Phong Thuỷ

Ngày Xá tội vong nhân là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa ngày xá tội vong nhân

Ngày Xá tội vong nhân là ngày gì? Ngày xá tội vong nhân có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

ngày xá tội vong nhân, tháng 7 âm lịch, ngày xá tội vong nhân là gì? nguồn gốc và ý nghĩa ngày xá tội vong nhân

1. Ngày xá tội vong nhân là gì?

Ngày xá tội vong nhân là ngày mà các âm hồn còn vất vưởng nơi trần gian chưa thể về được cõi âm được siêu độ. Ngày này được thực hiện vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, đây là ngày cuối cùng vong hồn được ở trên dương thế được ăn uống cầu siêu trước khi cánh cửa địa ngục đóng lại.

Theo tín ngưỡng dân gian, tháng 7 Âm lịch hằng năm là khoảng thời gian cánh cửa Âm phủ mở ra, ân xá cho vong nhân, là ngày mọi tù nhân ở Địa Ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Chính vì vậy nên tháng này thường có lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều tối) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế để chúng không bị đói, không quậy phá người đang sống.

Bên cạnh đó, có nhiều người nhầm lẫn giữa ngày lễ Vu Lan và ngày xá tội vong nhân. Thực ra chỉ là vì hai sự kiện này trùng thời gian là rằm tháng 7, cùng xuất phát từ giáo lý nhà Phật chứ ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cho dù khác nhau như thế nào thì ý nghĩa ngày lễ Vu Lan hay ngày xá tội vong nhân là rất lớn, đều xuất phát từ tấm lòng của người trần thế.

2. Sự tích ngày Xá tội vong nhân

Kinh chép rằng một buổi tối, khi ngài A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết ba ngày sau ngài A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó. Ngài A Nan sợ quá bèn hỏi quỷ bày cho cách thoát khỏi khổ đồ.

Quỷ đói nói: “Ngày mai, ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, và soạn lễ cúng Tam Bảo thì sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên”.

Ngài A Nan đem chuyện bộc bạch với Đức Phật và được Phật cho bài chú gọi là “cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Đà La Ni”. Sau đó, ngài A Nan đem tụng trong lễ cúng và được thêm phúc thọ.

Tục cúng linh hồn bắt nguồn từ sự tích này nên người ta vẫn gọi cúng cô hồn là “phóng diệm khẩu”, với nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”.

Về sau, nó lại được hiểu rộng thành nghĩa khác như tha tội cho tất cả người chết (xá tội vong nhân), hoặc cúng thí cho những vong hồn vật vờ (cô hồn).

3. Ý nghĩa ngày xá tội vong nhân

Có thể thấy, ngày xá tội vong nhân đã trở thành một nghi thức quen thuộc trong đại đa số gia đình Việt Nam. Trong ngày này, gia chủ thể hiện tấm lòng từ bi của mình đối với những linh hồn lang thang không có thân nhân thờ cúng.

Ngoài việc cho các linh hồn được ăn uống no say trước khi trở lại Địa Ngục, người trần còn tố chức lễ cầu siêu để ban phước cho những linh hồn chứa đầy tội lỗi. Qua ngày này, những vong hồn không nơi nương tựa có cơ hội được siêu thoát, xóa bỏ mọi lỗi lầm và sớm đầu thai thành một kiếp khác, sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nói tóm lại, ngày xá tội vong nhân trở thành một ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với người Việt cũng như những người đã khuất. Nó không những thể hiện tấm lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn mà còn đề cao giá trị văn hóa của con người Việt Nam.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News