Phật học

Bài học cuộc sống: Điều gì ta xem trọng nhất trong đời?

Một người phụ nữ bất hạnh tìm đến lão Thiền sư mong được Ngài chỉ dạy cho bí quyết nhân sinh hạnh phúc. Thiền sư hỏi: “Xin hỏi đạo hữu, điều mà đạo hữu đang xem trọng nhất là gì?”.

bài học cuộc sống, lời phật dạy, bài học cuộc sống: điều gì ta xem trọng nhất trong đời?

Ngẫm lại, điều gì ta xem trọng nhất trong đời. Một người phụ nữ bất hạnh tìm đến lão Thiền sư nơi thâm sơn mong được Ngài chỉ dạy cho bí quyết nhân sinh hạnh phúc. Lão thiền sư trang nghiêm trong tư thế kiết già, khung cảnh tĩnh lặng chỉ còn nghe tiếng suối chảy róc rách và tiếng lá khô xào xạc.

Thiền sư hỏi:

“Xin hỏi đạo hữu, điều mà đạo hữu đang xem trọng nhất là gì?”.

Người phụ nữ chau mày suy nghĩ, rồi chắp tay đáp:

“Bạch thiền sư, con u mê không hiểu Ngài đang muốn hỏi điều gì”.

Thiền sư mỉm cười, ôn tồn giảng giải:

“Ta hỏi đạo hữu về điều mà đạo hữu đang xem trọng nhất, vì điều đó quyết định đạo hữu có được hạnh phúc của kiếp nhân sinh hay không.

– Người xem trọng danh tiếng, thể diện, sĩ diện của bản thân, thì sẽ bực tức, oán hận khi có ai đó hạ nhục, coi thường mình.

– Người xem trọng gia tài, lợi lộc, thì khi bị mất mát tiền của sẽ đau như cắt từng khúc ruột, tranh đấu mãi khiến thân thể hao mòn.

– Người xem trọng sắc đẹp, thì ắt sinh lo buồn ủ rũ khi nhan sắc tàn phai theo năm tháng.

– Người xem trọng tình cảm nam nữ, thì không tránh khỏi thất tình khi bị hờ hững, phản bội.

– Người xem trọng và sống hệ lụy tình cảm thân quyến, thì như ngọn cỏ trước gió, hễ người thân gặp phải chuyện gì thì chính mình cũng không gượng dậy được. Không biết là, đạo hữu xem trọng nhất điều gì trong số đó đây?”.

Người phụ nữ như bừng tỉnh ngộ. Cô nhận ra mình đang xem trọng và ôm giữ tất cả những điều thiền sư vừa nói. Thì ra, những cái ấy chính là nguyên nhân cho nỗi bất an đeo đẳng suốt cuộc đời cô.

“Bạch thiền sư, cảm tạ ngài khai thị.

Vậy con phải xem trọng nhất điều gì thì mới có hạnh phúc của nhân sinh đây?”

Thiền sư mỉm cười, nhẹ nhàng đáp:

”Con ta, tài sản ta Nghĩ thế, người ngu khổ Chính ta còn chẳng có
Con đâu! Tài sản đâu!!”

(Kinh Pháp Cú 62)

“Thứ duy nhất mà Đạo hữu nên bảo vệ trên đời này chính là đời sống tâm linh và đạo đức. Người có đời sống tâm linh đạo đức thì không hốt hoảng khi mất tiền của, vì tiền của xét cho cùng chỉ là phương tiện, mà phương tiện thì có thể dễ dàng tìm lại đươc, và dẫu có mất đi không hao tổn đến đức hạnh của anh ta.

Người đó cũng không bực tức khi bị sỉ nhục, không thất vọng khi bị lạnh nhạt, không bất an khi gia đình có chuyện chẳng hay, không lo buồn theo năm tháng, vì anh ta hiểu rõ rằng.. sỉ nhục, lạnh nhạt, hoạn nạn và tuổi già.. là những thứ nằm ngoài sự kiêm soát của anh ta, dù chúng có xảy ra cũng không động đến được đời sống tâm linh và đạo đức của anh ta.

Anh ta sẽ chấp nhận tất cả những thăng trầm thịnh suy của đời sống, vì bản chất của thế giới hiện tượng xưa nay vốn là như thế, anh ta sẽ cảm ơn khi bị người bôi nhọ, vì đó là cơ hội tốt để tu dưỡng đức hạnh. Một người sống bình an giữa những biến động, được mất, vô thường, như vậy chẳng phải người có một nội tâm vững chãi và hạnh phúc hay sao?

Hạnh phúc là khi biết Đạo rồi Đôi bàn tay đã biết buông lơi. Tám ngọn gió trần thôi vướng bận
Mặc nắng, mưa.. qua giữa cuộc đời..

bài học cuộc sống, lời phật dạy, bài học cuộc sống: điều gì ta xem trọng nhất trong đời?

Sống bình an và hạnh phúc theo tinh thần Phật giáo

Bình an và hạnh phúc là hai phạm trù cơ bản trong cuộc sống mà con người luôn mong ước đạt được đầy đủ và trọn vẹn nhất, để cuộc sống thêm thăng hoa mang niềm tin và nhựa sống trong suốt chặng đường nhân sinh đầy biến động.

Tuy nhiên, do tham muốn, chấp thủ đã khiến tâm thức mỗi ngày một bất an và hạnh phúc dần rời xa. Chúng ta không vừa ý với nhiều mong ước hoặc tâm trĩu nặng vì những tranh đua, vui buồn của thế sự khiến thân tâm bị cuốn vào vòng luẩn quẩn cảnh trần vấn vương bao muộn phiền.

Trong tự điển Hán Nôm 平安: Bình an có nghĩa là bình yên, không có chuyện gì, không xảy ra hoạn nạn, không có gì nguy hiểm, trong lòng bình tĩnh an định.

Nhà văn Lỗ Tấn đã có câu nói: “Nhiên nhi ngã đích tâm ngận bình an: một hữu ái tăng, một hữu ai lạc, dã một hữu nhan sắc hòa thanh âm”. Tạm dịch: “Nhưng mà trong lòng tôi rất bình tĩnh an định, chẳng có yêu ghét, chẳng có buồn vui, cũng chẳng có màu sắc và âm thanh gì cả”. Tâm tĩnh lặng bình an với trạng thái uyên nguyên không bị xao động bởi những âm thanh, cảnh sắc bên ngoài chính ngay lúc đó là cảm giác bình an thật sự có mặt.

Hạnh phúc 幸福 là: hạnh phúc, sung sướng, vui sướng hay mong chờ những điều tốt lành đến với mình. Ngụy Nguyên có câu: “Bất hạnh phúc, tư vô họa; bất hoạn đắc, tư vô thất”, với ý nghĩa: “Không trông chờ những điều tốt lành thì có đâu tai họa; không bận lòng lấy được thì nào có gì mất”.

Điều này cho thấy, quá trình đi đến hạnh phúc là sự chấp nhận những khó khăn, thử thách. Hơn thế nữa, cần phải chấp nhận các giá trị đang thay đổi theo thời gian. Chính điều này sẽ là thách thức lớn với mỗi người, nếu con người đủ bản lĩnh cũng như trang bị bảo hộ kỹ năng chịu đựng thật tốt thì chìa khóa thành công được trao tay để mở ra cánh cửa hạnh phúc.

Bài học đầu tiên để đạt được hạnh phúc là sự kiên nhẫn và biết buông bỏ tất cả sẽ là năng lượng tích cực tạo tiền đề cho cuộc sống.

“Một chiếc lá rơi, rơi bất kỳ nơi đâu, cũng là quay về với đất mẹ. Một đóa hoa nở, nở bất kỳ nơi đâu, nơi đó cũng ngát hương thơm. Một con người sống ở bất kỳ nơi đâu, nơi đó luôn có sự sống. Tùy duyên thì tự tại, tâm an là chốn quay về. Ngày hôm qua càng lúc càng nhiều, còn ngày mai lại càng lúc càng ít.
Con đường đi qua đã dài hơn, đã gặp được nhiều người hơn,

Cũng là khi ta nhận ra phong cảnh đẹp nhất của cuộc đời chính là lúc nội tâm an nhiên tự tại, trí tuệ minh mẫn, tỉnh táo”.

Rèn luyện tâm là cách làm hiệu quả nhất mà Đức Phật dạy mỗi người cần phải thực tập trong cuộc sống hằng ngày, nhằm giúp vơi đi bao khổ đau đang vướng bận trong tâm thức về thể chất lẫn tinh thần, mọi người cần phải bình thản an nhiên.

Nếu cứ luôn đi tìm hạnh phúc nhưng con người chạy theo lối sống vị kỷ để thoả mãn chính mình và làm người khác khổ đau bằng sự bạo tàn, giết chóc và ức hiếp dựa trên quá trình đam mê dục vọng và chấp ngã với bản thân, theo tinh thần đạo Phật, điều này hoàn toàn không thích hợp trên bước đường mưu cầu bình an và hạnh phúc.

Đạo Phật đã xuất hiện trên thế gian, đi vào đời sống trong từng ngõ ngách tâm linh con người, chỉ với mục đích duy nhất là nhận chân bản chất của sự tồn tại và khổ đau. Đồng thời, Đức Phật đã dạy các phương thức nhận diện để loại bỏ chúng, nhằm đưa đến sự an lạc hay gọi theo ngôn ngữ thế gian là bình an và hạnh phúc khi nỗi khổ, niềm đau vắng mặt. Do đó sự xuất hiện của Đức Thế Tôn đã: “Đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”.

Trong quá trình đi tìm hạnh phúc, có hai phạm trù quan trọng đáp ứng trọn vẹn, đem đến sự bình an hạnh phúc, chính là hai phương diện về vật chất và tinh thần. Điều này đồng nghĩa với sự đáp ứng đầy đủ các giá trị về nhu yếu phẩm, chỗ ở và y phục.

Nếu quá trình này bị hạn chế, chắc chắn các giá trị bình an và hạnh phúc mỗi ngày vơi đi, bởi lẽ khi con người sống trong cảnh cơm áo gạo tiền bận rộn và chật vật mưu sinh để đáp ứng nhu cầu hằng ngày, thì sự lo lắng và bất an cho ba nhu cầu cơ bản ăn, mặc, ở ngày một tăng lên theo sự phát triển của cuộc sống. Nếu tất cả đều ổn định, đáp ứng được, thì trạng thái tinh thần sẽ ngày một thăng hoa, làm nền tảng tạo ra hạnh phúc.

Tâm của con người trong mỗi sát na đều khởi lên khác nhau với nhiều khuynh hướng, trong đó có thể là tâm thiện cũng có thể là bất thiện. Điều quan trọng, chúng ta cần phải gieo mầm cho mảnh đất tâm bằng những hạt giống thiện nhằm nuôi dưỡng và chuyển hoá loại bỏ các bất thiện tâm.

Do đó, Đức Phật dạy: “Ta quán sát thế gian, không có một pháp nào xoay chuyển mau chóng như tâm con người. Vì sao? Vì tâm con người đối với cảnh, xoay chuyển rất nhanh chóng. Thế gian, xuất thế gian, không gì có thể ví dụ. Các vị nên giữ tướng của tâm như vậy”.

Đạo Phật xem con người là trung tâm, là chủ thể, đó là tư tưởng rất tiến bộ. Xã hội tiến hóa hay thoái hóa là hoàn toàn do hoạt động con người, mà hoạt động con người lại do tâm trí con người làm chủ. “Tâm tạo tác, tâm làm chủ” do đó, muốn xây dựng xã hội, căn bản là phải xây dựng con người, muốn cải tạo xã hội, căn bản là cải tạo con người. Trong quá trình vấn đáp giữa Tỳ kheo Na-tiên và đức vua Mi-lan-đà có đàm luận về vấn đề giữa tâm con người có sự liên hệ với hơi thở trong cuộc sống:

“Đại vương có biết các loại hơi thở thường liên hệ với tâm con người như thế nào không?

– Quả thật chưa biết.

– Vậy thì đại vương hãy nghe đây. Người mà tâm địa nóng nảy, độc ác, xan tham, nhiều mê si thì hơi thở của họ thô tháo, dồn dập, đứt quảng, nặng nề. Còn người tâm an ổn, vắng lặng, thư thái, mát mẻ thì hơi thở nhẹ nhàng, điều hòa, diu và sâu. Đại vương có biết điều đó chăng?

– Thưa, có biết”.

Cho nên, Phật giáo đặt giáo dục chuyển hóa nội tâm con người lên hàng đầu. Bởi tâm con người nếu còn tham lam, ích kỷ, độc tài, thì xã hội loài người vẫn còn địa ngục. Ngược lại, nếu tâm ấy được đối trị, cải tạo, uốn nắn trở nên nhu nhuyến, làm cho trong sạch tham, sân, si, thì hoạt động con người trở nên sáng suốt, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp, cực lạc nhân gian.

Chung quy, giáo dục Phật giáo được xây dựng đầy đủ trên bốn đức tính: tâm đức, trí đức, hạnh đức và quả đức đây chính là nền tảng đem lại sự lợi lạc bình an và hạnh phúc cho con người.

Trích nguồn: Phatgiao.org.vn!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News