Phật học

Phật ở nơi đâu? Thân Khẩu Ý của Phật là gì?

Chúng ta tự nhận là con Phật, học Phật và cầu thành Phật, hẳn cũng cần nhận rõ Thân – Khẩu – Ý của Phật là gì? Phật ở nơi đâu?

lời phật dạy, phật ở đâu, thân khẩu ý, thân khẩu ý của phật, phật ở nơi đâu? thân khẩu ý của phật là gì?

1. Phật ở đâu?

Nhà điêu khắc bậc thầy đang đứng quan sát các phiến cẩm thạch đủ loại. Trong suốt cuộc đời, ông từng học được mỗi một phiến đá đều mang vẻ “như” của nó. Tìm cho ra vẻ “như” ấy, trả nó về nét sống động thật sự của nó, chính là bí quyết thành công của ông.

Ông thường tự bảo: “Ờ há! Phiến đá kia mang hình tượng tay anh hùng bị khóa cứng ở trỏng. Phiến này có hình vị thánh. Nhưng biết tìm đâu phiến đá để tạc kiệt tác một đời đây? Ta muốn tạo pho tượng Phật thật huy hoàng”.

Ông tìm suốt bốn mươi năm “Phiến đá Phật” ấy. Bây giờ, năng lực ông đang tiêu mòn dần. Ông đã đến tận các mỏ đá tiếng tăm của thế giới: nước Ý, nơi Michelangelo khắc phiến đá bất hủ của ông, Vermont với loại đá rực rỡ dưới ánh sáng, và cả những vùng ít ai lui tới của núi rừng Trung Quốc.

Ông thăm dò chuyên gia khắp thế giới. Ông mướn một tay rất sành đá sục tìm những vùng ít ai biết. Kết quả vẫn không. Để khuây khỏa, ông tìm gặp vị thiền sư trụ trì ngôi chùa nhỏ cuối đường nhà mình. Nghe kể về cuộc tìm kiếm vô vọng, thiền sư mỉm cười:

– Chẳng khó.

Nhà điêu khắc hồi hộp hỏi dồn:

– Nghĩa là Sư có thể cho tôi biết chỗ tìm chất liệu để hoàn thành bức tượng Phật tôi hằng mơ sao?

– Đương nhiên.

– Ở đâu?

– Đằng kia.

Sư đưa tay chỉ cái giếng trong sân.

Nhà điêu khắc mừng khấp khởi chạy đến giếng, nhìn xuống. Dưới giếng, hình ông đang nhìn lại ông.

Lời bình từ câu chuyện:

Một tảng đá, một khối đất, qua bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tường của các nghệ nhân có thể được biến hóa, chuyển đổi sang bất kỳ hình dạng nào, người có, vật có, thánh nhân có, và Phật cũng có. Thật là tài tình, đáng khâm phục những con người tài hoa như vậy. Không biết họ nhìn sao đó, chạm trổ, mài đục sao đó mà từ một khối đá, một khối đất thô kệch họ có thể làm ra không biết bao nhiêu là hình tướng sai khác. Chắc hẳn là họ phải có một trí tưởng tượng vô cùng phong phú và chi li, một trí nhớ sắc sảo và sâu dày, và một sự tỉnh thức sắc bén nào đó họ mới thể tỉ mẫn trong từng nét đục, đẽo, gọt, giũa mà làm nên một tác phẩm toàn mỹ làm cho người chiêm ngưỡng khởi phát ra thật nhiều những cảm xúc, thăng hoa có, trầm lắng có, và cả những trạng thái phấn chấn, vui tươi, thêm yêu đời yêu cuộc sống cũng có.

Nhà điêu khắc trong câu chuyện trên cũng giống như bao nghệ nhân tài hoa khác luôn mong muốn có thể tạo ra một kiệt tác để đời, một kiệt tác làm lây động đến những cảm xúc sâu thẩm nhất ở người chiêm ngưỡng. Và đối tượng mà nhà điêu khắc chọn không ai khác chính là hình tượng của một vị Phật, một con người toàn hảo, vượt trên tất cả những ngôn từ mỹ miều nhất của thế gian có thể dùng để miêu tả về một vị Phật như vậy. Với kinh nghiệm lâu năm của mình, nhà điêu khắc cho rằng phải tìm được một tảng đá mà ngay với hình dạng ban đầu của nó đã có phần nào phảng phất hình dáng và sắc thái của một vị Phật. Đó là gì. Đó có thể là một gương mặt phúc hậu và hiền hòa, đó có thể là một nụ cười hàm tếu nhẹ nhàng, đó có thể là một ánh mắt từ bi, đó có thể là một tư thế an nhiên tĩnh tại… rất nhiều, rất nhiều những tưởng tượng hiện lên trong tâm tưởng của nhà điêu khắc. Ông nhìn, ông ngắm, rồi ông suy diễn, ông vẽ ra trong đầu óc mình thế nào là dáng dấp của một vị Phật, thế nào là một hình tượng tuyệt hảo để có thể tạo nên một tác phẩm thượng hạng, lưu danh muôn đời.

Nhưng thật không may cho nhà điêu khắc, tìm kiếm ròng rã suốt bốn mươi năm mà không tìm thấy được một tảng đá nào có vẻ “như” như một vị Phật mà ông vẫn hằng nghĩ tưởng. Mệt mỏi, chán chường, nhà điêu khắc bèn tìm đến gặp một vị thiền sư trụ trì ở một ngôi chùa nhỏ cuối đường nhà mình. Một ngôi chùa và một nhà sư vẫn hiện diện nơi đó, hằng ngày qua lại mà nhà điêu khắc nào có để tâm chú ý đến, bởi trong tâm tưởng ông lúc nào cũng bận rộn, lăn xăn mãi mê với những cuộc truy tìm của mình, như vậy thì thử hỏi làm sao mà ông có thể có được một cuộc viếng thăm nào đó khi ấy. Còn bây giờ thì ông gần như đã muốn buông xuôi, tuổi tác đã cao, sức lực tiêu giảm, năng lực hao mòn mà một tảng đá có vẻ “như” như một vị Phật vẫn còn đang ẩn mình đâu đó trong thế gian bao la, rộng lớn này. Biết làm sao đây, chẳng lẽ mình phải từ bỏ giấc mơ của mình hay sao, trong ông có thể đang vang vọng những tiếng lời như vậy, trong ông niềm háo hức, hy vọng đang ngày càng trôi xa, mờ ảo. Và thế là, trong những phút giây tuyệt vọng như thế, ông chỉ còn biết tìm đến một nơi bình an như một ngôi chùa nhỏ cùng vị thiền sư trụ trì.

Vị thiền sư sau khi nghe nhà điêu khắc thuật lại câu chuyện và mong muốn của mình đã vô cùng thản nhiên mà nói rằng “Chẳng khó”. Như vậy có nghĩa đối với sư thì việc tìm giúp nhà điêu khắc một tảng đá có vẻ “như” như một vị Phật là điều dễ dàng, trong tầm tay. Nhà điêu khắc nghe qua mà lòng mừng rỡ, nhiệt huyết của ông lại dâng trào, ông nôn nóng muốn biết tảng đá mà mình hằng mong muốn hiện giờ đang ở đâu. Thế là ông hỏi dồn dập nào là “Nghĩa là Sư có thể cho tôi biết chỗ tìm chất liệu để hoàn thành bức tượng Phật tôi hằng mơ sao?”, nào là “Ở đâu?”. Vị thiền sư vẫn bình thản mà chỉ tay về phía giếng nước trong sân. Và “Nhà điêu khắc mừng khấp khởi chạy đến giếng, nhìn xuống”, ông nhìn thấy gì, không có gì khác ngoài hình ảnh của chính ông đang nhìn lại ông, “Dưới giếng, hình ông đang nhìn lại ông”. Vậy tảng đá thật sự là đang ở nơi đâu, sao không thấy có tảng đá nào ở dưới giếng. Trong ông có thể có ý nghĩ như vậy ngay thời khắc ông nhìn xuống dưới giếng mà không thấy có tảng đá nào ở đó.

Nhưng chắc hẳn là liền ngay sau đó, khi mà với một sự hụt hẫng và trống rỗng đang hiện diện trong mình, nhà điêu khắc quay sang nhìn hình ảnh phản chiếu của mình dưới giếng, thì ngay lập tức toàn thể hình ảnh đó trong khoảnh khắc đã chiếm cứ toàn bộ tâm tưởng ông, đánh bạt tất cả những trạng thái cảm xúc đang có mặt. Trong nhà điêu khắc, giây phút đó, ở nơi đó, chỉ còn lại duy nhất mỗi mình ông đang đối diện với chính ông, ý niệm về không gian và thời gian dường như không còn hiện hữu, cả những niềm hy vọng, phấn chấn hay nỗi thất vọng, não nề cũng đều tan biến mất, nhà điêu khắc đang đối diện với điều gì, đó chẳng phải là một khối chất liệu có vẻ “như” như một vị Phật mà bấy lâu nay ông vẫn hằng tìm kiếm hay sao.

lời phật dạy, phật ở đâu, thân khẩu ý, thân khẩu ý của phật, phật ở nơi đâu? thân khẩu ý của phật là gì?

2. Truyện ngắn: Phật ở đâu?

Thuở xưa có anh chàng đọc kinh, nghe nói về Phật thích lắm, nhất định đi tìm cho gặp Ngài mới nghe. Anh chàng khăn gói quả mướp ra đi.

Sau khi trải qua không biết cơ man nào là núi sông, hầm hố, gian nguy hiểm trở…chàng vẫn chưa được gặp Phật giống như hình dáng trong kinh đã diễn tả: “Thân Phật sắc vàng, cao một trượng sáu, đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp hào quang sáng chói”.

Hôm nọ tại một triền non, chàng trai tình cờ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ cốt cách siêu phàm. Mừng quá chàng khẩn khoản:

– Thưa cụ, cụ có biết Phật đang ngụ ở đâu không? Xin chỉ dùm con với.

Ông lão mỉm cười:

– Ồ, chỗ nào mà không có Phật? Trên quảng đường vừa qua chả lẽ con không gặp được Ngài.

– Thưa cụ trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng phàm phu tục tử cả… con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.

Ông cụ cười ha hả:

– Chú mày ngốc nghếch thật! Chú không biết rằng cái thân đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp đó, dân Ấn đã đốt thành tro và chia nhau xây tháp thờ cúng cả rồi ư?

– Thưa thế thì Phật chết rồi sao?

– Hiện giờ đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tồi và xấu như chúng sanh vậy. Con còn có muốn gặp Ngài nữa không?

– Thưa dù với bất cứ hình dạng nào, nếu đích thực là Ngài thì con vẫn vô cùng khác ngưỡng.

– Vậy thì để ta mách nước cho con nhé… Con hãy quay về… Trên đường về, nếu gặp một người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái thì chính người đó là một hóa thân của Phật. Hãy thừa sự và cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy…

Chàng trai hối hả quay về, suốt quãng đường dài chàng không gặp đức Phật nào mang hình dáng như cụ già diễn tả. Chán nản chàng quay về nhà. Trời đã khuya, bà mẹ còn chong đèn ngồi đợi con. Nghe tiếng gọi cửa bà mừng quá, tụt xuống phản quờ quạng tìm đôi guốc rồi chống gậy tất tả ra mở cửa. Chàng trai thấy mẹ tiều tụy, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, mang lộn chiếc guốc trái qua chân mặt, guốc mặt sang chân trái.

Chàng ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào:

– Ôi! Ðức Phật yêu quý của con.

Em thân mến! Trong kinh Phật có dạy: “Gặp thời không có Phật thì hai vị Phật đáng tôn thờ là cha và mẹ của mình, phải cung kính và thờ phụng hai vị này như tôn thờ đức Phật Thích Ca và Di Lặc vậy.” Ðó là lời dạy cho hàng Phật tử tại gia.

Riêng chúng ta hàng xuất gia đã lìa bỏ cha mẹ của xác thân này và để thừa sự cúng dường tất cả chúng sanh là những cha cùng mẹ trong vô lượng kiếp của mình.

Ngày xưa, trong hàng môn đồ của Ðại sư Trí Khải – một danh tăng đời Ðường – có một vị sư nhớ nhung cha mẹ, bèn bày tỏ cùng Ngài. Ðại sư dạy:

– Là người xuất gia ông chớ nên vì cha mẹ một đời mà xao nhãng bổn phận đối với cha mẹ nhiều đời, là tất cả chúng sanh đó vậy.

Câu chuyện anh chàng đi tìm Phật trên đây do người Trung Hoa đặt ra để nhắc nhở về chữ hiếu và bổn phận làm con. Nhưng qua câu chuyện này, em có thấy rõ chỗ oái oăm của nó là chúng ta bôn ba đi tìm Phật khắp nơi, trong khi Ngài ở kề cận bên mình mà chẳng hay. Vì thế mà có lẽ khi tăng Huệ Hải hỏi Mã Tổ về Phật, Mã Tổ đáp:

– “Hệt kẻ cỡi trâu đi tìm trâu”

Em có thấy như thế không?

Trích “Hư Hư Lục” – Thích Nữ Như Thủy!

3. Thân khẩu ý của Phật là gì?

Trong Hoa Nghiêm Sớ Sao, Thanh Lương quốc sư giảng: “Xứ Ma Kiệt Đà ở phương Tây thành Vương Xá, Ấn Độ. Ma Kiệt Đà: Tàu dịch là Biến Thông Tuệ (các bậc thông tuệ khắp đầy trong nước).

Nơi hết thảy pháp thành chính giác: Giác cả sự và lý như tỉnh cả mộng và ngủ. Tự thấy mình ở khắp hết thảy pháp, khắp hết thảy chúng sinh, khắp hết thảy quốc độ. Đây là nói về không gian. (Kinh Lăng Nghiêm giảng rõ nghĩa này).

Trí vào tam thế là nói về thời gian. Quá khứ còn trẻ con, hiện tại đang lớn, mai sau sẽ già. Tấm thân bằng cơm gạo (đất) nên vô thường. Tính Phật đang thấy nghe hay biết, không trẻ không già nên gọi là bình đẳng. Chân tâm bản tính vẫn thường trụ.

Sai biệt trí (như lượng trí) thấy rõ thế gian hằng biến đổi sinh diệt, gọi là vào tam thế. Căn bản trí (như lý trí) chứng bản tính chân thường gọi là tất đều bình đẳng.

Thân tâm thế gian tuy hình tướng hư vọng nhưng bản chất chính là Phật tính thường trụ. Hai tướng Chân và Tục như nước và sóng vẫn không hai. Song chiếu như vậy là Trung Đạo.

Biển đại trí hằng tại thế gian, bạc phước chúng sinh không biết cứ cho là cao xa bí mật, tự cam vô phần. Phật rất xót thương.

Thân Phật

“Thân sung mãn tất cả thế gian”: Pháp thân như hư không. Trí thân như ánh sáng mặt trời hòa khắp hư không. Sắc thân như vầng mặt trời tròn. Mặt trời vẫn đứng yên. Vì quả đất vần xoay nên ta tưởng như mặt trời có mọc có lặn. Sắc thân Phật nay đã Niết-bàn nhưng pháp thân Phật như hư không vẫn thường trụ, viên biến. Nghĩa là ở mỗi mảy bụi, Phật vẫn đang có mặt. Phật hiện tại đang sung mãn khắp pháp giới như hư không không chỗ nào vắng mặt.

Văn các kinh thường nói: Phật thường trụ ở khắp mười phương, không đến không đi, toàn thân xứ xứ đều đầy đủ.

Phật có 10 thân: pháp thân, báo thân, hóa thân, bồ đề thân (thân nói ở đoạn trên rút ở kinh Hoa Nghiêm), nguyện thân, trí thân, lực trì thân, như ý thân, tướng hảo thân, phước đức thân.

Khẩu Phật

Âm thanh khắp thuận mười phương quốc độ:

a) Một lời diễn nói tất cả các loài đều hiểu.

b) Một lời diễn nói vô biên nghĩa.

c) Âm thanh vang xa mười phương đều nghe.

Ý Phật

Thí như hư không bao gồm các sắc tướng, đối với các cảnh giới không phân biệt:

1. Đại viên cảnh trí vô phân biệt, hành tướng sở duyên vi tế khó biết. Như gương lớn hiện chúng sắc tướng, Phật thấy rõ tất cả tâm niệm chúng sinh.

2. Bình đẳng tính trí quán tất cả pháp đồng thể Phật tính nên hằng đại từ đại bi, tùy chỗ chúng sinh cần dùng mà hiện thân hiện cảnh để hóa độ.

Đại viên cảnh trí vô phân biệt như gương vô tâm soi chiếu. Bình đẳng tính trí vô phân biệt như ánh sáng mặt trời hòa với hư không. Vì không đối tượng nên gọi là không phân biệt (nhưng vẫn biết rõ ràng). Lại như hư không khắp cùng tất cả, bình đẳng vào trong các quốc độ.

3. Diệu quan sát trí khéo quán các pháp tự tướng (viên thành thật) cộng tướng (y tha khởi) nên chẳng gì không khắp biết. Trí này năng hiện vô biên thần thông.

4. Thành sở tác trí thị hiện 5 căn đủ thứ biến hóa khắp mười phương để lợi ích hữu tình.

Hai dụ hư không thành 4 nghĩa: a) Bao hàm và phổ biến là sai biệt trí (đại bi). b) Vô phân biệt và bình đẳng tùy nhập là căn bản trí khiến chứng nhập Chân như.

5. Pháp giới thể tính trí tịnh hóa hoàn toàn được vô minh ảo tưởng, nhận biết vạn pháp theo đúng bản chất thật của chúng. Vô minh hay hiểu biết sai lầm chính là sự tin tưởng một cách tuyệt đối, cho rằng vạn pháp đều đang tồn tại chắc thực như cách chúng ta đang nhận biết.

Trí tính và sắc tính đồng một pháp thân. Khắp tất cả chỗ, sắc hiện ra không có hạn lượng. Tùy chúng sinh tâm, Phật thị hiện mười phương thế giới, vô lượng hóa thân, vô lượng trang nghiêm. Chân như dụng tự tại, tâm thức phân biệt của phàm phu chẳng thể biết. Nhưng nếu học Phật pháp thì có thể hiểu.

Đã hơn 2500 lần nhân loại làm lễ kỷ niệm Phật thành đạo, bởi Ngài đã khám phá ra nguồn nhân sinh tử nên phát minh phương cách giải thoát rất giản dị. Trước hết dùng ý thức quan sát phân biệt chính tà chân vọng. Chỉ quán song tu, ý thức chuyển thành Diệu quan sát trí. Mạt na được thức tỉnh, thoát phiền não thành Bình đẳng tính trí. Tạng thức hết mê mờ là Đại viên cảnh trí. 5 thức trước thay vì tạo nghiệp, từ nay làm việc gì cũng vâng theo Trí tuệ và Từ bi nên được tên là Thành sở tác trí. Rõ ràng nếu quay về tu 3 vô lậu học (giới định tuệ) thì tất cả chúng sinh đều có thể đầy đủ Trí tuệ Như Lai. Bởi vì Phật tính chính nhân ai ai cũng sẵn có.

Chúng ta tự nhận là con Phật, học Phật và cầu thành Phật, hẳn cũng cần nhận rõ Thân – Khẩu – Ý của Phật là gì? Phật ở đâu?

(Trích bài giảng “Đức Phật Thành Đạo” Tỳ-kheo-ni Hải Triều Âm toát yếu)

Nguồn: Tamhuongphat.com!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News