Phật học

Bài học sâu sắc từ câu chuyện vị hòa thượng lấy tâm từ bi để trị ác duyên

Câu chuyện về vị hòa thượng lấy tâm từ bi để trị ác duyên sau đây mang lại cho ta bài học sâu sắc và cả kinh nghiệm để hành xử với người gây cho ta đau đớn, tổn thương.

bài học cuộc sống, lời phật dạy, bài học sâu sắc từ câu chuyện vị hòa thượng lấy tâm từ bi để trị ác duyên

Chuyện vị hòa thượng không có chỗ trú mưa

Một ngày vị hòa thượng già nọ đi về nhà lại gặp mưa gió, sấm chớp bão bùng. Vì mưa quá to nên đành tới một trang viên rất rộng lớn đang xuất hiện trước mắt mình để xin trú nhờ một đêm.

Người canh giữ cổng nghe thấy tiếng gõ cửa liền mở và nói: “Ông chủ tôi không có duyên với các tăng ni, mong ông đi khỏi, hãy tìm chỗ khác mà trú ẩn”.

Vị hòa thượng nài nỉ: “Trời mưa to quá, xin cho tôi trú tạm một đêm, sáng mai tôi đi ngay. Cực chẳng đã vì quanh đây cũng không có nhà nào cả”.

Người hầu thương cảm nên bảo để hỏi xin ông chủ xem thế nào. Lát sau người này quay ra: “Xin lỗi ngài, ông chủ không đồng ý, mong ngài đi cho”.

Vị hòa thượng già vẫn tiếp tục: “Vậy xin phép cho tôi nghỉ ở dưới mái hiên này tạm một đêm có được không?”. Nhưng thứ ông nhận được là cái lắc đầu lạnh lùng. Vị hòa thượng hỏi tên chủ của trang viên rồi cứ thế lao vào trong mưa để chạy về chùa.

Một thời gian sau, ông chủ của trang viên có vợ kế và muốn chiều lòng vợ nên ông đưa bà lên chùa cầu phúc. Vừa đến cổng chùa, ông nổi giận khi thấy họ tên mình trên tấm bảng đặt ở nơi dễ nhìn thấy. Ông bèn hỏi thăm một vị tiểu hòa thượng và được nhận câu trả lời:

– Đây là do sư trụ trì của chúng tôi ghi vì có một lần thầy phải đội mưa về vì có một vị tên là như thế đã từ chối không cho ông trú mưa. Theo trụ trì thì hai người đã không kết được thiện duyên nên ghi tên của vị đó lên tấm bảng này. Mỗi ngày trong lúc tụng kinh, sư trụ trì cũng cầu khấn cho vị đó, hy vọng rằng có thể cùng vị này hóa giải oán duyên.

Ông chủ trang viên nọ nghe xong câu chuyện mới nhớ ra mình từng từ chối vị trụ trì nên cảm thấy hối hận vô cùng, Từ đó, ông nguyện chu cấp cho nhà chùa, cũng thường xuyên đến hương khói quanh năm.

Hãy lấy tâm từ bi để trị cái ác

Có thể thấy, qua câu chuyện trên, vị hòa thượng già mặc dù bị đối xử không tốt, không thiện nhưng vẫn dùng lòng từ bi mà đối đãi lại.

Và chính Đức Phật đã thường xuyên nhắc nhở chúng ta dùng lòng từ bi để đối đãi với mọi người không chỉ có thể hóa giải mọi ân oán mà còn tạo phúc đức cho bản thân mình và cho người.

Đức Phật luôn nhấn mạnh nếu ta muốn điều hòa cuộc sống này chúng ta phải tập tức là tập “Từ – Bi – Hỷ – Xả” để nhẫn nhịn và vui vẻ tha thứ cho người khác.

Trong đó “Từ” là cho đi niềm vui. “Bi” là lòng thương xót trước nỗi đau khổ của chúng sinh. “Đồng thể đại bi” là thấy người khác chết đuối phải xem như chính mình bị chết đuối, thấy người khác đói như chính mình bị đói, thấy người khác khổ như chính mình gặp khốn khó.

bài học cuộc sống, lời phật dạy, bài học sâu sắc từ câu chuyện vị hòa thượng lấy tâm từ bi để trị ác duyên

Lấy ác để trị ác là sai lầm

Ta chẳng thể nào nhớ nổi sau bao nhiêu lần luân hồi, chuyển kiếp ta đã gieo ác duyên, làm hại bao nhiều người. Đó là lý do ở đời này ta có thể gặp chuyện trái ngang, có người đối xử tệ bạc với ta cũng bởi vì kết duyên từ quá khứ.

Thế nhưng nếu ta vin vào việc người ta gây tổn thương cho mình mà hận thù, oán giận, tìm cách dùng ác trị ác thì quả là sai lầm. Chính sự hận thù tương tác qua lại như thế mới gây ra khổ đau cho nhân loại.

Từ việc nhỏ bé gây đổ vỡ mất hạnh phúc với bạn bè, đồng nghiệp, anh em,… cho tới việc khủng bố hay chiến tranh giữa các phe phái, tất cả đều xuất phát từ sự oán hận đang nằm sâu trong thâm tâm mỗi người.

Chính như thế mà từ thời tiền cổ đến bây giờ, chuyện giết chóc chiến tranh luôn xảy ra không ở nơi này thì sẽ nơi khác và rất khó chấm dứt. Do đó lấy ác trị ác không thể trị tận gốc được.

Ta phải hiểu được cảnh khổ của việc cứ sống mãi trong cái ác từ đời này sang kiếp khác để sớm nhận ra rằng chỉ có dùng lòng từ bi để xóa đi, diệt đi lòng sân hận oán hờn. Vì thế mỗi chúng ta cần có lòng từ bi để hóa giải tất cả.

Khi một người dùng tâm từ bi của mình để cảm hóa người khác thì năng lượng từ thiện tâm còn mạnh mẽ gấp vạn lần, nên tư bi là sức mạnh vạn năng hóa giải hoàn toàn ác duyên, lại tạo ra thiện duyên vô cùng…

Nếu mỗi người biết áp dụng lòng từ bi, chắc rằng sự thù hằn độc ác sẽ giảm đi, đâu còn việc đầu độc oán hờn vương khắp nơi nữa. Nếu mọi người đều có lòng từ bi, đâu còn cảnh tạo bất an chèn ép bức đọa con người, gây khủng bố chiến tranh chết bao sinh mạng.

Lấy khoan dung để tiếp nhận thái độ công kích của đối phương, lấy nụ cười đáp lại lời châm biếm, lấy nhường nhịn cảm hóa sự chế giễu, lấy bao dung đối đãi với khuyết điểm và sự hiểu lầm của người khác, từ đó mà biến ác duyên thành thiện duyên. Không nóng nảy bực bội, nhẫn nhịn không tranh cãi, thương cảm với nỗi khổ của người khác, thản nhiên không lo không sợ, từ bi và tường hòa, ấy chính là tâm thái vĩnh hằng của bậc giác giả.

Từ bi là biểu hiện của trí tuệ

Người xưa từng khuyên răn:

Lấy oán báo oán, oán ấy chất chồng

Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan.

Nhan Hồi cũng từng nói: “Người thiện với ta, ta cũng thiện, người không thiện với ta, ta cũng thiện”. Đức Phật dạy: Hãy tha thứ cho người làm tổn thương bạn, bởi đó đều là người tới để độ bạn!

Lấy đức báo oán, thiện hóa người khác, đây chính là tấm lòng người hiểu biết, của bậc trí thức, chí nhân quân tử. Để phát huy được lòng từ bi, trước hết ta phải biết nhẫn để không còn cảm thấy đau thương mà người đã gây ra cho ta, không những thế ta cần khả năng thấu cảm với nỗi khổ của người khác, để cảm thông cho việc họ đã làm.

Ta cũng phải hiểu rằng làm người ai cũng có Phật tính trong người để tìm cách giúp họ hồi tâm chuyển ý, biết ăn năn sám hối. “Nhân chi sơ – tính bổn thiện”, con người vốn sẵn có đầy đủ Phật tính, nhưng họ cần đúng người khơi gợi Phật tính họ ra.

Thế nên ta cần biết dùng tâm từ bi của bản thân để cảm hóa đối phương đó mới là cách hành xử của người hiểu biết. Lấy lòng khoan dung để tiếp nhận thái độ công kích của đối phương, một nụ cười đáp lại lời châm biếm, hay lấy nhường nhịn cảm hóa sự chế giễu cũng như lấy bao dung đối đãi với khuyết điểm và sự hiểu lầm của người khác.

Thay vì phản ứng với những thách thức trong cuộc sống từ thế khó chịu và tự vệ, lòng từ bi sẽ giúp cuộc sống của bạn có thể nhẹ nhàng cũng như hài hòa hơn. Khi có lòng từ bi, mọi người sẽ chung sống trong cảnh hòa bình an lạc, tâm an, ấy chính là cái tâm thái vĩnh hằng nhất.

TH!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News