Phật học

Nghiệp báo có phải là cứng nhắc không thay đổi được không?

Muốn tương lai thay đổi, không theo điều khiển của nghiệp quá khứ nữa, ta cần nỗ lực tạo ra những nghiệp lành trong hiện tại. Vậy nỗ lực như thế nào?

lời phật dạy, luật nhân quả, nghiệp lực là gì, nghiệp báo có phải là cứng nhắc không thay đổi được không?

Hỏi:

Tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp tạm thời do nghiệp dẫn dắt. Chỗ nghiệp dẫn dắt là nghiệp nhiều kiếp trước, vậy toàn bộ suốt quãng đời của mình đến chết đều do nghiệp kiếp trước dẫn dắt mọi hành động cử chỉ, ý nghĩ đều vào khuôn khổ rồi, vậy nếu toàn bộ nghiệp kiếp trước dẫn dắt thì kiếp này mình chỉ trả nợ thôi và vân vân thêm nhiều kiếp hết nợ nghiệp dẫn dắt nữa thì có một điểm dừng. Và như nghiệp dẫn dắt, vậy ý nghiệp mình vừa khởi lên trong kiếp này cũng đã bị nghiệp quá khứ chi phối vào khuôn khổ phải không ạ?

Đáp:

Nghiệp là một dòng nối tiếp nhau chứ không chia cắt rời ra kiếp trước – kiếp hiện tại – kiếp sau. Ta cần sửa lại là Nghiệp quá khứ (tức là nghiệp đã tạo) – Nghiệp hiện tại (tức nghiệp đang làm) và Quả tương lai (tương lai tính từ giây phút hiện tại, đến khi chết, và qua cả những kiếp sau, chứ không phải “toàn bộ suốt quãng đời của mình đến chết” đâu, vì tính từ lúc này cho đến khi em chết, đó là tương lai rồi).

Trong đó, Nghiệp quá khứ chi phối rất lớn đến hiện tại và tương lai, chứ không phải là toàn quyền ấn định hiện tại và tương lai. Cái ta có thể thay đổi chính là những việc trong hiện tại, và nhờ đó, một phần ít nhiều của tương lai được sắp xếp lại.

Nói ‘một phần ít nhiều của tương lai’ là vì tương lai được hình thành bởi cả 2: Nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại. Nếu hiện tại không có tạo phước tội gì đáng kể, thì tương lai sẽ y theo sự sắp xếp của Nghiệp quá khứ mà diễn ra.

Muốn tương lai thay đổi, không theo điều khiển của Nghiệp quá khứ nữa, ta cần nỗ lực tạo ra những Nghiệp lành trong hiện tại. Nỗ lực như thế nào? Đó là cần thuận theo Nhân quả, gieo trồng thật nhiều phước đức cả về thân – khẩu – ý, nhờ vậy, tương lai sẽ dần thay đổi theo ý muốn của ta.

Tóm lại, dù Nghiệp quá khứ đã ấn định như thế, nhưng nếu trong hiện tại ta biết cách và cố gắng, vẫn có thể thay đổi tương lai được không nhiều thì ít. Chứ nếu chỉ có một chiều: Nghiệp quá khứ ấn định cho hiện tại và cả tương lai, không thể thay đổi, thì vĩnh viễn chúng sinh không ai tu thoát khỏi luân hồi sinh tử được.

Tầng cơ bản là như thế, nhưng xét kĩ ở tầng sâu xa. Người mà có khả năng hiểu biết nhân quả, để biết cách và đủ sức làm thay đổi Nghiệp quá khứ, thì cũng phải là có phước trí tuệ gieo trồng từ quá khứ, chứ không phải là ngẫu nhiên. Và những người như thế không phải nhiều nhặn gì so với vô số người không biết. Vậy truy nguồn gốc tiếp, vì đâu người này có phước trí tuệ đó? Người khác thì không?

Do vì có các bậc Thiện Tri Thức trong Phật Pháp giáo hóa (Thiện Tri Thức tối thượng là các Đức Phật, dưới là các vị Bồ Tát, các vị Thanh Văn, Duyên Giác, các đệ tử Phật, những người hiểu thấu Đạo lí…) một số người nghe theo lời dạy của các bậc Thiện Tri Thức mà tạo được phước trí tuệ. Nhờ đó đến kiếp sau trí tuệ mở ra, mới có thể tin hiểu được Nhân quả và thực hành theo Đạo lí, nhờ thế mới chuyển hóa được Nghiệp quá khứ.

Còn những người không nghe lời giáo hóa, thì không làm phước gì, vì thế trí tuệ không mở ra, không tin hiểu Nhân quả, không sống theo Đạo lí được, thì không sao mà có thể chuyển được khối Nghiệp khổng lồ của quá khứ, thế thì cứ y theo Nghiệp quá khứ mà trôi lăn, đầy đọa trong sinh tử.

Vậy truy nguồn gốc tiếp, vì đâu người này có duyên mà nghe theo lời các bậc Thiện Tri Thức, người khác thì không? Là do có nợ ân nghĩa với các bậc Thiện Tri Thức.

Các bậc Thiện Tri Thức muốn đem Đạo lí dạy cho chúng sinh, trước tiên cần gieo duyên khiến cho chúng sinh mắc nợ mình, sau này nói Đạo lí chúng sinh mới nghe theo. Nếu không có duyên có nợ gì, chúng sinh sẽ có trăm ngàn cách khác nhau để không nghe. Hoặc là không tin, hoặc là cảm thấy chán không muốn nghe, hoặc quên, hoặc lười nhác, hoặc bận việc, hoặc bị ngoại cảnh lôi kéo sang hướng khác, hoặc không hiểu, .v.v…. mà đơn giản nhất là không gặp, không tiếp xúc gì với các bậc Thiện Tri Thức.

Là do các bậc Thiện Tri Thức khi gieo duyên, không thể đồng loạt cứu giúp hết thảy chúng sinh, vì chúng sinh đông quá, nên sẽ có chúng sinh này được cứu giúp trước, chúng sinh kia thì phải để sau. Ví dụ như khi đi phóng sinh, ta bình đẳng muốn thả hết những con vật sắp bị giết trên đời, nhưng túi tiền có hạn, ta chỉ mua được một phần nhỏ trong số những con bị giết thôi. Kiếp sau chỉ những con vật được ta phóng sinh mới nghe theo lời ta nói, còn vô số những con không được ta cứu thì không nghe, mọi chuyện đơn giản là vậy.

Cầu siêu, hiến máu, bố thí, tặng quà. v..v.. đều sẽ như thế. Dù có cứu giúp cho mọi chúng sinh trong cả một Phật sát vi trần thế giới, thì cũng luôn còn vô lượng chúng sinh trong vô biên Phật sát vi trần thế giới khác chưa được cứu.

Quay lại vấn đề ban đầu, ở hiện tại kiếp này, nếu biết cách và dốc sức, thì có thể thay đổi một phần nào đó khối nghiệp quá khứ. Chỉ một phần nhỏ thôi vì khối Nghiệp quá khứ vô cùng khổng lồ. Muốn thay đổi toàn bộ khối Nghiệp khổng lồ đó cần nỗ lực, kiên trì trong nhiều, rất nhiều kiếp sau nữa.

Quang Tử!


Nghiệp báo là gì? Làm sao để hết nghiệp?

Mọi việc khổ vui trong kiếp hiện tại của chúng ta đều do nghiệp quá khứ và hiện tại chi phối. Nghiệp lành thì được vui, nghiệp ác thì chịu khổ, chúng ta chỉ biết sợ khổ, cầu vui mà không biết tránh nghiệp ác, tạo nghiệp lành. Thế chẳng khác nào kẻ sợ bóng mà cứ đứng ngoài trời nắng, muốn nghe nhạc mà bịt lỗ tai. Một khi nghiệp quả đến, chúng ta dù muốn dù không, tất nhiên cũng phải chịu. Bởi nó là kết quả do hành động của chính mình đã tạo. Mình làm, rồi mình chịu, đó là lẽ công bằng hợp lý của kiếp người.

Nghiệp báo là gì?

Nghiệp báo nói đủ là nghiệp quả báo ứng. Bởi vì nghiệp nhân chúng ta đã gây thì nghiệp quả phải đến. Sự báo đáp thù ứng cân xứng nhau giữa nghiệp nhân và nghiệp quả. Trước tiên chúng ta cần biết chữ nghiệp.

Nghiệp: là dịch nghĩa chữ Karma tiếng Phạn, chỉ hành động tạo tác theo thói quen của mỗi người. Nghiệp có nghiệp thiện, nghiệp ác, định nghiệp, bất định nghiệp… Nghiệp thiện là hành động lành đem lại sự an lạc cho chúng sanh. Nghiệp ác là hành động dữ làm đau khổ chúng sanh. Ðịnh nghiệp là hành động hoặc lành hoặc dữ có cộng tác với ý thức tạo thành nghiệp quyết định. Bất định nghiệp là hành động hoặc lành hoặc dữ không cộng tác với ý thức nên thành nghiệp không quyết định.

Báo: là đền trả một cách công bằng, không sai chạy, không tiêu mất. Chúng ta có hành động lành hay dữ, kết quả của hành động ấy sẽ đến, hoặc sớm hay muộn thôi. Thí dụ chúng ta mắng chửi người là hành động dữ, người ấy sẽ mắng chửi lại ngay khi đó, hoặc thời gian khác, khó tránh khỏi. Sự thù đáp cân xứng gọi là báo. Báo có chia ba thứ: hiện báo, sanh báo và hậu báo. Hiện báo là quả báo hiện tại, những hành động lành hay dữ ngay trong đời này chịu quả báo. Sanh báo là quả báo đời sau, hành động tốt xấu của ba nghiệp, đến đời sau mới chịu quả báo. Hậu báo là về sau lâu xa mới chịu quả báo. Ví như vào đầu mùa mưa, chúng ta đồng thời gieo trồng hạt đậu phộng, trồng cây chuối, trồng cây mít. Ðến ba tháng sau, chúng ta được kết quả có đậu phộng. Sang năm, chúng ta mới kết quả có chuối. Song ba bốn năm sau, chúng ta mới được kết quả có mít. Như thế, hành động đồng thời mà kết quả sai biệt, tùy loại khác nhau. Nếu chúng ta đòi hỏi ba thứ phải kết quả đồng thời là ngu xuẩn.

Từ đâu tạo thành nghiệp?

Nghiệp từ thân, miệng, ý chúng ta tạo nên. Bởi thân miệng ý chúng ta làm lành, nói lành, nghĩ lành nên tạo thành nghiệp lành. Thân miệng ý chúng ta làm dữ, nói dữ, nghĩ dữ tạo thành nghiệp dữ.

Thế nên, chúng ta chủ nhân tạo nghiệp cũng chính chúng ta là chủ nhân thọ báo. Ngang đây chúng ta hãnh diện đã thoát khỏi mọi quyền lực thiêng liêng ban họa xuống phước. Chúng ta cũng hiên ngang thọ nhận tất cả quả khổ vui, mà không có một lời oán hờn than trách. Chúng ta khôn ngoan biết chọn lựa nghiệp nhân nào mình thích mà làm, không còn mù quáng làm càn bướng. Ðây là sự trưởng thành, khi rõ nghiệp từ đâu có.

Từ đâu có báo ứng?

Sự báo ứng cũng chính nơi mình hiện ra. Mỗi khi chúng ta tạo nghiệp lành hay dữ, mắt chúng ta thấy cảnh ấy, tai chúng ta nghe tiếng ấy, hạt giống lành dữ ấy đã rơi vào tàng thức chúng ta. Kẻ đối tượng bị chúng ta làm khổ vui cũng thế, do mắt thấy, tai nghe nên hạt giống biết ơn hay thù hằn đã rơi vào tàng thức của họ. Khi nào đó, cả hai gặp lại nhau thì hạt giống ân oán ấy trỗi dậy, khiến hai bên tạo thêm một lần nghiệp lành dữ nữa. Cứ thế tạo mãi khiến nghiệp càng ngày càng dầy, ân oán càng ngày càng lớn.

Như khi chúng ta gặp một người đang mắc phải cảnh khốn đốn cơ hàn, hình ảnh buồn thảm khổ đau của họ hiện bày đầy đủ. Chúng ta trong tay có đủ phương tiện, liền giúp họ qua cơn khốn đốn, lúc đó trên gương mặt khổ đau đã ngả sang gương mặt vui tươi, sáng sủa. Chứng kiến hiện tượng ấy, hạt giống vui tươi đã rơi vào tàng thức chúng ta.

Nếu mỗi ngày chúng ta đều gieo vào tàng thức những hạt giống vui tươi, đến khi thân này sắp hoại, chúng ta không còn đủ nghị lực làm chủ, những hình ảnh vui tươi ấy sẽ hiện đến với chúng ta, mời chúng ta đến cảnh vui tươi.

Ngược lại, mỗi ngày chúng ta cứ gieo rắc khổ đau cho người, những hạt giống khổ đau chứa đầy trong tàng thức chúng ta, đến khi hơi tàn, lực tận những hình ảnh đó sống dậy, đuổi bắt đánh đập chúng ta, khiến chúng ta phải chạy chui vào cảnh khổ. Ðó là nghiệp báo khổ vui của mai kia. Nghiệp báo không phải từ đâu đến, mà chính từ tàng thức chúng ta hiện ra.

Làm sao để hết nghiệp?

Nghiệp đã do chúng ta gây tạo biến chủng tử huân vào tàng thức. Muốn hết nghiệp cũng do chúng ta khéo loại hết những chủng tử nghiệp ở trong tàng thức ra. Khi kho tàng thức sạch chủng tử thì sức mạnh lôi vào sanh tử không còn. Khi chủng tử còn trong kho ấy, gọi là tàng thức, là nhân sanh tử. Khi chủng tử trong kho ấy sạch hết, gọi là không Như Lai tàng, là kho Như Lai trống, tức là dứt mầm sanh tử.

Vì thế muốn hết nghiệp sanh tử, chúng ta phải ứng dụng những phương pháp tu để tiêu diệt các hiện hạnh từ chủng tử dấy khởi. Ví như khi chúng ta học thuộc lòng một bài thơ, song mỗi lần nhớ lại, chúng ta đều bỏ qua, thời gian lâu bài thơ ấy sẽ quên bẵng. Những chủng tử khác cũng thế, mỗi khi khởi hiện hạnh, chúng ta đều thông qua chẳng cho hình ảnh sống lại, lâu ngày tự nhiên nó mất. Phương pháp niệm Phật, Trì chú, Tọa thiền đều nhắm vào mục đích này.

Thấu rõ lý nghiệp báo, chúng ta cố gắng tạo điều kiện thuần thiện để được quả báo toàn vui, nếu còn chấp nhận ở trong sanh tử. Sự chọn lựa khổ vui là quyền sở hữu của chúng ta, không phải Thần thánh, cũng không phải ai khác, có quyền ban khổ vui cho chúng ta. Quyền năng sắp đặt một cuộc sống mai kia, đều do bàn tay chúng ta gây dựng. Nếu một khi nào đó, chúng ta không chấp nhận cuộc sống luân hồi nữa, cũng chính chúng ta loại bỏ những mầm sanh tử đang chứa chấp trong tàng thức của chúng ta. Thế là, chúng ta đã giành quyền với tạo hóa, đã tước bỏ quyền lực của thần linh và độc tôn trong việc thoát ly sanh tử.

Nguồn: tamhuongphat.com!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News