Dinh Dưỡng

Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp là tình trạng thường gặp ở trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tình trạng viêm đường hô hấp cấp xảy ra thường xuyên. Cha mẹ cần lưu ý dinh dưỡng phù hợp cho con.

Triệu chứng ho, sốt, chảy nước mũi

Theo Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhiễm khuẩn hô hấp (NKHH) được chia làm 2 loại là NKHH trên và NKHH dưới. NKHH trên gồm: Viêm mũi họng, viêm Amidal, viêm VA, viêm tai giữa. NKHH dưới gồm: Viêm thanh-khí-phế quản, viêm phổi, viêm phế quản phổi. Nguyên nhân của nhiễm khuẩn hô hấp cấp có thể là do nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm virus

Thường gặp ở những trẻ đẻ non, cân nặng sơ sinh thấp, suy dinh dưỡng; hoặc trẻ được nuôi dưỡng trong những gia đình có điều kiện vệ sinh kém, các gia đình có kinh tế khó khăn. Với các triệu chứng: ho, sốt, có thể chảy nước mũi, khi bị viêm phổi: thở nhanh, co rút lồng ngực, trẻ dưới 2 tháng: nhịp thở ≥ 60 lần/phút, trẻ 2-12 tháng: Thở nhanh, nhịp thở ≥ 50 lần/phút, trẻ trên 12 tháng: Thở nhanh, nhịp thở ≥ 40 lần/phút, nghe phổi có ran ẩm.

nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Nhiễm khuẩn đường hô hấp là tình trạng phổ biến ở trẻ em vùng dân tộc thiểu số miền núi.

Nếu bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ thấy trẻ có dấu hiệu trên cần cho trẻ đến thăm khám để có hướng dẫn điều trị phù hợp. Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ viêm hô hấp cấp cụ thể như sau

Trẻ 0-5 tháng: bú mẹ hoàn toàn, nuôi con bằng sữa mẹ. Trẻ bị ho, khó thở có thể khó bú, biếng ăn hoặc nôn trớ vì vậy cần tăng số lần cho bú, nghỉ giữa bữa bú, có thể vắt sữa cho ăn bằng thìa, tăng lượng sữa dần dần tùy dung nạp, đáp ứng của trẻ. Hướng dẫn các biện pháp đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con bú.

Trẻ từ 6 tháng – 23 tháng: đánh giá những thay đổi chế độ ăn của trẻ khi bị bệnh như số bữa ăn, số lượng ăn mỗi bữa, ai cho trẻ ăn, cho ăn như thế nào. Hướng dẫn bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, và ăn bổ sung hợp lý. Thức ăn như bột, cháo nấu loãng hơn bình thường, nhưng vẫn đảm bảo đa dạng thực phẩm đặc biệt vẫn cho dầu mỡ, và cho trẻ ăn làm nhiều bữa.

Nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm và lỏng hơn bình thường trong thời gian trẻ nhiễm khuẩn hô hấp

Giai đoạn toàn phát: trẻ có thể có sốt cao, ho, khó thở đảm bảo lượng nước cung cấp cho trẻ bằng cách bú mẹ, sữa công thức nếu không đủ sữa mẹ, các loại nước quả chín.

Giai đoạn lui bệnh: cho trẻ ăn nhiều bữa, ăn những thức ăn trẻ thích, tăng đậm độ năng lượng của bữa ăn bổ sung như tăng cường dầu mỡ, hóa lỏng bằng cách dùng bột mộng hoặc giá đỗ, men thủy phân tinh bột. Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của trẻ để trẻ không bị sụt cân, suy dinh dưỡng hoặc thiếu vi chất dinh dưỡng. Điều trị thiếu vi chất dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng (nếu có).

Dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng cho trẻ

BS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng tránh bệnh tật nói chung và bệnh đường hô hấp nói riêng. Ăn đủ dinh dưỡng sẽ giúp tăng sức đề kháng đảm bảo năng lượng để cơ thể chống được cái lạnh của môi trường. Với người bệnh viêm đường hô hấp, cần tuân theo những nguyên tắc của chế độ ăn như: ăn đủ tinh bột, đạm động vật, chất béo, dầu, mỡ…

nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ có sức đề kháng tốt, phòng bệnh viêm đường hô hấp.

Dù là trẻ khỏe mạnh bình thường hay khi bị ốm, bữa ăn của trẻ vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng gồm 4 nhóm thực phẩm đó là tinh bột (ngũ cốc, gạo), đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu…), chất béo, vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả…). Nên ưu tiên chế biến các món ăn dễ tiêu hóa như canh, cháo, súp… Đây là những món dễ ăn nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho hoạt động của cơ thể.

Khi bị viêm đường hô hấp, ho sốt khiến bé khó chịu, chưa kể nếu họng có đờm hay sổ mũi thì trẻ dễ bị nôn trớ. Do đó bố mẹ không nên bắt bé ăn quá nhiều trong một bữa. Thay vào đó nên giảm khẩu phần ăn mỗi lần nhưng tăng số bữa ăn lên trong ngày. Có thể cứ cách mỗi 2 giờ lại cho bé uống thêm sữa, nước trái cây, sữa chua. Với trẻ còn bú hãy để bé bú theo nhu cầu, chia cữ bú thành nhiều lần.

Trẻ bị sốt sẽ làm cơ thể mất nước, khi bị viêm họng cũng cần uống nhiều nước để làm dịu khu vực đang bị viêm. Uống nước nhiều hơn làm loãng đờm, giảm ho khá hiệu quả. Ngoài nước lọc, có thể cho trẻ uống thêm nước ép trái cây, nước canh hầm vừa cung cấp dinh dưỡng vừa bổ sung chất lỏng cho cơ thể.

Nhóm thực phẩm tốt cho đường hô hấp

Chất đạm rất cần thiết cho người bị viêm đường hô hấp

Cung cấp đầy đủ chất đạm cho cơ thể rất cần thiết cho quá trình điều trị các bệnh lý viêm đường hô hấp, để tái xây dựng những mô bị tổn thương, tổng hợp những chất tăng cường hệ miễn dịch… Nhu cầu đạm trong điều trị các bệnh viêm đường hô hấp là khoảng 1,2-1,3 kcal/kg.

Sữa là thực phẩm tốt cho người bệnh viêm đường hô hấp.

Kết hợp đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa (khoảng 150-200g/ngày), và đạm thực vật như các loại đậu (đậu xanh, đậu trắng, đậu Hà Lan, đậu cô ve, đậu nành), các loại hạt (đậu phộng, óc chó, hạnh nhân, macca…).

Với những người bệnh có cảm giác chán ăn, no lâu có thể ưu tiên ăn thức ăn trước (thịt, cá, trứng, đậu…), ăn những thực phẩm khác sau. Có thể bổ sung thêm những thực phẩm giàu đạm khác vào khẩu phần ăn nếu ăn không đủ nhu cầu như sữa tươi tách béo, lòng trắng trứng, sữa chua…

Rau xanh và trái cây

Chất chống ôxy hóa có trong trái cây và rau quả đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vì chúng giúp chống lại các gốc tự do. Chúng cải thiện khả năng miễn dịch và giảm tác động của các chất ô nhiễm bên ngoài đến các cơ quan của cơ thể chúng ta. Bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc như ớt chuông đỏ và vàng, cà chua, củ dền, cà rốt, đu đủ và lựu cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất và tăng khả năng miễn dịch tổng thể.

Các nguồn giàu vitamin C như kiwi, cam, chanh ngọt, rau lá xanh, bông cải xanh… rất hữu ích trong việc tăng cường hệ hô hấp. Chúng cũng rất giàu magiê giúp làm sạch đường hô hấp. Hành tây có tác dụng chống viêm và có lợi trong việc điều trị nhiễm trùng đường hô hấp.

Bên cạnh quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, để phòng bệnh liên quan tới đường hô hấp cho trẻ, cha mẹ cần đảm bảo môi trường sống xung quanh được vệ sinh sạch sẽ. Nhờ vậy, vi khuẩn gây bệnh không có chỗ ẩn náu, ít có cơ hội tấn công và gây hại cho sức khỏe của bé.

Mỗi khi thời tiết thay đổi, trời lạnh hơn, bạn nhớ giữ ấm cho con trẻ bằng những chiếc áo khoác, áo len ấm áp. Đặc biệt, nên lưu ý giữ ấm vùng cổ, ngực và hai bàn tay, bàn chân của trẻ nhỏ. Chuyên gia lưu ý với trẻ nhỏ sống ở vùng núi, nơi nhiệt độ vào mùa đông lạnh hơn, độ ẩm cao hơn, cần đặc biệt quan tâm đến việc giữ ấm cho trẻ. Không để trẻ bị nhiễm lạnh, không đi chân đất khi trời lạnh, để trẻ chơi đùa ở khu vực tránh gió lùa… để tăng sức đề kháng.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News