Sức Khoẻ

Thương nhĩ tử - vị thuốc chống viêm, trừ thấp, giảm đau

Thương nhĩ tử là vị thuốc từ quả đã phơi hoặc sấy khô của cây ké đầu ngựa. Tác dụng chữa bệnh được xếp vào 3 nhóm chính: Viêm mũi xoang, bệnh ngoài da, bệnh xương khớp.

1.Đặc điểm và công dụng của thương nhĩ tử

Cây ké đầu ngựa mọc hoang ở khắp nơi, thường thấy ở các bãi đất hoang, bờ ruộng. Đó là một loài cây nhỏ, cao độ 1-2m, thân màu lục có khía rãnh, đôi khi có chấm màu nâu tía. Lá mọc so le, phiến lá có hình gần tam giác, chia thành 3-5 thùy, có lông ngắn cứng, mép khía răng cưa. Quả hình thoi, có gai móc.

Để làm thuốc: Hái lấy quả phơi khô. Khi dùng sao chín già, bỏ hết gai hoặc tẩm rượu đồ chín.

Theo Đông y: Quả ké đầu ngựa (thương nhĩ tử) có vị cay, đắng, tính ấm, hơi có độc, vào kinh Phế; có tác dụng tán phong, trừ thấp, thông mũi, giảm đau đầu; thường dùng để chữa viêm mũi xoang như: Chảy nước mũi trong và hắt hơi, ngạt mũi; bệnh phong hàn thấp tý (phong thấp đau nhức); mẩn ngứa ngoài da…

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, thương nhĩ tử có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giảm ho, chống dị ứng …

thương nhĩ tử - vị thuốc chống viêm, trừ thấp, giảm đau

Cây ké đầu ngựa cho vị thuốc thương nhĩ tử (quả ké)

2.Bài thuốc từ thương nhĩ tử

2.1 Chữa viêm mũi dị ứng, viêm xoang cấp và mạn tính

– Dùng độc vị: Thương nhĩ tử (lượng thích hợp), sao cháy, tán thành bột mịn. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3g. Dùng liên tục trong 10-14 ngày là 1 liệu trình, nghỉ 3-5 ngày lại uống tiếp liệu trình mới.

– Dùng phối hợp với một số vị thuốc khác: Thương nhĩ tử 8g, tân di 15g, bạch chỉ 30g, bạc hà 1,5g, tất cả tán thành bột mịn. Sau mỗi bữa ăn uống 6g, chiêu thuốc bằng nước sắc hành trắng và lá chè xanh.

Cũng có thể sử dụng dưới dạng thuốc sắc: Dùng các vị thuốc với liều lượng như trên, sắc uống trong ngày. Khi sắc lưu ý, vị thuốc tân di dùng túi vải bọc lại, để tránh lông lẫn vào nước thuốc, gây ngứa. Vị thuốc bạc hà sau khi sắc xong, mới cho vào, đun sôi lại là được.

2.2 Chữa bệnh ngoài da do dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt

– Dùng độc vị: Toàn cây khô nấu cao mềm, hòa nước uống ngày 6-8g. Uống liên tục 1 tháng.

Hoặc lấy toàn cây trừ rễ, nấu cao đặc, tán bột, hoàn viên. Ngày uống 3 lần. Mỗi lần 15g.

thương nhĩ tử - vị thuốc chống viêm, trừ thấp, giảm đau

Vị thuốc thương nhĩ tử

– Dùng phối hợp với một số vị thuốc khác:Thương nhĩ tử 50g, thổ phục linh 50g, hạ khô thảo 50g, vỏ núc nác 30g, sinh địa 20g, hạt dành dành 15g. Các vị thuốc tán bột mịn. Ngày uống 20g, chia 2 lần.

Hoặc dùng:

-Thương nhĩ tử 15g, sinh địa 30g, bạc hà 12g. Nấu lấy nước uống.

-Thương nhĩ tử 10g, kinh giới 15g, bạc hà 15g. Tất cả rửa sạch nấu lấy nước (Bỏ bã) nấu cháo.

2.3 Chữa viêm khớp dạng thấp, cứng khớp

– Dùng độc vị: Thương nhĩ tử (quả ké) nấu nước uống. Lá ké giã nhỏ tẩm rượu đắp ngoài.

– Dùng phối hợp với một số vị thuốc khác:Thương nhĩ tử 30g, phòng phong 30g, ngưu bàng tử (sao) 30g, sinh địa 30g, độc hoạt 30g, ý dĩ nhân 20g, nhân sâm 15g, nhục quế 12g. Tất cả giã dập cho vào túi vải ngâm với 2000ml rượu trắng. Đậy kín miệng. Sau 7-10 ngày là dùng được. Ngày uống 2 lần. Mỗi lần 10-15ml.

Mời bạn xem thêm video:

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News