Răng Miệng

Cách phòng ngừa và xử lý khi bị mẻ răng

Bị té xe hay chấn thương khi chơi thể thao có thể gây ảnh hưởng tới men răng, làm răng bị mẻ. Mẻ răng tuy không nghiêm trọng nhưng có thể gây kích ứng cho lưỡi và nướu nếu bạn không điều trị kịp thời.

Men răng là một trong những bộ phận cứng nhất trong cơ thể nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng nếu gặp tác động quá mạnh. Khi gặp các tác động này, răng sẽ bị mẻ và biến dạng. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân gây nên hiện tượng này và cách xử lý nhé.

Vì sao răng bị mẻ?

Răng bị mẻ có thể do một số tác động bên ngoài như lực nhai mạnh, tai nạn khi chơi thể thao hay có thể do sức khỏe răng không tốt. Bạn hãy tham khảo những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến răng dễ mẻ dưới đây.

1. Nguyên nhân gây mẻ răng

Răng bị mẻ có rất nhiều lý do. Có một số lý do phổ biến như sau:

  • Gặp tai nạn xe cộ
  • Cắn vật cứng như đá hay kẹo
  • Mắc chứng nghiến răng khi ngủ
  • Không đeo dụng cụ bảo vệ răng khi chơi thể thao.

2. Yếu tố nguy cơ

cách phòng ngừa và xử lý khi bị mẻ răng

Những răng yếu thường sẽ dễ bị mẻ hơn. Vậy nên bạn hãy xử lý các nguyên nhân làm răng yếu sau để hạn chế tình trạng này:

  • Sâu răng:Sâu răng sẽ làm ảnh hưởng men răng. Những lỗ sâu răng lớn cũng làm răng yếu đi.
  • Thói quen nghiến răng: Nghiến răng sẽ khiến men răng ngày càng mòn và bị nứt.
  • Thực phẩm không lành mạnh: Ăn nhiều thực phẩm khiến miệng tiết axit như nước trái cây, bánh kẹo và nước ngọt sẽ gây ảnh hưởng tới men răng. Ngoài ra, đồ ngọt, nhiều đường cũng có thể làm tăng lượng vi khuẩn trong miệng và làm ảnh hưởng tới men răng.
  • Chứng trào ngược dạ dày thực quản và ợ nóng: Trào ngược dạ dày thực quản và ợ nóng sẽ khiến axit từ dạ dày trào ngược lên miệng và gây ảnh hưởng men răng.
  • Các chứng rối loạn ăn uống hay nghiện rượu: Các chứng này sẽ làm bạn dễ nôn, từ đó làm tăng lượng axit trong miệng.
  • Tuổi tác cao: Men răng sẽ yếu dần theo thời gian. Những ai trên 50 tuổi thường có men răng yếu hơn nên sẽ dễ bị mẻ răng hơn. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Endodontics cho biết trong số những người gặp phải tình trạng này thì có tới 2/3 đã trên 50.
  • Vị trí răng: Những răng ở hàm dưới sẽ có nguy cơ bị mẻ cao hơn.

Triệu chứng khi bị mẻ răng

Nếu chỗ mẻ quá nhỏ và ở các góc khuất trong miệng, bạn có thể sẽ không cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào. Ở những trường hợp khác, bạn có thể có những triệu chứng như:

  • Nướu quanh răng gặp vấn đề bị kích ứng.
  • Đau răng khi cắn
  • Răng nhạy cảm hoặc đau khi gặp nóng hoặc lạnh
  • Cảm giác khó chịu, kích ứng ở lưỡi khi bạn lướt lưỡi qua răng bị mẻ.

Các nha sĩ sẽ xem xét tình trạng răng miệng và hỏi bạn về các triệu chứng kể trên để chẩn đoán chứng mẻ răng.

Biến chứng khi bị mẻ răng

Nếu mẻ nứt răng ăn sâu xuống chân răng, bạn sẽ có nguy cơ bị viêm và phải rút tủy răng. Một số triệu chứng bị viêm nhiễm tủy có thể kể đến như:

  • Đau răng khi ăn
  • Sưng nướu răng
  • Răng đau khi gặp nóng và lạnh
  • Hơi thở có mùi hay miệng bị chua

Nếu răng bị mẻ thì bạn nên làm gì?

cách phòng ngừa và xử lý khi bị mẻ răng

Cách chữa mẻ răng thường sẽ phụ thuộc vào vị trí răng bị mẻ, độ lớn của chỗ mẻ và các triệu chứng bạn gặp phải. Đây không phải là một chứng cần chữa trị gấp nếu bạn không thấy khó khăn khi ăn và ngủ. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đi nha sĩ càng sớm càng tốt để tránh viêm tủy.

Đối với những chỗ mẻ nhỏ, bạn chỉ cần đến nha sĩ để đánh bóng răng. Những chỗ mẻ lớn hơn, nha sĩ sẽ cần thực hiện những cách chữa phức tạp hơn.

1. Hàn răng

Nếu bạn vẫn giữ được mảnh răng bị vỡ, bạn có thể mang đến nha sĩ để hàn ngay.

2. Trám răng

Nếu bạn không còn giữ được phần răng bị mẻ, hãy đến nha sĩ để trám răng. Nha sĩ sẽ dùng nhựa composite resin hay sứ để trám và phục hồi hình dạng của răng. Sau khi trám, bác sĩ sẽ dùng ánh sáng cực tím để làm cứng chỗ trám rồi lại tiếp tục chỉnh hình cho tới khi răng có được hình dạng mong muốn.

Răng trám có thể có tuổi thọ tới 10 năm.

3. Dán sứ veneer

Trước khi thực hiện dán sứ veneer, nha sĩ sẽ cạo bớt một phần rất nhỏ men răng để có không gian dán veneer.

Nha sĩ sẽ xem xét hình dáng răng của bạn để tạo miếng dán sứ thích hợp rồi giúp bạn dán vào răng. Miếng dán này rất bền nên có thể dùng được tới 15 năm.

4. Bọc răng

Tùy thuộc vào độ nặng của chỗ răng bị mẻ, nha sĩ sẽ tư vấn về quá trình bọc răng sứ cho bạn và lấy mẫu răng để làm bọc phù hợp. Các nha sĩ có thể sẽ gây tê cho bạn khi bắt đầu tiến hành quá trình.

Miếng bọc răng thường khá bền tới 15 năm nhưng có thể bị mòn nếu bạn nhai quá mạnh hay ăn đồ ăn có hại cho răng.

Chăm sóc răng bị mẻ tại nhà

Khi bị mẻ răng thì cách chữa tốt nhất là đến nha sĩ. Tuy nhiên, bạn cũng cần chăm sóc cho răng trước khi đến nha sĩ để giảm thiểu các tổn thương cho răng.

  • Nếu thấy đau, bạn có thể uống thuốc giảm đau paracetamol hoặc ibuprofen.
  • Bạn hãy dùng chỉ nha khoa lấy hết thức ăn thừa kẹt trong kẽ răng để tránh viêm nướu.
  • Bạn nên tránh dùng răng gặp vấn đề để nhai.
  • Bạn có thể bôi dầu đinh hương lên nướu để bớt đau.
  • Đeo dụng cụ bảo vệ răng nếu bạn muốn chơi thể thao. Bạn cũng cần đeo dụng cụ này khi đi ngủ nếu bạn có tật nghiến răng.

Bất kỳ tai nạn khi tham gia giao thông hay chơi thể thao đều có thể làm răng bị mẻ. Dù tình trạng này không nguy hiểm hay gây đau đớn nhiều nhưng bạn vẫn cần chữa trị để răng khỏe hơn. Bạn đừng sợ tới nha sĩ vì quy trình điều trị thường nhanh và ít đau. Hãy chọn các bệnh viện hoặc cơ sở nha khoa chất lượng, uy tín để điều trị hiệu quả hơn, bạn nhé.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News