Khám Phá

Tại sao ngủ nhiều nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức?

tại sao ngủ nhiều nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức?
Tôi yêu giấc ngủ của mình. Tôi luôn đảm bảo ngủ ít nhất tám tiếng mỗi đêm. Tôi thậm chí sẽ rời các buổi tiệc sớm hơn để đi ngủ đúng giờ. Vậy mà vẫn có những buổi sáng tôi thức dậy với cảm giác không có sức lực, ngay cả khi sau một đêm ngon giấc.

Bất kể giấc ngủ ngon như thế nào, bạn vẫn sẽ cảm thấy tinh thần kiệt quệ, kiệt sức, suy nhược, mệt mỏi – bất cứ cái tên nào bạn muốn gọi chúng. Trong hầu hết trường hợp, bạn kiệt sức đến mức không có thời gian và ý thức để nhìn rõ điều đó.

Câu trả lời ở ngay trước mắt bạn, nhưng bạn không có cơ hội lùi lại và phân tích tình huống của mình. Có thể bạn ghét công việc của mình, hoặc bạn lo lắng về việc trả tiền thuê nhà, nhưng bạn không chủ động nghĩ đến chúng. Làm thế nào bạn lo liệu tất cả những gì đang diễn ra? Nó đã được gieo vào tiềm thức, ẩn náu ở đó và ăn mòn tinh thần của bạn.

Cảm giác mệt mỏi đó là sự kết hợp tích lũy bởi những tình huống căng thẳng bị xem nhẹ – sự kết hợp của những lo lắng trong quá khứ và trong tương lai. Chúng ta không nói về những mệt mỏi về mặt thể chất thông thường sau một ngày dài khi phải đứng làm việc. Điều này hoàn toàn nằm trong tâm trí bạn. Bạn đang bị kích thích quá mức và điều đó đang kéo bạn xuống. Nhưng lý do thực sự đằng sau chứng sương mù não (brain fog) này là gì? Tại sao bạn cảm thấy kiệt sức?

Điều đầu tiên cần xem xét là căng thẳng – phản ứng tự nhiên của cơ thể trước một thách thức hoặc nhu cầu mới. Hiện tại bạn đang gặp căng thẳng với điều gì trong cuộc sống?

Đa phần các cơn đau, kiệt sức hay mệt mỏi về cảm xúc là kết quả trực tiếp của căng thẳng. Cuộc sống hàng ngày chứa đầy những căng thẳng vụn vặt – chạy theo để bắt kịp xe buýt buổi sáng, cầu nguyện rằng sẽ tìm được chỗ đỗ xe, hay lo lắng về chỗ bị dột ở trần nhà. Khi những yếu tố dù là nhỏ này gia tăng một cách không thể kiểm soát, bạn nhận ra rằng mình sống dở chết dở suốt cả một ngày.

Suy nhược tinh thần, nói một cách đơn giản là căng thẳng kéo dài. Đó là một ngày như trên lặp đi lặp lại trong nhiều tháng cho đến khi nó đè nặng đến mức cuối cùng quật ngã bạn. Bạn không thể tiếp tục sống như thế này mãi.

Bạn có thể đã trải qua điều này dưới dạng “khủng hoảng tuổi trung niên” hoặc thậm chí là khủng hoảng tuổi đôi mươi, thời điểm bạn dừng lại và nhận ra rằng bản thân chưa bao giờ theo đuổi những điều mình từng hy vọng và mơ ước. Cuộc đời lướt qua bạn chỉ trong nháy mắt. Điều gì xảy ra với “mục đích” bạn từng muốn đạt được trong đời? Bạn mong muốn trở thành một nghệ sĩ và đùng một cái, bạn nhận ra mình đã 43 tuổi đang ngồi trong phòng họp xung quanh là những bộ vest và biểu đồ nhàm chán.

Bạn đang tìm cách vượt qua cuộc sống và cảm thấy mệt mỏi khi phải hành động.

Tại sao bạn cảm thấy kiệt sức? 

“Trầm cảm, lo lắng, ám ảnh… rất nhiều thứ có thể được ngụy trang theo cách mang lại vẻ ngoài bình thường cho những cuộc đấu tranh nội tâm của một người”. – Morgan Housel

Nhiều lý do khiến bạn cảm thấy kiệt sức. Đôi khi bạn đã ngủ đủ nhưng lại tự hỏi bản thân sau khi thức dậy: tại sao tôi vẫn cảm thấy mệt?

Tại sao? Đó là bởi có những lý do khác nữa dẫn đến tình trạng kiệt sức ngoài việc ngủ sai cách hoặc thiếu ngủ. Dưới đây là một số lý do khiến bạn cảm thấy kiệt sức.

1. Ngành nghề áp lực cao (nhân viên ứng cứu khẩn cấp và giáo viên)

Làm việc trong môi trường căng thẳng cao độ như phòng cấp cứu hay sở cảnh sát là một tiền đề rõ ràng cho sự căng thẳng. Sau nhiều giờ làm việc và đưa ra những quyết định có tính chuyên môn cao trong trạng thái biến động không ngừng thì cần phải có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và thảo luận.

tại sao ngủ nhiều nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức?

2. Làm việc nhiều giờ

Làm việc liên tục 12 – 14 giờ một ngày trong nhiều tuần có thể làm bạn gục ngã. Nhiều ngành nghề yêu cầu kiểu làm việc này theo mùa vụ, như kế toán trong mùa thuế. Nhưng khi bạn dành nhiều thời gian như vậy quanh năm và không thấy có điểm dừng, thì tình trạng kiệt quệ về tinh thần có thể trở nên vô phương cứu chữa.

3. Áp lực tài chính 

Vì những lý do rõ ràng, việc gặp khó khăn về tài chính có thể gây ra căng thẳng lâu dài và lo lắng liên tục, dẫn đến cảm giác kiệt sức. Làm sao có thể tận hưởng cuộc sống khi bạn không có khả năng làm những điều mình thích?

Dù bạn có ngủ nhiều như thế nào đi chăng nữa, bạn vẫn sẽ cảm thấy kiệt sức nếu có điều gì đó làm bạn khó chịu nằm sâu trong tâm trí như vấn đề tài chính.

4. Không hài lòng với công việc 

Khi bạn tự hỏi mình “Tại sao tôi cảm thấy mệt mỏi?” hãy đặt thêm câu hỏi “Tôi có đang hài lòng với công việc của mình không?”

Nhiều người làm lụng vất vả bươn chải cuộc sống với công việc họ ghét. Cho dù là người chủ khó ưa, hội nhóm mà bạn phải làm việc cùng, hay những khách hàng bạn chán ngấy khi phải nghe những lời phàn nàn thì mắc kẹt với một công việc chán ghét có thể gây nên cảm giác bực bội không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống cá nhân.

5. Lộn xộn bừa bãi

Cho dù bản chất bạn là một người bừa bộn hay cuộc sống trở nên lộn xộn đến mức bạn thậm chí không có cơ hội dọn dẹp hay sắp xếp, thì sự bừa bộn góp một phần lớn khiến tinh thần kiệt quệ. Một không gian làm việc sạch sẽ và một môi trường yên tĩnh để làm việc tạo nên một sự khác biệt về tinh thần. Điều này cũng ảnh hưởng đến năng suất và thái độ của bạn đối với công việc.

6. Lảng tránh và chần chừ 

Khi bạn cảm thấy cạn kiệt năng lượng, có thể là vì điều gì đó trong tâm trí đang gây khó dễ cho bạn. Bạn còn một vài nhiệm vụ nên làm hoặc phải làm xong nhưng vẫn chưa làm được.

Trì hoãn quá lâu sẽ gây ra căng thẳng tiềm tàng leo đến đỉnh điểm như một con khỉ đeo bám trên lưng bạn.

Trốn tránh trách nhiệm của bản thân và trì hoãn là những lý do cho việc bạn cảm thấy uể oải.

7. Chung sống với cơn đau mãn tính hoặc bệnh tật

tại sao ngủ nhiều nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức?

Đương đầu với cuộc sống căng thẳng đã đủ khó khăn. Thêm vào một số thứ như đau lưng mãn tính hoặc bệnh bẩm sinh thì giống như tự mình chăm sóc 2 người riêng biệt. Điều này gây ra cảm giác bực bội, niềm cay đắng và sự khó chịu đối với những người bạn yêu thương, ngay cả với những người hỗ trợ và chăm sóc bạn.

8. Sự ra đi của một người thân yêu 

Mất đi một người bạn thân hoặc thành viên trong gia đình là điều ai trong chúng ta cũng trải qua, và nó không giờ là dễ dàng. Nhiều người cố gắng tỏ ra cứng rắn và nói với những người thân của họ rằng mình ổn và đối mặt với chúng là tốt. Nhưng thực tế là nó đang nhấn chìm họ.

Hãy thành thật với bản thân về điều đó và có cho mình người để bầu bạn. Đơn độc nếm trải nỗi đau và không chia sẻ với bất cứ ai là lý do khiến bạn kiệt sức.

9. Thiếu mục đích

Sống cần có mục đích. Mỗi cá nhân có một mục đích riêng biệt cho hoàn cảnh của bản thân. Nó có thể được dẫn dắt bởi tôn giáo, nghệ nghiệp hoặc một mục tiêu to lớn để phấn đấu, như là viết một cuốn sách hay điều hành một doanh nghiệp. Khi không có một mục tiêu lớn, bạn rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm dẫn đến kiệt quệ tinh thần.

Vậy nên làm gì khi cảm thấy kiệt sức? 

“Khi bạn đang đấu tranh với điều gì đó, hãy quan sát tất cả những người xung quanh và nhận ra rằng từng người mà bạn nhìn thấy đều đang đấu tranh với điều gì đó và đối với họ, chúng cũng khó khăn như những gì bạn đang trải qua”. – Nicholas Sparks

1. Nói về chúng

Nghe như điều hiển nhiên, nhưng nói về những khó khăn với ai đó là một hình thức trị liệu. Rất có thể người đó đã trải qua điều tương tự như bạn đang đối mặt ở hiện tại. Đừng giấu giếm. Mở lòng và học hỏi từ những người đi trước.

2. Tìm cho mình một cửa hàng yêu thích hoặc một sở thích

Một cách để giúp bạn tìm thấy niềm vui để thoát khỏi cuộc sống mệt mỏi là trở về nhà và thực hiện sở thích của mình. Thư giãn sau ngày làm việc bằng cách làm điều yêu thích cũng có một chút thử thách. Học cách chơi guitar, chơi trò chơi điện tử với con cái, đọc sách hoặc tìm hiểu các công thức nấu ăn mới để nấu ăn cho gia đình. Đưa tâm trí rời xa điều bạn đang lo lắng. Tập trung hoàn toàn vào quá trình này và buông bỏ sự lo lắng của mình.

tại sao ngủ nhiều nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức?

3. Hãy thực tế

Bạn không thể làm tất cả mọi thứ. Xem lại lịch biểu của bản thân và hãy thành thật với bản thân cũng như những người xung quanh bạn về các đầu việc một người có thể làm trong một ngày. Bạn không thể thay đổi thế giới một mình. Tranh thủ sự giúp đỡ của người khác và đừng quá kiêu căng khi đề nghị. Đặt sức nặng của thể giới lên đôi vai mình là nguyên do khiến bạn mệt mỏi.

4. Đến sớm

Tôi đã mất nhiều năm trong đời để nhận ra rằng đi sớm làm giảm căng thẳng đến mức nào. Thức dậy sớm hơn năm phút cho tôi năm phút để thư giãn và suy nghĩ xem liệu tôi có quên gì trước khi ra khỏi cửa không. Đi trước năm phút so với thông thường khi tham gia một sự kiện sẽ cho tôi năm phút để đến nơi và tìm một chỗ ngồi tốt, khám phá địa điểm hoặc nói chuyện với ai đó. Đến sớm cho phép bạn thư giãn và hoàn toàn thoải mái thay vì sống cuộc sống vội vàng. Vấn đề sẽ được giải quyết trước người khác và bạn có tinh thần sẵn sàng cho bất cứ điều gì.

5. Tập thể dục nhiều hơn, có thói quen lành mạnh hơn

Tập thể dục có lẽ là điều cuối cùng bạn muốn làm. Nhưng bạn đã bao giờ hối tiếc về một buổi tập luyện chưa? Một trăm phần trăm thời gian nó làm cho bạn cảm thấy tốt hơn và mang lại động lực để bạn có một ngày tuyệt vời.

Hãy thử những thói quen lành mạnh hơn. Đi dạo ngay khi bạn rời khỏi giường. Thử một loại rau mới mỗi tuần một lần. Uống nhiều nước hơn. Đứng nhiều hơn. Thay thế món tráng miệng bằng trái cây. Nếu bạn uống mười tách cà phê mỗi ngày, hãy cố gắng dành một ngày mỗi tháng không uống cà phê. Những thói quen lành mạnh hơn dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc hơn theo nhiều cách khác nhau.

6. Nhật ký

Tương tự như việc nói về những vấn đề của bạn, viết nhật ký là một cách tuyệt vời để không chỉ giúp bạn loại bỏ những suy nghĩ trong đầu mà còn làm sáng tỏ cảm xúc. Khi bạn viết, bạn sẽ nhận ra rằng mình thực sự không hiểu những gì bản thân đang nghĩ. Viết giúp ích cho điều đó. Hãy viết thường xuyên.

7. Chăm sóc một cái gì đó

Nuôi một con vật cưng. Nếu bạn chưa sẵn sàng cho một chú chó, thì hãy mua một vài cây cảnh để chăm sóc. Nó giúp thay đổi góc nhìn, giảm bớt căng thẳng và kiệt sức.

8. Thiền

Đây quả là một phương pháp chữa trị được sử dụng quá nhiều, nhưng thiền định thực sự giúp ích cho sự rõ ràng trong suy nghĩ và phát triển sự bình tĩnh trong cuộc sống. Các nghiên cứu chỉ ra thiền giảm các triệu chứng của căng thẳng, lo âu và trầm cảm.

Không cần phải ngồi khoanh chân, chụm ngón tay lại và nói “Oooommmmmm”. Thiền có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào mà bạn cảm thấy thoải mái. Có thể là thảnh thơi hít thở sâu trước khi bạn bước ra khỏi xe, hoặc là nhắm mắt lại và nghĩ về những người thân yêu khi bạn đang trong khoảng thời gian gặp khó khăn.

Đôi lúc trước khi đi ngủ, tôi chỉ nhắm mắt lại và hình dung ra một tương lai mà tôi muốn cho chính mình. Tôi hình dung những người tôi yêu thương đang ôm tôi và nói “Chúc mừng”. Để làm gì? Tôi không biết nữa, nhưng tôi đang đặt mình vào suy nghĩ để thành công.

Lời kết

Tiến sĩ Alice Boyes, tác giả của “The Healthy Mind Toolkit” cho rằng:

“Bạn càng làm việc nhiều trên các hệ thống giảm căng thẳng và ra quyết định quá mức, bạn càng có nhiều năng lượng tinh thần hơn”.

Điều này đúng trong rất nhiều lĩnh vực. Làm việc dựa trên những thói quen và thói quen sẽ loại bỏ số lượng các quyết định bạn đưa ra. Bạn càng có kỷ luật trong những lĩnh vực này, bạn càng có nhiều tự do để làm những điều bạn thực sự muốn và cần. Nhưng ngoài ra, hãy hiểu cách của riêng mình.

Tác giả Tim Ferriss thích tự hỏi mình, “Làm thế nào tôi đồng lõa trong việc tạo ra những điều kiện mà tôi nói rằng tôi không muốn?” hoặc “Những câu chuyện tôi tự kể can thiệp vào lòng tự ái là gì?”

Hãy xem xét các hành động và thói quen mà bạn xây dựng trong cuộc sống. Những điều chỉnh nhỏ nào bạn có thể thực hiện để thoát ra theo cách của riêng mình? Điều này sẽ như thế nào nếu nó dễ dàng? Đôi khi, tự hỏi bản thân những câu hỏi như thế này có thể dẫn đến những giải pháp đơn giản đến bất ngờ và trả lời cho câu hỏi “tại sao tôi cảm thấy kiệt sức?”

Như tôi đã nói, mọi người đều đang đấu tranh theo cách riêng của họ. Cách bạn kiểm soát căng thẳng của mình có thể khác hoàn toàn với người khác. Bằng cách nhạy bén và hiểu rằng bạn có khả năng vượt qua sự kiệt quệ này, bạn bắt đầu tìm thấy ý nghĩa. Thực hiện các thói quen tích cực và động lực sẽ thu hút động lực tích cực hơn. Oh, và đừng quên một giấc ngủ ngon!

Tác giả: Kyle J. Brennan

Dịch giả: Nguyễn Thị Xuân Ánh

Biên tập: Hồng Anh

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News