Dinh Dưỡng

Những lưu ý về nhu cầu vitamin A và vitamin D trong thai kỳ cho mẹ và bé khỏe mạnh

Vitamin và khoáng chất là những chất cần thiết, không thể thiếu đối với cơ thể. Vitamin A và vitamin D đều là 2 loại vitamin tan trong chất béo và có vai trò vô cùng quan trọng trong thai kỳ. Ở bài viết này, BlogAnChoi sẽ chỉ ra những lưu ý về 2 loại vitamin này. Các mẹ cùng tìm hiểu để có một thai kỳ khỏe mạnh nha!

Nội dung chính

    Vitamin A

    Rất nhiều người biết về vai trò của vitamin A đối với thị lực và thường gọi vitamin A là chất giúp bổ mắt. Thế nhưng, thực chất thì chúng ta có thể xem vitamin A như là một vitamin của sự tăng trưởng và miễn dịch vì vitamin A tham gia vào hoạt động của tất cả các tế bào trong cơ thể, giúp tế bào sinh sản và trưởng thành.

    những lưu ý về nhu cầu vitamin a và vitamin d trong thai kỳ cho mẹ và bé khỏe mạnh

    Thực phẩm giàu vitamin A (Nguồn: Internet)

    Thiếu vitamin A ở trẻ em có thể gây ra một loạt các hậu quả nặng nề như còi cọc, chậm lớn, mất tiềm năng chiều cao, suy giảm miễn dịch, giảm hoạt động của hệ tiêu hóa, hô hấp, gia tăng sừng hóa da,… Thiếu vitamin A trong giai đoạn mang thai có thể làm các tế bào chậm biệt hóa, nghĩa là sự chuyển đổi từ tế bào gốc ban đầu thành các tế bào chuyên biệt của từng cơ quan bị ảnh hưởng.

    Mặc dù vai trò của vitamin A rất đỗi quan trọng giúp phát triển bào thai, nhưng một khi đã phát hiện mang thai thì thai phụ tuyệt đối không được uống viên vitamin A liều cao để bổ sung vitamin A. Bởi lẽ, khi uống vitamin A liều cao (trên 10.000 IU/lần uống) trong thai kỳ, nhất là trong 3 tháng đầu có thể gây quái thai theo một số nghiên cứu đã được tiến hành trên động vật.

    Cách an toàn và hiệu quả nhất để bổ sung vitamin A cho thai kỳ là sử dụng nguồn cung cấp từ thực phẩm ăn vào với lượng vừa phải tương ứng với nhu cầu hàng ngày. Thực chất thì nhu cầu vitamin A trong thai kỳ không tăng nhiều so với khi không mang thai.

    Thực phẩm chứa nhiều vitamin A rất thân thuộc với chúng ta (Nguồn: Internet)

    Vitamin A có nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa, bơ tươi, dầu gan cá, gan động vật, lòng đỏ trứng, thịt, cá có nhiều dầu như cá trích. Các loại rau củ quả như cà rốt, cà chua, bí đỏ, rau diếp, trái cây như cam, đào, dưa, quả mơ,… Thực vật tuy không chứa vitamin A nhưng lại chứa beta-caroten là các tiền chất của vitamin A. Khi vào cơ thể, beta-caroten sẽ được chuyển hóa thành vitamin A.

    Vitamin D

    Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo có ảnh hưởng quan trọng lên việc hấp thu và sử dụng canxi. Chính vì vậy, chúng ta có thể nói rằng vai trò chính yếu của vitamin D là giúp xây dựng xương và răng. Khi thiếu vitamin D, các triệu chứng và hậu quả xuất hiện tương tự như khi thiếu canxi. Do đó chúng ta cần chú ý đến lượng vitamin D cung cấp mỗi ngày cho thai phụ, đồng thời bổ sung đầy đủ canxi trong thai kỳ.

    Chỉ có một số rất ít các loại thực phẩm chứa vitamin D trong tự nhiên với hàm lượng không cao như cá biển béo, gan động vật, lòng đỏ trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa có tăng cường vitamin D,… Vitamin D cung cấp từ thức ăn thường chỉ đạt 20% nhu cầu hàng ngày. Phần lớn vitamin D cung cấp cho cơ thể được tổng hợp ở da (chiếm 80% nhu cầu vitamin D mỗi ngày).

    Thực phẩm chứa nhiều vitamin D (Nguồn: Internet)

    Do vậy, quá trình tổng hợp vitamin D cần ánh nắng trực tiếp. Những người sống trong vùng khí hậu lạnh, thiếu nắng, đô thị ô nhiễm,… hoặc che chắn kỹ khi ra nắng dễ có nguy cơ thiếu vitamin D nhiều hơn. Nhu cầu vitamin D của thai phụ không thay đổi so với khi không mang thai. Biện pháp phòng ngừa thiếu vitamin D là nên phơi nắng sáng sớm khoảng 20-30 phút mỗi ngày để giúp cơ thể tổng hợp được nguồn vitamin D tự nhiên.

    Các mẹ cũng có thể bổ sung vitamin D ở dạng thực phẩm bổ sung nếu không có điều kiện và thời gian để phơi nắng sáng sớm nha!

    Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác về dinh dưỡng:

    Ở bài viết sau, BlogAnChoi sẽ giúp các mẹ tìm hiểu sâu hơn về các vitamin tan trong nước, cụ thể là vitamin B9 (Acid Folic), vitamin C và nhiều chất dinh dưỡng khác. Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnChoi để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha!

    Tài liệu tham khảo:

    1. Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
    2. Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM (2019) – Dinh dưỡng học – Nhà xuất bản Y học.

    BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

    Top Car News Car News