Dinh Dưỡng

Cách vắt sữa đúng nhất cho bà mẹ sau sinh

Trẻ được bú sữa mẹ trực tiếp là tốt nhất, tuy nhiên nếu vì điều kiện công việc hoặc thể trạng không cho phép thì người mẹ có thể vắt sữa cho trẻ ăn vẫn đảm bảo dinh dưỡng.

Các trường hợp cần vắt sữa

Nuôi con bằng sữa mẹhoàn toàn trong 6 tháng đầu là cách tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Giai đoạn này, bà mẹ chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước chín, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc. Trong một số trường hợp, người mẹ không có điều kiện cho con bú trực tiếp, giải pháp tốt nhất là vắt sữa và bảo quản đúng cách để cho trẻ ăn trong ngày.

cách vắt sữa đúng nhất cho bà mẹ sau sinh

Vắt sữa mẹ bằng tay.

Một vài trường hợp cũng cần phải vắt sữa như nuôi trẻ nhẹ cân, không thể bú mẹ được; Nuôi trẻ bệnh, không thể bú đủ. Vắt sữa cũng là cách để duy trì nguồn sữa khi bà mẹ hoặc trẻ bị ốm hoặc ngăn không cho sữa chảy ra khi mẹ đi làm xa. Vắt sữa giúp cải thiện tình trạng cương tức vú.

Vắt sữa là cần thiết giúp bà mẹ bắt đầu hoặc tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ. Tất cả các bà mẹ đều cần phải học cách vắt sữa để có thể làm được khi cần. Tất cả những người làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ – trẻ em đều cần học cách vắt sữa để có thể hướng dẫn bà mẹ làm được khi cần thiết.

Ngoài ra, vắt sữa cũng làm giảm bớt căng tức sữa hoặc tắc ống dẫn sữa. Với những bà mẹ có núm vú tụt vào trong thì bắt buộc phải vắt sữa cho trẻ ăn trong khi trẻ đang tập bú. Cũng có thể phải vắt sữa cho trẻ từ chối bú mẹ ăn trong khi tập bú trở lại hoặc đề phòng núm vú bị khô nứt hoặc đau.

Chuẩn bị vắt sữa

Người mẹ cần chuẩn bị dụng cụ đựng sữa là một chiếc cốc, ly, lọ hoặc bình đựng có miệng rộng. Rửa cốc bằng xà phòng và nước (Bà mẹ có thể chuẩn bị từ hôm trước). Rót nước sôi vào cốc và để trong vài phút. Nước đang sôi sẽ tiêu diệt hầu hết các vi khuẩn. Khi đã sẵn sàng vắt sữa thì đổ nước đi.

Để có sữa dồi dào, nên kích thích phản xạ oxytocin trước khi vắt sữa. Phản xạ oxytocin rất quan trọng giúp tống sữa ra ngoài. Khi bà mẹ vắt sữa, phản xạ oxytocin không thể hoạt động tốt bằng khi trẻ bú. Bà mẹ cần biết cách kích thích phản xạ oxytocin, nếu không bà mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc vắt sữa.

Làm thế nào để kích thích phản xạ oxytocin? Bà mẹ cần có tâm lý thoải mái, không lo lắng, bồn chồn, có cảm xúc tốt về trẻ. Bà mẹ ngồi nơi yên tĩnh và riêng tư hoặc với một người hỗ trợ. Một số bà mẹ có thể vắt sữa một cách dễ dàng nếu cùng ngồi với nhóm các bà mẹ đang vắt sữa.

Bà mẹ có thể bế con vào lòng trong khi vắt sữa. Nếu không làm được điều này bà mẹ có thể chỉ cần nhìn con hoặc nhìn ảnh của con. Bà mẹ có thể dùng một miếng gạc ấm, nước ấm hoặc phun nước ấm vào 2 bầu vú. Bà mẹ có thể dùng ngón tay kéo hoặc vê núm vú một cách nhẹ nhàng. Bà mẹ có thể vuốt bầu vú một cách nhẹ nhàng bằng các đầu ngón tay hoặc bằng một chiếc lược hoặc cũng có thể dùng nắm tay lăn một cách nhẹ nhàng về phía núm vú.

Xoa bóp lưng bà mẹ để kích thích phản xạ oxytocin. Bà mẹ mặc quần áo nhưng lưng và hai bầu vú phải để trần. Hai bầu vú được thả lỏng. Người xoa bóp nắm tay và dùng hai ngón tay cái day hai bên cột sống, tạo thành những vòng tròn nhỏ từ trên cổ xuống hai bả vai. Hỏi xem bà mẹ cảm thấy thế nào và có thấy dễ chịu thư giãn hay không.

Một số kỹ thuật vắt sữa

Nếu vắt sữa bằng tay, bà mẹ phải rửa tay thật kỹ, ngồi hoặc đứng một cách thoải mái và hứng cốc sát kề vú. Bà mẹ đặt ngón tay cái lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón tay trỏ ở phía dưới núm vú và quầng vú, đối diện với ngón tay cái. Bà mẹ đỡ vú bằng các ngón tay khác. Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng vào phía thành ngực. Bà mẹ không nên ấn quá mạnh vì sẽ làm tắc ống dẫn sữa.

Ấn vào phía sau núm vú và quầng vú giữa ngón cái và ngón trỏ. Bà mẹ nên ấn vào các xoang chứa sữa ở phía dưới quầng vú. Đôi khi có thể cảm thấy những xoang này ở những vú đang tiết sữa, cảm thấy như sờ vào tổ kén hoặc những hạt lạc. Nếu cảm thấy điều này bà mẹ có thể ấn vào đó.

cách vắt sữa đúng nhất cho bà mẹ sau sinh

Có thể sử dụng máy hút sữa để thay thế việc vắt sữa bằng tay.

Ấn vào rồi thả ra, ấn vào rồi thả ra. Làm như vậy không cảm thấy đau, nếu thấy đau là do kỹ thuật sai. Lúc đầu sữa chưa chảy ra nhưng sau khi bóp vài lần sữa bắt đầu chảy ra. Sữa có thể chảy thành dòng nếu phản xạ oxytocin có hiệu quả. Tương tự như vậy, ấn xung quanh quầng vú từ nhiều phía để đảm bảo vắt được sữa từ các phần của vú.

Hiện nay có nhiều dụng cụ bơm hút để bà mẹ lựa chọn. Vắt sữa bằng tay sẽ khó khăn trong một số trường hợp như vú cương tức, vú đau, vì vậy trong trường hợp này cần vắt sữa bằng bơm hút. Vắt sữa bằng bơm hút chỉ dễ dàng khi bầu vú căng sữa. Nếu bầu vú mềm vắt sẽ khó khăn. Đặt đúng hướng, nhẹ nhàng thả tay bơm để sữa rút từ từ. Tránh chà xát hoặt trượt ngón tay trên da. Tránh ấn vào núm vú. Nếu ấn hoặc kéo núm vú thì không thể vắt được sữa. Làm như vậy giống như đứa trẻ chỉ bú từ núm vú.

Vắt một bên vú tối thiểu từ 3 – 5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang vắt vú bên kia, sau đó vắt lại cả hai bên. Bà mẹ có thể vắt bằng một tay sau đó có thể đổi tay. Bà mẹ cần 20 – 30 phút để vắt sữa, đặc biệt trong một vài ngày đầu khi sữa chưa về nhiều. Không nên vắt sữa trong thời gian ngắn hơn.

Số lần vắt sữa phụ thuộc vào lý do vắt sữa, nhưng thường bằng số lần trẻ bú, vì vậy vắt sữa càng nhiều sẽ giúp mẹ tạo đủ sữa. Nếu chỉ vắt vài lần và cách xa nhau thì mẹ sẽ không tạo đủ sữa.

Mục đích chính của vắt sữa là thiết lập sự tạo sữa để nuôi dưỡng trẻ nhẹ cân hoặc trẻ sơ sinh bị bệnh. Nếu cho trẻ sơ sinh mút vú sớm ngay sau khi đẻ sẽ giúp cho việc tạo sữa được bắt đầu sớm. Trong trường hợp trẻ nhẹ cân hoặc trẻ sơ sinh bị bệnh, bà mẹ nên bắt đầu vắt sữa càng sớm càng tốt ngay trong ngày đầu tiên, mặc dù lúc đầu có thể chỉ vắt được vài giọt sữa non nhưng sẽ giúp cho vú tạo sữa sớm.

Bà mẹ nên vắt sữa ít nhất 3 giờ một lần, cả về ban đêm và duy trì cho đến khi trẻ có thể bú trở lại. Để lại sữa cho trẻ khi bà mẹ đi làm bằng cách bà mẹ vắt càng nhiều càng tốt, nếu có thể nên vắt sữa trước khi bà mẹ đi làm và để lại cho trẻ bú. Một điều rất quan trọng là phải vắt sữa cả ở nơi làm việc để duy trì nguồn sữa.

(Theo Tài liệu nuôi dưỡng trẻ nhỏ, Bộ Y tế)

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News