Răng Miệng

Những điều bạn cần biết răng giả tháo lắp để sử dụng đúng cách, an toàn

Răng giả tháo lắp là phương pháp phục hình răng phổ biến cho người bị mất răng. So với trồng răng implant hoặc làm cầu răng sứ, việc sử dụng răng giả tháo lắp giúp tiết kiệm chi phí đáng kể nên rất đáng cân nhắc khi khả năng tài chính có hạn.

Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin quan trọng về phương pháp làm răng giả tháo lắp để bạn tham khảo trước khi quyết định có nên lựa chọn hay không nhé!

Trồng răng giả tháo lắp là gì?

Trồng răng giả tháo lắp còn được biết đến với nhiều tên gọi như trồng răng tháo lắp, phục hình tháo lắp, hàm giả tháo lắp… Đây là phương pháp phục hình răng đã mất đối với người mất nhiều răng hoặc mất răng cả hàm. Răng giả có thể tháo lắp thường đảm bảo được tính thẩm mỹ và khả năng nhai, nói cho người sử dụng. Trong đó, hàm giả tháo lắp sẽ bao gồm 2 bộ phận chính đó là:

  • Phần khung răng (nền hàm) thường được làm từ chất liệu nhựa Acrylic, có thể gắn thêm móc cài bằng kim loại.
  • Phần răng giả được làm từ nhựa composite hoặc sứ được gắn liền với khung răng để thay thế cho những răng đã mất.

Phân loại răng giả tháo lắp

Răng giả tháo lắp được phân loại dựa trên mục đích sử dụng, bao gồm 2 loại chính sau đây:

1. Răng giả tháo lắp toàn phần

Trường hợp phải loại bỏ tất cả răng hàm trên lẫn hàm dưới thì có thể dùng răng giả tháo lắp toàn phần để thay thế nhằm phục hình cho cả hàm răng. Trước khi trồng hàm giả, nha sĩ sẽ tiến hành đo lường lấy dấu hàm và gửi cho chuyên viên chế tác. Điều này nhằm đảm bảo người dùng được cung cấp hàm giả tháo lắp vừa khít với nướu và xương hàm.

2. Răng giả tháo lắp bán phần

Răng tháo lắp bán phần được thiết kế để thay thế cho một hoặc một số răng bị mất. Loại răng giả này ngoài nền nhựa sẽ có thêm móc kim loại để gắn vào những chiếc răng thật còn lại. Từ đó giữ cho răng giả được cố định trên cung hàm. Điều quan trọng nữa là các răng thật còn lại phải đủ chắc khỏe để hỗ trợ các răng giả được lắp vào.

Quy trình thực hiện trồng răng giả tháo lắp

những điều bạn cần biết răng giả tháo lắp để sử dụng đúng cách, an toàn

Phương pháp trồng răng tháo lắp nên được thực hiện bởi nha sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa phục hình răng để đảm bảo an toàn. Về cơ bản, quy trình trồng răng tháo lắp thường diễn ra như sau:

Bước 1: khám tổng quát sức khỏe răng miệng

Khám răng miệng tổng quát là bước quan trọng đối với hầu hết bệnh nhân. Nếu bạn vừa mới nhổ răng thật, nha sĩ sẽ kiểm tra mô nướu và xương của bạn đã lành lại hay chưa. Nếu bạn có nhu cầu dùng răng giả tháo lắp bán phần, nha sĩ sẽ kiểm tra các răng thật còn lại có khỏe mạnh hay không để tư vấn hướng xử lý trước khi trồng răng tháo lắp.

Bước 2: Đo lường và lấy dấu hàm

Nếu kết quả kiểm tra cho thấy các răng thật còn lại của bạn chắc khỏe hoặc nướu của bạn đủ điều kiện để gắn răng giả (thường là khoảng 3 tháng kể từ khi nhổ răng để nướu và xương lành lại) nha sĩ sẽ tiến hành lấy dấu răng để thu thập những thông tin cần thiết như kích thước răng, màu răng, dấu hàm… Sau đó nha sĩ sẽ gửi các thông tin này cho chuyên viên chế tác để họ thiết kế, sản xuất răng giả phù hợp với nướu và xương hàm của bạn.

Bước 3: Tiến hành vệ sinh khoang miệng

Sau khi lấy dấu hàm, nha sĩ thường thực hiện các bước vệ sinh khoang miệng của bạn để đảm bảo sạch sẽ và ngăn ngừa viêm nhiễm khi gắn răng tháo lắp.

Bước 4: Gắn hàm giả và hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà

Bước cuối cùng là nha sĩ đeo răng giả tháo lắp cho bạn và kiểm tra độ tương thích. Sau đó, nha sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách dùng và vệ sinh răng giả hàng ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng trong quá trình sử dụng.

Quá trình “làm quen” với răng giả tháo lắp – Bạn cần lưu ý điều gì?

những điều bạn cần biết răng giả tháo lắp để sử dụng đúng cách, an toàn

Trong thời gian đầu mới gắn răng giả, bạn không tránh khỏi cảm giác khó chịu và không quen. Bạn có thể nhận thấy lượng nước bọt tạm thời tăng lên. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ cảm thấy có chút khó khăn khi nhai hoặc nói. Tuy nhiên, phần nướu bị kích ứng hoặc đau nhẹ trong giai đoạn này cũng không có gì bất thường. Khi khoang miệng của bạn đã quen với răng giả, những vấn đề kể trên thường sẽ tự biến mất.

Trong lúc đó, bạn vẫn cần lưu ý những điều quan trọng sau đây để giảm sự khó chịu khi dùng răng tháo lắp cũng như bảo vệ răng giả tốt hơn:

  • Trong thời gian đầu, bạn nên ăn thức ăn mềm, cắt thức ăn thành nhiều miếng nhỏ và nên ăn chậm rãi.
  • Sau một thời gian, bạn có thể ăn uống như trước nhưng cần tránh thức ăn cứng, dính răng hoặc có cạnh sắc.
  • Tránh nhai kẹo cao su và không nên dùng tăm để xỉa răng.
  • Trong thời gian đầu dùng răng giả tháo lắp, bạn có thể nghe thấy tiếng “lách cách” từ miệng. Nếu răng tháo lắp của bạn vừa khít, bạn có thể không cần dùng đến keo dán răng giả. Ngược lại, nếu xương hàm của bạn co lại đáng kể, bạn có thể dùng thêm keo dán để cố định răng giả hiệu quả hơn nhưng cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Bạn nên tuân thủ lịch tái khám để được nha sĩ kiểm tra và điều chỉnh răng tháo lắp phù hợp với xương hàm nếu cần. Ngoài ra, bất cứ khi nào bạn cảm thấy kích ứng và đau nhức bất thường ở nướu thì cần sớm đi khám để được nha sĩ hỗ trợ hoặc điều trị nếu có vấn đề nhé!

Vệ sinh răng giả tháo lắp như thế nào?

Giống như răng thật của bạn, răng giả tháo lắp cũng cần được chăm sóc và vệ sinh để đảm bảo răng miệng của bạn luôn khỏe mạnh. Trước tiên, bạn nên tháo răng giả ra trước khi đi ngủ. Không mang răng giả vào ban đêm sẽ giúp nướu của bạn được nghỉ ngơi và phục hồi. Điều này cũng góp phần giúp ngăn ngừa nhiễm nấm khoang miệng.

Sau khi tháo răng giả, bạn có thể tiến hành vệ sinh theo những bước sau đây:

  • Sử dụng bàn chải lông mềm, được làm ẩm để chải tất cả các bề mặt của răng giả nhằm loại bỏ thức ăn và mảng bám tích tụ. Lưu ý là bạn nên chải răng giả bằng xà phòng nhẹ với nước hoặc chất tẩy rửa không gây mài mòn. Không nên dùng kem đánh răng vì sản phẩm này có thể gây hại cho bề mặt của răng giả.
  • Ngâm răng giả bằng một loại dung dịch được pha chế từ viên sủi dùng cho vệ sinh hàm giả để loại bỏ vết ố và vi khuẩn.
  • Chải lại răng giả lần nữa như khi đánh răng bình thường nhưng tránh chà quá mạnh. Sau đó, xả lại với nước sạch.

những điều bạn cần biết răng giả tháo lắp để sử dụng đúng cách, an toàn

Đối với việc vệ sinh và giữ gìn răng tháo lắp, bạn cũng nên lưu ý:

  • Răng giả có thể bị vỡ nếu bạn làm rơi. Vì vậy, bạn nên đặt răng trong thau nhỏ, bồn rửa chứa nước hoặc một chiếc khăn mềm khi vệ sinh để tránh rơi rớt.
  • Bạn nên làm sạch răng 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối như khi đánh răng bình thường.
  • Song song với việc làm sạch răng giả, bạn đừng quên vệ sinh nhẹ nhàng cho khoang miệng của mình, đặc biệt là vùng nướu, vùng má, lưỡi và vòm miệng, để loại bỏ mảng bám. Điều này nhằm giảm nguy cơ kích ứng và hôi miệng.
  • Răng giả tháo lắp có thể biến dạng nếu không được giữ ẩm. Do đó, bạn nên ngâm răng giả bằng nước hoặc dung dịch chuyên dụng vào ban đêm. Nếu có thắc mắc, bạn cũng có thể hỏi nha sĩ để được tư vấn loại dung dịch ngâm răng giả phù hợp.

Khi nào bạn cần đến nha sĩ để kiểm tra?

Lời khuyên chung là bạn nên đi khám thường xuyên nếu bạn đang sử dụng răng giả tháo lắp để được nha sĩ kiểm tra và phát hiện sớm các vấn đề nếu có. Đối với một hàm giả, bạn có thể sử dụng đến vài năm nếu biết cách chăm sóc và vệ sinh. Tuy nhiên, nướu và xương hàm của bạn có xu hướng co lại theo thời gian. Điều này nghĩa là càng về sau răng giả của bạn có thể không vừa khít nữa. Do đó, bạn cần sớm đi nha sĩ nếu có những dấu hiệu sau:

  • Răng giả va vào nhau lách cách khi bạn nói
  • Răng giả có xu hướng bị trượt hoặc bạn cảm thấy hàm răng lỏng lẻo
  • Bạn cảm thấy khó chịu khi đeo răng giả
  • Bạn có các triệu chứng bất thường như cảm thấy đau, chảy máu nướu răng, sưng nướu, có vết loét trong miệng, hôi miệng…

Nói tóm lại, có hai vấn đề chính bạn quan tâm khi dùng hàm giả. Đầu tiên đó là răng giả tháo lắp không còn vừa khít thường gây khó chịu và có thể dẫn đến lở miệng, nhiễm trùng. Thứ hai là răng giả không được chăm sóc đúng cách vẫn có thể gây ra các vấn đề răng miệng như bệnh nướu, nấm miệng, hôi miệng… Vì vậy, bạn nên chú ý chăm sóc răng tháo lắp cẩn thận cũng như đến nha sĩ thường xuyên để được kiểm tra, điều chỉnh hoặc thay răng nếu cần thiết nhé!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News