Cơ Xương Khớp

Giải đáp bệnh gút có di truyền không?

Bệnh gút (Gout) xuất hiện ở nhiều thành viên trong cùng một gia đình nên nhiều người thắc mắc không biết bệnh gút có di truyền không? Bạn đã từng chứng kiến ​​người thân của mình trải qua những cơn đau do gút và lo lắng không biết mình có gặp phải tình trạng tương tự?

Khi đã hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh và cơ chế di truyền sẽ giúp bạn chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Trong nhiều năm, người ta đã biết rằng di truyền và chế độ ăn uống đều góp phần vào sự phát triển của bệnh gút. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy mối quan hệ giữa di truyền và bệnh gút thực sự có thể mạnh hơn mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và bệnh gút. Vậy, bệnh gout có di truyền không?

Nguyên nhân gây bệnh gút

Trước khi tìm hiểu bệnh gút có di truyền không thì chúng ta cần biết nguyên nhân gây bệnh là gì? Bệnh gút là một dạng viêm khớp liên quan đến sự tích tụ quá nhiều axit uric trong máu (hay còn được gọi là tăng axit uric máu).

Thông thường, axit uric hòa tan trong máu, đi qua thận và thải ra ngoài thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, đôi khi vì một lý do nào đó mà cơ thể bạn tạo ra quá nhiều axit uric hoặc thận bài tiết quá ít axit uric. Khi điều này xảy ra, axit uric có thể tích tụ, tạo thành các tinh thể urat sắc nhọn như kim nằm trong khớp hoặc mô xung quanh. Các tinh thể này có thể gây ra các triệu chứng như đau, sưng, đỏ và viêm đột ngột hoặc dữ dội ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể.

giải đáp bệnh gút có di truyền không?

Bệnh gút có di truyền không?

Bệnh gút có di truyền không thì câu trả lời là chưa có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này vì nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm di truyền và chế độ ăn uống đều có liên quan đến khả năng mắc bệnh. Không có gì chắc chắn 100% bạn sẽ mắc bệnh kể cả ba hoặc mẹ ruột đã mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu có một người thân trong gia đình mắc bệnh gút có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh của bạn.

Các nghiên cứu lớn đã xác định được hàng chục gen có thể góp phần làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gút. Có nhiều thay đổi ở trên các gen này, mỗi thay đổi có một tác động nhỏ. Chúng kết hợp lại làm tăng nguy cơ bệnh gút. Hầu hết các gen này đều liên quan đến việc điều chỉnh nồng độ axit uric trong máu hoặc hệ thống vận chuyển axit uric ở thận.

Trong số tất cả các gen đã được nghiên cứu, hai gen là SLC2A9 và ABCG2 dường như có ảnh hưởng lớn nhất đến mức axit uric trong máu. Cụ thể như sau:

  • Gen SLC2A9 quy định việc sản xuất một loại protein ở thận, giúp tái hấp thu axit uric vào máu hoặc thải ra nước tiểu. Những thay đổi di truyền trong gen SLC2A9 có thể dẫn đến tăng axit uric máu làm tăng tái hấp thu chúng vào máu và giảm thải ra nước tiểu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
  • Gen ABCG2 quy định việc sản xuất một loại protein giúp giải phóng axit uric vào ruột để có thể loại bỏ nó ra khỏi cơ thể. Những thay đổi di truyền trong gen ABCG2 có thể làm giảm khả năng giải phóng axit uric của protein vào ruột, dẫn đến tăng axit uric máu.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh

giải đáp bệnh gút có di truyền không?

Ngoài việc hiểu rõ vấn đề bệnh gút có di truyền không, bạn cũng nên biết thêm về các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh. Yếu tố nguy cơ chính để phát triển bệnh gút là tăng axit uric máu. Khoảng 1/4 số người bị tăng axit uric máu sẽ phát triển thành bệnh gút.

Các yếu tố làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể bao gồm:

  • Chế độ ăn uống kém lành mạnh. Tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có nhiều purin, chẳng hạn như thịt đỏ, nội tạng động vật, các loại hải sản, bia rượu và đồ uống có đường fructose. Khi nhân purin bị phá vỡ tạo thành axit uric. Ngoài việc bệnh gút có di truyền không, việc có cùng chế độ ăn uống sẽ khiến những người trong cùng gia đình dễ dàng bị gút hơn.
  • Thừa cân, béo phì. Nếu bạn thừa cân, cơ thể sẽ tạo ra nhiều axit uric hơn và thận sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đào thải axit uric ra ngoài thông qua nước tiểu.
  • Tuổi tác và giới tính. Nguy cơ mắc bệnh gút tăng lên theo tuổi tác. Bệnh phổ biến ở nam giới hơn so với phụ nữ. Nam giới cũng có nhiều khả năng phát triển bệnh sớm hơn, trong độ tuổi từ 30 đến 50, trong khi đó, phụ nữ thường phát triển bệnh sau khi mãn kinh.
  • Phẫu thuật hoặc chấn thương gần đây. Trải qua phẫu thuật hoặc chấn thương gần đây đôi khi có thể gây ra cơn gút. Ở một số người, việc tiêm phòng có thể gây bùng phát bệnh gút.
  • Bệnh lý mãn tính. Một số bệnh lý mãn tính như huyết áp cao, tiểu đường, béo phì, hội chứng chuyển hóa và các bệnh về tim và thận có thể làm tăng khả năng mắc bệnh.
  • Một số loại thuốc. Aspirin liều thấp và một số loại thuốc dùng để kiểm soát tăng huyết áp, bao gồm thuốc lợi tiểu thiazide, thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc chẹn beta cũng có thể làm tăng nồng độ axit uric.

Bạn có thể quan tâm: Người bị bệnh gout kiêng ăn gì và nên ăn gì mau khỏi bệnh?

Hiểu bệnh gút có di truyền không để phòng ngừa

Bệnh gút có di truyền không? Câu trả lời là CÓ THỂ và thật không may, bạn không thể thay đổi gen bẩm sinh trong cơ thể mình. Tuy nhiên, thay đổi một số thói quen và duy trì một lối sống lành mạnh có thể giúp bạn giảm nhẹ triệu chứng bệnh, bao gồm:

  • Duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để giúp cơ thể bạn tự đào thải axit uric dư thừa dễ dàng hơn.
  • Uống nhiều nước hơn bởi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống nhiều nước hơn có thể làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh gút.
  • Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh với các loại thực phẩm có hàm lượng purin thấp như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và thịt gà và các sản phẩm từ sữa ít béo.
  • Thăm khám và trao đổi với bác sĩ nếu bạn lo lắng về nguy cơ mắc bệnh gút của mình hoặc nghi ngờ rằng bạn có thể có các triệu chứng bệnh.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News