Phật học

Hương linh là gì? Có nên gọi hồn để biết hương linh siêu thoát hay chưa?

Hương linh là gì? Đời sống của một hương linh trong cõi âm ra sao? Có nên gọi hồn để biết hương linh siêu thoát hay chưa? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

hương linh là gì, linh hồn là gì, linh hồn người chết, lời phật dạy, hương linh là gì? có nên gọi hồn để biết hương linh siêu thoát hay chưa?

1. Hương linh là gì?

Hương linh là cách gọi khác của linh hồn trong Phật giáo. Khác với dân gian tin rằng con người sau khi chết đi linh hồn sẽ sống vĩnh hằng ở một thế giới khác thì Phật giáo cho rằng hương linh sẽ đầu thai chuyển kiếp vào 1 trong 6 cõi (lục đạo luân hồi) chứ không tồn tại mãi mãi ở dạng vô hình như vậy.

Theo quan điểm của Phật giáo, tùy theo phước nghiệp nhiều đời của mỗi người mà sau khi người đó chết sẽ được tái sinh vào cõi nào.

Nếu người đó từng rất có phước, làm nhiều việc thiện lành và công đức lớn thì linh hồn đó được sinh lên cõi trời.

Nếu người đó quyền lực lớn nhưng bản ngã nhỏ, lúc sống không tu tập đạo đức nhưng có nhiệt huyết, có công với đất nước có thể trở thành vị thần Atula nằm lơ lửng giữa sườn núi cung mây, tuy tốt bụng nhưng vẫn còn sân hận.

Những người có phước, có duyên đầu thai sớm thì sẽ đi đầu thai làm người.

Người nào bản ngã lớn, có quyền lực lớn, làm các điều ác rất lớn khi chết đọa làm súc sinh lớn như trâu, bò, ngựa…

Và người nghiệp rất nặng, gây rất nhiều tội ác thì có thể đọa làm súc sinh hoặc đọa địa ngục.

Còn phần lớn một người vừa có phước vừa có tội thì sau khi chết sẽ tồn tại một thời gian trong cõi vô hình, ta hay gọi chung là hương linh.

2. Đời sống của một hương linh

Thế giới cõi âm rất phức tạp, tuy gần gũi quanh ta nhưng mà xa cách không thể nhìn thấy được. Sau khi chết, hương linh đó biết rõ nguyên nhân vì sao mình chết và thường quanh quẩn quanh mồ mả của mình hoặc nơi mình chết vì nhiều hương linh còn chấp thân, tiếc nuối thân xác của mình. Nếu không chấp thân thì hương linh sẽ theo cái nguyện của mình mà ra đi. Còn nếu chấp thân thì chịu đau khổ, cô độc,…

Khi chết, tất cả mọi thứ người đó đều không mang qua thế giới bên kia được trừ bệnh tật, phước và nghiệp. Một người trước khi chết bị bệnh, bị đau nhức, yếu ớt thì chết rồi vẫn còn mang những thân nghiệp đó. Phước báo, công đức và nghiệp họ đã gieo nhiều đời nhiều kiếp vẫn theo họ.

Các hương linh có phước được tự do đi lại thì có thể về thăm gia đình, được phép vào nhà nếu chủ nhà tác ý cho phép, được thân hình đẹp, được người sống cúng cho ăn.

Các hương linh không có phước thì thân hình rất ghê gớm, ít được tự do, bị nhiều hương linh khác ăn hiếp, vất va vất vưởng, đói khát, hoảng sợ, chạy tìm miếng ăn, trốn đầu này đầu kia,… Đặc biệt là những người chết sớm do nghiệp nặng mà bị sát hại, hay do tự quyên sinh thì khi trở thành hương linh rất thê thảm, lạnh buốt, đói khát, đau khổ tột cùng. Ở cõi âm hương linh rất khó làm phước.

3. Mối quan hệ giữa người sống và hương linh

Có những người lúc sống không biết đạo lý, sống hung hăng tàn bạo thì khi chết làm hương linh hung dữ, họ tác động vào tâm của người sống. Nếu mình không giữ được tâm mình thì nhiều khi ý nghĩ của mình do người khác tác động. Ngược lại, nếu mình siêng đi chùa lễ Phật, huân tu đạo đức thì mình hay có những suy nghĩ đúng đạo lý nhờ Chư Phật gia hộ.

Nhiều hương linh có phước thấy cõi âm dễ chịu hơn cõi dương vì ở cõi âm họ biết được tâm người sống, có thể báo mộng cho người sống, hương linh còn biết được một số bí mật của người sống, họ tự tại muốn đi đâu thì đi, họ không còn sợ cái chết.

Cũng có những người khi còn sống không có gia đình, họ có thương yêu ai đó có thể khi chết họ đi theo người đó mãi để âm thầm gia hộ (cái này gọi là nợ tiền duyên). Và cũng có những người bị chết oan ức nhưng do không hiểu nhân quả nghiệp duyên nên hương linh đó tìm cách báo thù, có khi còn xâm nhập vào thân của người sống.

Khi người sống hướng về người chết để tụng kinh cầu siêu với tâm hiền lành, từ ái niệm Phật thì tâm của hương linh bị cuốn theo, hòa theo và hương linh sẽ chuyển tâm từ từ.

Đến khi tâm của hương linh được thuần thì những vị Thánh trong thế giới vô hình sẽ hướng dẫn hương linh tiếp tục tin hiểu nhân quả, tội phước. Từ đó hương linh sẽ phát nguyện làm điều tốt như là âm thầm yểm trợ người sống làm việc lành và ủng hộ các chùa.

Dần dần hương linh cũng tu tập và có phước, bắt đầu phát tâm trở lại cõi người làm gì đó chuộc lại lầm lỗi ngày xưa, hương linh sẽ đi đầu thai. Đầu thai làm người rồi, thời gian đầu họ sống cũng gặp khó khăn nhưng sau đó năng nổ tu tập và làm phước nhờ họ mang đạo lý từ cõi âm trở lại.

4. Trách nhiệm của người sống đối với hương linh

Ta nên gửi hương linh về các Chùa có tâm linh cao để họ có điều kiện tu tập và làm phước. Hàng ngày ta nên cúng thí thực cho hương linh kèm theo bài kinh Cúng Thí Thực để họ được nghe kinh thọ thực, được nghe đạo lý. Ta cần kiên trì cúng thí thực cho hương linh trong nhiều năm.

Một người bình thường sau khi chết thì phải cúng thí thực từ 3 đến 5 năm mới đi đầu thai được. Nhưng cũng có những người phải 10-20-50-100 năm mới đi đầu thai.

Ta phải tôn trọng hương linh và quán từ bi yêu thương họ.

Tụng kinh cầu siêu thường xuyên cho hương linh mau siêu thoát.

Phóng sanh, làm phước hồi hướng công đức cho hương linh.

Mở pháp cho hương linh nghe.

Có những điều kiêng kỵ là ta không nên đốt vàng mã cho người chết. Vì vàng mã là giấy, đốt là cháy, hương linh hoàn toàn không hưởng được gì từ đống tro tàn đó, khi đó ta cũng tổn phước vì hoang phí.

Nếu ta muốn cho hương linh có quần áo, thức ăn, vật dụng… thì ta đem quần áo, thức ăn, vật dụng,… bố thí cho những người nghèo khó xứng đáng rồi hồi hướng công đức lại cho hương linh.

5. Nên làm gì khi gặp hương linh?

Nếu ta có duyên thấy được hương linh thì bình tĩnh, không hoảng sợ, niệm Phật và quán từ bi yêu thương họ, lúc đó nhờ Chư Phật gia hộ nên ta có thêm uy lực vượt qua ảo ảnh và không sợ hãi nữa.

Những lúc khó khăn, bất trắc hiểm nguy, hoảng sợ khi gặp hương linh ta hay cầu Phật gia hộ. Không phải Phật không linh thiêng, không gia hộ nhưng Phật nhắc ta lấy từ bi làm gốc, phải yêu thương chúng sinh trước, yêu thương những hương linh đó, đừng để câu niệm Phật che mất những tâm nguyện của ta, rồi sau đó Phật sẽ giúp ta vượt qua khó khăn.

Trong đời sống hàng ngày ta gắng công tu tập, lễ Phật, ngồi thiền, phát tâm mạnh mẽ, tu tập đạo đức sâu dày và làm phước thì đức ta lớn dần, quỷ thần cũng phải khiếp sợ và nghe theo….

hương linh là gì, linh hồn là gì, linh hồn người chết, lời phật dạy, hương linh là gì? có nên gọi hồn để biết hương linh siêu thoát hay chưa?

6. Có nên gọi hồn để biết hương linh đã siêu thoát hay chưa?

Theo quan điểm Phật giáo (Bắc tông), một người sau khi chết có thể lập tức tái sinh (đối với người tạo nghiệp cực thiện hay cực ác) hoặc trải qua giai đoạn thọ thân trung gian từ 1 đến 49 ngày rồi tùy theo nghiệp mà tái sanh vào cảnh giới tương ứng. Trừ những trường hợp đặc biệt chết do đột tử, bất đắc kỳ tử thường gọi là chết oan, còn lại đa phần sau 49 ngày thì các hương linh đều theo nghiệp tái sinh.

Khi thần thức đã theo nghiệp tái sinh vào một cảnh giới tương ứng rồi, tất nhiên phải chịu thọ báo (tốt hoặc xấu) ở trong cảnh giới ấy. Cho đến khi mãn nghiệp ở cõi ấy, nếu không có duyên lành tu tập giải thoát, thì thần thức lại theo nghiệp tái sanh vào một cõi khác. Cứ thế, chúng sanh luân hồi trong ba cõi sáu đường không cùng tận.

Theo giáo lý Nhân quả – Nghiệp báo, những nỗ lực của người thân hướng về hương linh như tạo phước, cầu nguyện… chỉ trợ duyên, ảnh hưởng tốt đến hương linh được phần nào thôi chứ không can thiệp sâu vào khuynh hướng tái sinh của họ. Vì mỗi người đều phải ‘thừa tự’ nghiệp lực của chính mình. Để được giải thoát, tự thân hương linh phải tỉnh thức và hướng thiện. Không ai có thể cứu vớt chúng ta ngoại trừ những nỗ lực tu tập của chính chúng ta. Thế Tôn đã dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hãy tự mình nương tựa hòn đảo chính mình.”

Do vậy, không nên nhờ các nhà ngoại cảm gọi hồn người thân đã mất. Giả sử gọi được và gọi đúng người thân thì chúng ta cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Vì giải thoát khổ đau phải do tự thân mỗi người nỗ lực. Đó là chưa kể đến các trường hợp gọi không được hoặc gọi không đúng thì càng làm cho vấn đề phức tạp thêm.

Các “hương linh” tiếp xúc với nhà ngoại cảm hầu hết là những chúng sinh trong loài ngạ quỷ (quỷ thần). Điều này chúng ta cần hết sức lưu ý vì giáo lý đạo Phật không đề cập đến cõi âm mà chỉ nói đến lục đạo gồm trời, a-tu-la, người, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục.

Do đó, nếu các hương linh tiếp xúc với nhà ngoại cảm thì chắc chắn họ chưa giải thoát, có thể họ đã tái sinh vào ngạ quỷ (loài đông nhất trong lục đạo, sống gần gũi và có thể giao tiếp, thọ hưởng vật thực loài người dâng cúng).

Đối với vấn đề các hương linh đã siêu thoát thì có về nơi thờ tự không?

Ở đây, chúng ta cần bàn thêm về ý nghĩa siêu thoát. Siêu là vượt lên, thoát là ra khỏi. Vãng sinh về Tây phương Cực lạc (hay các cõi Phật khác) hoặc sinh lên các cõi lành (thoát khỏi cảnh khổ ác đạo) chính là ý nghĩa siêu thoát.

Trong quan niệm dân gian của đa phần người Việt, bàn thờ gia tiên là nơi ngự tọa của ông bà cha mẹ sau khi quá vãng. Sự thật không phải như vậy. Theo Phật giáo, con người sau khi chết theo nghiệp tái sinh trong Tam giới, Lục đạo chứ không ở trên bàn thờ. Người Phật tử lập bàn thờ để tưởng nhớ, tri ân và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ quá vãng chứ không phải là thiết lập nơi tọa ngự cho chư vị.

Theo Phật giáo, sự vãng sinh hay siêu thoát cốt yếu do sự tỉnh thức và chuyển hóa của hương linh. Không có các đấng siêu nhiên hay bất cứ thế lực nào có thể làm giúp được. Đức Phật cũng chỉ là đạo sư, bậc thầy chỉ đường. Còn đi đến đích hay không là nhiệm vụ của chúng ta.

Cũng vậy, siêu thoát hay không là do chính nỗ lực giác ngộ của hương linh. Mặc dù những trợ duyên như tha lực của Phật và các vị Bồ tát, sự hộ niệm của chư Tăng, sự thành tâm tạo phước của thân nhân… là vô cùng cần thiết nhưng không phải là tác nhân chính cho việc thành tựu siêu thoát.

Ví như các phạm nhân đang thụ án trong trại giam, chỉ khi nào tự thân họ biết sám hối ăn năn và cải tạo tốt mới có thể mong ngày hưởng ân xá, khoan hồng. Còn người thân dù yêu thương hay có điều kiện đến mấy quyết lo cho phạm nhân mà tự thân phạm nhân ấy không tỉnh thức, cứ liên tục sai phạm thì khó cứu.

Do vậy, khi người thân mất đi, trách nhiệm của chúng ta là tận tâm dốc lòng cầu nguyện và tạo phước để hồi hướng, mong họ siêu thoát. Còn siêu thoát hay không là do sự tỉnh thức chuyển hóa nghiệp lực của chính họ, thân nhân chỉ trợ duyên mà không thể can thiệp được.

Cho nên, không cần gọi hồn, triệu hồn, cầu hồn hay các phương pháp tương tự vì không mang đến lợi ích thiết thực cho hương linh và chỉ tốn kém, gây lo lắng hoang mang thêm cho thân nhân.

Trong bối cảnh cầu cúng mang sắc thái thần quyền đang nở rộ hiện nay, người Phật tử cần thiết lập chánh kiến trong việc thờ cúng để khỏi rơi vào tà kiến, mê tín dị đoan.

7. Niệm Phật A Di Đà siêu độ hương linh

Ý nghĩa của việc niệm Phật đối với hương linh

Niệm Phật chân thành hồi hướng cho những hương linh là một trong những cách thức ‘siêu độ’ vi diệu nhất, đây là một trong nhiều công đức thù thắng của Thánh hiệu “Nam mô a di đà Phật”, như Pháp Nhiên Thượng Nhân trong quyển “Niệm Phật Tông Yếu’ thuyết, “Vì người chết mà niệm Phật hồi hướng cho họ thì Phật A Di Đà phóng quang minh soi chiếu địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Kẻ bị chìm trong ba đường dữ chịu khổ sẽ hết khổ, người chết sau khi lâm chung được giải thoát.” (Trang 34)

Ngài Pháp Nhiên thuyết rất có căn cứ vì y theo Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ ở phẩm 12 ghi, “…Quang Minh của Phật A Di Đà chiếu khắp mười phương, nếu chúng sinh nào chạm quang minh này, cấu diệt thiện sinh, thân ý nhu nhuyến, nếu trong tam đồ, chỗ vô cùng khổ, thấy Quang minh này, đều được dừng dứt, đến khi mạng chung đều đặng giải thoát.” (trang 39).

Ấn Quang Đại Sư năm xưa khi còn sống cũng dùng cách niệm Phật hồi hướng cho hương linh. Phật tử yêu cầu siêu độ tổ tiên, thân bằng quyến thuộc thì Ngài Ấn Quang đều để bài vị ở Niệm Phật đường rồi lấy công đức niệm Phật của đại chúng ở Niệm Phật Đường hồi hướng cho họ. Theo Ngài Tịnh Không, cách này rất đáng được học tập và nhân rộng.

Vì thế, quý vị an tâm niệm Phật chân thành để ‘siêu độ’ cho người thân quá cố của mình. Bài viết mở rộng dưới đây về việc siêu độ cho hương linh trong vòng 49 ngày sau khi chết và sau 49 ngày hoặc thời gian dài sau đó nhằm giúp quý vị hiểu rõ quan điểm siêu độ của Phật giáo và các vị Thánh tăng.

a. Siêu độ cho hương linh trong vòng 49 ngày sau khi chết

Người học Phật cần phải biết đối tượng giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sống chứ không phải là người chết. Nếu vì hương linh siêu độ đó chỉ là biện pháp thứ yếu chứ không phải là sứ mạng căn bản của Phật giáo.

Vấn đề này được Pháp sư Thánh Nghiêm, một vị cao tăng uy tín của Phật Giáo Đài Loan nói riêng và của Thế giới nói chung, sáng lập dòng thiền Phật Giáo Pháp Cổ Sơn (Dharma Drum Mountain.) thuyết giảng trong bài viết “Vì sao làm phật sự” đăng trên trang mạng điện tử Thư viện Hoa Sen ngày 7/7/2011. Thế nhưng, ngày nay một số chùa chuyên làm ‘Phật sự’ cúng bái, siêu độ cho người chết trong khi đó độ cho người sống là thứ yếu, vì thế Pháp sư Tịnh Không thuyết rằng “‘Phật sự’ – hai chữ này là dạy học hiện nay đã biến chất rồi. Biến thành cái gì vậy? Siêu độ cho người chết gọi là Phật sự, điều này ở trong Phật giáo không có, trong kinh điển không có. Phật sự là dạy học, chính là giáo dục. Chỉ một việc này.”

Những xác quyết của quý ngài đều đúng như pháp vì sao vậy?

Y theo Kinh Địa Tạng, người thân vì người chết trong vòng bảy thất (49 ngày), làm ‘phật sự’ một cách thành khẩn như là ăn chay, phóng sinh, cúng dường Tam Bảo, tạc tượng Phật, giữ giới, tụng kinh, niệm Phật.. rồi lấy công đức này hồi hướng cho người mất.

Trong vòng 49 ngày người sống rốt ráo làm phật sự như vậy, thì trong bảy phần công đức, người chết chỉ nhận được một phần mà thôi. Vì thế khi còn thân người, thì chúng ta nên tu tập là tốt nhất. Ai tu nấy hưởng.

Tuy nhiên, những người thân của người quá cố chí tâm tu hành như Pháp thì dù chỉ một phần công đức cho người chết nhưng họ sẽ được siêu thoát vào cõi lành (thiên, nhân) hoặc có thể về Cực Lạc Quốc của Đức Phật A Di Đà. Việc này cũng được Pháp sư Thánh Nghiêm xác quyết “Người chết trong thời gian bảy tuần gia đình nên vì họ mà làm các phật sự, sẽ có công dụng rất lớn đối với người chết. Gia đình nên đem các tài vật mà người chết khi sanh tiền yêu thích để cúng dường Tam Bảo, bố thí kẻ nghèo khổ, và hồi hướng công đức này cho người chết, người chết sẽ nương nhờ công đức đó mà được tái sanh về các cảnh giới an lành.”

Vì sao vậy?

Y theo Kinh Địa Tạng, hình ảnh thánh nữ Ba la môn siêu độ cho mẹ bằng chính sự tu tập của bản thân sau khi được vị cao tăng cho biết mẹ của cô đang chịu cực hình ở địa ngục. Quý vị thấy rằng trong Kinh, cô không mời pháp sư, không mời thầy cúng đến tụng kinh. Thay vào đó, cô quay đầu, quyết tâm đoạn ác tu thiện một cách nghiêm túc và chí thành. Suy ngẫm kỹ, chúng ta thấy việc đọa vào địa ngục của thân mẫu là động lực thúc đẩy cho cô quyết chí tu tập. Khi đã được chứng quả, công đức này đã gây cảm ứng cho thân mẫu và từ đó mẹ cô liền được sinh thiên. Hình ảnh này cũng được Pháp sư Tịnh Không thuyết giảng trong bài “Phât sự….” như một lời nhắn nhũ rằng điều tốt nhất để siêu độ cho người chết là chính bản thân người thân của hương linh phải đoạn ác tu thiện một cách chí thành không những trong vòng 49 ngày mà hơn thế nữa.

Tụng kinh siêu độ cho người chết tuy là thứ yếu nhưng cũng mang lại lợi lạc cho người quá cố. Tại sao vậy?

Y theo Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Vấn Đức Thế Tôn có đoạn:

“Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Như người ở trên đời không có trai giới mà hay làm phước huệ cho đời. Sau khi chết rồi có con hiếu thuận hoặc trai hay gái thỉnh thầy tụng kinh đại thừa, làm thủy lục hoặc trai đàn lớn cầu siêu độ vong linh, không biết vong linh có thể siêu độ không?

Đức Phật nói: …

“Còn như thỉnh thầy uống rượu ăn thịt chẳng đặng trong sạch, tụng kinh lấy bạc tiền. Thiên thần chẳng giáng lâm, Phật thánh không đến trợ, lại vong linh ấy càng thêm tội lỗi.”

Bằng như có con hiếu thuận chân chánh, cha mẹ chết rồi, trong mỗi tuần bảy ngày làm chay bảy thất, hoặc trong ba năm cả nhà ăn chay giữ giới, xuất tiền của trong sạch, cầu thỉnh thầy tu hành đức hạnh, trai giới tinh nghiêm, tụng kinh đại thừa, hoặc làm chay thủy lục thiết lập nghiêm trang, thắp hương rãi hoa y theo pháp cúng dường, có lòng thành kính thay thế cho vong hồn khỏi tội đặng phước. Nếu cầu siêu bố thí bạc tiền như vậy, vong linh mới đặng sanh lên cõi trời, người sống cũng đặng phước, kẻ còn người mất đều an vui, người vui mừng thần thánh cũng vui mừng, như vậy mới thật là con cháu hiếu thuận.”

b. Siêu độ cho hương linh sau 49 ngày

Theo Kinh điển Phật giáo, thông thường, người ngay sau khi chết phải trải qua giai đoạn thân trung ấm trong vòng 49 ngày. Trong giai đoạn này thân trung ấm luôn chờ đợi cơ duyên thành tựu để chuyển sanh vào một trong sáu đường: thiên, nhân, a tu la, ngạ quỹ, súc sanh và địa ngục. Tuy nhiên, có hai loại người sau khi chết không trải qua giai đoạn thân trung ấm này đó là những người khi còn sống tu tạo những công đức lành (như niệm Phật, tu thập thiện) liền được thoát sinh lên Tây Phương Cực Lạc hoặc cõi thiên. Hoặc là những người khi còn sống tạo ác nghiệp, trọng nghiệp lập tức đọa vào địa ngục. Vì thế, như đã đề cập ở trên, trong vòng bảy thất này, hương linh rất cần sự giúp đỡ đầy thành tâm của gia đình thì mới mong được chuyển sinh vào cõi lành. Vấn đề này cũng được Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche vấn đáp trong quyển “Death and Rebirth” “trong bảy tuần lễ đầu sau khi chết là thời gian rất quan trọng để cho người sống làm mọi việc có thể giúp sức tái sinh cho người chết.” Tuy nhiên sau 49 ngày, chuyện gì xảy ra với hương linh và việc siêu độ họ như thế nào? Có hai khả năng xảy ra.

Khả năng thứ nhất

Sau 49 ngày người mất đã có chỗ thoát sinh, một trong sáu đường tùy theo nghiệp lực khi còn sống và tùy thuộc vào công tác “Phật sự’ của người thân trong vòng 49 ngày. Khi họ đã có chỗ ‘an sinh’, thì việc làm công tác ‘phật sự’ hồi hướng cho họ chỉ làm tăng thêm phước phần cho họ mà thôi. Sau đây là đoạn trích bài thuyết Pháp của Pháp sư Thánh Nghiêm trong bài “Vì sao làm phật sự” cũng đã xác minh quan điểm này:

“Phật Giáo chủ trương siêu độ vong linh tốt nhất là trong khoảng thời gian sau khi chết bốn mươi chín ngày. Nếu như qua bốn mươi chín ngày mà làm Phật sự hồi hướng, đương nhiên cũng có tác dụng nhưng lúc này chỉ tăng thêm phước phần cho họ chứ không thể cải biến được cảnh giới họ đã chuyển sanh. Giả sử một người khi sanh tiền đã tạo các điều ác, định sẵn đời sau họ phải đọa làm thân trâu bò hay mèo chó, ngay sau khi họ chết trong vòng bốn mươi chín ngày nếu gia đình vì họ mà làm các phật sự đồng thời tạo cơ duyên cho họ đang ở trong giai đoạn thân trung ấm mà nghe được người xuất gia tụng kinh, nhân đó biết được một số đạo lý Phật pháp, ngay đó họ sẽ sanh tâm hối cải lập chí hướng thiện, nhờ đó có thể tránh được làm thân súc sanh mà tái sanh làm người.

Nếu như qua bốn mươi chín ngày họ đã tái sanh làm thân trâu bò, mèo chó, lúc này gia đình vì họ mà làm các phật sự thì chỉ cải thiện được hoàn cảnh sanh hoạt của trâu bò, mèo chó như làm cho họ được ăn uống đầy đủ, không bị cày bừa lao nhọc, được mọi người yêu mến cho đến tránh được cái kiếp phải bị dao đâm. Còn bằng người chết đã sanh làm người liền có được thân thể khỏe mạnh, sự nghiệp thuận lợi, bà con thương yêu bảo bọc. Nếu như họ đã vãng sanh cũng khiến cho phẩm vị Liên hoa của họ được tăng cao sớm được thành Phật.”

Lời sau cùng trong Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni có trích một câu chuyện kể về sự linh ứng khi trì chú Đà ra ni này cho thấy Thánh Nghiêm Đại sư xác tín phước phần tăng thêm cho thân bằng quyến thuộc sau khi có chỗ thọ sinh là có căn cứ. Sau đây là đoạn trích nguyên văn mẩu chuyện này từ trong Kinh.

“Trong niên hiệu Khai Nguyên, có vị cư sĩ tinh tu ở non Ngũ Đài, người thường gọi là Vương Sơn Nhơn, cũng trì tụng chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni này. Sau vì cầu siêu cho cha, ông tụng chú đến vài mươi muôn biến, cầu xin được biết nghiệp báo lành dữ và chỗ sanh của phụ thân. Nhưng kết cuộc không thấy chi, ông thối tâm muốn ra khỏi núi. Bỗng gặp một lão nhơn đón lại, bảo: “Hiền giả tụng trì thật là cần mẫn, nhưng vì cách Phật lâu xa, văn cú thất lạc, thiếu sót nhiều. Nên không mau được ứng nghiệm. Nay gặp nhau đây, tôi xin truyền lại toàn bản của thần chú”. Vương Sơn Nhơn mời về đảnh lễ và thọ pháp. Lão nhơn dạy: “Hiền giả tụng chú bản này độ một ngàn biến sẽ thấy hiệu lực”.

Cư sĩ trì niệm y theo lời. Vài hôm sau lúc ban đêm, bỗng nghe tiếng ngọc hoàn bội khua thanh thao, giọng tiêu cầm dìu dặt, lần lần giáng xuống trước sân nhà, cư sĩ kinh lạ bước ra xem, thấy mấy mươi thiên nhơn vây quanh ủng hộ một vị thiên tiên tướng mạo siêu phàm đi đến. Vị thiên tiên hỏi: “Người biết ta chăng?” Cư sĩ thưa: “Kẻ dung phàm này mới được hân hạnh diện kiến”. Thiên tiên nói: “Ta là phụ thân của người, năm rồi người trì tụng Tôn Thắng Đà Ra Ni, ta được nhờ phước lực sanh lên cõi trời. Mấy hôm nay, y phước lại tăng gấp bội hơn trước, ta được làm vua trong hàng thiên tiên. Bản chú ngươi vừa trì tụng công hiệu thật không thể nghĩ bàn!”. Nói xong, tất cả đồng bay về thượng giới, cư sĩ vui mừng, cúi lạy tiễn đưa. Từ đó về sau càng thêm tinh tấn.” (trang 48-49).

Khả năng thứ hai

Theo Kim Cang Thừa, Trong giai đoạn 49 ngày của thân trung ấm, đa số thần thức đều được đầu thai một trong sáu đường (lục đạo). Tuy nhiên có một số trường hợp, thần thức bị kẹt ở trạng thái thân trung ấm này một khoảng thời gian như Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche vấn đáp “có một số người khác cứ vất vưởng trong thế giới trung ấm này một thời gian rất lâu, có lúc đến bảy năm mới đi tái sinh. Nếu trường hợp họ bị kẹt lại trong thế giới trung gian này, họ sẽ trở thành ma quỷ.”

Trong Kim Cương Thừa dạy rằng khi bị kẹt trong trạng thái trung ấm, chúng sinh phải chịu đựng rất nhiều khổ đau, lang thang khắp nơi trong sợ hãi, đói khát, buồn khổ, tham chấp, sân hận và hối tiếc về những kiếp sống đã trôi qua. Họ phải trải qua rất nhiều khó khăn, uất hận và đau đớn khổ sở.” Vì thế họ rất cần sự giúp đỡ của một vị cao tăng ‘siêu độ’ cho họ. Tác giả Vô úy trong bài viết “Ý nghĩa lễ Quán đỉnh Changwa” viết, “Thông qua các pháp tu Bản tôn A Di Đà Phật, Bất Động Phật, Bản tôn Quán Âm trong Kim Cương thừa, nương nhờ hồng ân Tam Bảo, nương theo giáo pháp chân thực và năng lực quán tưởng chư Phật Bản tôn, một bậc Thượng sư đã thực chứng Đại định A Di Đà hoặc thành tựu bất kỳ pháp môn nào khác, trong khi nhập đại định, Ngài có khả năng dẫn dắt thần thức của những vong linh đang phải gánh chịu khổ đau trong trạng thái trung ấm tới trước mặt mình và ban dạy giáo pháp về vô thường, khai thị cho họ biết chính tâm tham chấp của họ với kiếp sống trước đây khiến họ bị kẹt trong trung ấm không thể siêu thoát. Nhờ đó vong linh sẽ lợi lạc vô vàn và tức thời được siêu thoát.”

Trong trường hợp này, gia đình có thể thỉnh cao tăng Tịnh độ về khai thị, Quy y Tam Bảo và ban pháp niệm Phật vãng sanh cho hương linh. Trong khi đó mọi người trong gia đình đều thành tâm niệm Phật, đọc Thần Chú Vãng sanh, làm những ‘Phật sự’ khác và hồi hướng công đức này cho họ thì họ mới có cơ may siêu thoát vào cõi lành.

Nguyện đem công đức này

Hướng về tất cả chúng sanh khắp pháp giới

Đồng sanh cõi An Lạc

Trích nguồn: Phatgiao.org.vn!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News