Phật học

Vì sao chuông chùa phải đánh 108 tiếng? Ý nghĩa của tiếng chuông chùa

Chuông chùa phải đánh 108 tiếng là một quy tắc mà ai cũng phải nhất nhất làm theo nhưng không phải ai cũng ý nghĩa tốt đẹp ẩn sau đó.

bài học cuộc sống, lời phật dạy, vì sao chuông chùa phải đánh 108 tiếng? ý nghĩa của tiếng chuông chùa

1. Vì sao chuông chùa phải đánh 108 tiếng?

Tiếng chuông chùa đã trở nên quen thuộc với mỗi chúng ta dù ta có là Phật tử hay không vì chỉ vô tình ghé một ngôi chùa nào đó ta cũng có cơ may được nghe từng hồi chuông rung lên vì ngôi chùa Phật nào cũng có chuông.

Thường mỗi chùa viện đều có 3 loại chuông: chuông đại hồng, chuông báo chúng và chuông gia trì. Trong đó chuông Đại hồng hay cũng có tên chuông U minh thường điểm 108 tiếng và được thỉnh hai lần trong ngày: Lần đầu hôm và lần vào 4 giờ sáng.

Tên gọi chuông U minh vì theo Phật giáo, tiếng chuông vang lên đến đâu sẽ xóa tan u mê, tăm tối, để tỉnh thức con người tìm cách sửa mình, hướng tới cuộc sống tươi sáng, ý nghĩa hơn. Không ít người đã thừa nhận rằng nhờ có tiếng chuông đã cảnh tỉnh họ bỏ ác làm thiện, tránh xa cái bẫy dấn đến những con đường lầm lạc.

Vậy vì sao chuông chùa phải đánh 108 tiếng? Dường như con số này rất đặc biệt khi có 108 hạt trong chuỗi tràng hạt, 108 anh hùng Lương Sơn bạc trong tác phẩm “Thủy hử”. “Hồng Lâu Mộng” có 108 cây trâm vàng, cũng tượng trưng cho 108 người con gái đẹp. Ở nước ta có 108 bậc cấp lên chùa Bái Đính, 108 bậc cấp lên Trúc Lâm thiền viện Truồi,…

– Theo Phật giáo con người có 108 chủng phiền não (Kleśā) của con người. Lục giác (thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, cảm giác, và thức giác) nhân làm ba, tức ba loại phản ứng (lạc, khổ, vô ký) thì ra con số 18. Mười tám nhân hai, tức hai thể (thiện hay bất thiện) thì có con số 36.

Do đó đánh chuông 108 lần là để tận trừ những phiền não của con người khi họ thức tỉnh, nhận ra lỗi lầm của mình trong công việc hàng ngày nhằm để giữ tâm trong sạch, hướng đến điều tốt lành, có ích cho xã hội.

– Theo sách Thất tu loại cảo, có ghi lại rằng: “Tiếng chuông mỗi buổi sớm đánh 108 tiếng, tượng trưng cho một năm. Một năm có 12 tháng, 24 tiết khí, 72 hậu (2), cộng các con số đó lại là 108”. Con số 108 tượng trưng cho sự vận động tuần hoàn không ngừng nghỉ.

– Theo Kinh Dịch cho rằng “9” (cửu – 九) ngụ ý là cát tường, 108 là bội số của 9 và cũng tượng trưng cho chí cao vô thượng.

– Theo Đạo giáo cho rằng Bắc Đẩu Tùng Tinh có 36 sao Thiên Cương và 72 sao Địa Sát. Chỗ ở của Thần tiên trong Đạo giáo cũng có 36 động tiên và 72 phúc địa.

Các chùa xưa, trước khi thỉnh chuông U minh phải đọc bài kệ gọi là kệ thỉnh chuông U minh. Mỗi tiếng chuông tương ứng với một cái thẻ, mỗi lần đánh xong một tiếng chuông là phải gạt một cái thẻ sang một bên.

Khi nào gạt xong dãy thẻ 108 cái ấy là vừa đúng 108 tiếng cũng tương đồng với cách chúng ta gạt đi phiền nào ra khỏi đầu. Gần đây nhiều chùa không còn giữ được thể thức này mà tối giản chỉ đánh 36 tiếng hay thậm chí đánh theo thời gian 30 phút.

bài học cuộc sống, lời phật dạy, vì sao chuông chùa phải đánh 108 tiếng? ý nghĩa của tiếng chuông chùa

2. Sự tích chuông chùa

“Chuông chùa cảnh tĩnh người trần thế – Đem đến an vui cho mọi nhà”. Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc có vua Lương Võ Đế rất tin tưởng Phật pháp, song bà Hoàng hậu tên Hy Thị được vua yêu quý nhất thì tánh lại độc ác và luôn tìm cách huỷ báng Tam Bảo.

Một hôm nhà vua thỉnh Hoà thượng Chí Công và 500 chư Tăng vào cung để cúng dường trai Tăng, bà Hoàng hậu Hy Thị tức giận, bèn sai những người hầu cận giết 100 con chó đem làm nhân bánh ít để cúng dường chư Tăng. Sau khi chư Tăng thọ trai xong ra về, Hoàng hậu Hy Thị liền tâu với vua rằng: “Xưa nay vua tin các vị Hoà thượng đã chứng đạo nên cung kính cúng dường, vừa rồi nhân bánh ít dâng cúng được làm bằng thịt 100 con chó mà chư Tăng không hề hay biết mà đã ăn hết như vậy thì đâu đã chứng đạo”.

Vua Lương Võ Đế nghe vậy rất tức giận, bèn lên ngựa cùng lính hầu cận đến chùa để chém chư Tăng. Vừa đến cổng chùa, vua liền thấy Hoà thượng Chí Công đang dừng dưới gốc cây bồ đề, vua hỏi:

– Hoà Thượng ra đây làm gì?

Hoà thượng Chí Công đáp:

– Ra đây đợi vua đến chém đầu, vì sợ ở trong chùa máu đổ hoen ố cửa Phật.

Vua Lương Võ Đế rất ngạc nhiên và hỏi:

– Hoà Thượng đã biết trước như vậy sao trưa nay khi thọ trai, bánh ít được làm bằng nhân thịt chó mà Hoà thượng và chư Tăng vẫn dùng?”

Hoà thượng Chí Công đáp:

– Đêm qua trong lúc thiền định bần đạo đã biết ác tâm của Hoàng hậu nên đã sai Tăng chúng làm bánh ít chay bỏ vào tay áo tràng bên phải và khi ăn lấy bánh ít nhà vua dâng cúng bỏ vào tay áo bên trái đem về chôn và lấy bánh ít đem theo ra ăn.

Nói xong, Hoà thượng Chí Công mời nhà vua và tuỳ tùng cùng ra chỗ chôn bánh ít, Hoà thượng bảo chư Tăng đào lên thì bánh ít vẫn còn, Hoà thượng Chí Công lấy nước làm phép và đọc thần chú, lập tức số bánh ít ấy được hiện thành 100 con chó. Vua giật mình và quỳ xuống lạy sám hối rồi lặng lẽ hồi cung.

Ít lâu sau, Hoàng hậu Hy Thị lâm trọng bịnh và qua đời, nhà vua lo tang lễ chu toàn. Một hôm vào lúc đêm khuya đang ngồi trong cung tĩnh mịch vua Lương Võ Đế nghe có tiếng người kêu van thảm thiết, vua bèn lên tiếng hỏi:

– Nhà ngươi là ai, đêm khuya thanh vắng nghiêm mật thế này lại vào đây được?

Liền có tiếng trả lời:

– Hoàng đế ơi thần đây chính là Hy Thị vì quá độc ác, không tin Tam bảo gây nhiều tội lỗi nên sau khi chết rồi thần thiếp phải bị đoạ làm rắn mãng xà ngày đêm đau khổ, thân thể tanh hôi, vi vảy bị vi trùng rỉa ráy không thể chịu được. Nghĩ đến tình cầm sắc trước kia nên thần thiếp đến đây mong nhờ Hoàng đế tìm phương cứu thiếp” – nói rồi liền biến mất.

Nghe xong, vua Lương Võ Đế như thoát cơn ác mộng, lòng đau như dao cắt. Ngày hôm sau lâm triều, vua đem chuyện ấy kể lại cho bá quang văn võ nghe để cùng vua tìm phương cứu vớt Hoàng hậu Hy Thị.

Các quang lại tâu vua, xin cung thỉnh Hoà thượng Chí Công lo việc này, vua Lương Võ Đế chấp thuận, thỉnh cầu Hoà thượng Chí Công triệu tập các vị danh Tăng soạn ra cuốn Lương Hoàng Sám Pháp và lập đàn tràng sám hối cho Hoàng hậu Hy Thị đồng thời đúc đại hồng chung để hồi hướng công đức cầu siêu cho Hoàng hậu Hy Thị. Nhà vua chí tâm thân hành lễ bái, trong đêm khuya giữa đàn tràn sám hối, tiếng đại hồng chung ngân vang, mùi hương thơm ngào ngạt khắp cả đạo tràng, Hoàng hậu Hy Thị hiện thân tiên nữ xinh đẹp, tỏ lòng cảm ơn Hoà thượng và Hoàng đế bà nói nhờ công đức đúc đại hồng chung, nhờ đàn tràn sám hối mà bà đã thoát nạn và đã được sanh lên cung trời Đao Lợi.

Đó là quả đại hồng chung đầu tiên trong lịch sử chuông chùa. Từ đó đến nay tất cả các chùa Phật giáo nhân đó mà đều rất chú trọng đến việc chú tạo đại hồng chung…

3. Ý nghĩa tiếng chuông chùa

Chuông Phật trong tiếng Phạn gọi là Ghantā, thuộc nữ tính. Người hoa dịch là chung, khánh. Sách Ngũ Phần Luật, quyển 18 có ghi: “Thời Phật Đà, có một lần tăng đoàn làm lễ Bố Tát chưa thể kịp thời tập hợp, bèn tới một nơi hoang vắng toạ thiền hành đạo. Khi đó đức Phật bèn bảo rằng phải gõ Ghantā, hoặc gõ trống, thổi ốc để tập hợp.

Một chương khác trong sách này cũng có kể lại: “Các vị Tỳ kheo không biết làm thế nào để dùng gỗ làm Ghantā, vì thế bạch với đức Phật. Đức Phật nói: “trừ cây sơn và các loài cây độc ra, còn các loại cây gõ phát ra tiếng, đều có thể làm được”. Vì thế, những nơi không có kim loại thì họ dùng thân cây rỗng để là thay chuông và sau này người ta làm bé đi thành mõ để giữ nhịp khi tụng Kinh.

Trong bài Hương Sơn phong cảnh ca, Chu Mạnh Trinh viết: “Thỏ thẻ rừng mai, chim cúng trái/ Lững lờ Khe Yến, cá nghe kinh. Thoảng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”.

Chuông là một nhạc cụ, được đúc bằng kim loại và phát ra âm thanh đơn giản. Hình dáng của nó được làm theo các hình tháp hay hình chén rỗng…Theo Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Uy Nghi, quyển Hạ thì có 5 việc cần gõ chuông: Khi hội họp thường kỳ; khi ăn sáng; lúc ăn tối; khi trở về cõi Niết Bàn; mọi chuyện vô thường.

Mỗi lần đánh chuông, âm thanh của nó không chỉ lan tỏa khắp nơi, lên trời mà còn xuống cả địa phủ, đánh thức tâm linh của những người bị giam cầm trong ngục tối, ma quỉ biết mà hồi tâm chuyển tính mà tu hành niệm Phật.

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang: “Ý nghĩa của tiếng chuông chùa theo như Phật dạy là tiếng chuông tỉnh thức, nó làm cho con người ta phải thức tỉnh bản giác của mình; đó là tính thiện, tính từ bi đó là hỷ xả đó là cái vô ngã, đó là cái vị tha. Đó là những gì tốt đẹp có trong mỗi con người chúng ta, mà đôi khi chúng ta lãng quên đi, thì tiếng chuông chùa nó mang tính thức tỉnh những điều tốt đẹp đó. Tiếng chuông chùa còn đưa ta về cái nhất tâm; cái nhất tâm làm các điều lành, làm các điều thiện để cho bản thân mình, gia đình mình và xã hội được tốt dẹp lên”.

Chỉ cần chúng niệm câu Nam mô A Di Đà Phật hay danh hiệu của một vị Bồ Tát, một vị Thanh Văn, Duyên Giác, Bích Chi Phật thì lập tức được thoát khỏi xiềng xích mà được đi đầu thai làm người. Kinh Tăng Nhất A Hàm có nói: “Mỗi khi tiếng chuông chùa ngân vang thì những hình phạt trong ác đạo được tạm thời dừng nghỉ, chúng sanh chịu hình phạt được tạm thời an vui”.

Trong cuốn “Pháp khí – Bách trượng thanh quy” nói rằng: “Chuông lớn là hiệu lệnh của rừng già. Tiếng chuông sớm phá tan đêm trường, gọi người người thức giấc. Tiếng chuông chiều muộn giục giã người bôn tẩu dừng bước chân, những chuyện bận lòng thôi ngẫm nghĩ.”

Một ý nghĩa sâu sắc hơn của tiếng Phạn chung trong buổi đầu hôm hay những lúc hừng sáng là sự nhắc nhở cho con người luôn thức tỉnh để tinh tấn tu hành mà vượt ra ngoài vòng tội lỗi, tối tăm khổ đau trong cuộc sống vô thường.

Nếu không tự tỉnh thức bằng trí tuệ, để tìm thấy các giá trị thật của mọi việc đang có mặt chung quanh mình, thì thật là uổng phí, vì mình sẽ mất tất cả theo luật tự nhiên, và nếu như khi đặt hết trọng tâm của đời mình vào Từ, Bi, Hỷ, Xả, để thực hiện việc gì cho mình hay cho người bằng những giá trị thật của việc đó, thì mình sẽ không bao giờ bị mất tất cả.

Trong mỗi tiếng chuông, trống, mõ, của nhà Phật là những sứ giả Như Lai mang đến cho đại chúng những tâm nguyện từ bi, để giúp cho chính họ có thể tự mình giải tỏa những nỗi muộn phiền đau khổ, hay để tắm gội cho thân tâm thanh sạch, những buồn bực, chán nản… bụi trần.

Vì thế trong Kinh có câu:

“Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ Trí huệ lớn, giác đạo sinh Dời Địa ngục, khỏi hầm lửa
Nguyện thành Phật độ chúng sinh.”

Trích nguồn: Phatgiao.org.vn!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News