Phật học

Cách tụng niệm và ý nghĩa của Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện

Trong Phật giáo, Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện là một bản kinh rất phổ biến được truyền tụng hàng ngày của các Phật tử, đặc biệt vào dịp lễ Vu lan rằm tháng bảy âm lịch. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về Kinh Địa Tạng, ý nghĩa cũng như cách tụng Kinh.

địa tạng vương bồ tát, kinh địa tạng, lời phật dạy, tâm linh bí ẩn, cách tụng niệm và ý nghĩa của kinh địa tạng bồ tát bổn nguyện

1. Địa Tạng hay Địa Tạng Vương Bồ Tát là ai?

Địa Tạng hay Địa Tạng Bồ Tát là một vị Phật trong Phật giáo. Theo Kinh điển Phật giáo lưu lại, Địa Tạng Bồ Tát là một Tì kheo đã phát lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời gian sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn cho đến khi Bồ tát Di Lặc hạ sinh, và nguyện không chứng đắc Phật quả nếu không làm cho địa ngục trống không. Ngài Địa Tạng Bồ Tát chính là vị Phật của tất cả chúng sinh nơi địa ngục hay được gọi là Giáo chủ cõi U Minh, phổ độ chúng sinh ở cõi U Minh tối tăm.

2. Sự tích Địa Tạng Vương Bồ Tát

Trong kinh Địa Tạng, Đức Phật nói về bốn tiền thân, với bốn đại nguyện của ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát:

1. Trong vô lượng kiếp về trước, ngài Địa Tạng là một vị Trưởng giả, nhờ phước duyên được chiêm ngưỡng, đảnh lễ và được sự chỉ dạy của đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, vị Trưởng giả này đã phát đại nguyện: “Từ nay đến tận đời vị lai, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng nó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật quả.”

2. Vào thời quá khứ vô số kiếp trước, thuở đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, tiền thân của Ngài là một người nữ dòng dõi Bà-la-môn có nhiều phúc đức và oai lực; nhưng mẹ của cô không tin vào nhân quả tội phước, tạo rất nhiều ác nghiệp, sau khi chết bị đọa vào địa ngục. Là người con chí hiếu, cô rất thương nhớ mẹ, và đã làm vô lượng điều lành, đem công đức ấy hồi hướng cho mẹ, và cầu nguyện đức Phật cứu giúp. Nhờ các công đức chí thành ấy, đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại đã cho cô biết là mẹ của cô đã được thoát khỏi cảnh địa ngục và vãng sinh về cõi trời. Vô cùng hoan hỉ trước tin ấy, cô đã đối trước đức Phật Giác Hoa phát nguyện: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát.”

3. Trong hằng hà sa số kiếp về trước, thuở đức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, ngài Địa Tạng là một vị vua rất từ bi, thương dân như con … nhưng chúng sinh lúc ấy tạo rất nhiều ác nghiệp, vị vua hiền đức này đã phát nguyện: “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Ðề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật.”

4. Vô lượng kiếp về thuở quá khứ, thời đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai, ngài Địa Tạng là một thiếu nữ tên Quang Mục có nhiều phúc đức. Nhưng mẹ của Quang Mục lại là người rất ác, tạo vô số ác nghiệp. Khi chết, bà bị đọa vào địa ngục. Quang Mục tạo nhiều công đức hồi hướng cho mẹ, và nhờ phước duyên cúng dường một vị A-la-hán, vị Thánh này đã cho biết rằng, mẹ của cô đã thoát khỏi cảnh địa ngục sinh vào cõi người, nhưng vẫn còn chịu quả báo sinh vào nhà nghèo hèn, hạ tiện, lại bị chết yểu… vì lòng thương mẹ và chúng sinh, Quang Mục đã đứng trước đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai phát nguyện: “Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng sanh đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sinh và ngạ quỉ. Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh Giác.”

Rất nhiều kiếp trước kia Ngài Địa Tạng Bồ Tát đã phát nguyện cứu vớt mọi chúng sinh đang chịu khổ đau trong địa ngục, Ngài đã phát nguyện khi nào cõi U Minh trống thì mới được thành Phật. Chính vì thế mà chúng ta biết đến ngài là một vị Bồ Tát có tấm lòng bao dung, nhân hậu.

3. Kinh Địa Tạng và ý nghĩa

Tựa đề của Kinh Địa Tạng là “U minh Giáo chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát Ma ha tát”. Có nghĩa là đấng giáo chủ cõi U minh là Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát. Một Ngài Bồ tát tên Địa Tạng, Ngài cầm trong tay phải một cây tích trượng và tay trái một hạt minh châu. Ngài xuống địa ngục làm giáo chủ, dùng tích trượng đập phá cửa địa ngục để cứu vớt chúng sinh, nếu chúng sinh chí thành niệm danh hiệu của Ngài. Tuy nhiên, đó có phải là ý nghĩa thực sự?

“Bổn” là Bổn tâm. “Tôn” là tôn quý, “Địa” là tâm địa, “Tạng” là Như Lai tạng. Chỉ có Bổn tâm mới là tôn quý nhất, đó là kho Như Lai tạng tâm địa; chỉ có Bổn tâm mới làm chủ được cõi U minh, tức làm chủ cõi địa ngục tham, sân, si của chính mình.

Địa ngục chính là địa ngục tham, sân, si. Chúng sinh khổ là do tham, sân, si đầy dẫy trong tâm, phiền não khởi phát. Muốn phá được cửa địa ngục này cần phải là Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình vậy. Quan trọng là bản thân nhận ra được bản tính Như Lai trong tâm, thì mình mới có thể đập phá được địa ngục tham, sân, si và cứu giúp chúng sinh muôn loài.

Nếu ta hiểu Ngài Địa Tạng là một vị Bồ tát có hình tướng rõ ràng, và có một cõi địa ngục thật sự, thì chúng ta sẽ ỷ lại vào tha lực, rồi vô tình gạt bỏ quy luật nhân quả. Nếu thật sự có một Ngài Bồ tát đủ khả năng đập phá cửa địa ngục, thì chúng ta khỏi cần tụng kinh, tọa thiền hay tinh tấn tu học, chỉ cần một lòng cầu Ngài Bồ tát, chờ đến lúc chết sẽ có Ngài đến cứu.

Như vậy thì tinh thần ỷ lại, dựa dẫm, mong chờ sự cứu rỗi của Ngài Bồ tát càng tăng lên. Quy luật Nhân Quả cũng không có ý nghĩa. Điều đó dẫn đến sự ra đời của Đức Phật cũng là vô nghĩa. Vậy tại sao chúng ta phải nỗ lực tu hành? Nếu chúng ta không dứt trừ các nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý, thì có vị Bồ tát nào cứu vớt mình được? Chúng ta tu là tu tâm của chúng ta, nếu thanh tịnh cũng là thanh tịnh chân tâm; khi giác ngộ là giác ngộ tự tâm. Ngoài tâm sẽ không có cái gì cả.

Địa ngục chính là tham, sân, si, phiền não của chúng sinh. Địa ngục cũng chính là cảnh giới của ba nghiệp ác, từ thân khẩu ý phát sinh ra. Địa ngục là sự tối tăm ám chướng, là sự mê muội trong tâm thức của mỗi người. Đó chính là địa ngục tự tâm.

Phật nói kinh Địa Tạng là muốn cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tâm mình, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm. Cuối cùng trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình. Đó là nội dung cốt yếu của toàn bộ kinh Địa Tạng.

Về phần chính văn trong Kinh Địa Tạng, khi đọc kỹ và hiểu theo nghĩa lý sâu mầu của Kinh, ta sẽ thấy nhiều điều hết sức mới mẻ, mầu nhiệm. Khi hiểu rõ ý kinh, sự trì tụng mới đầy đủ ý nghĩa, đời tu của chúng ta mới đúng theo quỹ đạo tu hành; nếu không, chúng ta có thể rơi vào đường tà, vào mê tín, thì uổng một đời làm đệ tử của Đức Phật. Chúng ta là đệ tử Phật, tắm mình trong ánh hào quang của Phật, hào quang ấy là trí tuệ Phật tâm sẵn đủ của chính mình.

địa tạng vương bồ tát, kinh địa tạng, lời phật dạy, tâm linh bí ẩn, cách tụng niệm và ý nghĩa của kinh địa tạng bồ tát bổn nguyện

4. Nội dung kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện

Kinh Địa Tạng gồm ba quyển Thượng, Trung, Hạ, với 13 phẩm, là những giáo lý căn bản mà người tu học Phật cần nắm rõ trên lộ trình giác ngộ và giải thoát. Người tu học Phật cần phải có tâm hiếu, vì “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”, đồng thời phải biết bố thí, cúng dường, trì giới, thiền định, tu tập trí tuệ, thực hành Bồ Tát hạnh của Đức Địa Tạng Bồ Tát, tin sâu nhân quả – nghiệp báo để độ mình, độ người và độ chúng sinh.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Kinh Địa Tạng là bộ kinh Đại thừa rất quan trọng đối với Phật giáo, Phật tử Đại thừa, là bộ kinh có thể để đầu giường, được chúng ta thường học, nghe và thực hành, dạy rất nhiều điều cụ thể cho chúng ta, việc âm việc dương, gọi là âm dương lưỡng lợi. Nhưng xuyên suốt, trọng tâm của bộ kinh Địa Tạng là tinh thần hiếu đạo và độ sinh. Hiếu đạo và độ sinh cũng là một, có hiếu đạo mới có độ sinh. Chữ hiếu là trung tâm của Phật đạo. Hiếu không chỉ với mẹ cha hiện đời, mà hiếu với mẹ cha nhiều kiếp, tức là hiếu với tất cả chúng sinh. Tinh thần hiếu này mới là hiếu của Phật. Cho nên, kinh Địa Tạng nói về bản tâm của chúng ta. Tâm của chúng ta phải gieo trồng hạt giống hiếu hạnh. Hạt giống hiếu hạnh này là hạt nhân để thành Phật. Chúng ta phải nêu cao đạo lý hiếu hạnh, tri ân. Xã hội nào cũng thế, kể cả thời kỳ không có Phật Pháp, đạo hiếu còn tồn tại thì chúng ta cũng coi như có Phật Pháp. Những người con hiếu đạo sau này sẽ được vào trong chính Pháp”.

Xuyên suốt bộ kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy cho chúng ta những phương pháp tu tập để chuyển hóa khổ đau, mang lại an lạc thật sự cho chúng sinh. Trong kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy biết hiếu thuận, bố thí, cúng dường, trì giới… thì sẽ được lợi ích tốt đẹp. Người nào thực hành đúng như lời Phật dạy trong kinh Địa Tạng sẽ được nhiều lợi ích như Chư Thiên gia hộ, tăng trưởng phước báu, có tài sản giàu có, không bị bệnh tật, không bị trộm cắp, được mọi người tôn kính, gieo nhân thành tựu Bồ Đề… và cuối cùng thành tựu quả vị Phật.

Như vậy, những điều căn bản trong kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện, nếu chúng ta học, hiểu và thực hành đúng như lời Phật dạy sẽ đạt được công đức, phước báu thù thắng. Con đường giải thoát là con đường loại trừ tất thảy khổ đau, sinh tử, đem lại an lạc cho chúng sinh. Đó cũng là bổn nguyện của Đức Địa Tạng.

5. Cách tụng Kinh Địa Tạng

Những Phật dạy trong Kinh Địa Tạng nghĩa lý rất thâm sâu và vi diệu, đọc qua một hai lần không thể nào chúng ta hiểu rõ được. Do đó, khi tụng kinh, chúng ta phải hết lòng thành kính. Phải có tâm tha thiết trân quý những lời Đức Phật dạy.

Trước khi tụng Kinh Địa Tạng, ta nên rửa tay, súc miệng cho sạch sẽ và y phục phải trang nghiêm. Khi ngồi, đứng phải giữ thân cho thẳng. Lúc lạy hay quỳ phải giữ thân đoan nghiêm. Miệng tụng đọc âm thanh vừa đủ nghe.

Đối với Kinh Địa Tạng cũng có cách tụng riêng biệt. Việc tụng Kinh Địa không chỉ giúp cho người còn sống được yên tâm, gia đình hòa thuận, bình yên. Tụng Kinh Địa Tạng trong ngày lễ tang, trong gia đình có người mất sẽ giúp họ được hướng dẫn trên con đường đi vào luân hồi. Chính vì thế tùy vào từng gia chủ và hoàn cảnh có những cách tụng Kinh Địa Tạng khác nhau.

Điều quan trọng khi tụng Kinh Địa Tạng là phải thể nhập được những ý nghĩa trong Kinh và ứng dụng, thực hành trong đời sống. Khi tụng Kinh Địa Tạng mà không phá trừ được kiêu mạn, không thực hành hạnh khiêm cung thì mất rất nhiều công đức.

Các Phật tử nên tụng Kinh Địa Tạng ở chùa thì sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Bởi vì ở chùa có sự trang nghiêm, yên tĩnh. Khi đọc Kinh ta dễ chú tâm, không bị ngoại cảnh chi phối. Nhờ vậy mà tam nghiệp thanh tịnh, mắt chỉ đọc Kinh, thân ngồi trang nghiêm và ý nghĩ ý nghĩa thâm sâu trong từng lời kinh. Theo đó, sẽ mang lại công đức lớm.

Hơn nữa, khi tụng Kinh Địa Tạng ở chùa nếu có những chỗ không hiểu thì có chư Tăng giảng giải cho hiểu hơn. Tụng kinh ở nhà sẽ thiếu một trong ba hình tướng của Tam Bảo đó là chư Tăng.

Khi về chùa tụng Kinh có chư Tăng, có đông Phật tử tụng Kinh, ý nghĩa thâm sâu của Kinh Địa Tạng càng được vang vọng đi khắp, đi sâu vào tâm thức của mình, làm cho sức mạnh tâm linh vững mạnh, cảm thấy niềm an lạc và tự tâm mình thấu hiểu được ý nghĩa của Kinh Địa Tạng.

Có như thế, trí tuệ ta ngày càng sáng suốt, tam độc tham, sân, si ngày càng thưa mỏng, nghiệp chướng ngày càng tiêu trừ, những vọng tưởng điên đảo ngày càng giảm thiểu. Lúc ấy, Ngài Bồ Tát Địa Tạng sẽ xuất hiện, cửa địa ngục tham, sân, si sẽ bị phá, cứu vớt chúng ta và tất cả muôn loài chúng sinh khỏi địa ngục.

NGHI THỨC TỤNG KINH

NGUYỆN HƯƠNG

Nguyện đem lòng thành kính Gửi theo đám mây hương Phảng phất khắp mười phương Cúng dường ngôi Tam Bảo Thề trọn đời giữ đạo Theo tự tính làm lành Cùng pháp giới chúng sinh Cầu Phật từ gia hộ Tâm Bồ đề kiên cố Chí tu đạo vững bền Xa biển khổ nguồn mê Chóng quay về bờ giác. (1 tiếng chuông) Nam mô Bồ Tát Hương Cúng Dường.
(3 lần) (3 tiếng chuông)

KHẤN NGUYỆN

(Quỳ chắp tay khấn Tam Bảo cùng chư Thiên, thiện Thần chứng minh) Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh và gia hộ cho chúng con; chư vị Hộ Pháp, Thiện Thần, Thần Linh ủng hộ cho chúng con. Đệ tử con tên là:… Pháp danh:… Hiện đang ở tại:…………………. hôm nay là ngày… tháng… năm… Con một lòng nương tựa Tam Bảo, con xin thực hành nghi lễ sám hối và tụng kinh… để cho con được hiểu lời Phật dạy, rèn sửa thân tâm, tu tập hóa giải nghiệp chướng, tăng trưởng phúc lành, trí tuệ khai minh. Chúng con cũng nương oai lực của Tam Bảo, oai đức của chư Tăng chùa Ba Vàng mà nhất tâm cung thỉnh chư Thiên, chư Thần cùng các vong linh (đọc vong linh mà mình muốn mời):… hoan hỉ về tại đàn tràng, cùng với chúng con nghe kinh.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!

TÁN PHẬT

Đấng Pháp Vương vô thượng Ba cõi chẳng ai bằng Thầy dạy khắp trời người Cha lành chung bốn loài Quy y trọn một niệm Dứt sạch nghiệp ba kì Xưng dương cùng tán thán
Ức kiếp không cùng tận. (1 tiếng chuông)

QUÁN TƯỞNG

Phật chúng sinh tính thường rỗng lặng Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn Lưới đế châu ví đạo tràng Mười phương Phật Bảo hào quang sáng ngời Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y. (1 tiếng chuông)

Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 tiếng chuông)

Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô Sa Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 tiếng chuông)

Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 tiếng chuông)

Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô Đông Phương Giáo chủ Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, Nhật Quang Biến Chiếu Bồ Tát, Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Nhất Thiết Thánh Chúng. (3 tiếng chuông)

VĂN PHÁT NGUYỆN

Lạy đấng Tam Giới Tôn Quy mạng mười phương Phật Nay con phát nguyện lớn Thọ trì kinh Địa Tạng. Trên đền bốn ơn nặng, Dưới cứu khổ tam đồ, Nếu có kẻ thấy nghe Đều phát Bồ Đề tâm Hết một báo thân này Sinh qua cõi Cực Lạc. (1 tiếng chuông)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. (3 tiếng chuông)

TÁN PHÁP

Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn Trăm nghìn muôn kiếp khó được gặp Nay con nghe thấy vâng gìn giữ Nguyện hiểu nghĩa chân đức Thế Tôn.
Nam mô U Minh Giáo chủ Đại Từ – Đại Bi – Đại Nguyện Cứu Bạt Minh Đồ Bản Tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần) (3 tiếng chuông)

PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

Đệ tử chúng con tùy thuận tu tập mười nguyện lớn của đức Phổ Hiền Bồ Tát: Một là kính lễ chư Phật Hai là xưng tán Như Lai Ba là rộng tu cúng dường Bốn là sám hối nghiệp chướng Năm là tùy hỷ công đức Sáu là thỉnh Phật chuyển Pháp Bảy là thỉnh Phật trụ thế Tám là thường theo học Phật Chín là hằng thuận chúng sinh
Mười là hồi hướng khắp tất cả. (3 tiếng chuông)

PHỤC NGUYỆN (Dành cho Chư Tăng)

Chúng con nguyện đem công đức tu hành thật có trong ngày hôm nay, đối với thân: Thực hành thiểu dục tri túc, đối với khẩu: Nói lời thanh tịnh xa rời các dục, đối với ý: Thường tư duy Chính Pháp. Nguyện cho các tín chủ… cùng tất cả Phật tử hiện tại trong đạo tràng đã phát tâm cúng dường và tu tập, tùy theo phúc báu của mình mà được bệnh căn thuyên giảm, gia quyến an khang, lòng tin nơi Tam Bảo ngày càng sâu, tâm từ bi đối với chúng sinh tăng trưởng. (1 tiếng chuông)

Nguyện cho các vong linh… tùy theo phúc báu cúng dường và tu tập của các tín chủ mà được phát tâm giác tỉnh, lìa khổ u minh, khởi niệm từ bi, xa lìa đường khổ, tin sâu Tam Bảo, sinh về nơi cõi Phật an vui. (1 tiếng chuông)

Nguyện cho: Nước nhà có phúc, dân tộc trung kiên, trí đức tròn đầy nhân tâm hòa lạc, già trẻ kính nhường, trí ngu chẳng nghịch, mọi người chung sức, giúp nước an dân, người vật cùng hưởng.

Lại nguyện: Dòng giống Việt Nam, khác thể tâm đồng, quay về nguồn xưa, phát minh bản địa, mong cho ba nghiệp chóng tiêu, chân tâm tỏ rõ, quốc độ thanh bình, đạo đời yên ổn. (1 tiếng chuông)

Khắp nguyện: Phước ban tất cả đức độ quần sinh, Phật Pháp thịnh hưng, tam đồ dứt sạch.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. (3 tiếng chuông)

PHỤC NGUYỆN (Dành cho Phật tử)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!

Con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền Tăng chứng minh và gia hộ cho chúng con; chư Thiên, Thiện Thần, Hộ Pháp hoan hỉ ủng hộ cho chúng con. (1 tiếng chuông)

Chúng con nguyện mang công đức sám hối, tụng kinh ngày hôm nay của chúng con cầu cho tất cả các chúng chư Thiên, chư Thần Linh, chư vong linh có nhân duyên về trong pháp hội được kết duyên pháp lữ với chúng con, đời đời kiếp kiếp trợ duyên cho nhau tu hành cho tới ngày thành Phật. (1 tiếng chuông)

Chúng con cũng xin hồi hướng phúc lành đến cho… (tên……… nguyện gì đọc nấy…….), cho gia đình chúng con (nguyện gì đọc nấy)………….. và cùng nhau tinh tấn tu hành theo Chính Pháp của Phật, cho tới ngày liễu thoát luân hồi sinh tử.

Chúng con cũng xin hồi hướng công đức này cho hương linh………. mất ngày……… hưởng thọ……… an táng tại………… cùng các hương linh gia tiên, các hương linh có duyên với pháp hội được chuyển hóa tâm thức, khởi các niệm từ bi, xả bỏ ái chấp, phát nguyện tu hành để sớm được thoát khổ.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 xá)

HỒI HƯỚNG

Công phu công đức có bao nhiêu, Con xin lấy đó hồi hướng về, Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh Thảy đều thể nhập vô sinh nhẫn. (1 tiếng chuông) Nguyện tiêu ba chướng sạch phiền não, Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời, Nguyện các tội chướng thảy tiêu trừ, Đời đời thường hành Bồ Tát đạo. (1 tiếng chuông) Nguyện đem công đức tu hành này, Chan rải mười phương khắp tất cả, Hết thảy chúng con cùng các loài,
Đồng được lên ngôi Vô Thượng giác. (3 tiếng chuông)

TAM TỰ QUY

Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, phát tâm Vô Thượng. (1 tiếng chuông)

Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 tiếng chuông)

Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại. (1 tiếng chuông)

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News