Sức Khoẻ

Gìn giữ kho báu thuốc Nam của người Dao ở chân núi Tản Viên

Ba Vì là địa bàn duy nhất của Hà Nội có người Dao sinh sống lưu giữ nhiều bài thuốc nam có giá trị. Sở hữu nguồn dược liệu quý nhưng nơi đây đang đứng trước nguy cơ mất đi nhiều dược liệu khi khai thác cạn kiệt.

Kho báu thuốc Nam

Địa bàn duy nhất của Hà Nội có người Dao sinh sống tập trung nằm ở dưới chân núi Tản Viên, xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Nơi đây bao đời nghề thuốc Nam được xem là nguồn sinh kế quan trọng mang lại nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc nơi đây.

Vùng núi Ba Vì sở hữu tới hơn 500 loài dược liệu quí và đặc hữu. Việc khai thác, chế biến kinh doanh chưa được tổ chức khoa học nên tại đây có tới 280 loài thảo dược đứng trước nguy cơ cạn kiệt, trong đó có 120 loài nguy cơ tuyệt chủng.

Từ những nguồn dược liệu quý mà người Dao đã chế thành rất nhiều bài thuốc. Y lý những bài thuốc Nam của người Dao thường có 4 bước gồm trị bệnh, khỏi bệnh, chống tái phát và tiệt nọc bệnh. Trước hết những bài thuốc người Dao làm là để chữa bệnh trong dân tộc mình, sau cho mọi người. Phong tục xưa là chỉ cứu người không lấy tiền, ai khỏi bệnh thì đến nhà thầy lang để làm cúng lễ tạ ơn tổ tiên là được.

gìn giữ kho báu thuốc nam của người dao ở chân núi tản viên

Vùng núi Ba Vì chứa nhiều loại dược liệu quý.

Những công đoạn làm thuốc của đồng bào Dao tại đây rất tỉ mỉ khi làm thủ công. Từ những dược liệu thu lượm được ở vùng núi cao, họ đem về băm chặt nhỏ theo kích cỡ phù hợp, rửa sạch phơi khô rồi đóng gói bảo quản. Những vị thuốc quý mà người Dao Ba Vì vẫn còn lưu truyền và phát huy từ thời xưa là bài thuốc tắm, thuốc cao. Trong đó, bài thuốc tắm đẻ truyền thống của người Dao nổi tiếng giúp cho sản phụ nhanh chóng phục hồi sức khỏe, sạch huyết và người mẹ có thể lao động bình thường chỉ sau 7 – 10 ngày.

Người Dao cũng đã biết cách chế biến thuốc gọn nhẹ hơn mà vẫn giữ được công dụng của thuốc bằng làm cao lá thay chỉ dùng cây thuốc dưới dạng tươi hoặc khô. Nhờ việc phát triển dược liệu cũng như có những bài thuốc cổ truyền mà nhiều người ở vùng Ba Vì đã trở nên khá giả hơn. Đặc biệt là khi về thủ đô Hà Nội, nơi đây được nâng cấp hạ tầng giao thông, việc đi lại của đồng bào dân tộc đã dễ dàng hơn.

Ở Ba Vì, đồng bào dân tộc Dao ở thôn Hợp Sơn và Hợp Nhất cũng phát triển rất mạnh nghề cây thuốc Nam. Nhờ chịu khó làm ăn mà nhiều gia đình kinh tế ngày một cải thiện, không ít hộ “có của ăn của để”. Như Nghệ nhân Dương Thị Hiến đã nhiều năm nay làm nghề thuốc. Hàng ngày, chồng và con của bà lên rừng hái thuốc còn bà ở nhà chế biến, bốc thuốc cho khách thập phương. Thành quả nhiều năm làm nghề gia đình đã có được căn nhà nhà mái bằng khang trang, rộng rãi.

Trăn trở giữ nghề thuốc Nam

Nhằm bảo tồn, phát triển và gìn giữ môi trường thiên nhiên, đặc biệt chú trọng tới hợp phần cây thuốc của người Dao Ba Vì, dự án “Phát triển mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại huyện Ba Vì” đã được triển khai vài năm trước. Các thầy lang ở Ba Vì đã được y dược sĩ từ các Trường Đại học Y, Dược Hà Nội tới tập huấn. Ngoài chỉ cách bảo tồn, các thầy lang còn được chỉ cách thu hái bền vững và chế biến phát triển sản phẩm thảo dược. Đồng thời giúp hộ gia đình nghèo làm vườn ươm giống cây, hỗ trợ chế biến…

Cuốn sách “Cây thuốc người Dao Ba Vì” ra đời sau dự án giống như cuốn Y lý văn đầu tiên với những người làm thuốc Nam cổ truyền ở Ba Vì. 507 loại cây thuốc của người Dao ở Ba Vì đã được kê. Cùng với đó, hơn 30 loại thảo dược quý được trình bày với tên thường dùng, tên tiếng Dao, tên khoa học, mô tả, bộ phận dùng thuốc, công dụng và các chú ý khi dùng… Nhờ đó mà việc hiểu về thuốc Nam, nhất là các bài thuốc người Dao ở Ba Vì được sâu hơn. Cùng với đó, những món ăn từ thảo dược ngon lành và bổ dưỡng được chế biến riêng theo cách của người Dao nơi đây được ghi chép như gà hầm kỳ tử, canh lá vông nấu thịt nạc băm hay cá chép om táo đỏ và hạt ý dĩ…

Theo chia sẻ của ông Lăng Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Ba Vì, làng nghề thuốc Nam của dân tộc Dao ở thôn Yên Sơn được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2013. Năm 2021, hai thôn Hợp Sơn và Hợp Nhất cũng được công nhận là làng nghề truyền thống thuốc Nam của người Dao. Tuy nhiên việc phát triển làng nghề từ trước đến nay chủ yếu là đồng bào tự thân vận động.

gìn giữ kho báu thuốc nam của người dao ở chân núi tản viên

Nhiều lương y người Dao ở Ba Vì luôn trăn trở với việc lưu giữ, phát triển các bài thuốc

Nghề thuốc Nam của người Dao ở xã Ba Vì cũng đứng trước nhiều thách thức lớn khi nguồn nguyên liệu thiếu hụt. Theo nghệ nhân Dương Thị Bình, 75 tuổi từng gắn bó với nghề thuốc Nam từ năm 11 tuổi thì nguồn dược liệu trước năm 1996 rất phong phú. Bà con dân tộc cứ lên rừng tìm bài thuốc gì là đều có. Thế nhưng hiện số lượng cây thuốc giảm, thậm chí có những loại không còn tìm thấy do khai thác không quy hoạch.

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao các thôn bản đã cố gắng nhân trồng các loại dược liệu nhưng kỹ thuật canh tác hạn chế nên năng suất, chất lượng chưa như mong muốn. Những người làm nghề thuốc Nam nơi đây giờ cũng chủ yếu người lớn tuổi, ít người trẻ. Những thách thức này đang đe dọa sự mai một của nghề thuốc Nam truyền thống, đồng bào dân tộc Dao dưới chân núi Tản Viên đang cố gắng từng bước thay đổi để thích ứng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức trong bảo tồn, phát triển nhưng Ba Vì xác định nghề thuốc Nam vẫn là lĩnh vực kinh tế quan trọng. Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ những tổ chức, cá nhân mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến cây thuốc Nam tạo ra các sản phẩm phù hợp thị hiếu thị trường nhằm góp phần nâng cao đời sống của đồng bào người Dao ở Ba Vì.

Kế hoạch Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025 đưa ra cũng đã nhắc tới việc củng cố, phá triển nghề truyền thống, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng… Khoảng 1.500 tỷ đồng được TP Hà Nội bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất cho đồng bào các dân tộc, trong đó có cộng đồng người Dao dưới chân núi Tản Viên. Điều này sẽ góp phần trợ lực quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị bền vững cho nghề thuốc Nam của người Dao cũng như việc đẩy mạnh nguồn dược liệu quý.

Mời bạn xem video:

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News