Phong Thuỷ

Vì sao cửa nhà Phật cấm rượu? Quan điểm của Phật giáo việc cấm uống rượu

Hầu hết mọi người đều biết cấm rượu là 1 trong 5 điều ngũ giới của Phật giáo, nhưng chính xác vì sao cửa nhà Phật cấm rượu thì ít ai hiểu rõ. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của mọi người về vấn đề này.

bài học cuộc sống, lời phật dạy, vì sao cửa nhà phật cấm rượu? quan điểm của phật giáo việc cấm uống rượu

1. Câu chuyện về lý do vì sao cửa nhà Phật cấm rượu

Câu chuyện thứ 1:

Khi Đức Phật còn tại thế, một hôm Ngài đến ấp Bạt Đà La Bà Đề của nước Chi Đề để giáo hóa. Vùng đât ấy có một con độc long gọi là Am Ba La Đề Đà vô cùng hung dữ và bạo ác.

Không có một ai dám đến gần khu vực con độc long đó, ngay cả những loài thú to như voi, trâu, bò, ngựa… cũng chẳng dám. Thậm chí những loài chim bay liệng trên trời cao cũng không dám bay qua vùng trời trên đầu con độc long.

Các loại hoa màu, lúa thóc, hoa quả chín đều bị độc long phá hoại. Người dân căm phẫn lắm nhưng không làm gì được.

Trong số những người đi theo Đức Phật, có một vị trưởng lão tên là Sa Dà Đà. Vị này thường cúng Phật nên khi nghe thấy Đức Phật Thế Tôn đến nơi này giáo hóa, ông cũng xin đi cùng.

Nghe đến vùng đất Chi Đề có độc long hung ác, trưởng lão Sa Dà Đà đã xin Đức Phật cho phép đi hàng phục nó để giúp dân chúng và muông thú được yên ổn.

Sự xuất hiện của trưởng lão khiến độc long vô cùng giận dữ, vì xưa nay chưa có ai dám đến chỗ của nó. Lập tức nó phóng ra những làn khói độc khiến không khí cả một vùng bị ô nhiễm. Trưởng lão bình lĩnh hóa giải hết đám khói độc của độc long.

Thấy vậy, độc long càng thêm sinh hận, nó dùng phép thần thông phóng ra lửa khiến cả vùng ấy chìm trong biển lửa nhưng trưởng lão vẫn có phương pháp ngăn cản độc long.

Đến khi độc long dùng hết sức lực và bản lĩnh hóa ra một trận mưa tên và rắn rết tấn công trưởng lão. Trưởng lão liền dùng phép thần của mình biến những thứ ấy thành Ưu Bát La Hoa và thân thể ông không hề bị tổn hại.

Bấy giờ, biết không phải là đối thủ của trưởng lão, độc long đã đến trước trưởng lão tự nguyện quy y Tam Bảo, trở thành đệ tử cửa Phật, không làm những việc hung ác như trước nữa.

Việc trưởng lão hàng phục được độc long, mang lại sự yên vui cho người dân và muông thú đã giúp thanh danh của ông vang xa và nhận được sự kính ngưỡng của mọi người.

Khi ấy, có một nữ Phật tử vô cùng nghèo đói nhưng rất kính tin trưởng lão. Nàng xin thỉnh trưởng lão đến nhà để cúng dường cho ông một bát cháo, sữa, ngoài ra còn có một thứ rượu có màu trắng như nước.

Trưởng lão nhận lời và trong lúc bất cẩn đã uống chai rượu đó. Sau khi uống xong, trưởng lão vẫn tiến hành thuyết pháp với nữ Phật tử. Xong việc, nữ Phật tử tạ lễ và mời ông về tịnh xá nghỉ ngơi.

Trên đường về gần đến tịnh xá, vì ảnh hưởng của men rượu nên trưởng lão té nhào ngay ngoài cửa, đồ đạc quần áo lộn xộn. Trưởng lão say nhừ không còn biết điều gì.

Đức Phật biết chuyện liền bảo ngài A Nan tập hợp mọi người lại và thuyết giảng về việc trưởng lão đã có công diệt trừ độc xong.

Thuyết xong, Ngài hỏi mọi người: “Trong lúc hàng phục độc long ông ấy oai phong bao nhiêu, giờ vị Sa Dà Đà này còn hàng phục được nổi một con rắn nhỏ hay con tôm không?”

Chúng đệ tử đồng thanh đáp: “Không thể”.

Phật dạy: “Ông Sa Dà Đà là một vị thánh nhân mà sau khi uống rượu còn trở nên như vậy, huống chi là người thế tục thông thường. Thế cho nên từ đây về sau, nếu là đệ tử cửa Phật thì nhất quyết không được uống rượu.

Không cần biết là nhiều hay ít, chỉ cần một chén nhỏ hay một giọt trên đầu ngọn cỏ cũng không được uống. Nếu uống tức là phạm tội.”

Câu chuyện thứ 2:

Thêm một câu chuyện nữa về lý do vì sao cửa nhà Phật cấm rượu được lưu truyền như sau:

Xưa kia, có một vị Phật tử luôn tuân thủ theo ngũ giới của Đức Phật Như Lai vô cùng cẩn thận.

Một hôm, người này có việc phải đi xa, khi trở về thấy mọi người trong nhà đều đi vắng, lại do đường xá xa xôi vô cùng cực nhọc nên người này đang khát nước vô cùng. Trong lúc tìm nước, người này phát hiện ra một chai rượu trông giống như chai nước đặt trên bàn.

Đương cơn khát, vị Phật tử tưởng là nước nên uống liền một hơi. Uống xong, đầu óc choáng váng, không còn minh mẫn, người Phật tử này còn sinh ra suy nghĩ chi bằng đi bắt gà về thịt ăn một bữa no nê.

Sau khi ăn xong, thấy cô gái bên nhà hàng xóm đi tìm gà và còn hỏi mình có thấy gà của cô đâu không, vị Phật tử trả lời: “Tôi không thấy gà của cô đến đây”. Chẳng những nói dối, người đó còn làm ra hành vi phi lễ với cô gái.

Thế là một lần uống rượu, ngũ giới của nhà Phật đều bị ông ta phá hủy hết.

Thế mới thấy tội lỗi do rượu gây ra lớn biết chừng nào. Cho nên Phật tử mới bị cấm động chạm đến dù chỉ một giọt rượu cũng là vì thế.

2. Quan điểm của Phật giáo về rượu và việc cấm uống rượu

Trong Phật giáo, rượu là 1 trong 5 điều thuộc ngũ giới (5 điều cấm) với các đệ tử Phật giáo.

Ngũ giới đó bao gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không sử dụng rượu cùng các chất kích thích.

Thực tế, Đức Phật không hề đặt ra những giới cấm này một cách tùy tiện hay phù hợp với những tập quán xa xưa, mà do Ngài dùng tuệ nhãn của mình hiểu ra rằng, những thứ đó rồi sẽ dẫn con người đến với những điều tai hại và bể khổ vô biên.

Trong đó, giới cấm thứ 5 tức không uống rượu không có nghĩa là tiết chế hay không uống nhiều rượu. Mà là cấm tuyệt đối đụng vào rượu.

Đức Phật dạy rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ giới Bồ Tát mà lại có tâm cố ý uống rượu thì là điều tuyệt đối không thể chấp nhận được. Vì như vậy là trái với tư cách của một vị Bồ Tát. Vì rượu là vực sâu của tội ác, là cửa ngõ sanh tử họa hại. Khi đã uống rượu vào thì dễ tạo các tội lỗi.”

Theo quan điểm của Phật giáp, rượu chính là thứ tai hại khiến người ta lu mờ trí tuệ (si mê), đánh mất lòng từ bi (do sân hận). Mà trí tuệ lại là thứ dẫn dắt con người đi đến cuộc sống an lạc, nhận thức sự giác ngộ, sám hối để giải thoát.

Trong kinh Trung A Hàm đã nói: “Phàm là người uống rượu đều có 6 điều lỗi: 1 là mất của, 2 là sinh bệnh, 3 là gây gổ đánh nhau, 4 là mang tiếng xấu, 5 là khởi tâm sân si, 6 là trí tuệ ngày càng lu mờ.”

Đức Phật nhấn mạnh người đệ tử cửa Phật cần kiên quyết bỏ rượu. Khi uống rượu vào, người Phật tử sẽ không còn giữ được sự sáng suốt, trở nên nổi nóng, dễ bị kích động, mất bình tĩnh, không kiểm soát được hành vi, ngôn ngữ. Từ đó dễ phạm giới, gây ra các nghiệp bất thiện.

3. Vì sao cửa nhà Phật cấm rượu?

Phật giáo cấm rượu, nguyên nhân chủ yếu là vì rượu vào khiến tâm tính con người trở nên mê loạn.

Lời Phật dạy rằng, rượu chính là cửa sinh các họa hoạn. Say rượu có thể sai khiến con người phạm phải các giới như: sát (xô sát, hành hung người khác); dâm (tà dâm, dâm loạn trong các mối quan hệ ngoài luồng); vọng ngữ (chửi bới, mắng nhiếc, xúc phạm người khác); đánh mất tư cách đạo đức.

Đức Phật răn dạy, người Phật tử nghiện rượu sẽ không thể tu tâm dưỡng tính, không phát triển được những giá trị đạo đức và tâm linh. Mê đắm trong rượu chè tức là rơi vào nguy cơ từ bỏ tu hành.

Nghiện rượu sẽ khiến người ta không còn cảm thấy hổ thẹn hay sợ hãi về những chuyện thiếu đạo đức mà mình đã làm. Một khi tâm không tịnh thì sẽ không đưa được trí tuệ đến an lạc, không thể giải thoát bản thân khỏi khổ đau ở hiện tại lẫn tương lai.

TH!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News