Sức Khoẻ

Bạch quả trong điều trị rối loạn tuần hoàn

SKĐS- Bạch quả (tên khoa học là Ginkgo biloba) là một cây thuốc quý. Bộ phận dùng làm thuốc là lá và quả được dùng điều trị suy giảm trí nhớ, rối loạn tập trung, trầm cảm, chóng mặt, ù tai, nhức đầu.

1.Đặc điểm của cây bạch quả

Bạch quả là cây to, cao 20-30m, tán lá sum suê. Thân hình trụ, phân cành nhiều, gần như mọc vòng. Lá mọc so le, thường tụ ở một mấu, hình quạt, gốc thuôn nhọn, đầu hình cung, lõm giữa chia phiến thành hai thùy rộng, hai mặt nhẵn. Gân lá rất sít nhau, tỏa từ gốc lá thành hình quạt, cuống lá dài hơn phiến. Hoa đơn tính khác gốc; hoa đực và hoa cái đều mọc ở kẽ lá, có cuống dài. Quả hạch hình trứng, thịt màu vàng.

Bạch quả là một loại cây bản địa tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã được trồng ở châu Âu từ khoảng năm 1730 và ở Hoa Kỳ kể từ khoảng năm 1784. Từ năm 1995, Việt Nam đã nhập hạt bạch quả từ Nhật Bản và Pháp về trồng ở Sapa (Lào Cai), nhưng cây sinh trưởng chậm.

Hạt bạch quả sống có độc cần qua chế biến. Riêng với lá khô bạch quả có thể được sử dụng để pha trà. Các chuyên gia phát hiện chiết xuất từ lá bạch quả có chứa hàm lượng flavonoid và terpenoid cao, có khả năng tăng cường lưu thông máu, kích thích hoạt động của não bộ, được đưa bổ sung vào các sản phẩm cải thiện trí nhớ, tăng cường máu lên não,…Nhờ đó, bạch quả thường được sử dụng để điều trị các bệnh như thiểu năng tuần hoàn não, thoái hóa điểm vàng, hội chứng tiền đình, ù tai, trầm cảm, lo âu, căng thẳng,…

2.Tác dụng dược lý của bạch quả

2.1.Tác dụng với người bị thiểu năng tuần hoàn não

Cao lá bạch quả qua thực nghiệm cho thấy có tác dụng bảo vệ chuột cống trắng chống lại bệnh thiếu máu cục bộ não. Tiêm truyền tĩnh mạch cao bạch quả giúp ngăn cản sự phát triển nhồi máu não (khi tiêm mảnh vỡ cục đông máu của nó vào động mạch cảnh gốc). Ngoài ra, còn có tác dụng tốt trên nhồi máu não cấp tính hoặc thiếu máu cục bộ não do nghẽn mạch. Trong điều kiện giảm lượng oxy từ không khí thở vào, động vật điều trị với cao bạch quả sẽ sống sót lâu hơn so với nhóm đối chứng, không những do tác dụng tăng lưu lượng tuần hoàn não, mà còn do làm tăng nồng độ glucose và adenosin triphosphat trong máu.

Cao lá bạch quả tiêm truyền tĩnh mạch còn làm tăng đường kính tiểu động mạch ở mèo, làm giảm sử dụng glucose bởi não. Nó có hiệu quả điều trị phù não gây ra bởi các chất độc hại thần kinh hoặc do chấn thương. Trong nhồi máu não gây ra bởi natri arachidonat ở chuột cống trắng, cao bạch quả dạng uống hoặc tiêm dưới da có tác dụng ức chế một phần sự tăng nước, natri và calci, đồng thời ức chế tình trạng giảm kali trong não. Cho chuột nhắt trắng uống cao bạch quả trong 4-8 tuần giúp tăng trí nhớ và nhận thức trong thí nghiệm phản xạ có điều kiện.

bạch quả trong điều trị rối loạn tuần hoàn

Cây bạch quả ( Ginkgo biloba)

2.2 Tác dụng trên tiền đình và thính giác

Cao lá bạch quả làm giảm thương tổn ốc tai ở chuột lang và có tác dụng tốt trên độ thấm mao mạch và vi tuần hoàn chung. Cải thiện chức năng về tiền đình và thính giác trên động vật gây thương tổn thực nghiệm.

2.3 Tác dụng đối kháng với yếu tố hoạt hóa tiểu cầu (PAF)

Các hợp chất ginkgolid của cao lá bạch quả, đặc biệt ginkgolid B là chất đối kháng của PAF. Ginkgolid B có tác dụng ức chế mạnh sự giảm lượng tiểu cầu và co thắt phế quản gây bởi PAF.

3.Tác dụng điều trị của bạch quả

3.1 Não suy

Là tập hợp các triệu chứng của tình trạng sa sút trí tuệ. Trong sa sút trí tuệ thoái hóa, có sự mất tế bào thần kinh và suy giảm dẫn truyền thần kinh, tình trạng giảm chức năng trí tuệ kết hợp với rối loạn về cung cấp oxy và glucose. Trên lâm sàng, bạch quả có tác dụng điều trị não suy, gồm suy giảm sự tập trung và trí nhớ, lú lẫn, mất nghị lực, mệt mỏi, giảm vận động thể lực, tâm trạng trầm cảm, lo âu, chóng mặt, ù tai và nhức đầu.

Bạch quả có nhiều cơ chế tác dụng như tác dụng điều hòa trên mạch máu, làm tăng lưu lượng máu, tác dụng về lưu biến máu, làm giảm độ nhớt của máu, tăng dung nạp đối với sự thiếu oxy ở mô, cải thiện rối loạn dẫn truyền thần kinh và dự phòng sự thương tổn màng do gốc tự do.

bạch quả trong điều trị rối loạn tuần hoàn

Lá bạch quả cải thiện trí nhớ, tăng cường máu lên não.

3.2 Bệnh tắc động mạch ngoại biên

Cao lá bạch quả có tác dụng điều trị bệnh tập tễnh cách hồi do tắc động mạch ngoại biên, làm tăng khoảng cách đi được và giảm đau. Có tác dụng điều trị bệnh tắc động mạch ngoại biên.

3.3 Chóng mặt và ù tai

Cao bạch quả được dùng điều trị những rối loạn ở tai trong như điếc, chóng mặt và ù tai. Kết quả điều trị tốt đối với hội chứng chóng mặt mới mắc phải và không rõ rệt với triệu chứng ù tai.

4.Công dụng và liều dùng

Cao bạch quả được dùng để điều trị triệu chứng trong thiểu năng tuần hoàn não nhẹ và vừa (hội chứng sa sút trí tuệ trong sa sút trí tuệ) thoái hóa tiên phát, sa sút trí tuệ do tuần hoàn và kết hợp hai dạng với những triệu chứng: Suy giảm trí nhớ, rối loạn tập trung, tâm trạng trầm cảm, chóng mặt, ù tai và nhức đầu. Còn được dùng để làm tăng quãng đường đi không đau ở người có tắc động mạch ngoại biên, như tập tễnh cách hồi, bệnh Raynaud, xanh tím đầu chi và hội chứng sau viêm tĩnh mạch. Ðiều trị bệnh ở tai trong như ù tai và chóng mặt do nguyên nhân mạch máu hoặc thoái hóa.

Liều dùng:

Cao khô từ lá khô bạch quả – ngày dùng 120-240mg, chia 3 lần.

Cao lỏng: Mỗi lần 0,5ml, ngày dùng 3 lần.

Mời bạn xem thêm video

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News