Sức Khoẻ

Viêm tai giữa ứ dịch: Hiểu rõ về việc phòng ngừa và điều trị

Việc điều trị viêm tai giữa ứ dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tình trạng sức khỏe của từng trẻ. Bệnh hiếm khi gây ảnh hưởng đến thính lực của trẻ vĩnh viễn.

Mặc dù viêm tai giữa ứ dịch là một dạng của viêm tai giữa, nhưng bệnh không phải do nhiễm trùng gây ra. Viêm tai giữa ứ dịch, còn gọi là viêm tai giữa có mủ, là tình trạng tích tụ dịch không bị nhiễm trùng trong tai giữa. Bệnh thường phổ biến ở trẻ nhỏ với nguyên nhân chính là ống Ót-tát chưa hoàn thiện.

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và triệu chứng viêm tai giữa có dịch, bạn có thể xem tại đây!

Vậy làm thế nào để điều trị và phòng ngừa viêm tai giữa ứ dịch? Mọi thắc mắc sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây.

Làm sao biết trẻ bị viêm tai giữa ứ dịch?

Nếu bạn phát hiện trẻ có các triệu chứng viêm tai giữa có dịch, hãy nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ dùng ống soi tai để kiểm tra tai trẻ có:

  • Bọt khí trên bề mặt màng nhĩ
  • Màng nhĩ mờ thay vì màng nhĩ sáng và mịn
  • Dịch phía sau màng nhĩ
  • Màng nhĩ không di chuyển khi không khí trong tai lưu thông

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị các xét nghiệm chuyên sâu hơn, chẳng hạn như đo màng nhĩ. Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ xác định lượng và độ dày của dịch tích tụ sau màng nhĩ.

Điều trị viêm tai giữa ứ dịch

Thực tế, việc điều trị viêm tai giữa có dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố và được thiết kế riêng cho từng trẻ.

Giám sát

Trong hầu hết các trường hợp, phần dịch tích tụ sau màng nhĩ sẽ tự khỏi trong vòng 4 – 6 tuần, vì vậy bác sĩ sẽ không cần điều trị cấp tính mà chỉ giám sát bệnh trong thời gian này.

Thuốc

Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa ứ dịch, phần dịch không bị nhiễm trùng nên bác sĩ sẽ không chỉ định trẻ dùng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu con bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp trên kèm theo bệnh này, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh.

Ngoài ra, thuốc kháng histamine và thuốc thông mũi cũng không có tác dụng với viêm tai giữa có dịch.

Ống thông tai ⁄ thủ thuật rạch màng nhĩ

Nếu con bạn bị viêm tai giữa có dịch kéo dài hơn 2 hoặc 3 tháng và bác sĩ lo ngại rằng việc giảm thính lực liên quan đến dịch có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lời nói hoặc hoạt động ở trường của trẻ, họ có thể đề nghị đặt ống thông tai thông qua thủ thuật rạch màng nhĩ.

Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trong màng nhĩ để thoát dịch và giảm áp lực từ tai giữa. Sau đó, họ đặt một ống thông nhỏ trong lỗ mở của màng nhĩ để cho phép không khí đi vào tai giữa và ngăn dịch tích tụ.

Thính giác của trẻ sẽ được phục hồi sau khi dịch chảy ra. Các ống thông tai thường tự rớt sau 6-12 tháng.

Phẫu thuật cắt bỏ V.A

Nếu trẻ bị viêm V.A (mô bạch huyết), bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ các V.A này. Trong một số trường hợp, cắt bỏ V.A có thể giúp điều trị viêm tai giữa có mủ.

Viêm tai giữa ứ dịch có nguy hiểm không?

Viêm tai giữa ứ dịch không liên quan đến tổn thương thính giác vĩnh viễn, ngay cả khi dịch tích tụ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nếu viêm tai giữa có dịch liên quan đến nhiễm trùng tai thường xuyên, các biến chứng khác có thể xảy ra, bao gồm:

  • Viêm tai giữa cấp tính
  • Cholesteatoma (u nang trong tai giữa)
  • Sẹo màng nhĩ
  • Tổn thương tai gây mất thính lực
  • Trẻ chậm nói hoặc có vấn đề về ngôn ngữ

Làm sao để phòng ngừa viêm tai ứ dịch?

viêm tai giữa ứ dịch: hiểu rõ về việc phòng ngừa và điều trị

Không cho trẻ uống sữa hoặc nước trong khi nằm ngửa

Một số mẹo giúp bố mẹ phòng ngừa viêm tai ứ dịch cho trẻ như:

  • Thường xuyên rửa tay cho trẻ và đồ chơi
  • Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và các chất gây dị ứng
  • Sử dụng máy lọc không khí để giữ cho không khí sạch nhất có thể
  • Cho trẻ bú sữa mẹ để chống lại nhiễm trùng tai
  • Không cho trẻ uống sữa hoặc nước trong khi nằm ngửa
  • Chỉ dùng kháng sinh khi cần thiết (có sự chỉ định của bác sĩ)
  • Cho trẻ tiêm phòng viêm phổi và cúm sẽ giúp giảm nguy cơ bị viêm tai giữa ứ dịch.

Viêm tai giữa ứ dịch là một tình trạng phổ biến và thường không gây tổn thương lâu dài. Tuy nhiên, nếu con bạn thường xuyên tái phát nhiễm trùng tai, bạn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News