Sức Khoẻ

Gìn giữ những làng nghề thuốc dân tộc dưới chân núi Ba Vì

Nhiều đời nay, hàng trăm hộ đồng bào người Dao, người Mường vùng chân núi Ba Vì (Hà Nội) đã bảo tồn và phát huy nhiều bài thuốc cổ truyền, cây thuốc quý góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, từng bước xóa đói giảm nghèo và làm giàu.

Gìn giữ những bài thuốc dân tộc cổ truyền

Ba Vì là huyện nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội. Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nguồn dược liệu vô cùng quý hiếm với số lượng lớn. Khu vực núi Ba Vì sở hữu hơn 500 loài dược liệu quý và đặc hữu. Cũng tại đây, đồng bào dân tộc Dao, Mường đã bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam từ nhiều đời.

Hàng trăm năm trước, người Dao đã tới định cư tại vùng núi Ba Vì, họ sinh sống trên các triền núi. Bằng những kinh nghiệm từ nhiều đời, người Dao đã biết cách sử dụng các loài cây thành các bài thuốc quý để phòng, chữa bệnh cho gia đình, cho người dân trong bản và nơi khác. Cách đây 30 năm, đồng bào người Dao đã xuống núi định cư thành các thôn đến tận bây giờ. Nhiều thế hệ người Dao đã lưu giữ và phát huy các bài thuốc gia truyền chữa bệnh cứu người, nhiều thôn đã được công nhận là làng nghề thuốc nam truyền thống.

Là người kế thừa các bài thuốc nam gia truyền, chị Lý Thị Mỹ Châu (dân tộc Dao sinh sống tại xã Vân Hòa, Huyện Ba Vì) chia sẻ, các bài thuốc cổ người Dao chủ yếu được truyền miệng, được bà, mẹ “cầm tay chỉ việc” bằng cách đưa con cháu lên trên rừng và dạy bảo từng loại cây, phân biệt theo hình dáng, vân gỗ, lá… Khi lớn lên, cứ thế mà phát huy các bài thuốc, trồng cây thuốc giúp xóa đói giảm nghèo, gìn giữ nét đẹp văn hóa của ông cha.

Cũng theo chị Lý Thị Mỹ Châu, các loại cây thuốc quý như: lá Khôi, Đơn đỏ, Đỗ trọng nam… phải leo trèo trên rừng, núi hoặc tìm ở các ven suối. Các cây thuốc nam người Dao chủ yếu là sống dưới các tán lá rừng, việc đi tìm kiếm thuốc rất khó khăn và nguy hiểm, chính vì thế một số cây quý đã được đưa về trồng tại vườn nhà.

gìn giữ những làng nghề thuốc dân tộc dưới chân núi ba vì

Người dân tộc vùng núi Ba Vì sơ chế các loại cây thuốc nam thành các bài thuốc, cung cấp dược liệu đi các nơi.

Phát triển làng nghề, bảo tồn cây thuốc

Vùng chân núi Ba Vì ngày nay bạt ngàn những mảnh vườn cây thuốc nam xanh ngát. Đồng bào nơi đây đã ý thức được nguồn thuốc tự nhiên sẽ ngày càng khó kiếm, nên chủ động trong việc trồng cây thuốc tại vườn, đồi, vừa bảo tồn các loại thuốc quý, vừa chủ động nguồn dược liệu.

Chia sẻ về việc trồng cây thảo dược tại vườn nhà, bà Thành (dân tộc Mường, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì Hà Nội) cho biết: “Trước đây, để có được cây thuốc quý tôi phải đi lấy trong rừng sâu, rất vất vả. Bây giờ các cây thuốc quý hiếm ngày càng khó tìm, khó mua nên nhà tôi phải đưa về tự trồng để bảo tồn, sử dụng dài lâu. Các cây được đưa về vườn nhà trồng sinh trưởng tốt, giá trị chữa bệnh tương đương so với cây trên rừng. Công đoạn chế biến, bảo quản thuốc vì thế cũng đỡ vất vả như trước”.

gìn giữ những làng nghề thuốc dân tộc dưới chân núi ba vì

Người dân Ba Vì mang các giống cây dược liệu quý trên rừng về trồng tại vườn nhà.

Nhận thấy việc phát triển nhỏ lẻ sẽ khó có thể phát triển bền vững, vì thế đến nay hầu hết các thôn ở xã Ba Vì (nơi có hàng trăm hộ người Dao làm nghề thuốc nam) thành lập Hợp tác xã và các công ty thành viên. Người dân cũng đồng lòng xây dựng, quảng bá thương hiệu thuốc nam Ba Vì.

Theo Lương y Nguyễn Thị Minh – Chủ tịch Chi hội Nam y Ba Vì: “Chi hội đã tham gia liên kết với Hội Đông y huyện Ba Vì xây dựng thương hiệu tập thể “Dược liệu và thuốc Nam Ba Vì”, được UBND thành phố Hà Nội cho phép, Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho nhãn hiệu tập thể và lô gô thương hiệu, sản phẩm được bảo hộ toàn quốc”.

Một số hợp tác xã đã đầu tư nhà máy sản xuất thuốc nam hiện đại, đạt tiêu chuẩn (GMP), làm ra nhiều sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các loại trà thảo dược, mỹ phẩm dược liệu… từ các bài thuốc nam cổ truyền người Dao. Nhờ đó góp phần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm, thuốc của các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có nguồn tiêu thụ dồi dào, mang lại lợi ích cho bà con trong xóa đói, giảm nghèo, từng bước tiến tới làm giàu.

Theo UBND xã Ba Vì, để duy trì, phát triển và bảo tồn cây thuốc Nam, chính quyền địa phương đã chỉ đạo phát triển việc bảo tồn cây thuốc Nam đến với mỗi gia đình. Xã đã triển khai được 5 ha, được bà con nhân dân nhiệt tình ủng hộ trồng và chăm sóc cây thuốc Nam. Việc bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam không chỉ góp phần bảo đảm sinh kế cho người dân tộc ở Ba Vì, mà còn bổ sung vào kho tàng thuốc Nam của cả nước. Lớp trẻ người Dao cũng đã đi học tại các trường trung cấp, cao đẳng về y học cổ truyền để gìn giữ, phát huy các bài thuốc, cây thuốc quý của dân tộc và nối tiếp nghề của gia đình.

“Thực vật cây thuốc Vườn Quốc gia Ba Vì có tới 503 loài thuộc 118 họ, 321 chi chữa 33 loại bệnh và chứng bệnh khác nhau trong đó có nhiều loài thuốc quý như: Hoa tiên, Huyết đằng, Bát giác liên, Râu hùm, Hoàng đằng…”.

(Theo website Vườn quốc gia Ba Vì)

Xem thêm video đang được quan tâm:

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News