Tâm linh

Chúa Thác Bờ Là Ai? Sự Tích Và Đền Thờ

Chúa Thác Bờ nổi tiếng là vị Chúa Bà linh thiêng nhất Hòa Bình. Con hương từ thập phương muốn cầu chữa bệnh tật, cúng lễ thì phải đến xin lộc Bà. Đền thờ của Chúa Bà được xây trên địa phận 2 của huyện đó là huyện Đà Bắc và Cao Phong, Hòa Bình. Nơi đây có địa thế hùng vĩ, cảnh đẹp thiên nhiên hài hòa, tươi mát, hàng năm đón hàng trăm lượt khách hành hương đến tham quan, và chiêm bái tấp nập. Có thể nói, nơi đây chính là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Hòa Bình.

chúa thác bờ là ai? sự tích và đền thờ

Chúa thác bờ

Sự tích về Chúa Thác Bờ

Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia Bà vốn là người Mường, sinh ra và lớn lên trên vùng đất Hòa Bình dưới thời Lê. Chúa Bà có tên thật là Đinh Thị Vân, Bà là con gái của một gia đình tộc trưởng trong làng. Vào năm 1430 – 1432, vua Lê Lợi đem quân đi dẹp giặc ngoại xâm ở Đèo Cát Hãn tại Mường Lễ, Sơn La. Khi vua tiến đến Thác Bờ thì thấy địa thế nơi đây vô cùng nguy hiểm với thác nước xô bọt trắng trời cùng rất nhiều xoáy nước dưới dòng sông khiến quân ta không thể vượt qua được. Lúc bấy giờ, đã có hai người con gái đứng lên huy động trai tráng trong làng lên rừng xẻ ván, làm thuyền độc mộc giúp đưa quân qua thác. Một người trong số đó chính là Đinh Thị Vân – cô gái dân tộc Mường và một người là cô gái dân tộc Dao.

Sau khi chiến thắng trở về, vua Lê Lợi dừng chân nơi Thác Bờ và làm lễ khao quân tại đây. Hai cô lại vận động nhân dân cùng quyên góp thịt muối, cơm lam, rượu cần để liên hoan ăn mừng chiến thắng này.

Tại đây, Bà còn giúp nhân dân ổn định cuộc sống, dạy người dân lên rẫy làm nương, dạy làm lưới xuống sông Đà bắt cá. Tương truyền rằng, Chúa Bà còn giúp nhân dân trị thủy, chế ngự con sông Đà cuồn cuộn sóng dữ.

Về sau khi hai Bà mất, để tưởng nhớ công ơn nên nhân dân đã phong cho hai bà là Bà Chúa Thác Bờ và lập đền thờ trong vùng thờ cúng muôn đời.

Đền thờ Chúa Thác Bờ

Vị trí đền Thác Bờ

chúa thác bờ là ai? sự tích và đền thờ

Đền chúa thác bờ nhìn từ dưới sông

Thác Bờ ở Hòa Bình khi xưa còn có tên gọi khác là Thác Vạn Bờ bởi nó nằm ở vị trí hiểm trở với hàng trăm mỏm đá lớn nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa lòng sông Đà gầm thét ồn ào. Khi xưa nơi đây là khu vực gây ám ảnh nhất đối với mỗi người lái đò trên sông. Trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục, cụ Lê Quý Đôn đã từng nhận xét cho rằng: “Sông Đà – thác ghềnh hiểm trở gồm 83 con thác có tiếng, mà Vạn Bờ là thác nguy hiểm thứ nhất”.

Tuy nhiên, ngày nay do sự can thiệp của máy móc và công nghệ, kết hợp với việc xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ khai thác du lịch và phục vụ nhu cầu chiêm bái của nhân dân, khu vực Thác Bờ đã được cải thiện để không còn nguy hiểm như xưa. Thay vào đó, Thác Bờ trở thành một địa điểm nổi tiếng như một thắng cảnh sử hữu cảnh quan sông nước núi đồi hùng vĩ làm ngất ngây lòng người.

Về vị trí xây dựng đền Thác Bờ, khu di tích đền Thác Bờ được chia làm hai khu vực bao gồm: đền Thác Bờ phía tả ngạn và đền Thác Bờ phía hữu ngạn.

Đền Chúa Thác Bờ phía tả ngạn có vị trí nằm trên đỉnh đồi Hang Thần, thuộc xóm Phố Bờ, xã Vầy Nưa, Đài Bắc, Hòa Bình. Phía Đông và phía Tây của đền giáp khu dân cư xóm phố Bờ, phía Nam giáp lòng hồ sông Đà, phía Bắc giáp một phần lòng hồ Sông và dãy núi cả xã.

Đền Thác Bờ Hòa Bình phía hữu ngạn có vị trí nằm ở chân Thác Bờ ngay cạnh sông Đà. Mặt đền nhìn theo hướng Tây Bắc hướng ra sông Đà, phía Đông tựa vào dãy núi, phía Nam giáp một phần lòng hồ sông Đà và dãy núi. Vào mùa nước cạn, du khách sẽ phải đi bộ thêm hơn 108 bậc thang đá thì mới tới chân đền. Tuy nhiên vào mùa nước lên, du khách sẽ gần như không phải đi bộ nhiều vì mực nước đã dâng cao lên tận chân đền.

Kiến trúc đền Chúa Thác Bờ Hòa Bình phía tả ngạn và hữu ngạn

Đền Chúa Thác Bờ đã trải qua một số lần trùng tu, xây dựng lại nên kiến trúc của đền không còn được giữ nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, nhiều nét độc đáo và đặc trưng của đền vẫn còn được lưu giữ lại cho tới ngày hôm nay.

Đền Chúa Thác Bờ phía tả ngạn có hình thái kiến trúc mặt bằng hình chữ Đinh bao gồm nhà Đại bái và nhà Hậu cung.  Phía trước đền có 5 cửa được lợp bằng mái ngói vảy cá, cửa chính của đền treo bức đại tự viết bằng chữ Hán, trên nóc có đắp nổi mặt rồng chầu, hai bên tả hữu ngũ ngan có đắp hình 2 ông khuyến thiện và trừng ác.

Đền Thác Bờ phía hữu ngạn cũng có cấu trúc mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh, bao gồm ba gian thờ chính và hậu cung. Đền được xây hai tầng tựa vào núi, tầng 1 được dùng làm nơi nghỉ trọ cho du khách hành hương và tầng hai là nơi thờ tự các vị thần linh. Đền được xây dựng bằng bê tông cốt thép kiên cố, trần đổ mái bằng, giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, cầu thang lên xuống được xây bên phải đền.

Trong đền không chỉ thờ Chúa Thác Bờ mà còn thờ các vị thánh khác như Công Cồng Quan Lớn, Ngũ Vị Tôn Ông, Bà Chúa Sơn Trang, Tứ Phủ Thánh Cô, Tứ Phủ Thánh Cậu, Đức Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Tứ Phủ Chầu Bà,…

Động Tiên – Động Thác Bờ

chúa thác bờ là ai? sự tích và đền thờ

Động thác bờ

Động Tiên cũng là nơi thờ phụng Chúa Thác Bờ, nơi đây lưu giữ lại nhiều thánh tích của Chúa Bà để lại. Để có thể tới Động Tiên từ đền Chúa Thác Bờ bạn buộc phải vượt qua dòng Đà Giang cuộn sóng bằng phà hoặc cano.

Động Tiên có diện tích khá rộng, sâu đến hơn 100m với nhiều vách đá và nhũ thạch được hình thành từ hàng trăm năm trước. Quần thể hang động được chia làm 3 khu vực chính bao gồm:

Khu nghỉ ngơi cho khách du lịch, nằm ngay phía cửa động. Nơi đây là khu vực có vòm cao và diện tích rộng.

Khu vực thứ hai là một hồ nước trong suốt nằm ngay bên trong động. Khi bước vào nơi đây, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào chốn tiên cảnh với những khối nhũ đá lóng lánh đủ hình thù độc đáo.

Khu cuối cùng là nơi thờ Phật, nơi đây có vòm động khá rộng nên có thể đặt được tượng Phật lớn. Bàn thờ phật được bày biện vô cùng trang hoàn và lộng lẫy.

Động Tiên và động Thác Bờ đã được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2008. Xưa kia, nơi đây chính là nơi trú ẩn của nghĩa quân vua Lê Lợi. Sau này, đây cũng là nơi nghỉ chân an toàn cho cánh lái buôn, thuyền bè qua lại ngược xuôi trên dòng sông Đà.

Kinh nghiệm khi đi lễ Chúa Thác Bờ

Hầu giá Chúa Thác Bờ

Chúa Thác Bờ là vị Chúa Bà rất hay về ngự đồng. Thông thường Chúa Bà thường hay về ngự sau Chầu Đệ Tam vậy nên có người hay gọi là Chầu Thác Bờ nhưng đôi khi có người lại hầu Chúa Thác Bờ sau Chúa Mường Đệ Tam Lâm Thao hoặc hầu chúa sau Chầu Bé Thượng. Nhưng Chúa Thác Bờ hay ngự về hơn Chúa Đệ Tam nên đôi khi người ta sẽ thỉnh Chúa về luôn và chứng tòa Sơn Trang màu trắng. Khi Chúa ngự về đồng thường vận áo trắng, quần đen, đai xanh, bên hông có xà tích bạc. Chúa về khai cuông rồi sau đó một tay cầm chèo, một tay cầm mồi, bẻ lái dạo chơi quanh sông Đà.

chúa thác bờ là ai? sự tích và đền thờ

Giá hầu chúa thác bờ

Khi làm lễ lập đàn mở phủ, sau khi hầu giá đồng, sau đó người ta thường làm lễ phóng sinh cá tại dòng sông Đà.

Hàng năm, lễ hội đền Chúa Thác Bờ được mở vào mùng 7 tháng giêng và đến hết tháng 3 âm lịch. Cứ đến nhưng ngày này là hàng trăm, hàng nghìn lượt khách đổ về đền để tham quan và chiêm bái Chúa Bà.

Dâng lễ Chúa Thác Bờ

Du khách thập phương hàng năm thường đến chầu cửa Chúa Bà để xin cầu lộc tài, chữa bệnh, xin Chúa cho bình an và may mắn trong cuộc sống. Để tỏ lòng biết ơn và thành tâm tôn kính của mình, du khách thường sắm lễ chầu Chúa Bà rất tỉ mỉ và cẩn thận. Một mâm lễ dâng Chúa thường bao gồm một đĩa hoa, một đĩa quả gồm nhiều loại quả, giấy tiền, thẻ hương, trầu cau, cút rượu, xôi thịt, cánh sớ. Riêng với Chúa Thác Bờ, các thức lễ dâng lên Chúa Bà thường phải có màu trắng vì Chúa ngự về đồng thường vận áo trắng.

Bản văn chầu Chúa Thác Bờ

Bản 1:

Ai lên tới Thung Nai, Đà Bắc

Ngược sông Đà bến ngọc lung linh.

Ai lên lễ Mẫu Hòa Bình,

Chợ Bờ Hang Miếng, thác ghềnh cheo leo

Chợ Phương Lâm sớm chiều đông đúc

Đội ngư phường độc mộc bán buôn

Chuông đền văng vẳng sớm hôm

Xa nghe tiếng hú gọi hồn rừng rừng ngang

Danh Chầu thác sơn trang lừng lẫy

Đất Hòa Bình đã dậy oai linh

Nửa đêm giờ tý hiện hình,

Áo pha màu tuyết bên mình túi dao

Thường vượt suối băng đèo hái thuốc

Luyện một bầu tiên dược hồi sinh

Nức danh Chầu Thác Hòa Bình

Vì đời đem lại tuổi xuân cho đồng

Gieo lúa mạch ngô khai sắn đỗ

Cho người đời trăm hộ yên vui

Non tiên cảnh vật xa vời

Cô tiên Chầu Thác vốn người sơn trang

Đã bao lần khai hoang mở lối

Giúp dân lành sớm tối lên công

Bao năm đục núi khơi dòng

Đem nguồn nước ngọt ấm lòng dân sinh

Tuổi đôi tám xuân xanh vừa độ

Tài lược thao văn võ kiếm cung

So bề: ngôn, hạnh, công dung

Trừ gian dẹp loạn khắp vùng biên cương

Đức nhân hiếu đôi đường vẹn cả

Nguyện vì đời một dạ đinh ninh

Vì đời đem lại thanh bình

Cho cây chắc rễ cho cành nở hoa

Tay tô điểm sơn hà cẩm tú

Cứu muôn người trăm họ an vui

Gương xưa còn để cho đời

Tấm gương chầu Thác muôn đời noi theo

Đường nhân sự hiểm nghèo đã trải

Nhẹ gót hài trở lại sơn trung

Phép mầu lục trí thần thông

Lánh đường lục đạo thoát vòng tử sinh

Dẫu sự tích văn trình một bản

Thính Chầu bà chứng giáng lai lâm

chữ rằng Thần giáng lưu ân

Chầu Bà lưu phúc thiên xuân thọ trường.

Bản 2:

Thanh nhàn dạo khắp nơi nơi

Nay đà Suối Rút, Kim Bôi, Hòa Bình

Núi ngũ nhạc rừng xanh mở lối

Qua Lương Sơn thắng tới Dốc Kun

Non cao khuất khúc dặm trường

Dân cư vắng vẻ xóm làng lơ thơ

Trâu gõ mõ tiếng gà cục tác

Vượn ru con tha thiết đêm thâu

Chim Công múa quạt bên lầu

Những chim khảm khắc về chầu ca vang

Bên sườn núi nhà sàn mấy lớp

Cầu thang mây nhẹ gót rung rinh

Tắc kè dong dả cầm canh

Đàn ong lấy mật lượn quanh bản mường

Dưới chân núi măng giang măng lứa

Cùng măng tre nấm mọc thơm bay

Khế chua sung chát gừng cay

Bí ngô mướp đắng ngô khoai lạc vừng

Tiều hớn hở băng rừng đốn củi

Dưới sông Đà vịt lội nhấp nhô

Ai lên cảnh đẹp Thác Bờ

Trước non sông núi đền thờ trang nghiêm

Vách núi nghiêng bên hồ nước chảy

Danh Chầu Bà vang dậy bốn phương

Thung Nai bản ấp họ Mường

Nhà sàn ven suối có đường lên non

Tiếng chim non véo von đầu núi

Con đường mòn thẳng lối ra sông

Say say vò rượu cay nồng

Bập bùng ánh lửa tiếng cồng tiếng chiêng

Thượng đệ tử án tiền tấu đối

Lập đàn tràng sám hối cửa thiêng

Thỉnh Chầu trắc giáng bản đền

Khuông phù đệ tử thiên niên thọ trường

Bản 3:

Vầng nhật nguyệt đêm ngày soi tỏ

Cảnh Thác Bờ rực rỡ càn khôn

Lô xô đá mọc đầu nguồn

Khen ai khéo tạo thác luồng chơi vơi

Cảnh Thác Bờ là nơi thánh tích

Lập đền thờ thanh lịch xiết bao

Sông Đà nước chảy rì rào

Sau đền đá mọc thấp cao mấy tầng

Cảnh thanh tiên thiều quan soi tỏ

Chầu Thác Bờ tiên nữ giáng sinh

Họ Mường áo trắng đai xanh

Lưng đeo xà tích bên mình túi dao quai

Đôi mắt phượng hoa cài trâm giắt

Vầng trán xinh vẻ mặt càng tươi

Môi son nở đóa hoa cười

Thanh tân lịch sự nét ngời thu ba

Tóc rườm rà rẽ đôi cánh phượng

Nét cong cong uốn lượn đường tơ

Xinh xinh để liễu thẫn thờ

Người xinh thời cảnh Thác Bờ thêm xinh

Thú hữu tình rong chơi các ngả

Bước ngao du khắp cả non cao

Mường Bi, Mường Nậm, phố Sào

Trồng Mâm, Yên Lịch lại vào Kim Bôi

Chiếc thuyền rồng chèo chơi bến ngọc

Dọc sông Đà dạo khắp suối khe

Hang Miếng, Suối Rút chèo về

Ngược xuôi xuôi ngược thuyền về động tiên

Khắp mọi miền kêu cầu vọng bái

Ai lỗi lầm chầu đoái lòng thương

Dù ai căn số dở dương

Lòng thành thắp một tuần hương kêu cầu

Đã nhất tâm tất cầu kêu ứng

Độ cho người phúc đẳng hằng sa

Ai mà vận hạn khó qua

Lòng thành kêu Chúa Thác Bờ cứu cho

Chầu cửu cho người qua tai nạn khỏi

Lại cứu người khỏi cõi trầm luân

Nước tiên tẩy sạch bụi trần

Thanh tao rồi lại mười phần thanh cao

Chữ cương thường treo cao trên giá ngọc

Chứ tam tòng tứ đức khuyên ghi

Đệ tử khấn vái tâu quỳ

Thác Bờ công chúa độ trì chứng minh

Đấng anh linh soi đời vời vợi

Mất chữ tâm thời tội phải mang

Lưới trời bổ khắp bốn phương

Hại nhân nhân hại khôn đường thoát thân

Đã nên đấng cầm cân nảy mực

Lấy chữ tội chữ phúc Chầu cân

Đừng khoe trọn vẹn muôn phần

Chữ đức mà kém Chầu cân sao bằng

Đừng có khinh những kẻ bần hàn

Cây đức tưới tốt vẻ vang sau này

Cung đàn tiếng hát hôm nay

Độ cho đệ tử lộc đầu phúc dư.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News