Phật học

Đức Phật nói về giá trị âm nhạc: Có nên hay không nên mê đắm?

Để hiểu những điều Đức Phật nói về giá trị âm nhạc một cách công bằng thì chúng ta cần nhìn nhận theo nhiều góc độ khác nhau, đừng vội cho rằng Ngài không thích chỉ thông qua một lời khuyên trong một hoàn cảnh nào đó.

bài học cuộc sống, lời phật dạy, đức phật nói về giá trị âm nhạc: có nên hay không nên mê đắm?

Câu chuyện về việc Đức Phật giáo huấn về âm nhạc

Một lần, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở tại tịnh xá Trúc Viên Già Lan Đà thuộc nước Ma Kiệt Đà, có một vị trưởng gánh hát nổi tiếng tên Talaputa, đến hành lễ trước Ngài, cung kính hỏi rằng:

– Trước đây, con từng nghe các nghệ sĩ lớn tuổi nói rằng: Nếu người nghệ nhân có thể biểu diễn hết mình trước quần chúng và mang đến niềm vui, giúp mọi người vui cười thỏa thích, nghệ nhân đó sau khi chết có thể có một cuộc sống vui vẻ nơi cõi trời. Điều này có đúng không thưa Ngài?

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trả lời rằng:

– Chúng ta không nên bàn đến chuyện này nữa, ông đừng hỏi ta nhìn nhận sự việc này một cách cụ thể.

Vị trưởng gánh hát vẫn không nản lòng, lần thứ nhì… Rồi lần thứ ba… Trưởng đoàn ca vũ kịch, nói y như thế, Đức Phật đành phải trả lời:

– Ta hỏi ông câu này, trước đây, khi thế gian còn chưa có đấng cứu độ, mọi người đều chưa xa rời khỏi tham sân si; cũng không biết được cần phải xa rời tham sân si; vẫn bị trói buộc bởi tham sân si. Nội dung các vở biểu diễn ca múa hý kịch của nghệ nhân cũng không tách khỏi tham sân si; như vậy mới có thể phù hợp với thị hiếu của mọi người; thu hút mọi người đến xem.

Mọi người đến xem nghệ nhân biểu diễn, vui cười thỏa thích; há chẳng phải lại càng làm tăng thêm tâm tham sân si của họ? Chẳng phải sẽ khiến cho mọi người càng bị trói buộc vào tham sân si hay sao?

Đây chính là giống như một người bị trói hai tay ngược ra đằng sau bằng dây gai; có người muốn hành hạ anh ta càng đau đớn hơn, bèn liên tục tưới nước lên sợi dây gai; dây gai hút nước liền nở ra, khiến dây trói càng chặt hơn; vậy há chẳng phải là khiến anh ta càng bị trói chặt hơn, càng đau khổ hơn hay sao?

Trưởng gánh hát chăm chú nghe xong trả lời:

– Đúng vậy

Đức Phật lại nói:

– Bất kỳ chúng sinh nào chưa sạch tận lòng tham khi mới vào xem, những người còn bị buộc bởi lòng tham này sẽ tăng thịnh lòng tham vì cách trình diễn gợi lòng tham muốn thực hiện bởi người nghệ sĩ trên sân khấu ở lễ hội.

Bất kỳ chúng sinh nào chưa sạch tận lòng sân khi mới vào xem, những người còn bị buộc bởi lòng sân này sẽ tăng thịnh lòng sân vì cách trình diễn gợi lòng sân thực hiện bởi người nghệ sĩ trên sân khấu ở lễ hội.

Bất kỳ chúng sinh nào chưa sạch tận lòng si khi mới vào xem, những người còn bị buộc bởi lòng si này sẽ tăng thịnh lòng si vì cách trình diễn gợi lòng si thực hiện bởi người nghệ sĩ trên sân khấu ở lễ hội.

Vị trưởng gánh hát nghe xong không thể không thừa nhận lời Đức Thế Tôn rất dễ hiểu và khá đúng.

Đức Phật giảng tiếp:

– Vậy nên, các bậc tiền bối trong giới văn nghệ xưa nay nói rằng người nghệ nhân biểu diễn ca múa hý kịch mang niềm vui đến cho mọi người; giúp mọi người vui cười thỏa thích, thì sau khi chết có thể có cuộc sống vui vẻ nơi cõi trời; quan điểm đó là tà kiến sai lầm! Thành thật mà nói, những người ôm giữ tà kiến như vậy sau khi chết chỉ có thể rơi vào địa ngục hoặc đầu thai làm súc vật, sao có thể lên trời được?

Trưởng gánh hát sau khi nghe Đức Phật giảng Pháp xong, lập tức quy y và nhờ sự thành tâm của mình về sau đã tu thành quả vị A La Hán.

Đức Phật có phủ nhận hoàn toàn giá trị âm nhạc?

Đừng vội qua câu chuyện Đức Phật nói về giá trị âm nhạc trên đây mà nghĩ rằng Ngài khuyên chúng ta nên tránh xa âm nhạc. Chính Đức Phật đã sử dụng ngôn ngữ với giai điệu tuyệt vời để giảng dạy cho các đệ tử của mình, những vần điệu ấy giúp họ dễ nhớ, những bài kinh Phật hay dễ truyền đạt đến mọi người hơn là thứ ngôn ngữ khô khan.

Nếu không có những âm hưởng hay ho có nhạc điệu đó thì những giáo lý, bài kệ… khó lưu giữ nhiều ngàn năm sau dù chúng đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Không những thế, tìm hiểu về cuộc đời của Đức Phật ta biết lúc ở trong cung Ngài đặc biệt thích những điệu múa, thích thổi sáo vì chúng mang lại giá trị nhất định để con người bày tỏ cảm xúc của mình ra ngoài. Trong một tiền kiếp, Ngài là một nhạc sĩ tài giỏi, tiếng đàn của Ngài còn hay hơn cả thiên nhạc và nhờ tiếng đàn đã cảm hóa được người khác.

Khi đọc Kinh Phật, chúng ta nhiều chỗ thấy nhạc trời được trình tấu để cúng dường, để tán thán công đức… Khi Đức Phật nhập Niết Bàn, chư Thiên đã tới tụ hội, tấu nhạc, hương hoa cúng dường.

Do vậy, chúng ta có thể tin rằng, với tâm hồn nhạy cảm của mình, Đức Phật không thực sự cứng nhắc xem âm nhạc như một trở ngại, mà có khi còn là một phương tiện hoằng pháp.

Thế nhưng, theo góc nhìn khác có thể hiểu rằng, chúng ta đừng để tâm dính mắc quá sâu vào những giai điệu âm nhạc nhất là những thứ khiến ta trở nên tiêu cực. Âm nhạc có thể làm mê đắm người nghe, sinh rối loạn tâm trí, gây chướng ngại cho việc thực hành thiền định, tất nhiên không thể đắc trí huệ, và do vậy không thể giải thoát.

Đức Phật đưa ra các giới luật và lời khuyên là vì lòng từ bi, vì người tu nếu tâm không tĩnh để tu hành thì khó có cơ hội tìm thoát khỏi luân hồi. Trong đó, những hiểm nguy rình rập là nằm ngay ở các căn tiếp cận với đàn ca múa hát, và hạn chế là để ưu tiên điều tâm.

Nguồn gốc âm nhạc không chỉ để giải trí

Vốn âm nhạc xa xưa được sử dụng với mục đích điều tiết tự nhiên, quy chính trật tự vạn vật trong trời đất, nó phỏng theo trí huệ siêu nhiên của Thần, lấy phép tắc thiên đạo hoàn mỹ làm tiêu chuẩn, có thể vỗ yên vạn vật, khiến tất cả trở về với đại đạo, hài hòa mà trật tự.

Do đó, nhạc thời kỳ đầu là công cụ giáo hóa nhân tâm quan trọng nhất của xã hội đương thời chứ không phải là để giải trí như hiện nay.

Trong “Lã Thị Xuân Thu” có viết: “Vào thời tiền sử ông Chu Tương trị vì thiên hạ, thường xuyên có gió lớn, dương khí tụ tập kết thành; làm cho âm dương không điều hòa; do đó vạn vật điêu tàn, hoa quả không chín. Thế là đại thần của ông Chu Tương là Sỹ Đạt đã sáng tạo ra đàn sắt ngũ căn huyền; dùng để diễn tấu, dẫn âm khí đến, an định chúng sinh thiên hạ.”

Một số vị Lama quan niệm rằng “tôn giáo là âm thanh”, và vì vậy âm nhạc không chỉ là công cụ truyền bá tôn giáo mà bản thân nó chính là tôn giáo. Tụng niệm kinh chú, sử dụng pháp khí trong buổi lễ là một trong những khía cạnh cơ bản của việc tu tập.

Tác dụng của âm nhạc không phải nghĩ bàn, chỉ là càng về sau này thì biểu hiện ra càng ẩn kín, càng yếu đi, tác dụng mang tính giải trí lại trở thành chủ đạo. Trong một đời sống xã hội ngày càng xô bồ và bon chen, một loại nhạc gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống con người như thế hẳn không đem đến cho người nghe sự giải trí thật sự.

Tác dụng giáo hóa của âm nhạc ngày nay đã bị phá hoại hoàn toàn, thậm chí, chúng dần dần trở thành công cụ phóng túng dục vọng, làm cho đạo đức nhân loại không ngừng trượt dốc.

Vì thế, ngay mỗi chúng ta khi nghe loại âm nhạc cũng cần chọn lựa khắt khe từ âm điệu cho đến lời bài hát vì chúng có thể thay đổi tâm lý, suy nghĩ của ta một cách nhanh chóng. Hãy ưu tiên những giai điệu tích cực, vui tươi, hướng tới cuộc sống an lành, hạnh phúc.

TH!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News