Phật Giáo

Lời Phật dậy : Ý nghĩa cuộc đời theo Phật giáo

Lời Phật dậy : Ý nghĩa cuộc đời theo Phật giáo

Một buổi sáng thức giấc, đã bao giờ bạn tự hỏi:”Tại sao mình được sinh ra trên đời này? Mình được sinh ra để trở thành điều gì? Cuộc sống này có ý nghĩa gì?”.Hãy cùng Kênh Tử Vi cùng nhau đi tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời qua lời Phật dạy nhé

Ý nghĩa cuộc sống theo lời phật dạy

Đôi khi, con người ta đi hết một đời, trăn trở một đời chỉ để tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi, một đáp án, tìm một lời giải thích cho khái niệm trừu tượng mang đầy tính triết lý mà cũng thật mơ hồ –

Nhiều người lạc bước trên con đường kiếm tìm ấy, nhiều người tìm thấy câu trả lời trong sự hoàn thiện. Họ đạt được thành công, và họ reo lên: Tôi sinh ra để chiến thắng, rốt cuộc tôi đã tìm thấy rồi, ý nghĩa cuộc sống chính là sự hoàn thiện!

Thật đáng tiếc, cho đến nay vẫn chưa có một ai, chưa có một ngôn ngữ hay một cuốn từ điển nào giải thích được trọn vẹn khái niệm này, mỗi người chỉ có thể tự đưa ra cho mình một đáp án khác nhau. Phần nhiều người nghĩ rằng ý nghĩa cuộc sống nằm ở sự hoàn thiện, sự thành công- những điều đã quá mức hoàn hảo, không cần thêm bất cứ sửa chữa nào.

Đó có thể là những lý tưởng, những mục tiêu đã đạt được thực hiện một cách trọn vẹn hay những công việc được hoàn thành xuất sắc. Nếu coi đời người là một hành trình thì có lẽ, hoàn thiện hay thành công là cái đích, là điều mà ai cũng muốn hướng tới, bởi bản chất của con người, bản chất của xã hội là không ngừng vươn lên.

Nhưng cái mục đích đó đâu phải dễ thực hiện. Để đạt được sự toàn thiện, toàn mỹ, con người phải trải qua một hành trình dài: đi, vấp ngã, lại đi , và tiếp tục vấp ngã, đôi khi lạc lối, đôi khi tưởng chừng như đã tìm ra điều mình muốn nhưng thực ra lại chưa phải…

lời phật dậy : ý nghĩa cuộc đời theo phật giáo

Lời phật dạy Ý nghĩa cuộc sống theo Đạo Phật

1)Lời phật dạy – Sống lợi mình lợi người là cuộc sống có ý nghĩa.

Những việc gì mình không muốn người khác làm cho mình, thì mình đừng làm như vậy cho người ta. Chẳng hạn như mình không muốn bị người khác quấy rầy, không muốn đời tư bị bươi móc, thì mình đừng làm như vậy cho người ta. Chẳng hạn như mình không thích bị ai phê bình, chỉ trích, khinh khi, phỉ báng, thì mình đừng vạch lá tìm sâu, bới bèo tìm bọ, viết thư nặc danh, hăm dọa chửi bới người ta. Phải nên biết rằng: gieo nhân nào gặt quả nấy, đong đấu nào nhận đấu nấy!

2) Lời Phật dạy – Sống không ưu tư, không phiền não trong mọi hoàn cảnh là cuộc sống có ý nghĩa.

Vì áp lực của cuộc đời thường đè nặng trong tâm tư, chúng ta bị ngoại cảnh chi phối quá nhiều, ngày ăn không ngon, đêm ngủ chẳng yên. Lúc thịnh thì vui, lúc suy thì buồn. Lúc nhục nhã thì bực, lúc danh dự thì khoái. Lúc xưng tán thì thích, lúc phê phán thì quạu.

Lúc khổ thì than, lúc hân hoan thì chịu! Nở được nụ cười nhẹ nhàng, vô ưu, trầm tĩnh, trong mọi hoàn cảnh giúp chúng ta sống cuộc đời có ý nghĩa. Nụ cười thương yêu, nụ cười có ý thức bao giờ cũng đẹp đẽ và thường giúp con người sống cuộc đời có ý nghĩa một cách mầu nhiệm khó thể nghĩ bàn.

3) Lời Phật dạy – Sống trong tỉnh thức là cuộc sống có ý nghĩa.

Chúng ta biết mình thực sự là ai, biết mình thực sự đang làm gì, biết mình thực sự đang nói gì, biết mình thực sự đang nghĩ gì. Chúng ta thường mang cái áo đời danh lợi, cho nên quên “con người chân thật” của mình, luôn luôn sống trong ảo tưởng. “Con người chân thật” là con người luôn luôn sống trong tỉnh thức, kiểm soát được hành động, lời nói và tư tưởng, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, trình độ, xuất xứ, đời sống, dân tộc.

Sống trong tỉnh thứcnghĩa là phải có chánh kiến, theo chánh tư duy, giữ gìn chánh ngữ, thực hành chánh nghiệp, sống với chánh mạng, có chánh tinh tiến, luôn luôn chánh niệm, có được chánh định.

4) Lời Phật dạy – Sống trong an lạc và hạnh phúc là cuộc sống có ý nghĩa.

Cuộc sống không dính mắc, không sân hận, không si mê, không phiền não, không chấp chặt, không thành kiến, không kỳ thị, không tranh chấp, không hơn thua, không bon chen, không đua đòi. Khi có người mang lửa đến đốt, chúng ta đừng đưa bổi ra đón, thì sẽ không bị đốt cháy.

Nghĩa là nếu bị người chửi mắng, hay khi nhận được thư, dù nặc danh hay chính danh, nặng lời nhục mạ, chúng ta không nổi cơn sân, dù ngoài mặt hay trong lòng, thì chúng ta được bình yên vô sự. Chúng ta không có được những gì mình thích, thì hãy thích những gì mình có. Được như vậy, ngày ăn ngon tối ngủ yên, và chắc chắn chúng ta sống cuộc đời an lạc và hạnh phúc.

5) Lời Phật dạy – Sống an trú trong hiện tại là cuộc sống có ý nghĩa.

Chúng ta thường luyến nhớ quá khứ, mơ tưởng tương lai. Sống trong cuộc đời hiện tại, chúng ta nên biết rằng “mình đang sống”, đang hít thở không khí, đang ở trong chánh niệm, sống với thiện tâm, sống không tà niệm. Được như vậy, tâm của chúng ta như dòng nước trong mát, không vướng bụi trần, không vương phiền não. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy:

Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc,
vị lai tâm bất khả đắc.

Nghĩa là chuyện quá khứ cảm giác đã qua đi, không nên nhớ nữa, chuyện hiện tại thấy đó rồi mất đó, cảm giác nào rồi cũng qua mau, không có gì tiếc nuối, chuyện tương lai chưa đến, đừng lo lắng ưu tưphiền muộn, chỉ khiến cuộc đời thêm phức tạp phiền não mà thôi!

6) Lời Phật dạy – Sống trong giác ngộ và giải thoát là cuộc sống có ý nghĩa. 

Chúng ta muốn có cuộc sống ý nghĩa, bình yên, phẳng lặng, an lạc và hạnh phúc, chúng ta phải biết quán sát chân lý, nhận chân lẽ thực, thấy được thực tướng của vạn hữu. Chúng ta muốn có cuộc sống ý nghĩa, thì nên biết rằng, chúng ta sinh ra đời để trả hết các nợ đã vay, đã tạo tác từ nhiều tiền kiếp, đừng tạo thêm nghiệp mới, chấm dứt sinh tửluân hồi, không si mê, không mơ tưởng, không van xin, không mong cầu. Chúng ta phải sáng suốt nhận định rõ ràng: cuộc đời khổ nhiều vui ít.

Cho nên, chấp nhận cuộc đời là chấp nhận: sinh lẫn diệt, còn lẫn mất, được lẫn thua, khen lẫn chê, vui lẫn buồn. Chấp nhận cuộc đời là chấp nhận: có làm có hưởng, có làm có chịu, sinh sự sự sinh, gieo gió gặt bão. Chấp nhận cuộc đời là chấp nhận: nay còn mai mất, nay xấu mai tốt, nay bạn mai thù, chuyển biến không ngừng.

Cần phải có thời gian tu tập thực nghiệm lâu dài, cần phải có công phu quán chiếu bền bỉ, cần phải có ý chí mạnh mẽ, nghị lực vững vàng, để chuyển hóa cuộc đời từ phiền muộn, ưu tư, lo âu, sợ hãi, trở thành hoan hỷ, vui vẻ, thanh thản, tự tại. Được như vậy, chúng ta sẽ giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Tóm lại, mặc dù được xem như là một tôn giáo, nhưng đạo Phật không phải chỉ có các hình thức cúng kiến, nghi lễ và người theo đạo Phật không bắt buộc phải có lòng tin, không bắt buộc phải có đức tin, không bắt buộc phải nhắm mắt tin theo, cúi đầu chấp nhận, bất cứ điều gì, dù được ghi chép trong kinh điển, khi lý trí chưa chấp nhận. Người Phật Tử nương theo giáo lý của Đức Phật để làm phương tiệnchuyển hóa đời mình, từ phiền não sang an lạc, từ khổ đau sang hạnh phúc.

Mục đích tối hậu, mục đích cứu kính, mục đích tột cùng của Phật giáo vẫn là chỉ bày phương pháp rèn luyện tâm tánh, phương pháp tu tâm dưỡng tánh, để giúp con người sống được với “con người chân thật” của mình, chứ không phải sống với cái tấm thân tứ đại nặng nề đòi hỏi đủ thứ chuyện, chứ không phải sống với cái tâm hồn thay đổi liên miên, sai xử đủ thứ việc, để giúp con người bớt được phiền nãovà khổ đau hiện đời, được an lạc và hạnh phúc, được Niết-bàn hiện tiền, giải thoát khỏi vòng sanh tửluân hồi.

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy:

Chư hành vô thường. Thị sinh diệt pháp. Sinh diệt diệt dĩ.
Tịch diệt vi lạc.

Nghĩa là mọi việc trên đời đều vô thường, không tồn tại lâu dài, kể cả tấm thân tứ đại nặng nề mấy chục ký lô, cùng với cái tâm lăng xăng lộn xộn của chúng ta, tất cả đều là những pháp sinh diệt, những thứ sinh ra rồi sẽ diệt đi, không tồn tại vĩnh viễn, không có gì phải quan trọng. Nếu quan trọng cái thân và cái tâm sinh diệt thì con người sẽ sống trong phiền não và khổ đau.

Điều quan trọng chính là làm sao cho tâm lăng xăng lộn xộn sinh diệt đó lặng đi, không còn nữa, tức là chúng ta không còn tham lam nữa, chúng ta không còn nổi sân nữa, chúng ta không còn si mê nữa, khi đó cảnh giới tịch diệt hiện tiền, ngay trước mắt, đó mới thực là vui, đó chính là Niết-bàn, là cực lạc vậy.

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiện tiền”, chính là nghĩa đó vậy.

Nói chung, Phật giáo có mục đích giúp con người sống trong tỉnh thức, biết mình đang thực sự sống một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời lý tưởng vậy.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News