Kiêng Kỵ

Những kiêng kỵ khi đi biển của ngư dân để có một chuyến đi an toàn

Kiêng kỵ khi đi biển: Một số từ ngữ cấm kỵ của dân biển

Khi đi biển, trong các cuộc nói chuyện trên thuyền tuyệt đối phải tránh sử dụng các từ như lật, úp, chìm, gãy, đứt,… Với ngư dân, những từ này sẽ gợi lên điều không hay cho “ngôi nhà trên biển” của họ.

Khi dùng bữa, tuyệt đối không lật thức ăn ví dụ như lật cá khi ăn hết một mặt vì việc làm này sẽ làm liên tưởng đến hình ảnh lật thuyền. Sau bữa ăn, các từ như đổ, vứt, ném,… các thức ăn thừa xuống biển cũng không được sử dụng vì như thế là đang bội ơn với “ông cậu bà cậu” tức thần Nam Hải, là vị thần tối cao của dân đi biển.

Người dân biển có quan niệm rằng thần Nam Hải sẽ là người quyết định việc ngư dân có khai thác được nhiều hải sản hay không, có thuận buồm xuôi gió hay không. Ngay cả tên gọi thần Nam Hải, ngư dân cũng tránh không gọi  vì sợ phạm húy mà thay thành cách gọi “ông cậu bà cậu”. Thần cho mà đem vứt, đổ thì lần sau thần sẽ không cho nữa. Vậy nên, bạn phải dùng các từ như “gửi”, “nhờ” để thay thế cho những từ không may ấy.

Không nên gọi thẳng cá heo, cá voi mà phải gọi là cá ông. Càng tuyệt đối không nhắc đến việc giết thịt các loài cá này vì chúng được cho là hiện thân của vị thần Nam Hải. Những người ngư dân rất tôn thờ hai loại cá này, vậy nên, khi nghe những câu chuyện huyền bí về loài cá ông thì bạn cũng đừng vội cười.

kiêng kỵ, những kiêng kỵ khi đi biển của ngư dân để có một chuyến đi an toàn

Rùa biển cũng là sinh vật biển linh thiêng mà dân biển tuyệt đối không được ăn

Những kiêng kỵ khi đi biển về thuyền và lưới đánh cá

Thuyền và lưới đánh cá được đặc biệt chú ý mỗi khi ra khơi vì đây là hai thứ quan trọng nhất của ngư dân. Trước khi ra khơi, người dân sẽ phơi lưới, bặn mành. Lúc này, tất cả mọi người tuyệt đối không nên đi qua dưới giàn mành. Phải có một người đi trước dẫn đường khi khiêng giàn lưới xuống ghe, thuyền để tránh có người đi qua phía trước mặt cũng như kiêng gặp phụ nữ có thai dọc đường.

Con thuyền chính là phương tiện quan trọng nhất đối với người dân biển. Nó không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là nơi cư trú, là mái nhà của họ trong những ngày tháng lênh đênh trên biển. Chính vì vậy, nhiều người đã xem tàu, thuyền như một vị thần.

Thông người, người ta sẽ không dùng gỗ Lim để đóng thuyền vì loại gỗ này được cho là loại gỗ linh, dùng trong xây dựng miếu thờ, đình đền. Vì vậy, đóng thuyền bằng gỗ Lim chính là đang động chạm đến chốn linh thiêng.

Nhiều tàu, thuyền đánh cá cũng không cho người lạ, đặc biệt là phụ nữ đang đến kỳ kinh nguyệt lên thuyền vì sợ sẽ ảnh hưởng đến chuyện làm ăn hay làm vấy bẩn lên những vật dụng đánh bắt.

Mũi thuyền chính bộ phận quan trọng nhất, là nơi linh thiêng nhất của con thuyền vì nơi này sẽ được ngư dân đặt bàn cúng mỗi khi xuất bến và về bến. Vậy nên, có một số kiêng kỵ ở vị trí này như chỉ có thuyền trưởng mới được phép bước lên mũi thuyền hay không ai được đặt chân lên cây xỏ – cây gỗ được đóng ở trước mũi thuyền. Ngoài ra, khi ở trên tàu, thuyền nếu muốn đi vệ sinh thì phải đi bên “đốc” tức là bên phải chứ không được đi bên “lái” tức bên trái thuyền.

kiêng kỵ, những kiêng kỵ khi đi biển của ngư dân để có một chuyến đi an toàn

Những điều kiêng kỵ khi đi biển đã được truyền đời từ này sang đời khác chỉ mong mọi việc được thuận buồm xuôi gió

Những kiêng kỵ vào trước ngày đi biển

Đêm trước khi lên thuyền rời bến, tất cả thuyền trưởng và thuyền viên đều không được quan hệ tình dục. Nếu có thì phải bơi hoặc lội từ bờ ra nơi thuyền neo đậu, rồi mới được lên thuyền để gột rửa những điều không hay. có nhiều chủ thuyền còn đặt một bếp than đỏ lửa ở ngay trên bờ. Những người trước khi lên thuyền đều phải bước qua bếp than lửa ấy để “đốt” hết những điều không may đang còn bám theo bạn.

Trước khi đi biển, ngư dân thường sẽ tránh gọi hoặc nghe thấy tên các loại vật hung dữ như con khỉ, con cọp, con rái hay tên của các loài cá dữ vì họ tin rằng điều này sẽ giúp tránh được xui xẻo. Tránh đi qua dây phơi quần áo hay chui qua võng khi bưng thúng đựng lưới và dây câu để tránh sự ô uế.

Những kiêng kỵ khi đi biển

Vào ngày ra khơi đầu tiên trong năm, nhổ neo khi có thuyền khác đang đi ngang trước mặt là một việc rất kỵ của người dân miền biển. Họ quan niệm rằng, điều này báo hiệu cho sự thất bát của cả năm. Trên đoạn đường khoảng 1km khi đã rời bến ra khơi cũng cần tránh sự va chạm với một ghe, tàu, thuyền khác. Khi đánh bắt cá nếu không đánh bắt được nhiều, ngư dân sẽ tiến hành nhuộm lại lưới, làm phép xông hơi, dọn rửa ghe, thuyền và bày lễ vật để giải trừ xui xẻo.

Khi đi biển, họ thường không thích thuyền của người khác vượt lên trước thuyền của mình. Vì như vậy có nghĩa là chiếc thuyền kia đã lấy mất những may mắn của chuyến đi này của họ. “Sụp sạp” (sạp là một tấm ván trên tàu) cũng là một kiêng kỵ khi đi biển của ngư dân. Họ quan niệm rằng nếu đi trên ván mà bị sụp chân xuống dưới thì chuyến đi biển đó sẽ thành “xôi hỏng bỏng không”.

Người ngồi ở mũi thuyền phải luôn hướng mặt nhìn về phía trước chứ tuyệt đối không được mặt ra sau. Việc quay mặt ra sau thể hiện sự tiếc nuối, lưu luyến, vĩnh biệt đất liền. Họ quan niệm rằng việc làm này có thể mang đến nhiều bất trắc.

Ngoài ra, dân biển rất kiêng việc làm rơi dao làm cá xuống biển. Nếu chẳng may làm rơi thì phải làm một con dao khác bằng cây hoặc giấy bìa, sơn vẽ lên để giống như một con dao thật. Sau đó làm lễ vái tạ và ném con dao ấy xuống nước.

kiêng kỵ, những kiêng kỵ khi đi biển của ngư dân để có một chuyến đi an toàn

Kiêng kỵ cũng chỉ với mong muốn mỗi chuyến ra khơi đều sẽ bình an trở về và đánh bắt được nhiều sản vật

Phần kết

Tín ngưỡng và những kiêng kỵ khi đi biển phía trên đều nhằm cầu mong sự bình an và  may mắn, thuận lợi đến với mình của những người sống ở nơi đầu sóng ngọn gió. Đồng thời, đây cũng là cách họ thể hiện tình yêu thương đến con thuyền và biển cả.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News