Sức Khoẻ

Dùng cây lộc mại theo lời mách bảo, nguy hiểm khôn lường

SKĐS- Vừa qua, tại Nghệ An, nhiều trẻ phải nhập viện cấp cứu do dùng lá cây lộc mại trị tiêu chảy. Chuyên gia khuyến cáo, lộc mại là loại thảo mộc có độc tính cao, có tác dụng chữa bệnh nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.

1. Nhận diện cây lộc mại

Cây lộc mại còn gọi là rau mọi, lục mại, có tên khoa học là Mercurialis indica Lour., thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae.

1.1 Toàn cây lộc mại: Cây nhỏ, cao 2 – 3 m, có nhiều cành nhỏ, dòn. Đặc biệt trên mặt thân và cành có những bì khổng hình chấm trắng lấm tấm.

1.2 Lá: Lá đơn, có cuống, có lá kèm, mép có răng cưa, dài 10 – 20 cm, rộng 5 – 10 cm.

1.3 Hoa: Hoa đực có cuống, mọc thành bông dài 10 – 20 cm, thõng xuống. Hoa cái nhỏ li ti, mọc đơn độc hay thành từng đôi, hầu như không cuống.

1.4 Quả: Quả ba mảnh vỏ, trên mặt có những gai nhỏ, ngắn.

dùng cây lộc mại theo lời mách bảo, nguy hiểm khôn lường

Lộc mại có tác dụng chữa bệnh nhưng phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.

2. Cây lộc mại thường mọc ở đâu?

Cây thường mọc hoang phổ biến ở rừng núi và đồng bằng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình. Người ta hái lá về làm thuốc. Mùa hái hầu như quanh năm. Lá cây dùng tươi hay phơi khô.

3. Lộc mại chữa bệnh gì?

Lá lộc mại vị nhạt, tính bình, được dùng làm thuốc chữa táo bón, đau bụng, kiết lỵ cấp tính, da vàng, dùng ngoài chữa lở ngứa (nấu đặc rửa).

Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày 10 – 20g lá khô hoặc 20 – 40g lá tươi. Ngoài ra, có thể lấy dịch ép lá lộc mại 30 ml trộn đều với mật ong 30g, đun sôi, lọc mà uống trong ngày làm thuốc nhuận tẩy thông mật.

Loại lộc mại châu Âu (Mercurialis annua) được dùng làm thuốc tẩy xổ dưới dạng thuốc mật hay thuốc thụt: Trẻ em 10 – 40g, người lớn 30 – 60g. Bên cạnh đó, cây còn được dùng làm thuốc lợi tiểu ở người bệnh gút.

4. Biểu hiện khi ngộ độc lá lộc mại 

Tuy là một loại dược liệu với nhiều công dụng nhưng việc sử dụng không đúng cách lá lộc mại có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Các biểu hiện thường gặp khi dùng quá liều lá lộc mại gồm nhịp tim nhanh, người mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, tiêu phân lỏng hoặc táo bón. Trường hợp đến bệnh viện quá muộn có nguy cơ tử vong.

5. Xử trí ngộ độc thế nào?

Khi có biểu hiện ngộ độc lá lộc mại, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Những người có biểu hiện ngộ độc nhẹ cần dùng thuốc nhuận tràng để tống hết chất độc.

Các trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, thường phải áp dụng các biện pháp điều trị chuyên sâu như: Rửa dạ dày, thở máy, lọc máu, thay huyết tương, điều chỉnh rối loạn nước – điện giải và điều chỉnh rối loạn toan – kiềm máu.

Mời bạn xem tiếp video:

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News