Phong Thuỷ

Phân biệt Lễ Vu Lan, Lễ Xá Tội Vong Nhân và nghi thức Bông Hồng Cài Áo

phân biệt lễ vu lan, lễ xá tội vong nhân và nghi thức bông hồng cài áo

Cứ đến Rằm tháng Bảy không ai bảo ai, trong lòng người dân Việt đều nao nao chờ tới mùa báo hiếu để có dịp tỏ lòng tri ân cha mẹ, ông bà tổ tiên đã khuất và hiện tiền, đồng thời cầu cho những “vong hồn” không nơi nương tựa được hồi hướng, vãng sanh trong Lễ Vu Lan, Lễ Xá Tội Vong Nhân và nghi thức Bông Hồng Cài Áo,

Lý thuyết là thế nhưng trên thực tế nhiều người vẫn không phân biệt được lễ Vu Lan, Lễ Xá Tội Vong Nhân và nghi thức Bông Hồng Cài Áo có khác nhau hay chỉ là một và tại sao lại có…. Điều này không dễ dàng nếu không có chút kiến thức hiểu biết về đạo Phật và phong tục cổ truyền.

1. Nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ Vu Lan

1.1. Ý nghĩa

Lễ Vu Lan là một trong những lễ quan trọng đặc biệt hàng năm của Phật giáo Á Đông được tiến hành vào dịp Rằm tháng Bảy (Tết Trung Nguyên). Đây là một đại lễ tưởng nhớ công ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và để báo hiếu cha mẹ của kiếp này cùng các kiếp trước (hiện tiền) đã có công sinh thành, dưỡng dục.

1.2. Nguồn gốc

Đại lễ này chưa biết chính xác có từ bao giờ nhưng xuất phát từ sự tích Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ mình khỏi kiếp ngạ qủy (ma đói, cô hồn) được đề cập trong Kinh Vu Lan Bồn.

Mục Kiền Liên (Moggallāna) là một vị tỳ kheo của Phật giáo trong thời kỳ Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế. Ông cùng với tôn giả Xá Lợi Phất là một trong hai đệ tử hàng đầu của Phật Thích Ca được giao trọng trách thống lĩnh tăng đoàn. Sau khi chứng A La Hán, ông nổi tiếng là thần thông đệ nhất trong hàng thanh văn đệ tử của Đức Phật.

Chính vì đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông nên ông biết mẹ mình là bà Thánh Đề sau khi qua đời đang lâm vào kiếp ngạ quỷ, phải làm ma đói ma khát, bị hành hạ khổ sở do khi còn sống làm nhiều nghiệp ác. Vô cùng thương xót mẹ nên Mục Kiền Liên đã mang cơm xuống tận cõi ngạ quỷ để dâng cho mẹ ăn.

Do bị đói khát lâu ngày nên khi ăn bà đã dùng một tay che bát cơm vì sợ các cô hồn khác tới cướp mất phần của mình. Thật kinh ngạc, khi bà đưa thức ăn vào miệng thì hóa thành lửa đỏ.

Mục Kiền Liên không có cách nào giúp mẹ nên trở về tìm Đức Phật chỉ cách. Phật nói rằng dù ông có thần thông quảng đại tới đâu cũng khổng thể một mình cứu mẹ mà nhằm vào ngày Rằm tháng Bảy sắm sửa lễ cúng tươm tất và vận động chư tăng mười phương cùng hợp lực chú nguyện mới có thể hóa giải nghiệp giúp bà Thánh Đề.

Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy và mẹ của ông được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, trong “chúng sinh” nếu ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng làm theo cách này. Từ đó ngày Lễ Vu Lan ra đời.

phân biệt lễ vu lan, lễ xá tội vong nhân và nghi thức bông hồng cài áo

Mục Kiền Liên mang cơm xuống cõi ngạ quỷ dâng mẹ (Ảnh: thuvienhocsen.org)

2. Ý nghĩa của Lễ Xá Tội Vong Nhân

Giống như Lễ Vu Lan, Lễ Xá Tội Vong Nhân cũng được tiến hành vào Rằm tháng Bảy Âm lịch. Nhiều người tín tâm thường hay kiêng khem làm việc lớn trong tháng vì cho rằng đây là “tháng cô hồn”, dễ gặp xui xẻo.

Tuy nhiên, điều này liệu có đúng? Chúng ta cùng tìm hiểu vài quan điểm dưới đây:

2.1. Theo tín ngưỡng dân gian:

Dân gian xưa cho rằng: Những người chết tức tưởi thường “vong hồn” vẫn lang bạt nơi trần gian chưa thể về được với cõi Âm. Vào ngày Rằm tháng Bảy họ sẽ được làm lễ bắc cầu cho siêu độ.

Cũng có ý kiến lại cho rằng, ngày này là ngày cõi Âm “mở cửa địa ngục” để các linh hồn được siêu thoát về cõi trần tái sinh. Do sợ bị các vong hồn này quấy nhiễu đời sống và muốn giúp họ siêu thoát nên dân gian làm lễ cúng “cô hồn” hay cúng “chúng sinh”.

2.2. Theo quan niệm của nhà Phật:

Những “chúng sinh” chết tức tưởi thường mang trong lòng sự giận dỗi, thù oán do bị tổn thương sâu sắc. Họ “tạo thành một dạng năng lượng tiêu cực, được đẩy vào tiềm thức để rồi “luân hồi” trong nẻo vô minh của thế giới vô thức”… Và thậm chí “đã có những phần, những mảnh ghép khác nhau trong con người chúng ta đã phải chết yểu, hay chết tức tưởi dọc đường đời. Nếu không được soi chiếu, ghi nhận và cảm thông – hóa giải, các kinh nghiệm đó cũng sẽ biến tướng thành những “chúng sinh” những “cô hồn” lang thang vất vưởng đâu đó trong tâm thức chúng ta”.

“Xá Tội Vong Nhân” theo nhà Phật “là soi chiếu ánh sáng giác ngộ, và sống tỉnh thức trong từng sát na, để ánh hào quang của Phật (thức tỉnh) chiếu vào những chỗ khuất lấp nhất trong tâm thức của chúng ta. Ghi nhận mà không phán xét, bi mà không lụy, thương mà không luyến ái thủ chấp, tạo điều kiện cho các “vong nhân” đó được giải thoát. Như vậy, sự bao dung, thứ tha chính là “nước tĩnh bình” – năng lượng bình an của định tâm, qua phương tiện của Bi – Trí – Dũng – là cành dương chi rải nước từ bi dập tắt muộn phiền.

Các bước thiền bảo vệ như Niệm Phật, phát triển tâm từ, thiền tha thứ và niệm chết hay quán vô thường chính là phương cách để chúng ta đi vào nội tâm, mở cửa ngục – phần tối của tiềm thức và vô thức, và giải thoát tâm khỏi những nghiệp chướng não phiền từ vô lượng kiếp luân hồi sinh tử”.

Như vậy, làm Lễ Xá Tội Vong Nhân không chỉ để hồi hướng cho “chúng sinh” mà còn hồi hướng cho chính “những mảnh ghép khác nhau trong con người chúng ta đã phải chết yểu”.

Giải thích về “những mảnh ghép” đó cụ thể là gì, Thư Viện Hoa Sen viết: “Trong suốt quá trình trưởng thành, trong đó có cả những cuộc phiêu lưu tình ái, những vật lộn với thế giới cơm áo gạo tiền, những bon chen địa vị, chỗ đứng trong gia đình cũng như ngoài xã hội, không ít lần chúng ta cảm thấy “bầm dập” để vượt qua những thách thức của đời sống. Con người của chúng ta đã biến đổi theo thời gian. Có những ước mơ hoài bão, có những lý tưởng, những mong ước thầm kín, những bản năng trỗi dậy nhưng không thể thỏa mãn vì môi trường xã hội, văn hóa, kinh tế hay những buộc ràng về đạo đức luân lý. Trong cuộc đấu tranh và nỗ lực vì sự sinh tồn này, chúng ta đã bị cắt xén, bị gọt giũa để trở nên “văn minh” hay mạnh mẽ, dễ thích ứng hơn với hoàn cảnh sống.” (Trích theo thuvienhoasen.org).

2.3. Cúng cô hồn Rằm tháng Bảy là mê tín dị đoan

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ – Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng – Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tháng Bảy Âm lịch không có gì khác những tháng khác và cũng không cần kiêng kỵ hay lưu ý gì cả. Trong Phật giáo, mọi ngày đều tốt lành nếu chúng ta có hành động tốt lành.

“Những điều không như ý xảy ra mà đổ thừa cho tháng cô hồn là một tà kiến, nhận thức sai, theo quan điểm Phật giáo. Văn hóa Phật giáo không ghi nhận tháng nào là tháng cô hồn. Tất cả mọi người khi chết đều phải tái sinh theo nghiệp.

Trở về với đạo Phật gốc, mỗi người khi còn sống, có đời sống đạo đức, năng động, tích cực… khi chết chẳng cần ai tụng kinh, người đó cũng sẽ được tái sinh ngay lập tức dựa vào nghiệp thiện do chính mình tạo dựng được.”

“Cúng cô hồn là quan niệm thuộc tín ngưỡng dân gian, dựa một phần vào đạo Phật, nhưng theo một cách sai lầm, cho rằng tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn. Nhiều người vì lo sợ tháng cô hồn xui xẻo mà sa đà vào mê tín dị đoan, trấn an tâm lý bằng cách mua vàng mã về đốt, vừa tốn kém tiền của, vừa gây ô nhiễm môi trường…”

Trong tháng 7 âm lịch, Phật giáo khích lệ văn hóa đền ơn và biết ơn, con người làm việc thiện để đền trả 4 trọng ơn trong đời, đó là: hiếu đạo với chư tăng; hiếu kính với cha mẹ, thầy cô; ơn Tổ quốc; ơn đồng loại, chứ không phải là những kiêng kỵ trong tháng cô hồn.

Theo Phật giáo, ngày 14, 15/7 âm lịch không được gọi là ngày cúng cô hồn mà là ngày mãn hạ của các tu sĩ sau 90 ngày tu tập.

Đối với các Phật tử tại gia, ngày này được xem như biểu tượng của đạo hiếu. Đạo hiếu phải được áp dụng hàng ngày, hàng giờ nhưng để lấy biểu tượng và cho mọi người nhớ thì Phật giáo đại thừa nhấn mạnh vào ngày rằm tháng 7.

Cho nên 2 ngày này không nên gọi nhầm là ngày cô hồn hay ngày cúng cô hồn. Đó là ngày Phật tử nhắc nhở, đánh giá mình về hạnh hiếu, phụng dưỡng vật chất, phụng dưỡng tinh thần, phát triển đạo đức, lập nghiệp chân chính, quan tâm đến cha mẹ, biết chăm lo cho gia đình, góp phần phát triển xã hội.

Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh, cúng lễ Vu Lan chỉ là một hình thức, một biểu tượng để tỏ lòng tôn kính ông bà, tổ tiên. Theo Phật giáo, sau khi chết con người được tái sinh. Do vậy, vào ngày 14, 15/7 âm lịch, Phật giáo khích lệ cúng cỗ chay, tốt nhất là thắp nén hương, cúng hoa quả và nước để tỏ lòng thành kính chứ không cần mâm cao cỗ đầy”. (Trích theo VOV.vn)

phân biệt lễ vu lan, lễ xá tội vong nhân và nghi thức bông hồng cài áo

Mô tả cảnh Diêm Vương đang phán xét các “cô hồn” (Ảnh: tinhtuy.org)

3. Nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức Bông Hồng Cài Áo

Bông Hồng Cài Áo là một nghi thức đặc biệt của Phật giáo Việt Nam nằm trong Lễ Vu Lan vào dịp Rằm tháng Bảy Âm lịch hàng năm. Với ý nghĩa nhân văn mà nó mang lại, ngày nay nghi thức này được người dân tích cực hưởng ứng, đặc biệt là giới trẻ nhằm tỏ lòng hiếu kính với các đấng sinh thành.

Thư Viện Hoa Sen Online cho biết, tuy đây là một sự kiện quan trọng nhưng đến nay hầu như các sử sách Phật giáo cả trong và ngoài nước đều không đề cập tới, chỉ có duy nhất cuốn sách “Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát”, NXB Lá Bối, Paris năm 1980 của sư cô Chơn Không Cao Ngọc Phượng ghi chép về thơ của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh nói tới.

“Bông hồng cài áo” là tên một bài viết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 1962 tại Sài Gòn. Bài viết này kể về tục lệ cài hoa trên áo của người Nhật trong ngày Mother’s Day. Trong đó có đoạn:

“Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan”. (Trích theo Thư viện Phật học Buddhasasana, Thích Nhất Hạnh 1962).

Sau đó, Thiền sư đề nghị áp dụng nghi thức này vào ngày lễ báo hiếu Vu Lan và được một số thành viên trong đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn hưởng ứng. Họ chép bài viết “Bông hồng cài áo” thành nhiền bản để phổ biến trong nội bộ Đoàn. Và ngay trong ngày Lễ Vu Lan năm 1962 đó, đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn đã thực hiện nghi thức Bông Hồng Cài Áo lần đầu tiên tại chùa Xá Lợi.

Trong số tất cả những người đến dự buổi Lễ Vu Lan này, ai còn mẹ được cài một bông hoa hồng đỏ lên áo, ai mất mẹ được cài một bông hoa hồng trắng lên áo. Và bông hoa này khác với “hoa cẩm chướng” mà Thiền sư Nhất Hạnh được cô sinh viên người Nhật cài lên áo năm nào.

Năm 1967, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phỏng theo ý văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết ra bản nhạc “Bông hồng cài áo” nổi tiếng ngày nay mà chúng ta biết. Và nó đã trở thành “biểu tượng” của ngày Lễ Vu Lan.

phân biệt lễ vu lan, lễ xá tội vong nhân và nghi thức bông hồng cài áo

Những ai còn mẹ được cài bông hoa màu đỏ (Ảnh: tuvisomenh.com)

phân biệt lễ vu lan, lễ xá tội vong nhân và nghi thức bông hồng cài áo

Những ai mất mẹ được cài bông hoa màu trắng (Ảnh: blogradio.vn)

4. Phong tục cúng Lễ Vu Lan, Lễ Xá Tội Vong Nhân của người Việt

Theo phong tục truyền thống của người Việt, Rằm tháng Bảy thường cúng ở chùa trước rồi mới cúng tại gia. Lễ này làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm khi mặt trời đã lặn và thường tiến hành trước 12h trưa ngày 15/07 Âm lịch (Trước khi “cửa ngục đóng”).

Các gia đình thường làm 2 mấm cúng. Một mâm cúng tổ tiên và một mâm cúng “chúng sinh”,  “cúng cô hồn”, “cúng thí thực” đặt trước sân nhà, ngoài ngõ hay vỉa hè….

4.1. Lễ vật cúng tổ tiên gồm:

  • Đồ mặn
  • Tiền, vàng
  • Các vật dụng dành cho người cõi Âm giống của người cõi Dương bằng giấy gồm: quần áo, giày dép, ngựa, đồ trang sức, mũ nón, nhà cửa, xe cộ…
  • Đèn/nến, hương hoa, oản quả…

phân biệt lễ vu lan, lễ xá tội vong nhân và nghi thức bông hồng cài áo

Mâm lễ mặn cúng ông bà tổ tiên ngày Rằm tháng Bảy (Ảnh: soha.vn)

4.2. Lễ vật cúng “chúng sinh” thường gồm:

  • Quần áo chúng sinh đa dạng màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng…)
  • Các loại bỏng ngô
  • Chè lam
  • Kẹo vừng
  • Kẹo dồi
  • Bánh quế
  • Cháo hoa
  • Tiền vàng
  • Nước lã, rượu hoặc thêm nước ngọt, bia
  • Gạo, muối trộn lẫn với nhau (Sau khi cúng xong thì mang rắc khắp 4 phương tám hướng ở sân nhà, ngoài ngõ hoặc vỉa hè).
  • Ngô, khoai lang luộc
  • Hoa quả…

Trên thực tế các loại lễ vật chuẩn bị còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình và phong tục vùng miền khác nhau.

phân biệt lễ vu lan, lễ xá tội vong nhân và nghi thức bông hồng cài áo

Một mâm lễ vật cúng “chúng sinh” ngày Rằm tháng Bảy (Ảnh: barcodemagazine.vn)

5. Kết luận:

Như vậy, nếu nắm được tường tận nguồn gốc thì sẽ không khó để phân biệt Lễ Vu Lan, Lễ Xá Tội Vong Nhân và nghi thức Bông Hồng Cài Áo giống và khác nhau như thế nào.

Theo đó, Lễ Vu Lan và Lễ Xá Tội Vong Nhân là hai Lễ hoàn toàn khác nhau nhưng cùng được tiến hành vào ngày Rằm tháng Bảy. Lễ Vu Lan được tiến hành tại chùa, Lễ Xá Tội Vong Nhân do là tín ngưỡng dân gian nên cúng tại nhà. Còn Bông Hồng Cài Áo là một nghi thức nằm trong Lễ Vu Lan.

Cả hai Lễ này đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cao đẹp của người Á Đông. Chúng không chỉ giúp chúng ta có dịp tỏ lòng thành kính với người đã khuất, thực hiện chữ hiếu với cha mẹ, ông bà – những người đang còn sống; mà còn khiến “linh hồn” người đã khuất cùng “chúng sinh” được thanh thản và vãng sinh về cõi niết bàn.

-Tổng hợp-

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News