Dị Ứng

Dị ứng kiwi: Triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn theo thời gian

Kiwi là một loại quả giàu chất dinh dưỡng với hàm lượng vitamin C cao. Mặc dù là loại trái cây yêu thích của không ít người nhưng kiwi vẫn khiến một số người e ngại vì nguy cơ bị dị ứng. Tình trạng dị ứng kiwi tuy không quá phổ biến nhưng có thể gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được dị ứng kiwi là gì, triệu chứng như thế nào, nguyên nhân do đâu và cách điều trị, phòng ngừa ra sao.

Phân loại phản ứng dị ứng với kiwi

Giống như nhiều loại dị ứng khác với trái cây tươi và rau quả, tình trạng dị ứng kiwi có thể có nhiều dạng khác nhau. Về cơ bản, có 2 loại phản ứng dị ứng với kiwi, bao gồm phản ứng dị ứng kiwi thực sự (tương tự với dị ứng với thực phẩm thông thường) và phản ứng dị ứng chéo. Các phản ứng chéo phổ biến nhất với kiwi là nhựa mủ và thực phẩm từ thực vật. Ngoài ra, dị ứng kiwi cũng là một nguyên nhân phổ biến của hội chứng dị ứng miệng (OAS). Như vậy, phản ứng dị ứng với kiwi thường là:

  • Dị ứng thực phẩm thông thường: Đây là loại dị ứng do mẫn cảm trực tiếp với chất gây dị ứng trong quả kiwi khi ăn loại quả này. Phản ứng dị ứng này có thể gây ra các triệu chứng ở bụng, phát ban và các vấn đề về hô hấp.
  • Dị ứng kiwi liên quan đến hội chứng dị ứng miệng: Bạn có thể bị dị ứng với loại quả này nếu mắc phải hội chứng dị ứng miệng, hay còn gọi là hội chứng dị ứng thực phẩm – phấn hoa (PFAS). Đây là tình trạng cơ thể nhầm lẫn một số loại thực phẩm với phấn hoa. Do đó, những người bị dị ứng phấn hoa bạch dương có thể bị dị ứng kiwi với các triệu chứng bao gồm các phản ứng cục bộ trong miệng và cổ họng kèm theo ngứa và viêm.
  • Dị ứng kiwi liên quan đến nhựa mủ: Sự giống nhau giữa các chất gây dị ứng trong kiwi và mủ cao su tự nhiên (găng tay, bao cao su, bóng bay…) có thể khiến những người bị dị ứng mủ (hội chứng mủ trái cây) gặp phải tình trạng dị ứng với loại quả này. Các triệu chứng dị ứng trong trường hợp này liên quan đến các phản ứng nghiêm trọng về da, đường tiêu hóa, gồm nổi mề đay toàn thân, đau bụng, nôn mửa và đôi khi là các triệu chứng đe dọa tính mạng.
  • Dị ứng kiwi liên quan đến thực phẩm thực vật: Bạn có thể bị dị ứng với loại quả này do phản ứng chéo với các loại thực phẩm thực vật khác, bao gồm táo, đào, anh đào, quả phỉ, đậu phộng, cà rốt, bơ, hạt dẻ, chuối, đu đủ, dứa, ô liu, khoai tây, lúa mì, mè và hạt cây anh túc…

Bạn có thể xem thêm:

Dị ứng thức ăn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị đơn giản

Nguyên nhân gây dị ứng kiwi

dị ứng kiwi: triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn theo thời gian

Dị ứng với kiwi xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn một số protein trong trái kiwi với các chất có hại tương tự như virus hoặc vi khuẩn. Sau đó, hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng histamin và tạo ra các kháng thể IgE để tấn công các chất “độc hại” này, dẫn đến tình trạng dị ứng.

Nghiên cứu đã liên kết một loạt các protein trong trái kiwi với các phản ứng dị ứng, bao gồm actinidin, protein giống thaumatin và kiwellin. Nghiên cứu cũng cho rằng một hợp chất có tên là 30 kDa thiol-protease actinidin có thể là một chất chính gây dị ứng kiwi. Đây là những chất vô hại mà cơ thể có thể nhầm là nguy hiểm, gây ra phản ứng dị ứng.

Bạn có thể xem thêm:

Bị dị ứng có nguy hiểm không? Đừng xem thường căn bệnh này!

Triệu chứng dị ứng kiwi

Dị ứng kiwi có thể từ nhẹ đến nặng và có thể thay đổi theo thời gian, dẫn đến các triệu chứng nhẹ trong một đợt và các triệu chứng nghiêm trọng trong đợt khác. Các triệu chứng dị ứng còn phụ thuộc vào loại dị ứng kiwi mắc phải, chẳng hạn:

Dị ứng kiwi liên quan đến hội chứng dị ứng miệng:

  • Ngứa hoặc ngứa ran trong miệng, môi, lưỡi hoặc cổ họng
  • Sưng trong miệng và cổ họng
  • Sưng môi, lưỡi
  • Nổi mề đay trên miệng
  • Ngứa tai
  • Trầy cổ họng

Các triệu chứng dị ứng trong trường hợp này có thể đi kèm với các phản ứng trên da, hen suyễn và viêm mũi. Một số người cũng có thể gặp phải các phản ứng nghiêm trọng như các triệu chứng tim mạch và phản ứng phản vệ.

Dị ứng kiwi thực sự:

dị ứng kiwi: triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn theo thời gian

Đối với những người bị dị ứng thực sự, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn nhiều. Những triệu chứng dị ứng có thể liên quan đến da, đường tiêu hóa, hệ tim mạch và đường hô hấp và có thể bao gồm một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Co thắt dạ dày
  • Ngứa da
  • Nổi mề đay, chàm
  • Thở khò khè, nghẹt mũi, khó thở
  • Ho liên tục
  • Cổ họng nghẹn, khàn
  • Khó nuốt
  • Màu da nhợt nhạt
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Ngất xỉu
  • Mạch yếu
  • Sốc phản vệ
  • Suy giảm tuần hoàn

Trẻ em bị dị ứng kiwi có nhiều nguy cơ bị các triệu chứng nghiêm trọng hơn người lớn.

Bạn có thể xem thêm:

Giúp bạn nhận biết và xử trí phản ứng dị ứng

Chẩn đoán

Khi nghi ngờ dị ứng trái kiwi, bạn nên đi khám. Các bác sĩ sẽ dựa trên những triệu chứng mà bạn gặp phải để đưa ra những chẩn đoán ban đầu. Sau đó, để có thể xác định xem bạn có thật sự bị dị ứng hay không, một số phương pháp chẩn đoán chuyên biệt có thể được thực hiện, bao gồm:

  • Xét nghiệm dị ứng
  • Xét nghiệm chích da (Skin Prick)
  • Xét nghiệm máu

Điều trị dị ứng kiwi

dị ứng kiwi: triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn theo thời gian

Đối với trường hợp dị ứng ở mức độ nhẹ, việc dùng thuốc kháng histamin có thể hữu ích. Bác sĩ không khuyến khích người bệnh dùng thuốc kháng histamin thường xuyên để ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng, nhưng nếu bạn có dấu hiệu dị ứng, bạn có thể uống thuốc theo liều lượng được chỉ định để khắc phục các triệu chứng.

Đối với những trường hợp dị ứng kiwi nặng, tiêm epinephrine (như EpiPen) có thể được áp dụng. Việc tiêm epinephrine tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng của người bệnh.

Phòng ngừa

Tránh ăn và tiếp xúc tất cả các loại kiwi là cách phòng ngừa hiệu quả nhất. Các món ăn được làm từ kiwi (sữa chua, bánh ngọt…) cũng cần được đưa vào “danh sách đen”. Nếu bạn đi ăn ngoài, hãy hỏi rõ thành phần của món ăn. Khi chọn mua thực phẩm, bạn cũng nên đọc kỹ bảng thành phần. Một số người có thể phải tránh tất cả các loại thực phẩm gây phản ứng chéo khác. Ngoài ra, nếu bạn bị dị ứng kiwi thực sự, bạn có thể cần mang theo ống tiêm epinephrine để phòng ngừa sốc phản vệ nếu chẳng may bị dị ứng.

Bạn có thể xem thêm:

12 cách chống dị ứng theo phương pháp tự nhiên

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ tất tần tật mọi điều về dị ứng kiwi để từ đó có biện pháp chăm sóc, phòng ngừa hiệu quả nhất!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News