Phật học

Thời Mạt Pháp này chọn tu môn nào là lợi nhất?

Có những bậc thượng căn vì chưa nhận thức Tịnh Độ, mà mãi bị trầm trệ trong nẻo mê. Và có kẻ căn tánh chỉ tầm thường, nhưng do tu Tịnh Độ mà sớm bước lên đường giải thoát.

lời phật dạy, niệm nam mô a di đà phật, niệm phật là gì, tụng kinh niệm phật, thời mạt pháp này chọn tu môn nào là lợi nhất?

Nhiều vị học Phật Pháp, ưa chuộng các môn huyền lý cao siêu, thấy người niệm Phật đơn giản quá, thì cho môn Niệm Phật là của ông già bà cả, hạng căn cơ thấp kém. Nhưng họ đâu biết Tịnh Độ là cửa mầu thâm diệu đi sâu vào Phật tánh, là con thuyền chí bảo để mau thoát khỏi luân hồi. Cho nên có những bậc thượng căn vì chưa nhận thức Tịnh Độ, mà mãi bị trầm trệ trong nẻo mê. Và có kẻ căn tánh chỉ tầm thường, nhưng do tu Tịnh Độ mà sớm bước lên đường giải thoát. Xin thuật ra đây hai chuyện để chư học giả so sánh.

Đời Đường bên Trung Hoa, nơi chùa Hương Sơn đất Lạc Dương có sư Thích Giám Không. Sư nguyên tên thật là Quân Phòng, người ở Ngô Quận. Thuở còn nhỏ ông nghèo khổ, tuy học hành siêng năng nhưng ít ghi nhớ. Lớn lên, ưa làm thơ văn song chỉ tầm thường. Ông hay đi lại vùng Ngô, Sở yết kiến hàng hầu bá, nhưng không được sự giúp đỡ bao nhiêu.

Khi có tiền đầy xâu thì sinh bệnh tật đau yếu, tiền hết bệnh mới lành. Đầu niên hiệu Nguyên Hòa, ông dạo chơi xứ Tiền Đường, gặp năm mất mùa, chịu đói khổ lê lết, tính đến chùa Thiên Trúc để cầu thực. Nhưng vừa đi tới phía tây Cô Sơn Tự, ông đói quá không thể tiến bước nổi, liền lại ngồi bên bờ suối tuyết, rơi lệ ngâm vài câu bi phẫn. Thoạt có vị Phạn tăng (sư Ấn Độ) theo dòng suối đến ngồi nhìn ông mỉm cười hỏi:

-Pháp sư đã nếm đủ hương vị của kẻ lữ hành chưa?

Ông đáp:

-Hương vị lữ hành có thể gọi đã nếm đủ, nhưng tôi tục danh là Quân Phòng, đã từng làm pháp sư đâu?

Phạn tăng nói:

-Ông không nhớ lúc giảng kinh Pháp Hoa ở chùa Đông Đức hay sao?

– Tôi từ khi sanh thân đến nay đã bốn mươi lăm tuổi, hằng sống nơi vùng Ngô, Sở, chưa từng để bước đến kinh đô, đâu lại có chuyện giảng kinh ở miền Lạc Trung như thế?

-Chắc ông bị lửa đói thiêu đốt, nên quên cả việc xưa rồi!

Nói xong, liền lần trong đãy lấy ra một quả táo lớn ước bằng nắm tay, trao cho và bảo:

– Quả táo này trồng ở nước của ta, bậc thượng trí ăn vào biết rõ việc quá khứ vị lai; người hạ căn cũng có thể nhớ được chuyện kiếp trước.

Ông tiếp lấy quả táo ăn xong, vốc nước suối uống, thoạt mờ mệt muốn ngủ, liền tựa đầu, gối vào đá mà nằm.

Giây phút tỉnh dậy, liền nhớ tiền kiếp mình làm pháp sư giảng kinh, cùng những bạn đồng tu, trong đó có vị Phạn tăng trước mặt đây, và nhiều vị khác, rõ rệt như việc ngày hôm qua, bồi hồi rơi lệ hỏi rằng:

– Chấn Hòa Thượng bây giờ ở đâu?

Phạn tăng đáp:

-Công phu chưa tới mức tinh thông, nên chuyển sanh làm vị tăng ở đất Tây Thục, nay cũng đã dứt được vọng duyên (khai ngộ).

-Thần thượng nhân và Ngộ pháp sư hiện thời ra sao?

– Thần thượng nhân túc duyên trả chưa xong. Còn Ngộ pháp sư bởi đứng trước tượng đá chùa Hương Sơn phát nguyện giỡn: “Nếu kiếp này tu không chứng đạo, thân sau nguyện là bậc quan tướng” nên hiện đã sanh làm đại tướng. Trong năm người bạn vân thủy khi xưa, duy ta được giải thoát, ba vị kia thì như thế, riêng ngươi còn đói khổ nơi đây!

Ông Quân Phòng thương khóc nói:

– Tôi kiếp trước hơn bốn mươi năm, ngày chỉ ăn một bữa, thân duy đắp một y, việc phù tục quyết dứt căn nguyên, cớ sao còn kém phước để đến nỗi hôm nay phải ra người đói khổ?

Phạn tăng đáp:

-Khi xưa ông ngồi trên pháp tòa hay nói nhiều việc dị đoan không đúng, khiến cho thính chúng sanh lòng nghi hoặc, lại giới hạnh còn có chỗ kém khuyết, nên phải bị báo ứng như hôm nay.

Nói đoạn, vị Phạn tăng lấy trong bát ra một chiếc gương hai bề đều trong suốt, bảo rằng:

-Việc đã qua ta không làm sao hơn được, nhưng ông muốn biết số phận sang hèn thọ yểu về tương lai, cho đến việc đạo pháp hưng suy, nên nhìn vào sẽ rõ.

Ông Quân Phòng tiếp lấy gương xem hồi lâu rồi giao lại tạ rằng:

-Sự báo ứng, lẽ sướng khổ, nhờ ơn đức của Ngài, nay đã biết được.

Phạn tăng cầm gương cất vào bát, nắm tay ông cùng đi, độ mười bước liền biến mất. Đêm ấy ông Quân Phòng vào chùa Linh Ẩn xin xuất gia, được pháp danh là Giám Không. Sau này, khi đã thọ giới Cụ Túc liền đi du phương tu hành, sự khổ tiết, cao hạnh ai cũng khen ngợi. Về sau Giám Không thiền sư gặp ông Liễu Sính ở chùa Thiên Trúc, tự trần thuật tiền nhân và bảo:

– Tôi sống được bảy mươi bảy, tăng lạp ba mươi hai, nay chỉ còn chín năm nữa là thọ số mãn. Sau khi tôi tịch, Phật pháp còn được như ngày hôm nay chăng?

Sính nghe nói lạ, gạn hỏi. Sư không đáp, chỉ đòi bút viết mấy hàng nơi vách bắc lầu Tàng Kinh như sau:

“Hưng như hạt cát, suy cát sông Hằng. Thỏ đã bị lưới, chó đến vồ ăn. Trâu cọp giao tranh, răng nanh sừng nhọn.
Ánh hoa đàm vẫn sáng nghìn năm.”

Đây là lời tiên tri của sư. Câu đầu nói về Phật pháp hưng thịnh thì ít, còn suy yếu gấp nhiều lần. Câu thứ hai chỉ cho sự phá đạo rất tàn khốc. Câu thứ ba ghi rõ thời gian hủy pháp ở vào năm Ất Sửu tiếp qua Bính Dần. Câu sau cùng nói: Tuy nhiên Phật pháp vẫn còn, ánh đạo không bị hủy diệt.

Lời sấm trên ứng vào việc phá Phật pháp của Đường Võ Tôn. Ông vua này đã ra lệnh hủy hoại bốn mươi bảy ngàn ngôi chùa, ép buộc hơn hai mươi vạn bảy ngàn tăng ni hoàn tục. (Trích Cao Tăng truyện, thiên Cãm Thông, tập 3).

CÒN TU THEO TỊNH ĐỘ THÌ NHƯ THẾ NÀO?

Vào Đời Nguyên bên Trung Hoa, vào năm Canh Ngọ niên hiệu Chí Thuận ở vùng Triết Tây bị thất mùa liên tiếp. Trong thành Hàng Châu, dân chúng đói chết nằm ngổn ngang đầy đường, không sao chôn kịp. Mỗi buổi sáng, quan phòng chánh mướn người khiêng tử thi chở đem bỏ xuống hang núi, sau tháp Thái Hòa.

Trong số tử thi có xác một bà lão hơn mười hôm không phân hủy, không bốc mùi hôi thối. Lạ nữa, là xác bà ấy đáng lý bị các xác khác đè lấp, xong không hiểu vì sao, ngày nào cũng tự trồi lên nằm trên các thây chết khác.

Người ta lấy làm lạ, vòng giây kéo đem lên, soát trong người thấy có túi vải đựng ba món đồ của bà lão, dùng để hỗ trợ niệm Phật A Di Đà, chứng tỏ bà này khi sống chuyên niệm Phật.
Việc này truyền đến quan Hữu Tư, Ngài cho mua quan quách tẩm liệm và đem bà ấy ra thiêu hóa. Khi củi đốt lên, trong khói lửa hiện ra tượng Phật, Bồ Tát, ánh sáng rực rỡ. Rất nhiều người chứng kiến cảnh ấy, ai cũng cho rằng bà này hẳn đã Vãng sinh về Cực Lạc, nên mới phát sinh kì tích như vậy. Do nhân duyên đó, rất nhiều người phát tâm niệm Phật.

(Trích Sơn Am Tạp Lục).

Luận giảng:

Xem sự tích trên, ta thấy như ngài Giám Không kiếp trước từng làm giảng sư; lòng ham muốn hồng trần đã dứt, tu trì cũng nhiều tinh khổ, nhưng vì chưa chứng quả Thánh, lại còn chút tì vết, nên vẫn phải chuyển kiếp làm kẻ sĩ, đói khát khốn cùng.

Kiếp xưa năm bạn đồng tu, chỉ một mình Phạn tăng chứng Đạo được giải thoát, còn lại 4 người sướng khổ khác nhau, xong đều phải tiếp tục luân hồi chịu khổ.

Ngoài ngài Giám Không là tiêu biểu cho những người tuy chân tu đắc lực, xong vẫn chưa thể giải thoát, phải đầu thai lại, còn rất nhiều câu chuyện về các cao tăng khác tương tự.

Viên Quán, là thiền sư có trí tuệ uyên thâm, nổi tiếng một thời, nhưng do chưa sạch nghiệp, nên kiếp đó chưa Giải thoát, vẫn phải đầu thai làm người, vẫn không thoát khỏi bào thai, sinh làm con của nàng Vương Thị.

Truyện Tỳ Khưu Pháp Vân từng làm đại pháp sư, nhân vì tham lợi dưỡng, bỏn sẻn Phật pháp không truyền, nên bị đọa làm thân trâu.

Truyện sư Hải cũng thuộc hàng danh tăng, vì thọ người cúng dường, phải chuyển sanh làm con gái cho nhà thí chủ.

Truyện ngài Mạt Sơn lai lịch phi phàm, nhưng bởi túc nghiệp từ vô lượng kiếp trước, nên luân hồi kiếp sau làm kẻ ngu khờ, ghét người tu niệm.

Truyện ngài Đoạn Nghĩa Nhai tham thiền đã được khai ngộ, kiếp sau chuyển sanh làm tăng, được người lễ bái cúng dường, tham hưởng phước mà quên đường giải thoát.

Truyện đệ tử của ngài Tuyệt Học Thành Công, thiền định đã tỏ suốt nguồn tâm, xong chưa đắc đạo chứng Thánh quả, nên thân sau làm ông sư thông minh, động tâm xa hoa kiêu mạn, rồi từ đó không nghiệp ác gì chẳng làm.

Truyện vị cao tăng núi Nhạn Đăng, bởi chưa chứng đạo, kiếp sau là Tần Cối, do tiền căn đã có công tu niệm nên thông minh đỗ cao làm quan đến ngôi cực phẩm, song vì mê quyền quí, tạo điều gian ác để nhiều kiếp đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Xem truyện xưa, còn biết bao trường hợp như thế nữa! Qua các gương trên, ta thấy nếu tự lực tu hành, khi chưa được nghiệp sạch tình không, lúc tái sanh tất phải mê muội, mười người đã rớt hết tám chín.

Còn như bà lão niệm Phật kể ở trên, tuy dốt đạo lý, chẳng hiểu chút chi về tông về giáo, nhưng nhờ thành tâm niệm Nam Mô A Di Đà Phật, mà sau khi chết diễn ra nhiều điều kỳ lạ, hẳn bà lão vãng sanh về Cực Lạc, chẳng phải lo những nối khổ của luân hồi.

Cho nên tham thiền, tụng kinh cùng tu các môn khác là những điều quý báu nên làm, và đáng khuyến khích, mỗi người một duyên, ai duyên hợp môn nào thì nên dốc sức tu môn đó.

Nhưng nếu để so sánh, giữa thời mạt pháp này, lợi nhất (bỏ ít sức mà lợi ích lớn lao, lâu dài) cần phải tu thêm môn Niệm Phật, rồi đem tất cả công đức ấy hồi hướng cầu sinh về Tây Phương Cực Lạc, mới bảo đảm khỏi luân hồi mê đọa. Nếu không lấy Tịnh Độ làm nơi quy hướng, thì công đức tu các môn khác chỉ tạo căn lành phước báo, thành nhân duyên đắc Đạo sau rất nhiều kiếp nữa. Trong những kiếp chờ đắc Đạo, thì vẫn trầm luân chịu rất nhiều nỗi thống khổ.

Lại nữa, là e rằng khi chuyển sanh hôn mê, quên hết tiền kiếp, theo tập khí cũ mà tạo nghiệp, rồi phải bị trầm trệ lâu trong cảnh khổ luân hồi.

Mấy ai trí tuệ như Ngộ Đạt quốc sư, mười kiếp làm cao tăng tu thiền định, kiếp thứ mười một, mới mười bốn tuổi đã xuất gia làm Sa Di, giảng thông suốt Kinh Đại Bát Niết Bàn cho nhiều hòa thượng nghe.

Sau được lên đến chức Quốc sư, nhưng vì một niệm kiêu ngạo khởi lên trước tòa trầm hương vua ban, nên chư Hộ pháp bỏ đi, ngài Ngộ Đạt liền bị oan gia nhập vào báo oán, thành bệnh ung nhọt hình mặt người, sau trở lại niệm Phật mới được vãng sanh giải thoát.

Qua những chuyện trên, những vì nghĩ mình trí tuệ, ngoài miệng nói thông suốt giáo lý cao siêu, chỉ trọng những môn tự lực- tự sức mình tu mà đắc Đạo, khinh thường niệm Phật, cho là môn tu của hàng ông già bà cả, nông dân ít hiểu biết, hay cho rằng Phật A Di Đà không có thật, do các Tổ bịa đặt, thêm thắt, hãy nên xem những gương trên mà để tâm suy nghĩ lại.

(Trích Niệm Phật thập yếu – HT Thích Thiền Tâm)

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News