Cơ Xương Khớp

Viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ

viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ

Tìm hiểu chung

Viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ là bệnh gì?

Viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ là một bệnh nhiễm trùng gây đau do các vi trùng gây ra sau khi đi qua máu từ một phần khác của cơ thể đến khớp. Viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ cũng có thể xảy ra sau khi bạn bị chấn thương đâm xuyên mang vi trùng trực tiếp vào khớp. Đầu gối thường bị ảnh hưởng nhất nhưng viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ cũng có thể xuất hiện ở hông, vai và các khớp khác. Nhiễm trùng có thể tiến triển nhanh chóng và phá hủy nghiêm trọng sụn và xương trong khớp, nên bạn cần điều trị kịp thời. Trong quy trình điều trị, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim hoặc phẫu thuật để thoát ưu khớp. Ngoài ra, thuốc kháng sinh cũng thường được dùng để điều trị các nhiễm trùng.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ là gì?

Một trong những dấu hiệu điển hình nhất và triệu chứng của tình trạng này là đau khi chuyển động bất kỳ khớp nào bị viêm. Do đó, những người bị viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ thường sẽ tránh vận động các chi và cố gắng giữ yên một chỗ. Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khác là khớp sưng, đỏ và ấm.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ?

Một số yếu tố như nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm có thể gây ra viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ. Nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus là nguyên nhân phổ biến nhất. Staphylococcus aureus thường sống trên làn da khỏe mạnh. Viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ có thể tiến triển khi có nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng da hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, lây lan qua máu để đến khớp. Các nguyên nhân ít phổ biến gồm vết thương bị hở, tiêm chích ma túy hoặc phẫu thuật trong hoặc gần khớp cũng có thể đưa các vi khuẩn vào trong khoang khớp.

Lớp niêm mạc của các khớp hầu như không có khả năng tự bảo vệ khỏi nhiễm trùng. Phản ứng của cơ thể khi bị nhiễm trùng, bao gồm viêm có thể làm tăng áp lực và làm giảm lưu lượng máu trong khớp, gây ra những tổn thương.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh nhiễm trùng khớp sinh mủ?

Nhiều chuyên gia tin rằng trẻ sơ sinh và người lớn tuổi dễ bị bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ hơn các đối tượng khác.

Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ?

Nhiều nhà khoa học tin rằng có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này. Những yếu tố đó bao gồm:

Các bệnh về khớp

Bệnh mạn tính và các tình trạng ảnh hưởng đến các khớp xương, chẳng hạn như viêm xương khớp, bệnh gút, viêm khớp dạng thấp hay lupus cũng như khớp nhân tạo, phẫu thuật khớp trước đó và chấn thương khớp đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ.

Uống thuốc điều trị bệnh thấp khớp

Cá nhân bị viêm khớp dạng thấp sẽ có thêm nguy cơ mắc bệnh do loại thuốc họ uống có thể ức chế hệ miễn dịch, khiến cho tình trạng nhiễm trùng xảy ra thường xuyên.

Chẩn đoán bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ ở những người bị viêm khớp dạng thấp là rất khó khăn vì nhiều dấu hiệu và triệu chứng có thể tương tự.

Da mỏng

Da dễ bị tổn thương và lâu lành có thể đưa vi khuẩn vào cơ thể. Bệnh về da như bệnh vẩy nến và chàm cũng như những vết thương bị nhiễm trùng trên da sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ. Những người chích ma túy thường xuyên cũng dễ bị nhiễm trùng tại chỗ tiêm.

Hệ miễn dịch suy yếu

Các cá nhân bị suy yếu hệ miễn dịch dễ bị mắc bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ, bao gồm những người bị bệnh tiểu đường, vấn đề về thận và gan, những người dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch.

Chấn thương khớp

Động vật cắn, cây đâm hoặc vết cắt ở khớp có thể tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ?

Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn gặp bệnh này, họ sẽ kiểm tra sức khỏe và yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ bao gồm:

Phân tích dịch khớp

Nhiễm trùng có thể thay đổi màu sắc, độ quánh, khối lượng và cấu trúc của chất dịch trong khớp. Bác sĩ sẽ sử dụng cây kim để rút một mẫu của chất dịch này từ khớp bị viêm, từ đó xác định sinh vật gây ra nhiễm trùng và kê thuốc phù hợp.

Xét nghiệm máu

Phương pháp này có thể xác định xem trong máu có dấu hiệu nhiễm trùng không. Bác sĩ sẽ dùng cây kim để lấy mẫu máu từ tĩnh mạch.

Xét nghiệm hình ảnh

Chụp X-quang khớp bị viêm và phương pháp xét nghiệm hình ảnh khác có thể đánh giá tổn thương của khớp.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ?

Dựa trên dẫn lưu khớp và các loại thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ điều trị viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ.

Loại bỏ dịch khớp bị nhiễm bệnh là điều cần thiết. Phương pháp dẫn lưu bao gồm:

Kim

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đâm kim vào khoang khớp và rút dịch bị nhiễm bệnh.

Nội soi

Trong nội soi khớp, bác sĩ sẽ đưa một ống soi mềm có gắn máy quay phim tại đỉnh vào trong khớp thông qua một vết rạch nhỏ. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ống hút và dẫn lưu vào thông qua đường rạch nhỏ xung quanh khớp.

Phẫu thuật mở

Ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ gặp khó khăn trong việc dẫn lưu bằng kim hoặc nội soi ở một số khớp, chẳng hạn như hông. Do đó, họ sẽ tiến hành phẫu thuật mở.

Thuốc kháng sinh

Để chọn ra thuốc có hiệu quả nhất, bác sĩ phải xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Trong thời đầu, bác sĩ thường sẽ đưa kháng sinh vào một tĩnh mạch ở tay. Một thời gian sau, bạn có thể chuyển sang kháng sinh đường uống, nếu được.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ?

Vết cắn của động vật, côn trùng và loài chân khớp (nhện và bọ ve) có thể dẫn đến viêm nhiễm, do đó bạn nên giảm thiểu tiếp xúc với các loài gây hại. Trước khi đi du lịch, bạn cần khảo sát về khu vực này để xem mình sẽ gặp phải những động vật hoang dã nào.

Bên cạnh đó, bạn có thể giảm nguy cơ viêm khớp nhiễm khuẩn bằng lối sống lành mạnh nhằm hỗ trợ hệ miễn dịch, xem xét chế độ ăn uống và cân nặng. Những người béo phì hoặc suy dinh dưỡng thường dễ bị viêm khớp nhiễm khuẩn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News