lấy bạn.

Nụ cười của bạn sẽ đổi lấy nụ cười của người khác, câu tán thưởng của bạn sẽ đổi lấy hảo cảm từ người khác, hành động giúp đỡ của bạn đối lấy lời cảm ơn.

Trong quá trình truyền đi tình yêu và sự ấm áp, bạn bất giác đã tự tích âm đức cho chính mình.

Hơn nữa, thường xuyên hành thiện, gia đình của bạn cũng sẽ êm ấm, sự nghiệp thông thuận, mọi chuyện cát lành, đó chẳng phải là một cách tích âm đức hiệu quả đó sao?

  1. Việc làm tích âm đức thứ năm: Tu thân dưỡng tính

Phật gia có ngũ giới (5 điều ngăn cấm) bao gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đây là những điều cơ bản làm người, cũng là những việc làm tích âm đức rất hiệu quả.

Sở dĩ đức Phật đặt ra năm giới, vì Ngài mong muốn cho người Phật tử tại gia hưởng được quả báo tốt đẹp.

Không sát sinh để nhận phúc báo trường thọ; không trộm cáp để nhận phúc báo đại phú đại quý; không tà dâm để bảo vệ sự công bình, bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người; không nói dối để nhận lại sự tôn kính của mọi người; không uống rượu để luôn giữ được sự minh mẫn và thông tuệ.

Cho nên tu ngũ thiện (5 điều thiện) thì mới có thể được phúc báo, trường thọ, an khang, giàu có, gia đình và sự nghiệp viên mãn.

Nếu trong năm dài tháng rộng của cuộc đời, bạn có thể dùng ngũ giới để tu thân, tương lai chắc chắn sẽ nhận lại quả ngọt xứng đáng.

Khi hành thiện tích đức đủ nhiều, quả báo cũng tăng lên theo đó. Bởi vì tích đủ thiện mới có thể biến thành âm đức phúc báo che chở cho con cháu nhiều đời sau.

  1. Việc làm tích âm đức thứ sáu : Tu khẩu

Cổ nhân từng nói: “Miệng có thể thốt ra đa được những lời ngọc ngà, đẹp đẽ, nhưng cũng có thể thốt ra được lời độc địa”. Tu dưỡng “khẩu đức” chính là đem lại vận may cho mình. Khẩu đức quyết định vận mệnh, vận mệnh tốt con đường bước đi mới bằng phẳng, đạt được nhiều thành tựu

Khẩu nghiệp được hiểu như là một loại nghiệp chướng, bắt nguồn từ những lời nói của chính chúng ta. Theo như trong đạo phật thì khẩu nghiệp là một trong 4 nghiệp nặng nhất. Lời nói một khi nói ra thì sẽ không thể thu lại, giống như một bát nước đã hất đi thì sẽ không thể lấy lại được.

Khẩu có 4 nghiệp:

Một là nói dối.

Hai là : nói hai lưỡi, hai lưỡi là nói đâm thọc, kích bác người này, kích bác người kia để cho họ mâu thuẫn nhau.

Thứ ba là nói lời thêu dệt, có ít mình xuýt ra nhiều, dệt gấm thêu hoa, tô đắp sự việc lên, nó không đúng sự thật.

Và thứ tư là nói lời ác khẩu, gọi là nói lời ác độc, nguyền rủa, nói những lời cay nghiệt.

Tất cả những điều này nếu chỉ làm lại ảnh hưởng dù là nhỏ nhất cho người khác cũng ắt sẽ mang khẩu nghiệp nặng nề. Đấy cũng chính là nghiệp của miệng.

Nói mà không biết suy nghĩ, lời nói độc địa thốt ra, vừa hại mình lại hại người, chắc chắn vận khí sẽ ngày càng xấu đi, điều không may sẽ ập tới. Hãy học cách loại bỏ những thói quen nói xấu, tu dưỡng, tích lũy những thói quen tốt để vận mệnh của bạn tốt đẹp hơn. Đây là những kiểu lời nói con người không nên sử dụng để tránh khẩu nghiệp.

Nói nhiều

Người xưa có câu: “Họa từ miệng mà ra, phúc cũng từ miệng mà ra”. Khi không cần thiết thì không nên nói quá nhiều.

Lời nói dễ dãi

Lời nói không thể nói ra một cách dễ dãi, nếu nói rồi mà muốn thay đổi thì thà không nói còn hơn. Hứa hẹn không thể tùy tiện đáp ứng, nếu nói ra mà không giữ lời thì tốt nhất đừng hứa hẹn.

Gặp chuyện đừng tùy tiện phát ngôn, điều đó dễ mang đến cho bạn những phiền phức, cũng đừng dễ dàng nhận lời hay hứa hẹn với người khác, vì nếu không đáp ứng được sẽ mất chữ tín.

Lời nói ngông cuồng

Lời nói gây tổn thương, còn tệ hơn là giết người. Chân tướng của điều này, rất ít người hiểu rõ! Tâm tốt nhưng nếu luôn nói lời không tốt, thì vinh hoa phú quý cũng sẽ mất dần.

Đừng nên không biết trên dưới, nói năng hồ đồ bởi nó sẽ khiến bạn phải hối hận. Sợn Âm tiên sinh thời Thanh từng nói: “Làm người khi hành sự đừng nên ngông cuồng, phúc họa là do mình tự chịu”. Ngông cuồng hay khiêm tốn đều có liên quan trực tiếp đến họa – phúc của một người. Lời nói có ảnh hưởng trực tiếp đến đối phương trong cuộc đối thoại, vì vậy đừng phát ngôn ngông cuồng bởi nó dễ gây chú ý, rất dễ gây sự căm ghét, phẫn nộ, dễ gây họa lớn.

Lời đoạn tuyệt

Lời nói cần hàm súc, đừng nói mà không chừa đường lui cho mình. Biết hết cũng không cần nói hết, như vậy vừa cho người khác cơ hội thể hiện, cũng vừa tích chút khẩu đức cho bản thân. Phê bình người khác không cần nặng nề quá, khắt khe quá, cần khoan dung, độ lượng, như thế cũng chính là để lại đường lui và tích khẩu đức cho mình.

Lời nói độc địa

“Đao cắt dễ lành, ác ngôn khó phai”. Đừng nói những lời độc địa, ác độc làm tổn thương người khác. Lời nói giết chết con tim, lời độc địa nói ra ảnh hưởng đến người khác còn đau đớn hơn vạn lần vết thương thể xác.

Lời nói bịa đặt

Bịa đặt chính là những lời chê bai, ghen tị với người khác, nói xấu người khác gây li gián, nghi ngờ. Người xưa cho rằng kẻ hay nói lời bịa đặt chính là kẻ tiểu nhân.

Triết học gia Vương Sung thời Đông Hán từng nói: “Sàm ngôn thương thiện, thanh dăng ô bạch” (Không nên nói xấu sau lưng người khác bởi nó sẽ sẽ khiến thiên hạ không yên).

Lời nói tức giận, phẫn nộ

Khi tức giận, tốt nhất đừng nên nói gì cả, vì lời lẽ thốt ra lúc này thường không được suy nghĩ kỹ càng, nghĩ gì nói nấy, dễ gây mất lòng, làm tổn thương người khác và chính bản thân mình.

  1. Việc làm tích âm đức thứ bảy : Hạn chế sát sinh

Sát sinh là tội ác lớn nhất trên đời, bởi mọi sinh vật đều có quyền được sống, được tồn tại, phát triển, sinh sôi. Ta chặn quyền sống của sinh vật, cũng chính là đang gây điều ác. Nếu hạn chế được sát sinh, tức là ta đang tích đức cho mình.

Trong mười nghiệp lành, chỉ tu một nghiệp không sát sinh mà kết quả đã thù thắng như vậy, huống chi là người tu tập mười thiện nghiệp thì quả báo là bất khả tư nghì. Do vậy mà “chớ nên hại vật sát sinh, tu nhân tích đức mới thành thanh cao”.

Sát sinh không phải là một hành động bình thường của một con người lương thiện. Với đạo Phật luôn xem trọng sinh mạng của chúng sinh là bình đẳng kể cả người hay vật thì góc độ của sát sanh thật tàn nhẫn. Mỗi chúng ta, những loài hữu tình có cảm xúc và cảm giác đều ham sống sợ chết, sợ đau sợ khổ thì với những loại vật cũng vậy, chúng cũng có cảm giác sợ hãi, đau đớn và sân hận khi bị cướp đoạt mạng sống. Thế nhưng nhu cầu ăn uống, ham ăn ngon, ăn lạ đã che lắp trí tuệ, khiến chúng ta trở nên tàn nhẫn.

Sát sinh và những hậu quả sát sinh Đức Phật đã đưa tội sát sanh vào giới cấm thứ nhất trong ngũ giới, nghĩa là Ngài đã thấy hậu quả không lường của việc sát sinh hại vật. Và ngày nay cũng thế, các giới khoa học chứng minh về tác hại sức khỏe của việc ăn thịt động vật cũng như ô nhiễm môi trường từ các lò mổ thải ra.

Xưa nay người ta vẫn coi việc giết hại sinh linh – đặc biệt là giết hại những súc vật lớn là điều tối kỵ. Phật gia có giảng: “Vạn vật hữu linh”, còn trong dân gian lại có câu: “Sinh nghề tử nghiệp”, có người nói chữ “nghiệp” ở đây không chỉ có hàm ý biểu thị nghề nghiệp mà còn có hàm ý là chỉ nghiệp lực (ác nghiệp) mà họ gây ra trong chính cái nghề mà mình đang làm, xem ra cũng không phải là không có lý!

  1. Việc làm tích âm đức thứ ám: Hóa giải hận thù

“Nhân vô thập toàn” là câu nói để nói về bản tính của con người. Bên trong mỗi một người đều chất chứa ít hay nhiều sự ghen ghét, đố kỵ, kiêu căng hoặc thậm chí là hận thù. Đó như liều thuốc độc tàn phá con người về thể chất lẫn tinh thần. Do sự ganh ghét, ích kỷ, con người đã gây nên mối oán hận lớn, với ác tâm đó, họ phải trải qua nhiều kiếp gây thù kết oán. Hạnh phúc sẽ đến khi người ta tỉnh ngộ, vì họ đã dừng lại những việc làm sai quấy, xấu ác, biết lấy tình thương để hóa giải hận thù.

Hận thù là một thứ tâm sở phiền não rất nguy hiểm. Nó luôn ôm ấp những gì xảy ra gây cho nó không vừa ý. Từ đó nó cứ nuôi mãi và theo thời gian càng ngày hận thù càng tăng trưởng, đến một lúc nào đó, thời cơ chín mùi, thì nó sẽ hiện hành ngay.

Chỉ có tình thương, lòng từ bi mới có thể chấm dứt hận thù một cách vĩnh viễn. Đây là quy luật của muôn đời, nó không chỉ có giá trị trong hiện tại mà mãi mãi về sau. Để tháo gỡ lòng hận thù, và không gieo rắc khổ đau cho người khác, ta nên chuyển suy nghĩ tiêu cực sang tinh thần khoan dung, rộng mở. Có như thế ta mới bước vào và mở rộng bầu không gian an lạc vô cùng tận.

Trong xã hội này không ai đáng thương và không ai đáng ghét cả. Thiện ác trong mỗi người là tương đối, vì vậy, dùng tâm yêu thương là cách nhanh nhất để hóa giải hận thù, thu hẹp khoảng cách giữa người với người. Nếu trong cuộc đời này ta đem trái tim yêu thương với ngay cả người thù ghét mình thì người đó không thể thù ghét mãi ta được.

Không ai trên cuộc đời này muốn oán ghét nhau. Bởi vì, mỗi ngày sống trong sự ganh đua, uất hận, là những ngày rất mệt mỏi và đáng thương. Thế nhưng, làm thế nào để tháo gỡ nó lại không phải là một việc dễ dàng. Điều đó cần một quyết tâm và một quá trình tu tập bền bỉ.

Mỗi ngày, mỗi ngày nhắc mình nhớ cuộc đời là vô thường, để yêu thương lan tỏa khắp muôn nơi, để tâm ta nhẹ nhàng, thảnh thơi, ung dung dạo bước trên đường đời, để cõi Ta Bà này chính là tịnh độ trần gian.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News