Dinh Dưỡng

Vì sao người bệnh hen suyễn nên thận trọng với thực phẩm gây dị ứng?

Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để kiểm soát bệnh hen suyễn là người bệnh luôn phải ghi nhớ tránh các yếu tố gây kích phát cơn hen, trong đó có các loại thực phẩm dễ gây dị ứng. Vậy mối liên hệ giữa dị ứng thực phẩm và bệnh hen suyễn là gì?

1. Hen suyễn dễ xảy ra ở người có cơ địa dị ứng

Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm nhưng có thể được kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ và dùng thuốc dự phòng đều đặn. Những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng hơn trong kiểm soát và dự phòng bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng – miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, người có cơ địa dị ứng là đối tượng dễ mắc hen phế quản. Cơ địa dị ứng là những người dễ mắc các bệnh dị ứng khác mà trước đó họ đã mắc một hay nhiều bệnh dị ứng như: viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, viêm da dị ứng, chàm, hen, dị ứng thời tiết, mày đay… Khoảng 70% người bệnh hen có yếu tố cơ địa dị ứng, còn 30% người bệnh hen mắc phải. Người bệnh hen có kèm theo sốt mùa và eczema hoặc tồn tại với nhau được gọi là hen dị ứng hay hen cơ địa dị ứng (cơ thể sẽ phản ứng quá mức với dị nguyên).

vì sao người bệnh hen suyễn nên thận trọng với thực phẩm gây dị ứng?

Những tác nhân gây dị ứng thường gặp, trong đó có thực phẩm.

Các tác nhân gây dị ứng thường gặp bao gồm: phấn hoa; lông hoặc chất thải chó, mèo; khói thuốc lá, khói thuốc lào, khói bếp than; bụi nhà, gián; thuốc xịt, nước hoa có mùi hắc; nấm mốc; thuốc; một số loại thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, nhộng ong, nhộng tằm…

Vì vậy, khi biết mình bị hen phế quản, bệnh nhân cần hết sức thận trọng vì cơn hen có thể xuất hiện đột ngột bất cứ lúc nào, đặc biệt khi tiếp xúc với các dị nguyên, trong đó có một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng.

2. Mối liên hệ giữa dị ứng thực phẩm và bệnh hen suyễn

Dị ứng thực phẩm là một tình trạng rất phổ biến, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng nhầm với một loại thực phẩm cụ thể và coi nó như một chất lạ nguy hiểm.

Khi bị dị ứng thực phẩm, nhiều trường hợp chỉ có phản ứng dị ứng nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp lại rất nghiêm trọng như sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nghiên cứu cho thấy, dị ứng thực phẩm và bệnh hen suyễn có mối liên hệ chặt chẽ. Trên thực tế, những người bị dị ứng thực phẩm có nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn cao hơn những người không mắc bệnh. Bị hen suyễn cũng làm tăng nguy cơ bị dị ứng nghiêm trọng, bao gồm cả một phản ứng toàn thân có thể đe dọa tính mạng như sốc phản vệ.

Mặc dù tỷ lệ dị ứng thực phẩm ở trẻ em mắc bệnh hen suyễn không khác nhiều so với tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em nói chung nhưng chúng có xu hướng bị ảnh hưởng nặng hơn bởi các biến cố hô hấp khi dị ứng xảy ra.

Khi các triệu chứng hen suyễn xảy ra với dị ứng thực phẩm cấp tính có nguy cơ làm cho phản ứng trở nên trầm trọng hơn và trong một số trường hợp dẫn đến sốc phản vệ.

Một đánh giá năm 2016 từ Ý đã kết luận rằng hen suyễn không chỉ là một yếu tố nguy cơ của phản ứng phản vệ nghiêm trọng với thực phẩm mà là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em bị sốc phản vệ với thực phẩm.

Nguy cơ sốc phản vệ có liên quan mật thiết đến mức độ nghiêm trọng của bệnh hen suyễn. Nghiên cứu cho thấy những người hen suyễn nhẹ có nguy cơ bị sốc phản vệ cao gấp đôi so với người bình thường, trong khi những người bị hen suyễn nặng có nguy cơ cao hơn gấp ba lần. Nguy cơ thậm chí còn lớn hơn ở những người bị cả bệnh hen suyễn và dị ứng thực phẩm.

vì sao người bệnh hen suyễn nên thận trọng với thực phẩm gây dị ứng?

Dị ứng thực phẩm có thể gây phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ.

3. Người bệnh hen suyễn cần lưu ý gì trong ăn uống?

Mặc dù không có loại thực phẩm hoặc chế độ ăn uống cụ thể nào là tốt nhất cho bệnh nhân hen suyễn nhưng một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh phải là một phần quan trọng trong điều trị và kiểm soát bệnh hen suyễn.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người bệnh cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước. Nên ưu tiên các thực phẩm như trái cây và rau tươi, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin và magiê.

Nên tránh thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng dễ dẫn đến tức ngực, khó thở; thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm giàu chất béo, thức ăn nhanh có thể làm tăng các triệu chứng hen suyễn; thực phẩm chứa sulfite (trái cây sấy khô, bia rượu, thực phẩm ngâm chua…) có thể gây kích ứng đường hô hấp và co thắt.

Đặc biệt cần lưu ý, nếu bị hen phế quản hoặc có tiền sử hen phế quản nên tránh thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, con nhộng, sữa, hạt cây… Tuy nhiên, không nhất thiết phải tránh tất cả các loại thực phẩm được coi là dễ gây dị ứng vì cơ địa mỗi người là khác nhau, ví dụ có người bị dị ứng vớ tôm nhưng người khác lại không.

Cách tốt nhất là ghi nhật ký thực phẩm, theo dõi nếu đã xác định được loại thức ăn mình bị dị ứng thì tuyệt đối không ăn loại thức ăn đó nữa. Vì khi đã có tiền sử dị ứng với một loại thức ăn cụ thể thì nguy cơ bị dị ứng ở những lần tiếp theo sẽ cao hơn và mức độ có thể nghiêm trọng hơn.

vì sao người bệnh hen suyễn nên thận trọng với thực phẩm gây dị ứng?

Người bệnh hen suyễn nên theo dõi và tránh thực phẩm dễ gây dị ứng.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News