Dị Ứng

Dị ứng yến mạch: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Dị ứng yến mạch là vấn đề sức khỏe không quá phổ biến. Tuy nhiên, nếu không được cấp cứu đúng cách, bệnh có thể gây tác hại khôn lường cho sức khỏe.

Vậy dị ứng yến mạch có triệu chứng và cách điều trị như thế nào?

Tổng quan về tình trạng dị ứng yến mạch

Nếu cảm thấy nổi mẩn và chảy nước mũi sau khi ăn yến mạch thì rất có thể bạn đã bị mẫn cảm hoặc dị ứng với một loại protein có trong yến mạch. Loại protein này có tên gọi là avenin.

dị ứng yến mạch: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Dị ứng và mẫn cảm với yến mạch đều có thể kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch. Điều này dẫn đến việc hình thành các kháng thể chống lại sự tấn công của một chất lạ mà cơ thể cho rằng đó là mối đe dọa.

Tuy nhiên, không phải ai có các triệu chứng bất thường sau khi ăn yến mạch cũng đều bị dị ứng. Đó có thể là tình trạng mẫn cảm với gluten hoặc bệnh celiac.

Gluten là một loại protein có trong lúa mì. Yến mạch không chứa gluten nhưng chúng lại thường được trồng và chế biến trong các cơ sở sản xuất lúa mì, lúa mạch đen và các loại nông sản có chứa gluten.

Gluten có trong các loại nông sản này có thể lẫn vào yến mạch trong quá trình xử lý. Do đó, nếu bị dị ứng với gluten, bạn nên lựa chọn các sản phẩm được dán nhãn “không chứa gluten”.

Bên cạnh đó, yến mạch cũng có thể khiến dạ dày khó chịu nếu bạn quá mẫn cảm với các loại thực phẩm giàu chất xơ. Vì thế, bạn nên ghi chú lại những loại thực phẩm mà mình bị dị ứng. Chúng sẽ giúp bạn xác định được mình bị dị ứng với avenin hay một chất khác có trong thành phần món ăn.

Triệu chứng dị ứng yến mạch

Dị ứng yến mạch thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn. Loại dị ứng này gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, chẳng hạn như:

  • Mẩn đỏ, ngứa ngáy, kích ứng da
  • Phát ban trên da hoặc bên trong miệng
  • Rát họng
  • Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
  • Cảm giác ngứa ở mắt
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Khó thở
  • Sốc phản vệ

dị ứng yến mạch: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

So với dị ứng, các triệu chứng do mẫn cảm với yến mạch thường diễn biến chậm và ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể trở thành mãn tính nếu bạn vẫn tiếp tục ăn hoặc tiếp xúc với yến mạch. Mẫn cảm với yến mạch có thể có các biểu hiện như:

  • Viêm, kích ứng dạ dày
  • Tiêu chảy
  • Mệt mỏi

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phản ứng dị ứng với yến mạch có thể gây ra hội chứng viêm ruột do protein từ thực phẩm (FPIES). Hội chứng này ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, gây nôn ói, mất nước, tiêu chảy và chậm phát triển.

Trong trường hợp nghiêm trọng và kéo dài, FPIES cũng gây ra chứng ngủ lịm và chán ăn. Không chỉ riêng yến mạch, nhiều loại thực phẩm khác cũng có thể gây ra hội chứng FPIES.

Dị ứng yến mạch cũng có khả năng gây tác động xấu khi sử dụng trực tiếp trên da. Một nghiên cứu vào năm 2007 đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dùng các sản phẩm kem dưỡng da chứa yến mạch có thể bị viêm da dị ứng. Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở những người lớn có cơ địa mẫn cảm với yến mạch.

Chẩn đoán tình trạng dị ứng

Một số xét nghiệm sẽ giúp xác định chính xác loại dị ứng thực phẩm mà bạn mắc phải. Chúng bao gồm:

  • Xét nghiệm chích da: Loại xét nghiệm này có thể phân tích phản ứng dị ứng với nhiều chất cùng một lúc. Bác sĩ sẽ đưa một lượng nhỏ chất gây dị ứng cùng với histamine, glycerin hoặc nước muối vào vùng dưới da ở cẳng tay của bạn để kiểm tra xem chất nào gây ra phản ứng. Bài kiểm tra này thường chỉ mất từ 20-40 phút để thực hiện và không gây đau đớn.
  • Test áp bì (Patch test): Thử nghiệm này sử dụng các miếng dán có chứa dị nguyên để kiểm tra tình trạng dị ứng. Các miếng dán này được cố định trên lưng hoặc cánh tay của bạn trong vòng 2 ngày để xác định xem bạn có bị dị ứng chậm với yến mạch hay không.
  • Thử nghiệm ăn thức ăn: Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ăn yến mạch theo các lượng tăng dần để kiểm tra xem có phản ứng dị ứng hay không. Tuy nhiên, thử nghiệm này chỉ nên được thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa uy tín bởi trong quá trình thử nghiệm, một vài triệu chứng dị ứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Điều trị dị ứng yến mạch

Nếu bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với avenin, bạn nên tránh sử dụng các sản phẩm có chứa yến mạch. Bạn có thể kiểm tra trên tem nhãn sản phẩm mình đang dùng có các cụm từ “yến mạch”, “bột yến mạch” và “avenin” hay không. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh sử dụng các loại sản phẩm sau đây:

  • Bột tắm yến mạch
  • Kem dưỡng da có chứa bột yến mạch
  • Ngũ cốc muesli
  • Ngũ cốc granola
  • Cháo bột yến mạch
  • Bánh quy làm từ lúa mạch
  • Bia

dị ứng yến mạch: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

  • Bánh yến mạch
  • Sữa yến mạch
  • Yến mạch hữu cơ

Các phản ứng dị ứng nhẹ có thể được cải thiện bằng thuốc histamine đường uống. Đối với dị ứng trên da, bạn có thể sử dụng kem bôi corticosteroid để giảm triệu chứng của bệnh.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng dị ứng bột yến mạch nặng như khó thở hoặc sốc phản vệ, bạn cần gọi ngay cho dịch vụ y tế khẩn cấp hoặc đến bệnh viện để điều trị. Các triệu chứng này cực kỳ nguy hiểm và có thể gây ra tử vong nếu không được cấp cứu đúng cách.

Khó thở và sốc phản vệ do dị ứng thường được kiểm soát bằng dụng cụ tiêm tự động epinephrine (EpiPen). Tuy nhiên, ngay cả khi bạn biết cách sử dụng epinephrine, bạn vẫn cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:

  • Hạ huyết áp
  • Nổi mề đay hoặc ngứa ngáy trên da
  • Khò khè hoặc khó thở
  • Sưng lưỡi hoặc cổ họng
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy
  • Mạch đập yếu và nhanh
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu

dị ứng yến mạch: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Mẫn cảm và dị ứng với yến mạch là những tình trạng không quá phổ biến nhưng lại khá nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Do đó, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi bé có các biểu hiện của bệnh.

Ngoài ra, nếu thường xuyên bị dị ứng thực phẩm, bạn cũng nên theo dõi các thông tin sức khỏe liên quan đến dị ứng từ các chuyên trang uy tín để tìm kiếm những lời khuyên hữu ích về ăn uống và công thức nấu ăn.

Dung Nguyễn / HELLO BACSI

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News