Phật học

Ngày thập trai là những ngày nào? Ý nghĩa của mười ngày trai giới

Ngày Thập Trai là mười ngày con người nên giữ thân tâm thanh tịnh, theo lịch âm đó là các ngày mùng: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30.

lời phật dạy, ngày trai giới là gì, ngày thập trai là những ngày nào? ý nghĩa của mười ngày trai giới

Ngày Thập Trai, theo Kinh Địa Tạng, là ngày mà các nghiệp tội của chúng sanh được kết nhóm lại để định là nặng hay nhẹ. Thập là mười, chữ Trai dịch từ Phạm âm có nghĩa là “Thanh tịnh”. Như thế, ngày Thập Trai là mười ngày con người nên giữ thân tâm thanh tịnh, theo lịch âm đó là các ngày mùng: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30. Nếu tháng thiếu không có ngày 30 âm thì Thập Trai là các ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 27, 28 và 29.

Chữ “Trai” còn có nghĩa là Trung hoặc Thời-thực, nghĩa là dùng bữa giữa ngày vào giờ Ngọ. Cho nên người trì Trai thì trong 10 ngày trai ấy, ngoài làm lành, ăn chay, giữ giới ra, thì ngày chỉ nên ăn một bữa không quá Ngọ là đúng ý của đức Phật.

Những ngày này thì chỉ ăn những thứ thanh tịnh, sạch sẽ; tuyệt đối không ăn những thức ăn có mùi tanh như thịt, cá … và kiêng cử Ngũ vị tân. Bởi theo sự vận hành của tự nhiên, trong mười ngày thập trai này: Tứ Thiên Vương xem xét việc lành dữ của nhơn gian, và các ác quỷ cũng rình rập chờ người làm ác để gia hại. Nên trong mấy ngày ấy, mọi người cần phải giữ gìn ba nghiệp không nên làm ác. Thêm vào đấy, nếu người nào biết trì trai, giữ giới, tụng kinh, tu phước, sẽ được tránh khỏi nạn tai, tăng phần phước huệ.

Luận Trí Ðộ nói: “Tại sao trong sáu ngày trai, cần phải thọ tám giới và tu phước? Bởi vào các ngày ấy ác quỷ rình theo người muốn gia hại, gây những việc tật bịnh hung suy.”

1. Vì sao cần lưu ý ngày thập trai?

Trong mười ngày thập trai này Tứ Thiên Vương nếu thấy:

1. Thế gian những người hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng sư trưởng; tịnh tu trai giới, giúp đỡ những người mà ít. Tứ thiên vương sầu lo không vui, bảo rằng: Than ôi! nếu người thế gian, có nhiều kẻ ác, bất hiếu với cha mẹ; không kính trọng sư trưởng, không tu tập trai giới, không giúp đỡ người cùng thiếu; thì chúng chư Thiên sẽ tổn giảm và chúng A-tu la sẽ tăng thêm.”

2. Thế gian mà có người hiếu kính mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo; thì Tứ thiên vương hoan hỷ, xướng lên rằng: ‘Lành thay! Ta đã nghe những lời tốt lành: Rằng thế gian nếu có những người có thể hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng; siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu. Như thế, chúng chư Thiên sẽ tăng thêm và chúng A tu-la sẽ giảm bớt.’

Tứ Đại Thiên Vương là bốn vị Thiên chủ thống lãnh Thiên chúng ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Đây là cõi thấp nhất của chư Thiên thuộc Dục giới. Theo kinh Trường A-hàm, Tứ Đại Thiên Vương gồm có:

Thiên vương ở phương Đông tên là Trì Quốc Thiên Vương, luận Trí Độ gọi là Đề Đầu Lại Tra. Ngài thống lãnh Càn Thát Bà, các thần tướng và Tỳ xá xà, hộ vệ nhân dân nước Phất bà đề khỏi bị xâm lăng.

Thiên vương ở phương Nam tên là Tăng Trưởng Thiên Vương, luận Trí Độ gọi là Tỳ lâu lặc xoa. Ngài thống lãnh các thần Cưu bàn trà và Bệ lệ, hộ vệ nhân dân nước Diêm-phù-đề.(Đây là cõi giới mà chúng ta đang sinh sống)

Thiên vương ở phương Tây tên là Quảng Mục Thiên Vương, luận Trí Độ gọi là Tỳ lâu bát xoa. Ngài thống lãnh tất cả loài Rồng và Phú đơn na, hộ vệ nhân dân nước Cù-da-ni.

Thiên vương ở phương Bắc tên là Đa Văn Thiên Vương. Ngài thống lãnh các Dạ-xoa và La sát, hộ vệ nhân dân nước Uất-đơn- việt.

Theo Lập Thế A-tỳ-đàm, đức Phật bảo:

“Vào ngày mồng tám hằng tháng Tứ Đại Thiên Vương du hành khắp thế gian, lần lượt quan sát vào đúng ngày này: Nhiều ngần nào, ít ngần nào, kẻ giữ gìn tám giới. Nhiều ngần nào, ít ngần nào, kẻ làm bố thí. Nhiều ngần nào, ít ngần nào, kẻ tu hạnh phước đức. Nhiều ngần nào, ít ngần nào, kẻ kính trọng cha mẹ, Sa -môn, Bà-la-môn, các vị tôn trưởng trong nhà. Vào ngày mười bốn và rằm hằng tháng, cũng làm như thế.

Nếu không có kẻ gìn giữ tám giới, bố thí, tôn trọng, bấy giờ, bốn Thiên vương Thiện pháp đường, đem mọi việc ấy tâu lên cùng Đế-thích. Bấy giờ, Đế-thích và chư Thiên nghe xong, sinh lòng áo não, phán thế này: “Việc này không tốt, trong nhà lỗi đạo, các tôn trưởng của chư Thiên ắt phải hao tổn, bè bạn A-tu-la ắt ngày càng nhiều hơn”.

Nếu có kẻ giữ gìn tám giới, bố thí tu phước, kính lễ các vị Sa-môn, tôn trưởng. Bốn Thiên vương đem tâu lên xong, Đế-thích và chư Thiên nghe xong sẽ sinh lòng hoan hỷ, nói thế này: “Việc này rất tốt, quyến thuộc của chư Thiên theo chánh pháp ngày càng đông đảo, bạn bè A-tu-la dần dần giảm bớt”.

Luận Trí-Ðộ nói: “Tại sao trong sáu ngày trai, cần phải thọ tám giới và tu phước? Bởi vào các ngày ấy ác quỷ rình theo người muốn gia hại, gây những việc tật bịnh hung suy. Vì thế nên thuở kiếp sơ, trong mấy ngày đó, thánh nhơn dạy người trì trai, tu phước, làm lành. Nhưng cách trì trai khi xưa chỉ lấy trọn ngày không ăn, gọi là trai. Ðến khi Phật ra đời, chế lại cho thọ Bát quan trai giới trong một ngày đêm, và lấy quá ngọ không ăn làm trai. Ðức Thế Tôn đã bảo: Nên như chư Phật, thọ trì tám giới và không ăn quá ngọ trong một ngày đêm. Công đức ấy sẽ đưa người mau đến Niết bàn!” (Phật Học Tinh Yếu)

2. Ngày thập trai tụng Kinh được phước

Trong Kinh Địa Tạng, đức Phật dạy về sự lợi ích khi tụng kinh trong mười ngày. Nay xin trích đăng một phần Phẩm thứ sáu, Kinh Địa Tạng để làm minh chứng:

Đức Phật dạy: “Lại vầy nữa, này Phổ Quảng! Trong mỗi tháng những ngày mùng một, mùng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín và ba mươi. Mười ngày trên đây là ngày mà các nghiệp tội kết nhóm lại để định là nặng hay nhẹ.

Tất cả những cử chỉ động niệm của chúng sinh trong cõi Nam Diêm Phù Ðề không có điều gì chẳng phải là tội lỗi. Huống nữa là những kẻ buông lung giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ trăm điều tội lỗi.

Về đời sau, nếu có chúng sinh nào trong mười ngày trai kể trên đây, mà có thể đối trước hình tượng của chư Phật, Bồ tát, Hiền, Thánh để đọc tụng kinh này một biến. Thời chung quanh chỗ người đó ở bốn hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc trong khoảng một trăm do tuần không có xảy ra những việc tai nạn.

Còn chính nhà của người đó ở, tất cả mọi người hoặc già hoặc trẻ về hiện tại và vị lai đến trăm nghìn năm xa khỏi hẳn các ác đạo.

Trong mười ngày trai trên đây nếu có thể mỗi ngày tụng một biến kinh này, thời trong đời hiện tại hay làm cho người trong nhà không phải mắc phải bịnh tật bất ngờ, đồ ăn mặc dư dật.

Này Phổ Quảng! Vì thế nên biết rằng Ngài Ðịa Tạng Bồ tát có bất khả thuyết trăm nghìn muôn ức những sự oai thần lực lớn nhiều lợi ích cho chúng sinh như thế.

Chúng sinh trong cõi Diêm Phù Ðề này có nhân duyên lớn với Ngài Ðịa Tạng Ðại Sĩ. Những chúng sinh đó hoặc được nghe danh hiệu của Ðịa Tạng Bồ tát. Hoặc được thấy hình tượng của Ðịa Tạng Bồ tát. Cho đến nghe chừng ba chữ hay năm chữ trong kinh này, hoặc một bài kệ hay một câu. Thời những người đó hưởng sự an vui lạ thường trong đời hiện tại. Trăm nghìn muôn đời về vị lai thường được thác sanh vào nhà tôn quý, thân hình xinh đẹp.”

3. Ý nghĩa của mười ngày trai giới

Ngày mùng 1: Ngày của Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Ngày này niệm danh hiệu Phật Định Quang liền tiêu trừ các tội nghiệp chướng.

Ngày mùng 8: Ngày của Vua Trời Đại Tự Tại xuống trần để tra xét những việc thiện ác. Ngày này niệm danh hiệu Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương tiêu trừ tội nghiệp chướng, tăng trưởng phước báu.

Ngày 14: Ngày của Vua Trời Đại Tự Tại xuống trần tra xét những việc thiện ác. Ngày này trì tụng danh hiệu 1000 vị Phật thì tiêu trừ các điều ác, phát sanh các điều thiện.

Ngày 15: Ngày của Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Ngày này niệm danh hiệu Phật A Di Đà sẽ được tiêu trừ các nạn tai, sanh trưởng trí tuệ, an vui tịch diệt.

Ngày 18: Ngày của Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Ngày này niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát được tiêu trừ tội nghiệp chướng, tăng trưởng thọ mạng.

Ngày 23: Ngày của Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Ngày này niệm danh hiệu Đại Thế Chí Bồ Tát thì được tiêu trừ tội nghiệp chướng.

Ngày 24: Ngày của Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Ngày này niệm danh hiệu Phật Tỳ Lô Giá Na thì được tiêu trừ tội nghiệp chướng, diệt trừ phiền não, tăng trưởng trí tuệ.

Ngày 28: Ngày đi tuần của tứ đại thiên vương. Ngày niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì được tiêu trừ nghiệp chướng. Ngày này làm việc thiện hay ác đều nhân lên 1000 lần…Nên ăn chay và làm việc thiện tránh việc ác…

Ngày 29: Ngày của Vua Trời Đại Tự Tại xuống trần tra xét những việc thiện ác. Ngày này niệm danh hiệu Dược Vương Bồ Tát thì được diệt trừ các tật bệnh, ác nghiệp, tăng trưởng thiện nghiệp.

Ngày 30: Ngày của Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương sai xứ giả ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Ngày này niệm danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni thì được tăng trưởng phức đức, thành tựu Bồ Đề.

4. Bát Quan Trai giới là gì?

Bát quan trai giới là một phương pháp tu hành của người tại gia thọ trì 8 giới, áp dụng trong một ngày một đêm (24 giờ).

“Bát” là tám, “Quan” là cửa, cửa ngăn chặn 8 điều tội lỗi. “Trai” nghĩa là khi đã qua giờ ngọ (12 giờ trưa) không được ăn. Vậy “Bát quan trai giới” là sự giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong 24 giờ bằng cách ngăn chặn 8 điều tội lỗi:

  • Không sát sinh;
  • Không trộm cướp;
  • Không dâm dục;
  • Không nói dối;
  • Không uống rượu;
  • Không trang điểm, dầu thơm, múa hát và xem múa hát;
  • Không nằm ngồi giường cao rộng đẹp;
  • Không ăn quá giờ ngọ;

Theo HT.Thích Tuệ Sỹ: “Bát quan trai, theo nghĩa đen là tám điều kiêng cữ, như là tám cửa ải chận đứng các pháp bất thiện. Giới bát quan trai chính xác được gọi là giới cận trụ. Nghĩa là, sống gần đời sống xuất gia, gần chùa chiền, gần nơi thanh tịnh. Tập quen với đời sống thanh tịnh. Còn cao hơn nữa, cận trụ được hiểu là tập sống gần đời sống một vị A La Hán, là bậc Thánh xuất thế gian.

Ngoài nghĩa cận trụ, giới bát quan trai còn được gọi là giới bố tát hay trưởng tịnh: trì giới làm phát triển phần thanh tịnh, những đức tính tốt trong mình.

Cùng một chữ nhưng hai nghĩa: cận trụ, sống gần gũi đời sống cao thượng của một bậc Thánh. Với người xuất gia tất cả giới luật là khuôn mẫu đạo đức đều noi gương đời sống của một vị A La Hán.

Mặc dù tâm tư của người ấy có thể còn nhiều hờn giận, ham muốn, nhưng bên ngoài, đi đứng nằm ngồi, tác phong đạo đức thường xuyên noi theo gương mẫu của Thánh nhân, học tập theo Thánh nhân. Người tại gia không thể làm được như vậy, mà chỉ có thể tập gần, tập làm quen. Gần như vậy sẽ thấy có một niềm tin rằng thế gian này chắc chắn có bậc thánh, có vị A La Hán, là bậc Chân nhân đạo đức toàn vẹn, dứt sạch tham, sân, si; sống luôn luôn an lạc, không còn bị chìm đắm trong cõi luân hồi đau khổ. Đó là niềm tin hướng thượng, từ đó mà tìm thấy ý nghĩa và hướng đi cho đời sống của mình.

Từ chỗ tin tưởng này, có thể phát triển tính lành, không cần cấm sát sanh, không cần cấm trộm cắp, mà tự nhiên mình sẽ không làm việc đó vì tin tưởng có một giá trị rất cao mà mình đang học. Đó là nghĩa tích cực của giới. Cho nên, giới không đơn giản có ý nghĩa tiêu cực là sự cấm đoán. Tuy rằng, khi học giới người học được dạy là không nên làm điều này, hãy nên làm điều kia.

Người khôn ngoan, có trí trong đời, biết rõ đâu là con đường chí thiện, là đường tốt để mình đi. Đâu là con đường xấu, tự mình tránh; không cần ai cấm. Đó là học giới cho người hiểu biết; có trí tuệ.

Còn đối với người không đủ năng lực để phân biệt những gì là cao thượng và thấp kém, thì những sự cấm cản là cần thiết. Như người lớn khôn ngoan khi thấy lửa, thấy thuốc độc, không bao giờ thò tay lấy và sử dụng một cách vô ý thức. Nhưng trẻ nít hay người chưa hiểu biết thì gặp gì cũng ăn, cũng uống, rất nguy hiểm. Với những người như vậy tất nhiên cần phải có sự cấm cản; quy định rõ những điều nên làm và không nên làm…”

Nguồn: phatgiao.org.vn!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News