Phật học

Nhân quả nghiệp báo là gì? Nên hiểu như thế nào cho đúng?

Nhân quả nghiệp báo trong ba thời không ai có thể tường tận được. Bởi nghiệp của kiếp trước ta không rõ nguyên nhân, hành động của kiếp này ta không rõ kết quả của kiếp sau. Tuy nhiên không vì thế mà nghĩ rằng nghiệp là bất biến.

lời phật dạy, luật nhân quả, nhân quả nghiệp báo, nhân quả nghiệp báo là gì? nên hiểu như thế nào cho đúng?

Nhân quả nghiệp báo được hình thành trên cơ sở tuệ giác của Đức Phật. Trí tuệ giác ngộ thấy biết rõ nguyên lý của vũ trụ vạn hữu, chân tướng của sự vật hiện tượng, con đường vận hành của các pháp, bản chất của đời sống, giúp lý giải những nghi vấn mà con người chưa tìm ra lời giải đáp.

1. Nhân quả nghiệp báo là gì?

Trích dẫn Kinh Trung bộ Đức Phật truyền rằng: “Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhiên, vượt tri kiến phàm tục. Ta thấy cách chúng hữu tình sinh tử như thế nào. Ta thấy rõ cao quý hay hạ liệt, thông minh hay ngu si. Mỗi chúng sinh được tái sinh cõi lành hay cõi dữ tùy theo hạnh nghiệp của mình, và ta biết rõ. Những ai đã tạo ác nghiệp về thân, khẩu, ý. Sau khi thân hoại mạng chung sẽ tái sinh vào khổ cảnh, vào đọa xứ, địa ngục. Song những ai tạo thiện nghiệp về thân, khẩu, ý sẽ được tái sinh vào cõi lành, lên thiên giới”.

Ở một bài kinh khác, khi có người hỏi: “Do nguyên nhân nào mà trên cõi thế gian có người yểu mạng, có người thọ mạng; Có người bệnh hoạn, có người khỏe mạnh; Có người xấu xí, có người đẹp đẽ. Do nguyên nhân nào có người nghèo khổ, có người giàu sang; Có người sinh ra trong gia đình bần tiện, có người sinh ra trong dòng dõi cao sang; Có người ngu mê tăm tối, có người thông minh tài trí?”.

Đức Phật đáp rằng: “Tất cả chúng sinh đều mang theo cái nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi chúng sinh mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sinh” (trích Trung A-hàm, kinh Anh vũ, 170; Trung bộ, kinh Tiểu nghiệp phân biệt, 135). Và trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật đã khẳng định rằng: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ tạo, thiện hay ác. Ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” (chương 10 pháp, phẩm Thân do nghiệp sanh).

Như vậy, ta có thể thấy rằng Nghiệp là hành vi của thân, khẩu, ý (suy nghĩ, ý muốn, ý định, nói năng, hành động, thói quen). Hay còn gọi là “hành động có tác ý” trong ngôn ngữ nhà Phật. Nghiệp tạo tác đến con người bằng cách tạo ra đặc điểm, tính cách, thân phận… mỗi con người. Tạo ra hạnh phúc hay khổ đau mà con người phải gánh chịu. Dẫn con người tái sinh từ cảnh giới này sang cảnh giới khác.

Tất cả những gì được tạo ra từ Nghiệp được gọi chung là Nghiệp quả. Nghiệp gồm có nghiệp cũ và nghiệp mới, có biệt nghiệp và cộng nghiệp.

Nghiệp cũ là những nghiệp được tạo ra từ kiếp trước; Nghiệp mới nghiệp được tạo ra trong kiếp này.

Biệt nghiệp là nghiệp của do cá nhân mình tạo ra; Cộng nghiệp là do những biệt nghiệp giống nhau gộp thành, từ cộng đồng, xã hội, quốc gia…

Nghiệp nhân tức nguyên nhân tạo ra nghiệp sẽ dẫn đến nghiệp quả (kết quả nhận lấy khi tạo tác nghiệp). Nhưng thời gian đưa đến nghiệp quả tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể là mức độ (sức ảnh hưởng, mắc nghiêm trọng), là năng lực gánh chịu và tác nhân duyên gộp thành khác. Chứ không phải ai cũng có thể nhận nghiệp như nhau trong cùng một khoảng thời gian như nhau.

Người ở kiếp này sẽ không thể nhớ hết (và có khi chẳng nhớ hết) những gì mình đã tạo tác nghiệp từ kiếp trước. Nhân quả – Nghiệp báo trong ba thời (quá khứ, hiện tại, tương lai) không ai có thể tường tận được. Bởi nghiệp của kiếp trước ta không rõ nguyên nhân, hành động của kiếp này ta không rõ kết quả của kiếp sau. Tuy nhiên không vì thế mà nghĩ rằng nghiệp là bất biến.

Kiếp trước sống ác nhân ác đức thì kiếp này sẽ nhận lấy nghiệp báo. Nếu hành thiện tích đức, tích cực hóa giải nghiệp báo thì những phiền não, tai ương sẽ thuyên giảm phần nào. Điều này sẽ được giải thích chi tiết trong phần dưới đây.

2. Hiểu nhân quả nghiệp báo như thế nào cho đúng?

Do nghiệp mà một người không thông minh. Nên người đó phải chấp nhận, không cần phải học tập, trau dồi trí tuệ. Do nghiệp mà một người phải sống trong cảnh nghèo hèn khốn khó. Người đó phải cam chịu, dù cố gắng phấn đấu cũng không ích gì.

Do nghiệp mà người có tính hung dữ, tham lam ích kỷ, có tính đố kỵ… Người đó phải chấp nhận, người khác cũng phải chấp nhận, không thể nào sửa đổi cho tốt hơn, không thể nào trau dồi nhân cách để trở thành người có đạo đức.

Cho rằng phàm phu vẫn mãi là phàm phu. Phàm phu không thể trở thành bậc Thánh. Vì cái nghiệp đã định như thế nên không cần phải nỗ lực tu tập… Đó đều là những quan niệm tiêu cực, là nhận thức sai lầm về Nhân quả nghiệp báo.

Có thể trong quá khứ gần hoặc lâu xa, người nọ tạo những nghiệp nhân như thế nào đó (nghiệp cũ) mà hiện tại họ phải mang thân tật nguyền, nghèo khó (quả báo, nghiệp quả). Nhưng nếu trong hiện tại người ấy biết tạo nghiệp nhân (nghiệp mới) tốt, có tính chất tích cực thì họ vẫn sống vui vẻ hạnh phúc.

Đời này họ không còn nghèo khổ khốn khó hoặc đời sau họ sinh làm người giàu sang. Mọi trường hợp khác cũng thế! Con người có thể thay đổi hoàn cảnh, thay đổi bản thân nhờ sự chuyển hóa nghiệp. Vậy làm thế nào?

Hãy bắt đầu từ thay đổi quan niệm sống, thay đổi tư duy, hành động, thái độ sống. Chẳng hạn như biết nỗ lực học tập, trau dồi nhân phẩm đạo đức, rèn luyện bản thân, làm nhiều việc tốt, khéo sống, biết tu tập.

Nếu cho rằng Nghiệp định sẵn điều kiện bản thân, hoàn cảnh sống của con người. Và con người không thể thay đổi, con người phải chấp nhận “trả nghiệp”, gánh lấy hậu quả của tất cả nghiệp nhân đã tạo trong những đời trước và quá khứ của đời này thì không đúng.

Có nhiều người quan niệm sai lầm, tiêu cực về Nghiệp: Hiện tại tôi phải cố gắng cam chịu sự bất công, oan ức, nghèo khó hoặc bệnh hoạn, tật nguyền, các nỗi bất hạnh để “trả cho hết nghiệp”… Vì tôi đã tạo nghiệp xấu, ác, bất thiện trong quá khứ (đời này hoặc các đời trước). Phải trả hết nghiệp, nhận chịu đủ quả báo của những nghiệp quá khứ rồi tôi mới có thể thọ hưởng sự an lạc, hạnh phúc, những quả báo tốt đẹp của những nghiệp nhân hiện tại.

Còn mọi cố gắng nỗ lực trong hiện tại là để mười năm, hai mươi, ba mươi năm… hay nhiều hơn nữa (hoặc đến đời sau), sau khi đã trả hết nghiệp cũ thì mới có thể thọ hưởng kết quả của nghiệp mới, mới có thể hết khổ, mới được giàu sang, sung sướng, hạnh phúc. Đó là quan niệm sai lầm về Nghiệp.

lời phật dạy, luật nhân quả, nhân quả nghiệp báo, nhân quả nghiệp báo là gì? nên hiểu như thế nào cho đúng?

3. Nhân quả nghiệp báo thực hành như thế nào cho đúng?

Như Đức Phật đã dạy, con người là chủ nhân của Nghiệp. Trong hiện tại, con người có thể tạo những nghiệp mang lại an lạc, hạnh phúc cho mình cho dù mình đang sống trong hoàn cảnh nào đang phải nhận chịu quả báo của những nghiệp trong quá khứ đời này hay đời trước.

Con người có thể tạo ra những nghiệp mới theo chiều hướng tích cực để khắc phục hậu quả của những nghiệp đã tạo trong quá khứ. Con người có thể chuyển nghiệp ngay trong hiện tại và hoàn toàn đạt được an lạc hạnh phúc. Giải thoát khỏi phiền não khổ đau ngay trong hiện tại. Cuộc đời Đức Phật, các vị Thánh đệ tử, chư Tổ, các vị thiền sư… đã chứng minh điều này.

Ngay cả những người tu tập Phật pháp, dù chưa đạt đến cảnh giới giác ngộ giải thoát cũng có được an lạc hạnh phúc khi biết chuyển nghiệp. Và không chỉ người tu hành, những ai có quyết tâm cải thiện bản thân. Thay đổi tư duy, hành động, lối sống của mình theo chiều hướng tích cực cũng đều có được an vui, hạnh phúc ngay trong hiện tại.

Trong vô lượng kiếp sống quá khứ, con người đã tạo biết bao nhiêu nghiệp nhân thiện (tốt, tích cực) và bất thiện (xấu, tiêu cực). Nếu phải nhận lãnh quả báo của tất cả những gì đã tạo và những gì đã làm trong hiện tại là vô nghĩa thì thật là điều vô lý.

Tại sao nghiệp nhân quá khứ có nghiệp quả mà nghiệp nhân trong hiện tại mới tạo ra đây lại không đưa đến nghiệp quả? Như thế thì con người không thể thay đổi bản thân, không thể làm cho đời sống của mình tốt hơn, không thể thay đổi xã hội hay sao? Nghiệp cũng như các pháp hữu vi khác đều là duyên sinh, bất định, vì thế khi nghiệp quả chưa hình thành thì con người vẫn có cơ hội làm thay đổi nghiệp. Quá trình thay đổi nghiệp, trong đạo Phật gọi là chuyển nghiệp, chuyển hóa nghiệp.

Chính vì có thể chuyển nghiệp, làm thay đổi Nhân quả nghiệp báo nên con người có thể cải thiện đời sống, hoàn thiện bản thân, có thể tu tập để giác ngộ, giải thoát. Cũng cần hiểu rằng, nghiệp của kiếp trước là do những hành động trong kiếp ấy thực hiện, nếu kiếp này có phải gánh chịu hậu quả thì không có nghĩa vì thế mà ta thôi hành thiện tích đức. Bởi lẽ ta còn muôn vàn kiếp sau nữa.

4. Thuyết nhân quả nghiệp báo của đạo Phật trong truyện Kiều

Nhân quả Nghiệp báo là một giáo lý phổ quát căn bản đầu tiên của đạo Phật. Đạo Phật chủ trương tất cả mọi hành vi tạo tác của ba nghiệp thân, miệng, ý con người đều tạo thành những Nghiệp nhân và Nghiệp nhân đó sẽ thành Nghiệp quả hiện hành báo ứng ở ba thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai.

Nói khác hơn, không một sự vật gì ngẫu nhiên sinh ra, tất cả đều chịu sự tác động hỗ tương của nhau. Bài kệ nói về nhân quả mà ai học Phật cũng đều thuộc nằm lòng:

Dục tri tiền thế nhân, Kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả,
Kim sanh tác giả thị.

(Muốn biết cái nhân đã gây ở đời trước, hãy xem kết quả đang thọ nhận ở đời này. Muốn biết cái quả trong đời sau, hãy nhìn hiện tại đã làm gì).

Tất nhiên, quan hệ Nhân Quả trong đạo Phật không dừng lại ở mức đơn giản và hạn cuộc ấy, nhưng ở đây chúng ta chưa cần phải luận nhân quả ở một mức sâu xa hơn.

Từ “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ là một câu chuyện kể mang tính tự sự không hơn, thì qua “Đoạn trường tân thanh” của Tố Như tử, tất cả đã được nâng lên một tầng bậc mới. Một trong những tầng bậc đó là Nguyễn Du đã cố gắng giải thích mọi biến động của cuộc đời Thúy Kiều dưới những triết lý tư tưởng mà ông đã thâm nhập. Là một nhà Nho, bài học “Tạo vật đố hồng nhan”, “Tài mệnh tương đố” là những câu nằm lòng từ những ngày còn bập bẹ “Tam Tự Kinh” chữ Hán, thế nên không lạ gì khi ông viết những câu thơ như:

Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

[Truyện Kiều câu 5 – 6]

Nghĩ đời mà ngán cho đời,
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen.

[Truyện Kiều câu 2153 – 2154]

Hồng quân với khách hồng quần,
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha.

[Truyện Kiều câu 2157 – 2158]

Những câu thơ “đổ thừa” hết cho trời đất, cho một đấng tạo hóa, “hóa công” gây nên đau khổ cho nàng Kiều của Nguyễn Du như thế rất nhiều trong truyện Kiều. Nhưng có cảm tưởng chính Nguyễn tiên sinh cũng không tin tưởng lắm khi cả quyết “Trời xanh” kia là “chính danh thủ phạm” cho cuộc đời oan nghiệt của Thúy Kiều. Chúng ta đọc đoạn kết của Truyện Kiều sẽ thấy điều đó.

Ngẫm hay muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

[Truyện Kiều câu 3241-3244].

thì ngay tiếp đó ông viết:

Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

[Truyện Kiều câu 3249-3252]

Rõ ràng, Nguyễn tiên sinh vẫn còn có gì đó băn khoăn và không tin chắc lắm có một “ông trời” bất công quá thế! Ông đi tìm một sự giải thích khác và chúng ta gặp ở đây thêm một cách lý giải khác cho số phận cuộc đời nàng Kiều “thân yêu, tri kỷ” của ông. Nguyễn Du đã nhìn thấy triết lý nhân quả của đạo Phật ở cuộc đời Kiều.

Tìm hiểu vấn đề này, trước tiên, không gì hơn là đọc lại một số nhận định xưa và nay của các học giả quan tâm nghiên cứu truyện Kiều.

Học giả Trần Trọng Kim viết: “theo cái lý thuyết nhân quả ấy thì phàm phúc hay họa là ở tự mình gây ra cho mình. Mình đã có cái hoàn toàn tự do mà làm việc thiện hay ác, thì mình lại có cái hoàn toàn trách nhiệm về những việc ấy…” , “…Cái thuyết nhân quả của Phật học là thế. Đem cái thuyết ấy mà so với một đời nàng Kiều, thì thấy không có chỗ nào là không đúng…”

Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh nhận xét: “Đạo Phật đã bổ sung cho đạo Nho ở chỗ nó dựa trên luật Nhân Quả để kết án cá nhân là tự mình gieo cái mầm khổ cho mình ngay từ kiếp trước nên tự mình phải chịu lấy quả khổ của kiếp này”.

Ngoài ra, các học giả khác nghiên cứu về truyện Kiều như Đào Duy Anh, Nguyễn Đăng Thục, Trần Văn Giàu.v.v.., tuy sự nhìn nhận, cách giảng giải có khác nhau, thậm chí trái ngược do đến từ những quan điểm, nhân sinh quan thời đại khác nhau nhưng đều thừa nhận tư tưởng chủ đạo của truyện Kiều nằm trong lý thuyết Nhân Quả của Phật giáo.

Trở lại câu chuyện, Kiều là nàng con gái đa sầu, đa cảm. Cái “Nghiệp” của nàng như thế nên buổi đầu đi chơi gặp mã Đạm Tiên, nghe tâm sự cuộc đời cô kỹ nữ xa lạ, Kiều đã vận vào mình. Kiều có niềm tin “thác là thể phách, còn là tinh anh” [Truyện Kiều câu 116]. Con ma Đạm Tiên trở thành hiện thân của nghiệp lực theo Kiều từ đó.

Kiều là một cô gái đa tình. Nàng đã mạnh dạn đem lòng yêu thương Kim Trọng ngay trong lần đầu gặp gỡ, một điều rất xa lạ với lễ giáo phong kiến đương thời. Chỉ một lần gặp gỡ ngắn ngủi thoáng qua thôi là đã:

Người quốc sắc, kẻ thiên tài,
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.

[Truyện Kiều câu 163-164]

Vậy là cái nhân đau khổ đầu tiên đã hình thành, chủng tử Nghiệp luyến ái kiếp hiện sinh đã tạo. Điều này rất quan trọng. Trong mười lăm năm lưu lạc của Kiều, sự khổ đau chịu đựng về thân xác đâu bằng sự dằn vặt tâm can về “giấc mộng hương quan” và “người tình Kim Trọng”. Cái Nhân đa tình đã bắt Kiều thọ cái Quả nhớ nhung, đau đớn như thế.

Rơi vào chốn lầu xanh của Tú bà, bị hành hạ, Kiều rút dao tự vẫn thì ngay đó, Đạm Tiên đã về thủ thỉ:

Rỉ rằng: “nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao”

[Truyện Kiều câu 995-956]

Vậy là đã rõ, nhân vật “Trời xanh” kia không phải tác nhân theo “đánh ghen” bởi tài, bởi sắc làm Kiều bị đày đọa mà chính những Nghiệp nhân Kiều đã gây trong quá khứ nên bây giờ Kiều phải trả, không thể trốn thoát đi đâu mà được. Nói khác hơn, “Trời” ở đây chỉ là một khái niệm, một hình ảnh được mô tả như là một định luật chi phối vũ trụ và cuộc đời chứ không còn là vị chúa tể “Trời xanh” có quyền ban phúc giáng họa nữa. Trong ý nghĩa ấy, “Trời” là Nghiệp nhân mà “Trời” cũng là Nghiệp quả: “có Trời mà cũng có ta” [Truyện Kiều câu 2657], “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” [TK câu 420]. Với quan điểm triết lý đó, qua Kiều, Nguyễn Du khẳng định:

Kiếp này nợ trả chưa xong,
Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau.

[Truyện Kiều câu 1019-1020]

hay

Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi.

[Truyện Kiều câu 1195-1196]

Tuy vậy, Nghiệp quả vẫn có thể thay đổi nếu thay đổi được Nghiệp nhân. Đây là ý nghĩa chính trong chữ Tu của đạo Phật: “Tu là chuyển Nghiệp”. Kiều có một Nghiệp nhân rất nặng và nàng phải thọ nhận Nghiệp quả đó ở kiếp này như lời Đạo cô Tam Hợp:

Người này nặng kiếp oan gia,
Còn nhiều nợ lắm sao đà thác oan.

[Truyện Kiều câu 1693-1694]

Thế nhưng, chính nhờ những Nghiệp nhân tốt mà Thúy Kiều đã gieo trong đời hiện tại: đó là một tấm lòng hiếu đễ cao quý dành cho cha mẹ, cho gia đình; một mối tình chung thủy sắt son với Kim Trọng mà Kiều đã:

Lấy tình thâm, trả nghĩa thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.

[Truyện Kiều câu 2683-2684]

Hành động đầy ý nghĩa hy sinh cao cả đó của Kiều là những tác nhân trong hiện tại, đủ sức chuyển hóa phần nào nghiệp lực của nàng, làm nhẹ đi quả báo tiền khiên để Kiều có một hậu vận đoàn viên nhẹ nhàng như mong ước:

Khi nên trời cũng chiều người,
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi thân sau.

[Truyện Kiều câu 2689-2690]

Về cuộc đời Kiều, Nguyễn Du chưa bao giờ lý giải Kiều kiếp trước đã gây nên những Nghiệp nhân gì để kiếp này phải trả quả như thế. Chính điều này mà một số nhà nghiên cứu truyện Kiều thắc mắc, cho rằng, Nguyễn Du bế tắc trong triết lý tư tưởng ở truyện Kiều. Tiêu biểu cho ý kiến này là nhận định của Hoàng Ngọc Hiến: “…Tư tưởng Nhân quả khẳng định Nhân quả giữa kiếp này và kiếp trước, kiếp sau. Nội dung hình tượng truyện Kiều chỉ nói về kiếp này của nàng Kiều. Như vậy quan hệ “Nhân Quả” không được bộc lộ ở ngay nội dung của tác phẩm. Đó là một quan hệ không có nội dung…” .

Nhận định như thế rõ ràng rất phiến diện và khập khiễng nếu không muốn nói là tác giả đã không hiểu (hoặc cố tình không hiểu) gì về khái niệm “Nhân Quả” thông thường nhất chứ chưa nói đến triết lý Nhân Quả sâu xa và kín nhiệm của đạo Phật. Trong quan niệm Nhân Quả thông thường, cũng chỉ cần nhìn vào quả báo đang thọ nhận ở hiện tại để biết Nghiệp nhân của quá khứ, và đó là thái độ của người tin Nhân Quả, thừa nhận Nhân Quả. Đâu cứ nhất thiết phải trình bày và liệt kê ra Nhân nào đã sinh ra Quả nào, mà có muốn liệt kê ra cũng không được! Chỉ với Trí Tuệ của Đức Phật mới có thể nhìn thấy được tất cả nghiệp lực mà mỗi chúng sanh đã gây tạo trong nhiều đời, nhiều kiếp. Trong mối tương quan chằng chịt bởi nhân duyên diễn ra trong từng sát-na, chỉ rõ được Nghiệp nhân trong một đời hiện tại đã là điều bất khả. Nói Nhân hạt lúa nhất định sẽ sinh ra một cây lúa đã là sai (vì còn cần phải hội đủ bao yếu tố khác: đất, nước, khí hậu, độ ẩm.v.v…) thì huống gì đến Nhân Quả chi phối một con người qua rất nhiều đời trong quá khứ và cả đời sống hiện tại nữa.

Truyện Kiều sẽ không còn là truyện Kiều nữa, không còn là áng văn chương đủ sức lay động lòng người đến thế nếu Nguyễn tiên sinh tỉ mỉ kiếm tìm Nghiệp nhân trong quá khứ của nàng Kiều để nêu ra, tin là vậy! Hương hồn Tiên Điền tiên sinh hẳn sẽ không mấy vui khi hai trăm năm sau, hậu thế có người đã “khóc” mình bằng những nhận định như thế!

Một ý nghĩa nữa về Nhân Quả trong truyện Kiều là: Triết lý Nhân Quả trong truyện Kiều của Nguyễn Du là triết lý Nhân Quả phổ thông, mang tính đại chúng, nhiều hơn là triết lý thâm áo sâu xa của đạo Phật. Triết lý về Nhân Quả ở truyện Kiều rất gần gũi và hòa nhập với quan niệm Nhân Quả của ông cha ta: “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió gặt bão”v.v… những quan niệm thật đơn giản, dễ hiểu mà có tác dụng to lớn vô cùng trong quá trình định hướng nhân cách một con người hiền thiện; xây dựng một xã hội tốt đẹp, bao dung trong quá khứ của cha ông ta. Kẻ làm ác nhất định phải bị trừng trị, người làm lành nhất định sẽ nhận được sự báo đáp công bằng, hạnh phúc.

Nguyễn Du sắp đặt cho Kiều thực hiện một cuộc đền ơn, báo oán phân minh là nằm trong quan điểm ấy:

Nàng rằng lồng lộng trời cao,
Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta?

[Truyện Kiều câu 2381-2382]

Sẽ rất bất công khi những Tú bà, Bạc bà, những Sở Khanh, Bạc Hạnh… cứ sống nhởn nhơ, tác yêu tác quái, gây nên bao đau khổ, đày đọa bao con người lương thiện mà không chịu một sự hình phạt nào.

Cũng chính từ sự báo oán này của Kiều mà có người cho rằng Nguyễn Du đã mâu thuẫn trong tư tưởng Phật giáo của mình. Cho Kiều thực hiện cuộc báo oán là nằm trong quan điểm Nhân Quả của đạo Phật nhưng để Kiều giết chết đám oan gia của mình là không phù hợp với tinh thần từ bi của nhà Phật.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng nhận xét như thế không sai. Theo tinh thần đạo Phật thì đúng là: “Lấy oán báo oán, oán oán chất chồng. Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan”. Nhưng như trên đã nói, tư tưởng Nhân Quả biểu hiện trong truyện Kiều mà cụ thể ở tình huống này là tư tưởng, quan niệm của quần chúng. Về oan nghiệp lẫn nhau giữa Kiều và những Tú bà, Bạc Hạnh… chưa hẳn đã tan, nhưng tác dụng giáo dục mang tính luân lý của tác phẩm đối với xã hội thì rất tích cực. Tích cực trước tiên là ở chỗ “Hại một người, cứu muôn người”, thứ nữa là sự cảnh báo cần thiết với những ai đang manh nha làm ác.

Như vậy, tư tưởng Phật học không hẳn giữ vai trò chủ đạo trong truyện Kiều nhưng những dấu ấn của tư tưởng ấy, đặc biệt là triết lý Nhân quả Nghiệp báo của đạo Phật thì lại biểu hiện rất rõ ràng và điều đáng nói là đã góp phần quan trọng lý giải các vấn đề, các mâu thuẫn trong nội dung câu chuyện mà quan niệm “ông trời” không còn đủ sức “giải quyết” một cách thuyết phục nữa. Thành ra “trời” vẫn còn đó, vẫn tại vị trong câu chuyện và có vẻ vẫn nắm quyền tối cao nhưng không thể lý giải được tại sao lại “đánh ghen” nàng Kiều tài hoa, tại sao không thực hiện quyền thưởng phạt công minh để rồi:

Mấy người bạc ác tinh ma,
Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương.

[Truyện Kiều câu 2393-2394]

và cuối cùng đã không còn thể hiện được cái quyền lực:

Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

[Truyện Kiều câu 3243-3244]

Nữa mà quyền đó đã thuộc về con người. Con người có hoàn toàn cái quyền chịu trách nhiệm với chính mình cho những việc mình đã gây ra. Đây chính là giá trị tư tưởng nhân bản nhất, có giá trị giáo dục sâu sắc và thiết thực nhất của truyện Kiều vậy.

Nguồn: tamhuongphat.com!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News