Phật học

Chánh niệm là gì? Đặc tính, vị trí và vai trò của chánh niệm

Khá nhiều người không rõ: Chánh niệm là gì khi mà khái niệm này được nhắc tới rất nhiều lần trong Phật Pháp ứng dụng. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

chánh niệm là gì, lời phật dạy, chánh niệm là gì? đặc tính, vị trí và vai trò của chánh niệm

1. Chánh niệm là gì?

Từ trước đến nay, trên sách báo, tạp chí, trong nhiều băng giảng, cho đến chư vị thiền sư, nhà nghiên cứu đó đây, ai cũng nói đến chánh niệm, và lại nói nhiều cách khác nhau.

Giả dụ như, có vị nói: Chánh niệm là tỉnh thức trong giây phút hiện tại! Nếu lập ngôn như vậy, thì chánh niệm đồng nghĩa với tỉnh thức còn gì? Tại sao họ không để ý rằng, nếu niệm, chú tâm (sati) liên tục, gắn khít nhất điểm liên tục thì nó sẽ đưa đến định? Và định thì đâu thuộc phạm trù của tỉnh thức, tỉnh giác là chức năng của tuệ!? Đây là sai lầm thứ nhất.

Trường hợp khác, có người nói: Chánh niệm là biết rõ hơi thở vào ra, dài ngắn như thế nào. Nếu nói như vậy thì chánh niệm đồng nghĩa với tuệ tri, vì tuệ tri là thấy rõ, biết rõ!? Đây là sai lầm thứ hai.

Có người lại nói: Chánh niệm là sự tỉnh giác, không quên niệm, biết rõ các pháp một cách trọn vẹn. Nói như thế thì hóa ra chánh niệm đồng nghĩa với biết rõ – tức là tỉnh giác hay tuệ tri!? Đây là sai lầm thứ ba.

Rồi còn có người nói nghe khá chính xác: Chánh niệm là quán thân thọ tâm pháp. Nói vậy thì chánh niệm đồng nghĩa với quán, chức năng của tuệ, của minh sát còn gì? Đây là sai lầm thứ tư.

Có người đi xa hơn: Chánh niệm giúp ta kết nối với mọi người xung quanh. Kết nối như thế nào nhỉ? Kết nối thì phải có một cái tâm khởi đi, nó mới duyên sanh được? Ai biết thì làm ơn chỉ bày giùm cho tôi với, chỗ này tôi chịu. Đây là sai lầm thứ năm.

Có người nói nghe rất “tư tưởng”, rất hay: Chánh niệm giúp nhận diện niềm đau, nổi khổ và chuyển hóa chúng. Nếu nói như vậy thì chánh niệm đồng nghĩa với nhận diện. Nhận diện là chức năng của chánh tư duy và chánh kiến; lại nữa, chánh niệm chỉ mới để yên thân thọ tâm pháp, chưa làm gì cả, và nó không có nhiệm vụ “chuyển hóa” khổ đau. Chuyển hóa là biến cái này ra cái khác, đây là nỗ lực của hữu vi tâm, nó chỉ có khả năng đối trị tạm thời, tình thế. Còn vấn đề diệt khổ nó lại hoàn toàn khác. Chỉ khi thấy rõ như thực, chức năng của giác trí (bodhiñāṇa) hay tuệ giác (sambodhi) biết rõ như thực nguyên nhân khổ thì khổ mới tự diệt, như ánh sáng đến thì bóng tối tự lui (chứ không thể nói ánh sáng diệt bóng tối). Đây là sai lầm thứ sáu.

Muốn hiểu rõ tất cả những điều ấy, những sai lầm ấy, xin các bạn chịu khó một chút nữa. Chịu khó nghe thêm ngữ nghĩa của chánh niệm.

Chánh niệm được dịch từ sammā sati. Sati là niệm. Niệm do người Trung Quốc dịch, và không biết tại sao họ lại dịch đúng với từ sati trong pháp hiện quán. Niệm, chữ Hán viết, ở trên là bộ kim, ở dưới là chữ tâm. Kim là hiện tại; vậy, niệm là (tâm) ghi nhớ những gì đang xảy ra trong hiện tại. Còn trong nghĩa Pāḷi thì sati có mấy nghĩa tương đối chính xác: Sự nhớ, ghi nhớ, ghi nhận – còn ngoài ra, nhiều nghĩa khác thì đi quá xa.

Thế còn sammā? Ai cũng dịch sammā là chánh, chơn, đúng… Do vậy ai cũng hiểu sammāsati là niệm cái chơn, cái chánh, cái đúng; hoặc ghi nhớ, ghi nhận, chú tâm cái chơn, cái chánh, cái đúng. Nhưng bây giờ chúng ta thử hỏi, cái gì là chơn, là chánh, là đúng trên cuộc đời này? Thế cái xấu, cái ác, cái không phải chánh chơn, người học Phật không ghi nhớ, không ghi nhận hay sao? Thật ra, sammā còn nhiều nghĩa khác nữa mà tiếng Hán, tiếng Việt không nói ra hết được. Sammā không những có nghĩa chánh, chơn, mà còn có nghĩa đúng đắn, một cách đúng đắn, thích hợp, một cách hoàn toàn, toàn diện… Hoàn toàn, toàn diện, trọn vẹn… có nghĩa là nó như thế nào thì chụp bắt trọn vẹn nó như thế, không chia chẻ, phân tích, không đưa xen cảm tính và tư duy chủ quan của mình vào. Vậy đến đây, tạm thời ta có một định nghĩa về chánh niệm tương đối đầy đủ nhất: Chánh niệm là ghi nhận, là chú tâm đúng, trọn vẹn, toàn diện, chân xác đối tượng, bất kể đối tượng ấy đẹp hay xấu, méo hay tròn, thiện hay ác.

Tuy nhiên dù định nghĩa chính xác cách nào thì nó cũng chỉ là những khái niệm trừu tượng. Làm sao bây giờ? Làm sao ta có thể có ví dụ cụ thể để biết, để thấy chánh niệm nhỉ? Tôi nhớ có lần ở đâu đó, tôi có đưa ví dụ người canh cửa. Người canh cửa thì ai đi vô, đi ra thì anh phải ghi nhớ, ghi nhận. Đúng rồi, chánh niệm là người đứng canh cửa thân tâm. Cái gì, pháp nào đi vô, đi ra thân tâm đều phải đi qua anh chánh niệm, vì anh là người đứng canh cửa. Anh ta chỉ đứng nơi cửa và canh chừng thôi. Anh chỉ việc đứng đấy và ghi nhận, chú tâm trọn vẹn ở đấy. Nhiệm vụ của anh chỉ có vậy – đừng có làm cái phận việc “thấy rõ, biết rõ hoặc phân biệt người này và người kia”.

Tại sao vậy? Vì thấy rõ biết rõ là chức năng của người khác, là bổn phận của anh chánh kiến! Còn phân biệt đàn ông, đàn bà, kẻ xấu người tốt lại là chức năng, bổn phận của anh chánh tư duy! Thấy chưa, các bạn thấy chưa? Ai có phần việc nấy, không lẫn lộn với nhau được.

Ta có thể có một ví dụ khác: Có người cầm cái kiếng để soi mặt mình. Muốn thấy mặt mình cho rõ ràng thì cái kiếng phải được cầm cho vững vàng, không nghiêng chao thì hình ảnh hiện ra mới chân thực. Vững vàng, không nghiêng chao là phần việc của chánh niệm vì niệm đưa đến định, còn thấy rõ, biết rõ thì mặt kiếng tự phản ảnh chân xác, là của chánh kiến.

Đến đây ta có thể thấy rõ sự thật, là khi có chánh niệm – chánh niệm trọn vẹn – thì tức khắc, chánh kiến khởi sanh. Đây là chỗ mà tôi gọi là “chánh niệm rốt ráo” vì nó có luôn cả chánh kiến.

Đến đây, chúng ta đã hiểu rằng: Chánh niệm rốt ráo là thả cái thân tâm xuống như nó là … Chánh niệm là trở lại với thân tâm, là an lập (đặt yên xuống) thực tại thân-thọ-tâm-pháp.

Tại đây tôi chợt nhớ đến yếu chỉ thiền của Bách Trượng Hoài Hải mà sau này, Vô Ngôn Thông kế thừa:“Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu!”. Thân tâm cứ để yên, thả xuống, để yên như ly nước đặt xuống bàn, đừng khởi tư tác gì cả, thì lúc ấy được gọi là “không”, vì lúc ấy không có tham sân si, không có vô tham vô sân vô si tác động (không có 6 nhân, theo Abhidhamma). Và lúc ấy thì “tuệ nhật tự chiếu”. Không có gì rõ ràng hơn thế nữa.

Khi các đối tượng thân thọ tâm pháp được chánh niệm an lập rồi, chánh kiến xuất hiện, nhìn ngắm như thực, thấy biết như thực, hoặc như tánh tri kiến (yathābhūta ñāṇadassana), mà thiền tông gọi là “kiến tánh” thì tốt xấu, thiện ác, thanh trược đều là thực tánh pháp (paramattha-dhamma), tên gọi khác của Không Tánh (thực tướng là vô tướng tất cả tướng) thì những cái gọi là tham sân, thương ghét của chúng ta mới ảo hóa, mộng, đốm “như thực” làm sao!

Nói tóm lại, thưa các bạn, trong Bát Chánh Đạo, khi ta có Ngữ, Nghiệp, Mạng tương đối “đàng hoàng” rồi, ta chỉ cần sử dụng tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác để lên đường thôi. Vì chánh niệm đại biểu cho nhóm tâm (niệm, định), và tỉnh giác đại biểu cho nhóm trí (kiến, tư duy).

Đôi chỗ đức Phật không cần nói tinh tấn hay tinh cần vì trong niệm và tỉnh giác đã có sẵn “liễu liễu thường tri” nói như Tổ Huệ Khả thì đã có tinh cần rồi. Vậy niệm và tỉnh giác đủ đại biểu cho Đạo Đế, sự thật về con đường diệt khổ. Niệm và Tỉnh giác đại biểu cho Bát Chánh Đạo; nó là hành trang, là tư lương để chúng ta trở lại quê nhà.

chánh niệm là gì, lời phật dạy, chánh niệm là gì? đặc tính, vị trí và vai trò của chánh niệm

2. Đặc tính của chánh niệm

Chánh niệm là một tấm gương soi thực tại

Nó phản ánh những gì đang có mặt trong giây phút hiện tại này y như nó đang xảy ra, không có thiên kiến.

Chánh niệm là một sự quán sát không phán xét

Nó là một khả năng quán sát nhưng không phê bình của tâm. Nhờ vậy, ta có thể nhìn sự vật mà không chỉ trích, không lên án. Không có một điều gì làm cho ta ngạc nhiên. Ta chỉ đơn giản quân bình chú ý vào sự việc như nó thật sự là, trong trạng thái tự nhiên của nó. Ta không cần phải quyết định và cũng không phê phán.

Chúng ta không thể nào quán sát những gì đang xảy ra trong ta nếu không cùng một lúc chấp nhận sự có mặt của nó trong tâm mình. Điều này đặc biệt đúng đối với những tâm thức tiêu cực. Muốn quan sát nỗi sợ của mình, trước nhất ta phải chấp nhận là mình sợ hãi. Chúng ta không thể nào khám xét được nỗi khổ của ta nếu ta không chịu chấp nhận nó trọn vẹn. Những nhức nhối, buồn lo, bực tức, và tất cả những cảm thọ bất an khác cũng y như vậy. Chúng ta không thể nào quan sát được một sự việc gì trọn vẹn nếu ta cứ lo chối bỏ sự có mặt của nó. Bất cứ một kinh nghiệm nào đang có mặt trong ta, Chánh niệm sẽ chấp nhận nó.

Chánh niệm là một sự quan sát vô tư

Nó không thiên vị một bên nào. Nó không bị dính mắc vào những gì nó nhận thức. Nó chỉ nhận thức một cách đơn giản. Chánh niệm không bị những trạng thái tốt đẹp làm mê đắm, và cũng không tránh né những trạng thái xấu xa. Không nắm bắt những gì dễ chịu, cũng không xua đuổi những gì khó chịu. Chánh niệm đối xử với tất cả kinh nghiệm, mọi tư tưởng, mọi cảm thọ đều bình đẳng như nhau, không có gì được đưa lên, cũng không có gì bị đè xuống. Chánh niệm không có sự thiên vị.

Chánh niệm là một ý thức không cần ý niệm hay nói cách khác

Chánh niệm là sự nhận diện đơn thuần. Nó không phải là suy nghĩ, nó không có liên quan gì đến tư tưởng hoặc ý niệm. Nó không dính líu gì đến ý tưởng, ý kiến hoặc ký ức. Nó chỉ nhìn và quan sát. Chánh niệm ghi nhận hết những kinh nghiệm nhưng không hề so sánh. Nó không dán nhãn hiệu hoặc phân loại chúng. Nó quan sát mọi việc như là chúng đang xảy ra lần đầu tiên. Đây không phải là một sự phân tích dựa trên ký ức và những suy tưởng mà đó chính là một kinh nghiệm trực tiếp và tức thì về bất cứ một điều gì đang xảy ra, không cần đến tư tưởng. Chánh niệm có mặt trước tư tưởng trong tiến trình nhận định.

Chánh niệm là sự ý thức trong giây phút hiện tại

Nó có mặt ngay bây giờ và ở đây. Chánh niệm quan sát những gì đang xảy ra ngay trong giờ phút này. Nó luôn luôn ở trong giây phút hiện tại, lúc nào cũng đứng ngay trên đầu ngọn sóng thời gian đang lướt qua. Để rõ đặc tính này chúng ta có thể đọc qua câu chuyện do Hòa thượng Nhất Hạnh kể lại như sau:

“Một hôm, có vị vua nọ nghĩ rằng: “Giá mà vua trả lời được ba câu hỏi thì vua sẽ không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào. Ba câu hỏi ấy là:

1/ Làm sao để biết được thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc?

2/ Làm sao để biết được nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải chú trọng?

3/ Làm sao để biết được công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện?

Nghĩ thế vua liền ban chiếu ra khắp trong bàn dân thiên hạ, hứa rằng sẽ ban thưởng trọng hậu cho kẻ nào trả lời được ba câu hỏi đó.

Các bậc hiền thần đọc chiếu liền tìm đến kinh đô nhưng mỗi người lại dâng lên vua một câu trả lời khác nhau. Vì các câu trả lời khác nhau cho nên nhà vua không đồng ý với vị nào cả và chẳng ban thưởng cho ai hết. Sau nhiều đêm suy nghĩ vua quyết định chất vấn một ông Đạo. Ông Đạo này nổi tiếng là người có giác ngộ. Vua muốn tìm lên trên núi gặp ông Đạo và hỏi ba câu hỏi kia vì vị Đạo sĩ này chưa bao giờ chịu xuống núi và nơi ông ta ở chỉ có những người dân nghèo. Chẳng bao giờ ông chịu tiếp những người quyền quí. Nhà vua cải trang làm thường dân. Khi đi đến chân núi, vua dặn vệ sĩ đứng chờ ở dưới và một mình vua trong y phục một thường dân trèo lên am của ông Đạo. Nhà vua gặp ông Đạo đang cuốc đất trước am. Khi trông thấy người lạ ông Đạo gật đầu chào rồi tiếp tục cuốc đất. Ông Đạo cuốc đất một cách nặng nhọc bởi ông Đạo đã già yếu. Mỗi khi cuốc lên được một tảng đất hoặc lật ngược được tảng đất ra thì ông lại thở hổn hển. Nhà vua tới gần ông Đạo và nói: “Tôi tới đây để xin ông Đạo trả lời giúp ba câu hỏi: làm thế nào để biết đúng thì giờ hành động, đừng để cơ hội qua rồi sau phải hối tiếc? Ai là những người quan trọng nhất mà ta phải chú ý tới nhiều hơn cả? và công việc nào quan trọng nhất cần thực hiện trước?”.

Ông Đạo lặng nghe nhà vua nhưng không trả lời. Ông chỉ vỗ vai nhà vua và cúi xuống tiếp tục cuốc đất. Nhà vua nói: “Ông Đạo mệt lắm rồi, thôi đưa cuốc cho tôi, tôi cuốc một lát”. Vị Đạo sĩ cảm ơn, trao cuốc cho vua rồi ngồi xuống đất nghỉ mệt. Cuốc xong được hai vòng đất thì nhà vua ngừng tay và lập lại câu hỏi. Ông Đạo vẫn không trả lời, chỉ đứng dậy và đưa tay ra đòi cuốc, miệng nói: “Bây giờ bác phải nghỉ, đến phiên tôi cuốc”, nhưng nhà vua thay vì trao cuốc lại tiếp tục cúi xuống cuốc đất.

Một giờ rồi hai giờ đồng hồ đi qua, rồi mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi. Nhà vua ngừng tay, buông cuốc và nói với ông Đạo:

“Tôi tới để xin ông Đạo trả lời cho mấy câu hỏi, nếu ông Đạo không trả lời cho tôi câu nào hết thì xin cho tôi biết để tôi còn về nhà”.

Chợt lúc đó, ông Đạo nghe tiếng chân người chạy đâu đây bèn nói với nhà vua: “Bác thử xem có ai chạy lên kìa”, nhà vua ngó ra thì thấy một người có râu dài đang chạy lúp xúp sau mấy bụi cây, hai tay ôm bụng, máu chảy ướt đẫm cả hai tay. Ông ta cố chạy tới chỗ nhà vua và ngất xỉu giữa đất, nằm im bất động, miệng rên rỉ. Vua và ông Đạo cởi áo người đó ra thì thấy có một vết đâm sâu nơi bụng. Vua rửa chỗ bị thương thật sạch và xé áo của mình ra băng bó vết thương nhưng máu thấm ướt cả áo. Vua giặt áo và đem băng lại vết thương. Cứ như thế cho đến khi máu ngưng chảy. Lúc bấy giờ người bị thương mới tỉnh dậy và đòi uống nước.

Vua chạy đi múc nước suối cho ông ta uống, khi đó mặt trời đã khuất núi và bắt đầu lạnh. Nhờ sự tiếp tay của ông Đạo, nhà vua khiêng người bị nạn vào trong am và đặt nằm trên giường của ông Đạo. Ông ta nhắm mắt nằm im. Nhà vua cũng mệt quá vì leo núi và cuốc đất cho nên ngồi dựa vào cánh cửa mà ngủ thiếp đi. Vua ngủ ngon cho đến nỗi khi nhà vua thức dậy thì trời đã sáng và phải một lúc lâu sau vua mới nhớ được là mình đang ở đâu và đang làm gì. Vua nhìn về phía giường thì thấy người bị thương cũng đang nhìn mình chòng chọc, hai mắt sáng trưng. Người đó thấy vua tỉnh giấc rồi và đang nhìn mình thì cất giọng rất yếu: “Xin bệ hạ tha tội cho thần!” , vua đáp: “Ông có làm gì nên tội đâu mà phải tha?”, người kia đáp: “Bệ hạ không biết hạ thần nhưng hạ thần biết bệ hạ. Hạ thần là người thù của bệ hạ. Hạ thần đã thề sẽ giết bệ hạ cho bằng được, bởi vì ngày xưa trong chinh chiến Bệ hạ đã giết mấy người anh và còn tịch thu gia sản của hạ thần nữa. Hạ thần biết rằng bệ hạ sẽ lên núi này một mình để gặp ông Đạo sĩ nên đã mai phục quyết tâm giết bệ hạ trên con đường xuống núi. Nhưng đến tối mà bệ hạ vẫn chưa trở xuống, nên hạ thần đã rời chỗ mai phục mà đi lên núi tìm bệ hạ. Hạ thần lại gặp bọn vệ sĩ. Bọn này nhận mặt được hạ thần cho nên đã xúm lại đâm hạ thần. Hạ thần trốn được, chạy lên đây. Nếu không có bệ hạ thì chắc hạ thần đã chết vì máu ra nhiều quá. Hạ thần quyết tâm hành thích bệ hạ mà bệ hạ lại cứu sống được hạ thần, hạ thần hối hận quá. Giờ đây nếu hạ thần còn sống thì hạ thần nguyện làm tôi mọi cho Bệ hạ suốt đời và hạ thần cũng sẽ bắt các con hạ thần làm như vậy. Xin bệ hạ tha tội cho thần”.

Thấy mình hòa giải được với kẻ thù một cách dễ dàng, nhà vua rất vui mừng. Vua không những hứa tha tội cho người kia mà còn hứa sẽ trả lại gia sản cho ông ta và gởi ngay thầy thuốc cùng quân hầu tới săn sóc cho ông ta lành bệnh.

Sau khi cho vệ sĩ khiêng người bị thương về, nhà vua trở lên tìm ông Đạo để chào. Trước khi ra về vua còn lập lại lần cuối ba câu hỏi của vua. Ông Đạo đang quỳ gối xuống đất mà gieo những hạt đậu trên những luống đất đã cuốc sẵn hôm qua. Vị đạo sĩ đứng dậy nhìn vua đáp: “Nhưng ba câu hỏi của vua đã được trả lời rồi mà”. Vua hỏi trả lời bao giờ đâu nào. Ông đạo đáp: “Hôm qua nếu vua không thương hại bần đạo già mà ra tay cuốc dùm mấy luống đất này thì khi ra về vua đã bị kẻ kia mai phục hành thích mất rồi và nhà vua sẽ tiếc là đã không ở lại cùng ta. Vì vậy thời gian quan trọng nhất là thời gian vua đang cuốc đất, nhân vật quan trọng nhất là bần đạo đây và công việc quan trọng nhất là công việc giúp bần đạo. Rồi sau đó khi người bị thương nọ chạy lên, thời gian quan trọng nhất là thời gian vua chăm sóc cho ông ta, bởi vì nếu vua không băng vết thương cho ông ta thì ông ta sẽ chết và vua không có dịp hoà giải với ổng, cũng vì thế mà ông ta là nhân vật quan trọng nhất và công việc vua làm để băng bó vết thương là quan trọng nhất. Xin vua hãy nhớ kỹ điều này nhé: chỉ có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại, giờ phút hiện tại quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta. Và nhân vật quan trọng nhất là kẻ đang cụ thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được mình sẽ đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lai. Công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người đang cụ thể sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc. Bởi vì đó là ý nghĩa chính của đời sống”.

Chánh niệm là ý thức không có một cái ngã

Nó xảy ra không cần đến cái tôi nào hết. Với Chánh niệm, chúng ta nhìn mọi hiện tượng mà không cần phải cộng thêm những ý niệm như là tôi hoặc của tôi. Ví dụ có một cái đau nơi chân, bình thường, tâm bạn sẽ nói “ tôi bị đau” Với Chánh niệm, ta chỉ đơn giản ghi nhận cảm giác ấy như là một cảm giác. Ta sẽ không gắn thêm lên đó một ý niệm về một cái tôi dư thừa. Chánh niệm ngăn chặn không cho ta thêm bất cứ một cái gì vào nhận thức của mình hoặc bỏ bớt ra.

Chánh niệm là một ý thức về sự thay đổi

Nó quan sát dòng biến chuyển không dừng của mọi hiện tượng. Nó theo dõi sự vật trong khi chúng đang thay đổi. Chánh niệm nhìn thấy được tiến trình sinh ra, lớn lên và già dặn của mọi hiện tượng. Nó nhìn chúng tàn hoại và tiêu diệt. Chánh niệm theo dõi sự vật trong từng giây phút, không gián đoạn. Nó quan sát tất cả mọi sự kiện dù đó là vật lý, tâm lý hay cảm thọ. Nó quan sát sự sanh lên diệt đi. Nó thấy được phản ứng và cảm xúc của mình đối với chúng. Trong Chánh niệm, ta là một người quan sát vô tư, không thành kiến với một công việc duy nhất là ghi nhận hết những gì đang đi ngang qua thế giới nội tâm của mình.

Chánh niệm là sự quan sát có tham dự

Hành giả vừa là người quán chiếu mà cũng vừa là người tham dự. Nếu ta theo dõi cảm thọ hoặc cảm xúc của mình, thì cũng ngay trong lúc ấy ta đang cảm nhận nó. Chánh niệm không phải là một chức năng thuộc về tri thức. Nó chỉ thuần tuý là một ý thức. Chánh niệm rất vô tư và khách quan, nhưng không có nghĩa là nó dửng dưng hay lạnh lùng, ngược lại nó là một kinh nghiệm sống rất sinh động, một sự quán chiếu có tham dự trong quá trình của sự sống.

chánh niệm là gì, lời phật dạy, chánh niệm là gì? đặc tính, vị trí và vai trò của chánh niệm

3. Vị trí và vai trò của chánh niệm

a. Vị trí của Chánh niệm

Chánh niệm có vị trí rất quan trọng trong quá trình tu tập đúng như Thiền sư Nhất Hạnh đã viết: “Chánh niệm là trái tim của sự thực tập, vì vậy ta phải học thật kỹ về Chánh niệm. Tất cả các chi phần khác của Bát chánh đạo sẽ không thể thành tựu khi ta không phát triển Chánh niệm”.

Chánh niệm là yếu tố hết sức cần thiết, nó là yếu tố căn bản cho các yếu tố trong Bát chánh đạo, không thể nào có chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ nếu không có Chánh niệm. Và ngay trong chánh nghiệp, chánh mạng và chánh tinh tấn, vai trò của Chánh niệm cũng quan trọng không kém. Chánh niệm tỉnh giác là yếu tố tâm thức trọng yếu nhất trong quá trình tu tập. Điều đó được thể hiện trong đoạn trích sau: “Ðến đây, hành giả đã thấy rõ, trên suốt lộ trình tu tập của Ðạo đế hay là trên con đường Thiền định, Chánh niệm tỉnh giác là yếu tố tâm thức trọng yếu nhất; nó có mặt từ bước đi đầu tiên cho đến bước đi cuối cùng”.

Chánh niệm là cốt tủy của sự tu tập trong đạo Bụt, và tông phái nào cũng lấy phép thực tập Chánh niệm làm căn bản. Thật vậy, chúng ta thấy rõ ràng từ Tịnh độ tông cho đến mật tông thiền tông, luật tông, dù là tông phái nào đi nữa, nếu muốn tu tập đạt kết quả đều cần phải có Chánh niệm. Giả sử tu Tịnh độ mà không có Chánh niệm, nghĩa là không chú ý vào câu Phật hiệu mà cứ cho tâm chạy nhảy thoải mái thì biết chừng nào mới được nhất tâm bất loạn. Đối với hành giả trì chú cũng vậy, nếu không có Chánh niệm, cứ để tâm rong ruổi mãi thì làm sao có thể đạt đến chỗ tâm và chú là một thể thống nhất. Hoặc như hành giả trì luật, nếu không có Chánh niệm thì khi phạm giới không biết mình đang phạm giới thì làm sao có thể giữ cho giới thể của mình sạch như băng tuyết được. Qua đó ta thấy Chánh niệm là cốt tuỷ của sự tu tập trong đạo Phật.

Chánh niệm là khởi điểm, tụ điểm, cao điểm của thông điệp Đức Phật đúng như NYANAPONIKA THERA đã viết: “Nếu trên kia chúng ta đã bảo rằng tâm học là khởi điểm, tụ điểm, cao điểm của thông điệp Đức Phật, bây giờ chúng ta có thể bảo thêm rằng Chánh niệm cũng chiếm chính cái vị trí như thế trong tâm học Phật giáo.”

b. Vai trò của Chánh niệm trong quá trình tu tập

Chánh niệm làm sự sống có mặt trong giây phút hiện tại:

Khi ta thất niệm vì ta không có mặt nên những cái khác cũng không có mặt. Khi ta có mặt thì tất cả những thứ ấy có mặt. Vì thế sự có mặt của ta đem lại sự có mặt cho cả vũ trụ, sự sống và tất cả những thực thể mầu nhiệm quanh ta. Chánh niệm là năng lượng có khả năng nhận diện được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Khi năng lượng ấy có mặt thì thân và tâm ta hợp nhất và ta thực sự có mặt trong giây phút hiện tại để sống sâu sắc hằng ngày. Tâm ta không bị những tiếc nuối về quá khứ hoặc những lo lắng về tương lai lôi kéo. Ta có thể tiếp xúc được với những nhiệm mầu của sự sống, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu ta. Ta cũng có năng lượng Chánh niệm để nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những khổ đau trong ta. Ta thực tập để chế tác năng lượng Chánh niệm khi thở, khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi và khi làm việc. Chánh niệm xác nhận sự có mặt của đối tượng, của người, của vật khác ở ngoài ta. Đó là những vật như bông xứ, cây mận, con chim, bầu trời. Đối tượng đó cũng chính là cha, mẹ, thầy, cô, anh chị em và bạn bè, hàng xóm của ta. Nếu ta không có mặt thì những đối tượng đó cũng không có mặt. Do ta có mặt nên tất cả các đối tượng ấy có mặt theo. Sự sống chỉ thật sự có mặt khi chúng ta tiếp xúc với chúng trong Chánh niệm do đó có thể nói Chánh niệm làm sự sống có mặt trong giây phút hiện tại.

“Khi tiếp xúc được với sự sống thì chính ta được nuôi dưỡng mà đối tượng tiếp xúc của ta cũng được nuôi dưỡng. Đối tượng kia có thể là cây, là lá, là dòng sông, là em bé, là người mình thương, hay là người mình ghét. Khi ta có mặt trong ý thức, vật kia có sự chú ý của ta cũng sẽ có mặt. Chánh niệm là sự chú ý. Khi có Chánh niệm, nhìn vào một khu rừng xanh mát thì ta biết rằng khu rừng này đang xanh mát. Nhìn đủ sâu sắc thì ta biết phải làm gì để giữ cho rừng này tiếp tục xanh mát. Có những khu rừng bắt đầu chết vì các độc tố con người tạo ra. Nếu khu rừng đang vàng úa thì ta biết rằng phải làm gì để khu rừng có thể tươi mát trở lại. Vì vậy sự có mặt của Chánh niệm sẽ đem tới niềm an ủi và cách trị liệu cho đối tượng. Đối tượng của Chánh niệm có thể là một người hay một sự vật. Người kia đang sầu héo, đang buồn bã, đang nhức nhối mà nếu có mặt, có Chánh niệm, thì chúng ta sẽ nhìn thấy rõ tình trạng sầu héo và buồn khổ ấy. Và Chánh niệm có thể giúp chúng ta biết nói gì, làm gì (hay không nói gì, không làm gì) cho người đó bớt khổ và trở nên tươi tỉnh lại. Nếu người đó đang sống bình thường, không sầu khổ, không bệnh tật, mà chúng ta có mặt với Chánh niệm, thì người đó có thể có hạnh phúc……

Chánh niệm không phải chỉ nuôi dưỡng đối tượng mà cũng để nuôi dưỡng chính mình. Thiền sư ngắm hoa đào, không những làm hoa đào rạng rỡ mà còn làm cho người nhìn hoa rạng rỡ. Nhìn hoa đào không có Chánh niệm thì hoa không rạng rỡ được. …

Vậy Chánh niệm là năng lượng làm cho ta có mặt, làm cho vật kia hay người kia có mặt, và nuôi dưỡng đối tượng kia đồng thời nuôi dưỡng mình”.

Chánh niệm làm vơi đi đau khổ:

Khi ta đau khổ, chỉ cần có Chánh niệm về sự đau khổ ấy thì sự đau khổ đó sẽ giảm dần và biến mất. Khi ta cô đơn mà không ai để ý tới ta thì ta sẽ khổ thêm rất nhiều nhưng nếu lúc ấy có một ai đó ngồi lại với ta trong Chánh niệm thì nỗi khổ ấy sẽ lập tức biến mất. Do đó có thể nói thực tập Chánh niệm bên người đang đau khổ cũng là một phương pháp thực tập lòng từ bi. Khi ta thấy một người nào đó đang đau khổ, ta có thể giúp họ bằng cách đến ngồi cạnh họ, nhìn họ và nói chuyện với họ trong Chánh niệm thì nỗi đau khổ của người ấy sẽ giảm đi. Nếu lúc ấy ta không có Chánh niệm hoặc Chánh niệm quá yếu ớt thì ta sẽ không đủ khả năng làm người ấy bớt khổ. Người đang lìa đời cũng rất cần đến sự có mặt của ta. Trong giờ phút lâm chung người ấy bị sự sợ hãi, cô đơn làm cho đau khổ thêm gấp bội nhưng nếu có một người có Chánh niệm đến tiếp xúc với người ấy, ban rải tình thương cho người ấy, niệm Phật cầu Phật tiếp dẫn người ấy thì người ấy sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng. Mặc khác, nhờ Chánh niệm, chúng ta mới thấy rõ nguồn gốc của khổ đau của chính mình và người khác và thấy cả cách diệt trừ khổ đau ấy nên chúng ta có thể nhẹ nhàng dứt trừ khổ đau. Do đó có thể nói Chánh niệm làm vơi đi khổ đau. Chánh niệm tức là sự quán chiếu.

Nhờ Chánh niệm chúng ta có thể nhìn sâu vào bản chất của các sự vật hiện tượng. Ví dụ nhìn sâu vào bông hoa hay một người nào đó ta có thể thấy được bản chất của những mầu nhiệm và khổ đau trong ấy. Đó là quán chiếu. Thấy được tự tánh của một bông hoa là thấy được tự tánh của vạn pháp nghĩa là thấy được bản chất chân thật của sự vật. Bản chất chân thật của bông hoa là bản chất vô sinh, vô thường, vô ngã và tương tức. Ta thấy thật chứ không phải chỉ thấy qua những danh từ này. Mục đích của quán chiếu là để thấy được tự tánh. Đối tượng để quán chiếu có thể là chính mình. Ta không biết mình là ai, không biết chỗ yếu mạnh của chính mình, không biết mình có một kho châu báu, không biết mình có nhiều nội kết, tất cả đều do không biết tự tánh của chính mình. Phản quan, quan tự tánh chính là đem Chánh niệm trở về nhìn sâu và kỹ chân tánh mình.

Chánh niệm tức là tự làm chủ:

Khi ta có Chánh niệm là ta có khả năng nhận diện được bất cứ những gì đang xảy ra ngay trong giây phút hiện tại, tiếp xúc với căn, trần hay thân, thọ, tâm, pháp trong bản thân ta. Có Chánh niệm tức là tâm ta giữ được chủ quyền, ta có mặt trong cuộc đời và tiếp xúc với sự sống chân thật. Nếu không có Chánh niệm thì ta không còn là ta nữa, chúng ta sẽ trở thành người thất niệm, chúng ta làm mà chúng ta không biết mình đang làm gì, việc làm ấy đưa đến an lạc hay khổ đau. Ví như một ngôi nhà hoặc một một ngôi vườn mà không có chủ thì sẽ tan hoang, tàn tạ, cũng vậy nếu chúng ta thiếu Chánh niệm thì thân của chúng ta sẽ yếu đuối, thọ của chúng ta sẽ đầy khổ đau, tâm của chúng ta sẽ rối ren, trong ta sẽ tràn ngập phiền não; chỉ khi nào ta có Chánh niệm thì mọi việc mới tốt đẹp trở lại cũng giống như một căn nhà có người chủ đang trông nom, sửa sang, quét dọn thì sẽ gọn gàng, sạch sẽ. Do đó có thể nói Chánh niệm là tự làm chủ..

Chánh niệm chính là sự trở về:

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu không có Chánh niệm thì tâm ta lúc nào cũng rong ruổi ở tận đâu đâu ít có khi nào nó chịu trở về. Chúng ta lúc nào cũng như người bị lạc đường cứ đi loang quanh tìm kiếm mãi mà chẳng tìm ra một chỗ để dừng chân. Chính vì vậy, trong kinh: “thân hành niệm xứ” (Trung Bộ), Đức Phật dạy chúng ta trở về với thân, nhận diện tất cả các thành phần và động tác của thân. Trước hết, ta nhận diện thân ta trong các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi. Đó là một sự trở về đích thực. Sự trở về trong Chánh niệm đó tạo ra cho chúng ta nguồn an lạc, hạnh phúc không cần tìm đâu xa. Khi đạt được Chánh niệm trong tâm thì mọi biểu hiện, cử chỉ đều giúp ta trở về. Bởi vậy, Chánh niệm là trở về với chính mình, với gốc rễ của mình, với tâm linh của mình. Vì vậy có thể nói Chánh niệm chính là sự trở về.

Chánh niệm giúp ta tiếp xúc với những gì mầu nhiệm:

Cuộc sống chung quanh ta đầy những mầu nhiệm, bầu trời xanh, ánh nắng vàng và nụ cười hồn nhiên của em bé có thể cho ta biết bao niềm vui. Hơi thở của ta cũng rất tuyệt diệu, nó cho ta sự sống mỗi ngày. Thế mà có người đợi khi bị suyễn hay bị nghẹt mũi rồi mới thấy hơi thở là quý. Sống có Chánh niệm là biết trân quý từng phút giây của hạnh phúc. Hạnh phúc lúc nào cũng có mặt trong ta và ngoài ta, chỉ cần có Chánh niệm là chúng ta nhận diện nó dễ dàng. Và khi ta nhận diện được nó thì những hạt giống an vui, tươi mát, lành mạnh càng phát triển mạnh mẽ trong ta. Dù ở đâu, bất cứ lúc nào, ta cũng có thể thưởng thức được một tia nắng ấm, một hơi thở ngọt ngào hay sự hiện diện của một người thương. Ta đâu cần phải đi đâu xa, ta chỉ cần có Chánh niệm là hạnh phúc có thể có mặt.

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News