Hàn Quốc

Nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ cổ Dangcheong của Hàn Quốc

Dangcheong là truyền thống màu trang trí của người Hàn Quốc trên những tòa nhà bằng gỗ của các ngôi chùa nổi tiếng, tự viện. Dangcheong có năm màu cơ bản xanh, trắng, đỏ, đen, vàng, trong đó xanh đại diện cho hướng Đông, trắng là hướng Tây, đỏ là hướng Nam, đen tượng trưng cho hướng Bắc và màu vàng là ở trung tâm.

Giới thiệu nghệ thuật trang trí kiến trúc Dangcheong

Nếu đến Hàn Quốc các bạn có thể thấy những công trình kiến trúc cổ như các cung điện hoặc chùa chiền được tô vẽ hoa văn công phu với màu sắc rực rỡ. Nghệ thuật tô vẽ trang trí hoa văn trên các công trình kiến trúc gỗ của Hàn Quốc được gọi là Dancheong. Điều hay là triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) đề cao sự giản dị, mộc mạc và thanh liêm của giới quý tộc, nhưng các công trình kiến trúc thời đó thì lại đầy màu sắc nổi bật đến nhường nào. Theo luật lệ trong thời Joseon xưa kia thì chỉ có cung điện, điện thờ chính điện Đại hùng của chùa chiền và các phủ quan mới được phép sử dụng nghệ thuật Dancheong. Nghệ thuật Dancheong không chỉ làm tăng phần nguy nga, lộng lẫy, uy nghi cho không gian kiến trúc mà còn có tác dụng phòng chống mối mọt, mục nát và nâng tuổi thọ của gỗ sử dụng trong công trình. Ngay cả những kiến trúc trong cung điện và chùa chiền nhưng nếu chỉ phục vụ mục đích làm nơi ở và sinh hoạt cá nhân thì không được phép trang trí bằng nghệ thuật Dancheong. Những ngôi nhà giữ nguyên màu sắc vốn có của gỗ được gọi là Baekgoljip. Vì thế mà khi nhìn thấy các công trình kiến trúc được tô vẽ trang trí hoa văn theo lối Dangcheong thì chúng ta có thể đoán biết ngay rằng đó là những địa điểm đặc biệt.

nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ cổ dangcheong của hàn quốc
nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ cổ dangcheong của hàn quốc
nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ cổ dangcheong của hàn quốc

Ý nghĩa tâm linh của nghệ thuật trang trí kiến trúc Dangcheong

Nghệ thuật Dancheong bắt nguồn từ việc trang trí hoa văn cho các bàn thờ cúng tế thần linh và tô vẽ mặt thầy cúng thời tiền sử trên bán đảo Hàn Quốc. Do đó, Dancheong vừa có ý nghĩa xua đuổi ma quỷ lại vừa thể hiện uy quyền.

nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ cổ dangcheong của hàn quốc
Giờ thì những công trình kiến trúc trước thế kỷ X, tức thời kỳ tam quốc gồm Goguryeo ở phía Bắc, Baekje ở phía Tây Nam và Silla ở phía Đông Nam trên bán đảo Hàn Quốc, không còn nữa. Tuy nhiên, trên những bức tranh tường được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ Gobunbyeokhwa của thời Goguryeo, chúng ta vẫn có thể tìm thấy những loại hoa văn như hoa sen, mây, bầu trời, thiên thần Bicheon hoặc hình những đốm lửa. Hay mảnh ngói có dấu bút mực Dancheong và bát pha bột màu Dancheong được phát hiện dưới đáy hồ Anapji của triều đại Silla cho thấy nghệ thuật trang trí kiến trúc Dancheong đã được áp dụng rộng rãi tại thời điểm đó. Cuốn sách “Goryeo Dogyeong” (Cao Ly đồ kinh) của một sứ thần nhà Tống Trung Quốc mang tên Từ Căng ghi lại những điều ông tận mắt chứng kiến khi đến vương quốc Goryeo (thế kỷ X-XIV). Sách có đoạn viết rằng “Lan can các tòa trong cung điện được sơn màu đỏ bằng sơn ta, các đài sen bằng đồng làm vật trang trí và nghệ thuật tô vẽ hoa văn kiến trúc Dancheong làm cho cung điện trở nên lung linh, uy nghi và rực rỡ”. Qua ghi chép này có thể thấy rằng phong cách nghệ thuật Dancheong của triều đại Goryeo, Hàn Quốc, đã gây ấn tượng mạnh cho người Trung Quốc. Có năm màu sắc chủ đạo theo tư tưởng triết lý ngũ phương trong nghệ thuật Dancheong là màu xanh, trắng, đỏ, đen và vàng. Từ năm màu chủ đạo này người Hàn Quốc xưa kia đã biết cách phối màu để tạo nên những tác phẩm trang trí kiến trúc Dancheong rực rỡ hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ cổ dangcheong của hàn quốc
Cheoyongmu là điệu múa của năm vũ công đeo mặt nạ Cheoyong mặc trang phục có màu sắc tượng trưng cho năm phương hướng. Màu vàng đại diện cho điểm trung tâm, màu xanh tượng trưng cho hướng Đông, màu trắng là hướng Tây, màu đỏ là hướng Nam và màu đen là hướng Bắc. Tư duy về vị trí đắc địa trong quan niệm của người Hàn Quốc cũng dựa trên thuyết ngũ sắc. Cụ thể như Cheongyong (Thanh Long) là rồng xanh bảo hộ phía bên trái, tức là phía Đông. Baekho (Bạch Hổ) là hổ trắng chắn giữ ở bên phải, tức là phía Tây. Jujak (Chu Tước) là phượng đỏ ở phía Nam. Hyeonmu (Huyền Vũ) là thần rùa đen bảo vệ phía Bắc. Đến dàn nhạc cụ và âm hưởng của nhạc khí chơi trong các nghi thức cũng được bố trí theo thuyết ngũ sắc. Ngoài ra, ẩm thực truyền thống, trang phục truyền thống của trẻ em Hàn Quốc cũng tuân theo thuyết ngũ sắc này.
nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ cổ dangcheong của hàn quốc
nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ cổ dangcheong của hàn quốc
nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ cổ dangcheong của hàn quốc
nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ cổ dangcheong của hàn quốc
Có thể nói trong tâm tưởng của người Hàn Quốc xưa kia, thế gian được hình thành bởi ngũ sắc và nghệ thuật trang trí kiến trúc Dancheong tạo nên sự hài hòa cho thế gian. Đặc biệt là hai đầu mặt cắt của cột kèo trong kiến trúc gỗ cổ của Hàn Quốc đều được trang trí hình hoa sen, trái lựu, hoa cúc hay chum vại, thể hiện mong ước vãng sanh cực lạc, con đàn cháu đống. Đây là nét văn hóa tâm linh độc đáo của người dân Hàn Quốc luôn cầu mong cho thái bình an sinh ở mọi nơi, mọi lúc, khác với văn hóa tâm linh của Trung Quốc hay Nhật Bản.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News