Răng Miệng

Khô miệng kéo dài: Bạn đã biết thuốc chữa bệnh khô miệng hiệu quả?

Khô miệng là tác dụng phụ thường gặp sau khi bạn dùng một số loại thuốc. Trên thực tế, việc miệng bị khô hiếm khi là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây khó chịu và khiến bạn gặp khó khăn khi nói chuyện hoặc ăn uống. Vậy bạn có thể dùng thuốc chữa bệnh khô miệng hay không?

Hầu hết trường hợp khô miệng không cần dùng đến thuốc để điều trị mà có thể cải thiện bằng các mẹo chăm sóc răng miệng khác nhau. Thế nhưng, nếu bạn bị khô miệng kéo dài do bệnh lý, hội chứng nào đó và điều này gây ảnh hưởng đến cuộc sống thì việc dùng thuốc kích thích sản xuất nước bọt hoặc các sản phẩm dưỡng ẩm cho khoang miệng có thể hữu ích.

Bạn có thể dùng những loại thuốc chữa bệnh khô miệng nào?

Nhìn chung, việc lựa chọn phương pháp điều trị khô miệng thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề này. Trong hầu hết trường hợp, bác sĩ hoặc nha sĩ có thể đề xuất bạn dùng nước súc miệng (kê đơn hoặc không kê đơn) dành riêng cho người bị khô miệng, đặc biệt là những sản phẩm nước súc miệng có chứa xylitol.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm chứa chất làm ẩm miệng hoặc nước bọt nhân tạo dưới nhiều dạng như bình xịt, miếng gạc, gel, viên ngậm… cũng có thể được khuyên dùng để cải thiện tình trạng khô miệng. Tuy nhiên, đối với tình trạng khô miệng kéo dài và nghiêm trọng, bác sĩ hoặc nha sĩ có thể đề xuất bạn dùng thuốc chữa bệnh khô miệng, bao gồm:

  • Thuốc tăng sản xuất nước bọt tự nhiên pilocarpine (Salagen)
  • Một loại thuốc khác là cevimeline (Evoxac) thường được kê đơn để điều trị khô miệng ở những người mắc hội chứng Sjogren.

khô miệng kéo dài: bạn đã biết thuốc chữa bệnh khô miệng hiệu quả?

Bên cạnh những loại thuốc kể trên, một số loại thuốc không đặc hiệu khác cũng có thể được cân nhắc dùng để cải thiện tình trạng khô miệng, chẳng hạn như:

  • Thuốc nhuận tràng: Một số loại thuốc nhuận tràng hoạt động theo cơ chế giữ nước cho đường tiêu hóa. Vì vậy, thuốc cũng có thể đem lại tác dụng tương tự đối với khoang miệng của bạn. Lưu ý khi dùng là bạn không nuốt thuốc mà chỉ dùng để súc miệng rồi nhổ ra. Để yên tâm hơn, bạn nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được tư vấn dùng đúng thuốc và đúng cách.
  • Thuốc papain: Papain là một loại enzym chiết xuất từ quả đu đủ có tác dụng phân giải protein. Papain thường được chỉ định để điều trị các bệnh về tiêu hóa nhưng song song đó cũng có nhiều công dụng khác. Bạn có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ về việc có nên dùng papain để kích thích sản xuất nước bọt và cải thiện khô miệng hay không.

Mách bạn cách giảm khô miệng tại nhà hiệu quả

Trên thực tế thì việc dùng thuốc chữa bệnh khô miệng thường không phổ biến. Thay vào đó, bạn có thể áp dụng một số cách để làm giảm khô miệng ngay tại nhà không cần thuốc. Sau đây là một số giải pháp đơn giản bạn có thể lựa chọn để cải thiện tình trạng này.

Để giảm triệu chứng khô miệng, bạn nên:

  • Uống nhiều nước và có thể ngậm thêm đá lạnh trong ngày để giữ ẩm cho miệng. Trong bữa ăn, bạn có thể uống nước hay dùng canh để hỗ trợ nhai và nuốt thức ăn dễ hơn.
  • Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo viên không đường.
  • Dùng thêm son dưỡng hay vaseline nếu khô miệng khiến môi của bạn bị khô.
  • Khô miệng rất dễ dẫn đến sâu răng. Vì vậy, bạn cần chăm sóc răng miệng đúng cách. Luôn đảm bảo đánh răng hai lần mỗi ngày và nên sử dụng nước súc miệng không chứa cồn.
  • Nếu bạn ngủ ngáy và thở bằng miệng thì cần tìm cách khắc phục vấn đề này để điều trị dứt điểm tình trạng khô miệng, chẳng hạn cân nhắc việc dùng đai đeo chống ngáy…
  • Đôi khi, bầu không khí hanh khô cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, việc sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng có thể cần thiết để giữ ẩm không khí và cải thiện khô mũi, khô miệng.

khô miệng kéo dài: bạn đã biết thuốc chữa bệnh khô miệng hiệu quả?

Ngoài ra, để giảm triệu chứng khô miệng, bạn nên tránh những điều sau:

  • Không tiêu thụ thức uống có cồn hay caffeine vì những đồ uống này có thể gây mất nước và làm trầm trọng thêm tình trạng khô miệng.
  • Không hút thuốc lá hoặc nhai thuốc lá vì thói quen này có thể gây kích ứng và khô miệng.
  • Không tiêu thụ thực phẩm cay, mặn, nhiều đường hoặc có tính axit (chẳng hạn như chanh).
  • Không dùng bình xịt giữ ẩm cho miệng có tính axit.
  • Nếu bạn sử dụng răng giả tháo lắp thì nên tháo ra trong lúc ngủ.
  • Lưu ý rằng nếu bạn bị khô miệng do tác dụng phụ của thuốc thì cũng không nên tự ý ngừng thuốc mà cần hỏi ý kiến bác sĩ để được đổi đơn thuốc phù hợp.

Khi nào bạn cần đi khám nếu bị khô miệng?

Như đã đề cập, hầu hết trường hợp bạn đều có thể tự cải thiện tình trạng khô miệng tại nhà mà không cần đến thuốc chữa bệnh khô miệng. Ngoại trừ những trường hợp sau đây, bạn cần đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc hoặc tư vấn phương pháp điều trị phù hợp:

  • Bạn không thể làm giảm tình trạng khô miệng bằng các giải pháp chăm sóc tại nhà.
  • Bạn gặp khó khăn khi nhai, nuốt hoặc nói chuyện. Tình trạng khô miệng diễn ra khiến bạn phải “vật lộn” với chuyện ăn uống và điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của bạn.
  • Bạn gặp các vấn đề liên quan đến vị giác và không thể tự cải thiện.
  • Khô miệng khiến miệng của bạn bị đau, sưng đỏ, chảy máu.
  • Bạn phát hiện có những mảng trắng lở loét trong miệng.
  • Bạn phát hiện thêm những triệu chứng bất thường khác, chẳng hạn như đi tiểu nhiều, khô mắt…

Nói tóm lại, khô miệng hiếm khi nào là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, bạn nên ưu tiên thay đổi lối sống, thói quen và cách ăn uống thay vì lạm dụng thuốc chữa bệnh khô miệng ngay từ ban đầu. Ngược lại, nếu miệng bị khô kéo dài không rõ nguyên nhân, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám để được bác sĩ hoặc nha sĩ kê đơn thuốc điều trị hiệu quả nhé!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News