Phong Thuỷ

Những lưu ý khi sử dụng vật phẩm phong thủy nhà ở, kinh doanh

Chúng ta đã rất quen thuộc với hình ảnh các vật phẩm phong thủy xuất hiện ở nhà ở, văn phòng, nơi kinh doanh… Tuy nhiên hầu như ta chưa hiểu hết được tác dụng của vật phẩm, cũng như cách sử dụng sao cho đúng cách.

Tác dụng của vật phẩm phong thủy

Mỗi vật phẩm có một tác dụng riêng, tuy nhiên tất cả đều có ý nghĩa chung là “hỗ trợ” phong thủy của ngôi nhà tốt lên. Ta luôn nhớ vật phẩm chỉ có tác dụng “hỗ trợ” chứ không có vai trò quyết định đến phong thủy của ngôi nhà.

Bản chất của ngôi nhà, nếu muốn có phong thủy tốt, phải đảm bảo đúng các nguyên tắc bố trí, thỏa mãn các trường phái hình thế và lí khí. Nghĩa là phải bố trí: cổng, cửa, bếp, phòng ngủ, phòng thờ, phòng làm việc, cầu thang… đúng tọa, hướng và phù hợp với cảnh quan trong và ngoài căn nhà.

Nói dễ hiểu hơn, phong thủy ngôi nhà như cơ thể của con người. Cơ thể để được khỏe mạnh phải thỏa mãn: lối sống điều độ, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, ăn uống khoa học, tinh thần thoải mái…

Còn vật phẩm phong thủy như những viên thuốc, có thể giúp chữa trị, hoặc đóng vai trò như thực phẩm chức năng để bổ trợ thêm cho cơ thể khi cần. Khi dùng thuốc phải dùng đúng loại, đúng bệnh, đúng liều lượng, đúng thời gian,… thì mới phát huy hiệu quả tối đa. Đồng thời, không nên quá lạm dụng vào vật phẩm, vì thuốc dễ đi kèm với tác dụng phụ.

Mỗi ngôi nhà, mỗi con người lại có cách xử lí vật phẩm khác nhau nên cần có sự hướng dẫn từ các chuyên gia phong thủy, họ là những thầy thuốc để kê đơn thuốc phù hợp với bạn nhất. Để bắt được bệnh, cần có siêu âm, xét nghiệm… người thầy phong thủy cũng vậy, họ cần đo đạc, tính toán để có phương án tối ưu. Vậy, không nên tùy tiện sử dụng vật phẩm mà phải thực hiện đúng các lưu ý sau:

những lưu ý khi sử dụng vật phẩm phong thủy nhà ở, kinh doanh

Lưu ý khi sử dụng vật phẩm phong thủy cho nơi ở, kinh doanh

– Sử dụng đúng vật phẩm cho đúng mục đích. Ví như hồ nước có tác dụng kích hoạt tài lộc, thì không thể dùng với mong muốn tốt cho sức khỏe.

– Một số vật phẩm phải được khai quang, điểm nhãn, trì chú, đặc biệt là các linh vật như: tỳ hưu, thiềm thừ, long quy… hoặc tượng thần tài, thổ địa, quan công, phật di lặc, lư hương…Mục đích của việc làm này, nhằm để thổi linh khí vào vật phẩm, khi đó vật phẩm sẽ được gắn liền với từng chủ nhân và hỗ trợ chủ nhân đạt được những lời nguyện như ý nghĩa của từng vật phẩm. Nếu không được khai quang, vật phẩm đó chỉ như đồ dùng trang trí. Việc khai quang cần nhờ những người có năng lực như thầy phong thủy, sư thầy tại chùa thực hiện, để đạt hiệu quả tốt nhất.

– Vật phẩm phải được nạp cốt. Ngoài khai quang, điểm nhãn, trì chú, để đem lại linh khí, cần có thêm bước nạp cốt. Cốt thường dùng là cốt thất bảo, tổng hợp của bảy bảo vật quý hiếm của trời đất, gồm: vàng, bạc, thạch anh, ngọc trai, ngọc xanh, đá mã não, san hô. Thường các vật phẩm đều có lỗ dưới đáy hoặc bên hông, bảy loại bảo vật này được nhét vào bên trong vật phẩm để tăng tính linh nghiệm.

– Vật phẩm đem về phải được bao sái, tẩy uế. Đây là công việc lau chùi, làm sạch vật phẩm. Nên dùng nước ấm, rượu gừng hoặc nước ngũ vị hương (chuyên dùng để tẩy uế chứ không phải ngũ vị hương dùng trong ẩm thực) để nhúng khăn vào lau chùi. Khăn và chậu cũng phải sạch sẽ, dùng riêng cho phong thủy thờ cúng.

– Vật phẩm phải đặt đúng vị trí chứ không phải đặt chỗ nào cũng hiệu quả, nếu đặt sai vị trí có thể gây tác dụng ngược. Giả sử bạn muốn đặt đá thạch anh để cửa hàng có thật nhiều khách, bạn phải đặt đá ở những vị trí có sao sơn tốt trong phong thủy huyền không, nếu đặt ở vị trí sao sơn xấu, sẽ hạn chế khách đến cửa hàng.

– Vật phẩm phải được đặt đúng năm, tháng, ngày, giờ, phù hợp. Thời gian đặt vật phẩm ngoài việc coi ngày tốt, thì ngày đó phải tốt cho chủ nhân và đặc biệt phương vị đặt vật phẩm phải nhận được khí tốt từ những cát tinh trong phong thủy Huyền Không.

– Nghi thức đặt vật phẩm phải thật trang nghiêm và quan trọng là cần đặt hết lòng thành cầu nguyện, xin phép thần linh phù hộ cho vật phẩm phát huy công năng.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News