Sức Khoẻ

Chi tiết các nguyên nhân chảy nước mũi và cách điều trị, phòng ngừa

Chảy nước mũi hoặc sổ mũi là một triệu chứng phổ biến của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Trên thực tế, tình trạng này thường không đáng lo ngại và có thể tự hết mà không cần điều trị bằng thuốc.

Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin xoay quanh vấn đề vì sao bạn bị chảy nước mũi? Đồng thời, bài viết cũng chia sẻ thêm cách làm dịu sự khó chịu do sổ mũi hoặc nghẹt mũi để bạn tham khảo.

Chảy nước mũi là gì? Vai trò của chất nhầy bên trong mũi

Chảy nước mũi là tình trạng dịch nhầy dư thừa chảy ra từ mũi. Về đặc điểm, bạn có thể nhận thấy dịch nhầy từ mũi đặc hoặc lỏng, trong suốt hoặc có màu trắng, vàng, xanh nhưng điều này là bình thường và không có nghĩa là bạn bị nhiễm trùng.

Về cơ bản, dịch nhầy được tạo ra từ các tuyến sản xuất chất nhờn bên trong mũi. Vai trò quan trọng của dịch nhầy là giữ ẩm cho mũi và ngăn chặn các tác nhân có hại như vi khuẩn, bụi bẩn, phấn hoa… đi sâu vào bên trong mũi.

Như vậy, điều này sẽ giúp không khí đến phổi luôn sạch sẽ. Đồng thời, các tác nhân có hại sẽ được tống ra khỏi mũi và xoang thông qua hiện tượng chảy nước mũi. Không những vậy, chất nhầy từ mũi còn chứa các kháng thể hoặc enzym giúp tiêu diệt vi khuẩn và virus có hại.

Vì sao bạn chảy nước mũi? 9 nguyên nhân phổ biến cần quan tâm

Khi bị chảy nước mũi, chắc hẳn bạn thường nghĩ đến nguyên nhân là do bị cảm. Thế nhưng, thực tế là có khá nhiều nguyên nhân gây chảy nước mũi, thường kèm theo nghẹt mũi và không phải lúc nào cũng liên quan đến bệnh lý. Cụ thể bao gồm:

Không khí hoặc thời tiết lạnh gây sổ mũi

Ở nhiệt độ thấp, mũi của bạn sẽ cố gắng để làm ấm không khí lạnh mà bạn hít thở vào trước khi đưa khí xuống phổi. Để làm được điều này, các mạch máu nhỏ bên trong mũi thường giãn ra giúp làm ấm không khí đi qua. Tuy nhiên, khi lưu lượng máu tăng thêm có thể dẫn đến việc chất nhờn được sản xuất nhiều hơn gây chảy nước mũi.

Chảy nước mũi do cảm lạnh hoặc cảm cúm

chi tiết các nguyên nhân chảy nước mũi và cách điều trị, phòng ngừa

Khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm sẽ gây tăng tiết dịch nhầy trong mũi quá mức nhằm ngăn chặn vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào phổi. Điều này thường dẫn đến tình trạng dịch nhầy dư thừa chảy ra khỏi mũi hoặc chảy xuống cổ họng. Một triệu chứng phổ biến đi kèm nữa là dịch nhầy sẽ làm đầy các xoang mũi và khiến bạn bị nghẹt mũi.

Viêm mũi dị ứng

Khi bạn tiếp xúc với các tác nhân khiến mình dị ứng như phấn hoa, lông thú cưng, mạt bụi nhà, bụi… sẽ dẫn đến tình trạng mũi tiết dịch nhầy quá mức để chống lại các tác nhân được cơ thể cho là có hại. Quá trình phản ứng này cũng thường kèm theo hắt hơi và chảy nước mắt.

Chảy nước mũi do viêm mũi vận mạch

Đây là tình trạng hệ thần kinh đối giao cảm trong niêm mạc mũi phản ứng quá mức với các tác nhân như khói, mùi nước hoa, nấm mốc, thời tiết… Viêm mũi vận mạch thường gây ra các triệu chứng tương tự như viêm mũi dị ứng bao gồm chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi…

Polyp mũi

Polyp mũi là những khối u lành tính, mềm, có hình dạng như giọt nước, hình thành từ lớp niêm mạc mũi và các xoang. Nhìn chung, polyp mũi nhỏ thường không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, nếu polyp mũi lớn hơn có thể gây ra các triệu chứng giống với viêm xoang và một số bệnh ở đường hô hấp trên như cảm lạnh, cảm cúm… Trong đó, sổ mũi và nghẹt mũi kéo dài là một trong những triệu chứng phổ biến của polyp mũi.

U nang mũi

Tình trạng này xảy ra khi xuất hiện các u lành tính hoặc có thể ác tính trong hốc mũi. Tuy nhiên, u nang mũi khá hiếm gặp. Trong đó, các trường hợp được ghi nhận hiện tượng sản xuất dịch nhầy quá mức thường chỉ xảy ra ở một bên mũi.

Dị vật mắc kẹt bên trong mũi

Tình trạng này xảy ra ở trẻ nhỏ là chủ yếu. Khi trẻ vô tình đưa dị vật (thường là các đồ vật nhỏ) vào trong lỗ mũi, điều này sẽ gây tắc nghẽn đường thở và có thể gây tiết dịch nhầy có mùi hôi.

Phì đại cuốn mũi

Về cấu trúc giải phẫu, cuốn mũi là các xương dọc theo mặt bên của mũi. Trong đó, phì đại cuốn mũi là tình trạng cuốn mũi sưng to bất thường do dị ứng, nhiễm trùng hoặc bất thường cấu trúc xương xoăn mũi. Điều này thường khiến dịch trong mũi khó thoát ra và gây nghẹt mũi liên tục.

Ngoài phì đại cuốn mũi, một số tình trạng khác, thường liên quan đến dị tật, có thể gây nghẹt mũi bao gồm lệch vách ngăn mũi hoặc hẹp lỗ mũi sau.

Chảy nước mũi khi bạn khóc

Đôi khi, chảy nước mũi không phải là triệu chứng của một bệnh lý nào đó mà chỉ là cơ chế sinh lý tự nhiên của cơ thể. Chẳng hạn như khi bạn khóc, bị cay mắt khiến nước mắt từ tuyến lệ có thể chảy qua ống dẫn nước mắt (lệ đạo) và đổ vào mũi. Lúc này, nước mắt thường hòa cùng dịch nhầy từ mũi và chảy ra ngoài là điều bình thường.

Chảy nước mũi có phải bị COVID-19?

chi tiết các nguyên nhân chảy nước mũi và cách điều trị, phòng ngừa

Trong những năm gần đây, dịch bệnh COVID-19 nhận được nhiều sự quan tâm do sự phát triển và lây lan nhanh chóng của Corona virus chủng mới. Triệu chứng của COVID-19 khá dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác. Vì vậy, nhiều người không tránh khỏi thắc mắc chảy nước mũi có phải bị COVID-19 không? Câu trả lời cho vấn đề này là vẫn có thể. Bên cạnh nghẹt mũi, bạn còn có thể gặp phải các triệu chứng khác khi bị COVID-19, bao gồm:

  • Ho
  • Thở gấp, khó thở
  • Sốt, ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Mất vị giác, khứu giác
  • Đau nhức cơ hoặc cơ thể
  • Viêm họng
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.

Những triệu chứng nào khác có thể đi kèm với chảy nước mũi?

Chảy nước mũi thường là do mũi sản sinh quá nhiều dịch nhầy. Trong hầu hết trường hợp, triệu chứng này thường không diễn ra đơn lẻ mà thường đi kèm với các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Sổ mũi kèm ho, đau họng. Tình trạng này xảy ra khi dịch nhầy từ mũi chảy xuống phía sau cổ họng và bạn nuốt xuống bụng.
  • Chảy nước mũi và nghẹt mũi thường xảy ra cùng nhau. Trong đó, khi các mạch máu bị viêm dẫn đến sưng niêm mạc mũi sẽ gây khó thở, tắc nghẽn bên trong mũi.
  • Chảy nước mũi do cảm lạnh hoặc cảm cúm có thể kèm theo mệt mỏi, đau họng, ho, sốt
  • Chảy nước mũi do dị ứng có thể kèm theo hắt hơi, ngứa và chảy nước mắt.

Điều trị sổ mũi như thế nào?

Chảy nước mũi hoặc sổ mũi thường không cần điều trị bằng thuốc mà có thể tự khỏi. Thông thường, bạn hoàn toàn có thể chọn cách chữa sổ mũi tại nhà. Các biện pháp này có thể không điều trị dứt điểm nhưng có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn cho đến khi ngưng sổ mũi hoàn toàn.

Cách điều sổ mũi tại nhà đơn giản

chi tiết các nguyên nhân chảy nước mũi và cách điều trị, phòng ngừa

Như đã đề cập, người bị sổ mũi hiếm khi cần dùng đến thuốc kê toa. Thay vào đó, việc áp dụng các biện pháp sau đây có thể hữu ích:

  • Nghỉ ngơi nhiều.
  • Uống nhiều nước lọc và tránh đồ uống chứa cồn, caffeine.
  • Uống trà cũng có thể giúp ích cho tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi. Thế nhưng, bạn cần ưu tiên chọn trà thảo mộc có tác dụng chống viêm, sung huyết nhẹ như trà cúc, gừng, bạc hà… và tránh các loại trà chứa caffeine.
  • Sử dụng bình rửa mũi đúng cách để loại bỏ dịch nhầy dư thừa. Khi rửa mũi, bạn nên dùng nước cất hoặc nước vô trùng để giảm nguy cơ nhiễm trùng xoang.
  • Sử dụng bình xịt nước muối để giữ ẩm cho mũi và làm loãng dịch nhầy nhưng không nên lạm dụng trong thời gian dài.
  • Xông hơi mặt bằng cách hít hơi nước nóng có thể giúp giảm nghẹt mũi và chảy nước mũi.
  • Ăn thức ăn cay thường kích thích chảy nước mũi nên có thể giúp ích trong trường hợp bạn bị nghẹt mũi. Việc tiêu thụ thức ăn cay cũng có thể làm giãn các hốc bên trong và giải quyết các vấn đề ở xoang mũi.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng để ngăn không khí khô ảnh hưởng đến niêm mạc mũi và gây nghẹt mũi. Nói cách khác, việc sử dụng thiết bị này sẽ giúp mũi của bạn được giữ ẩm và dễ dàng tống dịch nhầy ra ngoài.

Điều trị chảy nước mũi do viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là một vấn đề sức khỏe có sự khác biệt so với cảm lạnh hoặc cảm cúm nhưng điểm chung là cũng có thể gây chảy nước mũi. Trong trường hợp này, bạn có thể kiểm soát bằng cách:

  • Hạn chế nguy cơ tiếp xúc phấn hoa bằng cách ở trong nhà nhiều hơn, đóng cửa sổ, tránh các hoạt động ngoài trời
  • Đeo khẩu trang chống bụi nếu phải làm việc hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời
  • Tránh tiếp xúc với vật nuôi nếu bạn nhạy cảm với lông của chúng
  • Trang bị thuốc xịt steroid hoặc thuốc kháng histamine đường uống để dùng khi cần thiết.

Nếu các triệu chứng dị ứng của bạn nghiêm trọng, bạn có thể cần đi khám để làm xét nghiệm và dùng thuốc điều trị kê đơn từ bác sĩ.

Điều trị sổ mũi và các triệu chứng liên quan bằng thuốc hoặc phẫu thuật

Trong một số trường hợp cần điều trị bằng thuốc, tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ hoặc dược sĩ có thể kê đơn thuốc phù hợp. Nếu bạn nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như nhiễm khuẩn xoang hoặc liên cầu khuẩn, sẽ cần dùng đến kháng sinh. Nếu bạn nhiễm trùng do virus, chẳng hạn như cúm, sẽ cần đến thuốc kháng virus.

Đối với một số trường hợp đặc biệt như bạn bị polyp mũi, lệch vách ngăn mũi, hẹp lỗ mũi… gây tắc nghẽn đường thở thì có thể cần được phẫu thuật để giải quyết các vấn đề này.

Bị chảy nước mũi – Khi nào bạn cần đi khám?

chi tiết các nguyên nhân chảy nước mũi và cách điều trị, phòng ngừa

Như đã đề cập, chảy nước mũi thường tự khỏi mà không cần đến điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp sau bạn có thể cần phải đi khám:

  • Sổ mũi kéo dài hơn 10 ngày và không có dấu hiệu cải thiện
  • Có thêm các triệu chứng nghiêm trọng hoặc bất thường, chẳng hạn như chảy nước mũi và sốt
  • Đối với trẻ nhỏ, các bé thường không tránh khỏi tai nạn có dị vật trong đường thở. Vì vậy, bạn nên chú ý thêm các dấu hiệu như có dịch nhầy chảy ra từ một bên mũi, dịch nhầy có màu xanh, lẫn máu hoặc có mùi hôi thì cần đưa trẻ đi khám.

Ngăn ngừa sổ mũi như thế nào?

Bản chất của chảy nước mũi không lây lan nhưng đây thường là triệu chứng của những bệnh có thể lây truyền từ người sang người. Do đó, để ngăn ngừa sổ mũi và các triệu chứng liên quan, điều quan trọng là bạn nên chú ý thực hành vệ sinh tốt. Sau đây là một số giải pháp bạn có thể áp dụng:

  • Rửa tay thường xuyên
  • Tập thói quen ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay
  • Vứt khăn giấy đã sử dụng sau khi xì mũi hoặc lau mũi đúng chỗ, không xả bừa bãi
  • Tránh tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh, cảm cúm…
  • Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch
  • Thường xuyên khử trùng các bề mặt chung như bàn, ghế, đồ chơi của trẻ em, tay nắm cửa…

Chảy nước mũi (sổ mũi) là triệu chứng rất phổ biến đối với trẻ nhỏ lẫn người lớn. Mặc dù tình trạng này thường không đáng lo ngại nhưng vẫn gây khó chịu và góp phần lây truyền một số bệnh hô hấp. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần thực hành vệ sinh tốt, đảm bảo lối sống lành mạnh để ngăn ngừa sổ mũi hiệu quả.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News