Dị Ứng

Viêm da dị ứng tắm lá gì? 5 loại lá lành tính mà bạn không nên bỏ qua

Trong dân gian, có rất nhiều mẹo hữu ích giúp thuyên giảm tình trạng viêm da dị ứng, mà nổi bật nhất là mẹo tắm nước lá cây.

Trong bài viết bên dưới, Hello Bacsi sẽ bật mí cho bạn 5 loại lá lành tính và dễ tìm kiếm, giúp bạn giải đáp thắc mắc viêm da dị ứng tắm lá gì nhé.

Triệu chứng của viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng là một tình trạng làm cho da đỏ và ngứa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở trẻ em. Bệnh thường kéo dài và có xu hướng bùng phát từng đợt theo chu kỳ. Ở mỗi người sẽ có dấu hiệu và triệu chứng viêm da khác nhau, nhưng nhìn chung đều có các biểu hiện phổ biến như sau:

  • Da khô
  • Ngứa, đặc biệt là vào ban đêm
  • Các mảng màu đỏ đến nâu xám xuất hiện ở nhiều chỗ trên cơ thể như trên bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, cổ tay, cổ, ngực trên, mí mắt, bên trong chỗ uốn cong của khuỷu tay và đầu gối. Ở trẻ sơ sinh các mảng này còn xuất hiện trên mặt và da đầu
  • Các vết sưng nhỏ, nổi lên, có thể rỉ chất lỏng và đóng vảy khi bị trầy xước
  • Da dày lên, nứt nẻ và có vảy
  • Da thô và nhạy cảm hơn nên dễ bị sưng tấy do gãi
  • Có thể đi kèm với bệnh hen suyễn hoặc sốt cỏ khô.

Viêm da dị ứng tắm lá gì? 5 loại lá dễ tìm và hiệu quả

1. Tắm lá khế

Nếu đem thắc mắc viêm da dị ứng tắm lá gì cho nhanh khỏi, chắc hẳn bạn sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên là hãy tắm lá khế. Nguyên do là vì: Theo kết quả nghiên cứu, trong lá khế có chứa các chất flavonoid, triterpene, steroid, đây đều là những hợp chất chống oxy hóa, có tác dụng kháng viêm, làm lành vết thương. Ngoài ra, triterpene còn có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo vùng da bị tổn thương.

Theo các tài liệu Đông y, lá khế có tác dụng giảm ngứa và tiêu viêm. Do đó, khi bị viêm da dị ứng, bạn có thể thử tắm lá khế kết hợp với muối hạt để tăng khả năng sát trùng và giảm ngứa da. Sau đây là hướng dẫn tắm bằng lá khế:

  • Rửa sạch lá khế với muối loãng và để ráo.
  • Đun sôi 2,5 lít nước với 1 nắm lá khế và 1 thìa muối hạt trong khoảng 7 – 10 phút
  • Đổ nước ra thau và cho thêm tí muối vào khuấy đều
  • Cho nước lạnh vào và pha cho ấm rồi tắm khoảng 5 – 10 phút.

2. Viêm da dị ứng tắm lá gì? Hãy tắm lá tía tô

viêm da dị ứng tắm lá gì? 5 loại lá lành tính mà bạn không nên bỏ qua

Lá tía tô là thảo dược được sử dụng như một vị thuốc trong các bài thuốc Đông y để điều trị một số bệnh như hen suyễn, chống buồn nôn, say nắng, đổ mồ hôi hay giảm co thắt cơ.

Mặt khác, trong lá tía tô, người ta tìm thấy các hợp chất có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, giúp thuyên giảm các tình trạng sưng tấy ở da. Vì vậy, việc tắm nước lá tía tô có thể giúp giảm các triệu chứng sưng đỏ khó chịu do viêm da dị ứng gây ra. Bạn có thể tắm theo hướng dẫn sau:

  • Ngâm và rửa sạch lá tía tô với muối loãng
  • Đun sôi lá cùng 3 lít nước và ít muối hột, sau đó, nấu thêm khoảng 3 – 5 phút
  • Pha thêm nước lạnh để nước chỉ ở mức ấm hoặc để nguội và tắm.

3. Lá trà xanh

Trong nhiều nghiên cứu, lá trà xanh có nhiều công dụng như giảm viêm, giảm ngứa, thúc đẩy quá trình hồi phục vết thương trên da. Bên cạnh đó, trong trà còn chứa lượng vitamin C dồi giàu, giúp tăng tốc độ tái tạo tế bào mới và ngăn ngừa thâm sẹo. Đặc biệt, lá trà xanh được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi sự an toàn và không gây kích ứng khi điều trị các bệnh về da.

Bạn có thể nấu lá trà tươi, rửa sạch với 2,5 lít nước trong vòng 10 phút và pha nước tắm, việc này giúp thuyên giảm các triệu chứng do viêm da cơ địa gây ra. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng liệu pháp “trong uống, ngoài thoa” bằng việc tắ m lá trà kết hợp với uống trà để giải các độc tố và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

4. Viêm da dị ứng tắm lá gì? Đừng quên lá trầu không

Lá trầu không là một loại lá phổ biến trong bài thuốc Nam, với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, loại lá này thường được sử dụng trong điều trị các bệnh viêm nhiễm ở da. Sau đây là một số lợi ích của lá trầu với sức khỏe làn da, đặc biệt là những trường hợp viêm da dị ứng:

  • Khử mùi
  • Ức chế và tiêu diệt vi khuẩn gây hại
  • Hạn chế nguy cơ gây bội nhiễm trên vùng da bị tổn thương
  • Thuyên giảm tình trạng viêm da lan rộng.

Hãy đun sôi lá trầu với 2 lít nước và tắm, giúp thuyên giảm triệu chứng của viêm da. Một mẹo nhỏ dành cho bạn là sau khi lá trầu được rửa sạch và để ráo, hãy vò nát lá trầu trước khi nấu để có thể lấy được nhiều tinh dầu trầu trong khi nấu nước.

5. Lá bàng

viêm da dị ứng tắm lá gì? 5 loại lá lành tính mà bạn không nên bỏ qua

Trong các nghiên cứu, lá bàng có chứa tanin, flavonoid, phytosterol… với công dụng giảm viêm và giúp mau lành vết thương. Vì vậy, khi tinh dầu lá bàng tiếp xúc với vùng da bị viêm trong lúc tắm có thể giúp sát trùng vết thương, tăng tốc độ hồi phục của da và đẩy lùi tình trạng ngứa ngáy, nổi mụn nước. Sau đây là tuần tự các bước chuẩn bị lá bàng để tắm:

  • Rửa sạch và để ráo nước từ 7 – 10 lá bàng non
  • Đun sôi với 1 muỗng muối và 2,5 lít nước trong 20 phút
  • Đổ ra thau và cho nước lạnh vào pha từ từ để giảm nhiệt độ nước trước khi tắm.

Viêm da dị ứng có khỏi được không khi tắm nước lá?

Việc tắm nước lá có thể giúp giảm tình trạng viêm da nhưng vẫn không điều trị khỏi bệnh. Hiệu quả của việc tắm lá thường đến chậm và cần phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài. Sau đây là một số lưu ý khi tắm nước lá:

  • Rửa sạch lá trước khi nấu nước tắm, nhằm loại bỏ hết vi khuẩn và bụi bẩn, tránh tình trạng tắm xong lại viêm nhiễm nhiều hơn.
  • Không lấy lá đắp trực tiếp lên vùng da bị tổn thương hoặc xuất hiện dấu hiệu bội nhiễm vì có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Nước tắm không được quá nóng hoặc quá lạnh vì có thể làm cho da bị kích ứng nặng hơn, khiến tổn thương lan rộng và xuất hiện bội nhiễm.
  • Bên cạnh việc tắm lá, bạn cũng nên kết hợp với điều trị dùng thuốc và chăm sóc đúng cách theo sự hướng dẫn của bác sĩ để đẩy nhanh tiến độ hồi phục của bệnh.

Mặc dù hiện nay vẫn chưa có cách chữa viêm da dị ứng dứt điểm, nhưng các mẹo dân gian được liệt kê trong bài viết trên chắc chắn có thể giúp bạn điều trị và giảm thiểu ảnh hưởng do triệu chứng bệnh gây ra.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News