Phong Thuỷ

7 điều cần lưu ý dọn nhà cuối năm để chuẩn bị đón năm mới sung túc

Có một số điều cần lưu ý dọn nhà cuối năm tưởng là nhỏ và đơn giản nhưng có tác động rất lớn trong việc hút tài, hút lộc cho gia đình bạn trong năm mới.

dọn nhà cuối năm, phong tục đón tết, phong tục ngày tết, 7 điều cần lưu ý dọn nhà cuối năm để chuẩn bị đón năm mới sung túc

Để tổng kết năm cũ, chuẩn bị đón chào năm mới chúng ta thường có thói quen dọn dẹp lại nhà cửa, mua thêm cây xanh, tranh ảnh để trang trí lại nhà cửa, tạo sinh khí mới mẻ cho không gian sống. Nhưng theo khía cạnh phong thủy, những gì chúng ta cần làm không thể tùy hứng, thích gì làm nấy, thích gì mua nấy, ít nhất phải đảm bảo một số lưu ý dọn nhà cuối năm như sau:

1. Tẩy rửa năng lượng cũ

Lưu ý dọn nhà đầu tiên đó là tẩy rửa hết năng lượng cũ bằng cách lau dọn mọi ngóc ngách trong nhà. Không phải chỉ có phòng khách – bộ mặt của gia đình mới được lau dọn kỹ và trang hoàng đẹp mà các phòng khác như bếp, nhà tắm, phòng ngủ… cũng phải được dọn dẹp lại, sắp xếp đồ gọn gàng và vứt bỏ đồ vật gãy hỏng, không dùng đến.

Ngoài ra, có thể mua sắm đồ đạc mới, một vài vật trang trí đem lại may mắn mới. Với những vật phẩm phong thủy mới mua về, cần thực hiện một số nghi lễ phong thủy như khai quang điểm nhãn, trì chú… để nạp năng lượng tích cực, xua tan tà khí cho những vật phẩm đó.

2. Lau dọn bàn thờ

Trước khi lau dọn bàn thờ, cần chuẩn bị nước Ngũ Vị Hương được đun lên từ 5 loại hương thơm tự nhiên như: Hồi khô, quế khô, hương nhu, củ xả, lá bưởi, mùi thơm để lau dọn nhà cửa.

Cần nhớ một điều vô cùng quan trọng là: Bát hương luôn phải an vị, an yên, không được xê dịch dù chỉ là một chút (tài liệu cổ chính thống về Phong tục thờ cúng dân gian đều đã lưu ý kĩ điều này).

Chính vì vậy trong quá trình dọn dẹp bao sái ban thờ việc đầu tiên là chúng ta bao sái bát hương, vì bát hương không được xê dịch nên một tay ta giữ yên bát hương, một tay ta lau xung quanh bát hương, lau từ vòng Lưỡng long chầu nguyệt lau ra.

Nếu bát hương kê hơi sát tường bạn cần lưu ý thay bằng dùng giẻ lau, có thể dùng khăn giấy ướt đã giặt lại sạch rồi nhúng vào nước ngũ vị hương bọc vào đầu que mỏng lách vào lau sau lưng bát hương. lau sạch bụi bặm trên ban thờ và các bức tượng hay di ảnh đặt để thờ cúng.

Ảnh hoặc tượng trên ban thờ cũng nên hạn chế di chuyển. Riêng công việc rút tỉa chân nhang cuối năm, gia chủ nên giữ lại 7, 1, 27, 37 chân nhang nếu trạch chủ chính là nam nhân và giữ lại 9, 19, 29, 39 chân nhang nếu trạch chủ chính là nữ nhân.

Chúng ta đốt phần chân nhang của năm cũ đã rút ra khi cúng vào ngày sau khi ta đã cúng rước ông Công ông Táo lên Thiên Đình báo cáo.

3. Dọn dẹp phòng khách

Phòng khách luôn được xem là bộ mặt của ngôi nhà. Vì vậy, chú ý phải lau dọn cửa chính, cửa ra vào thật kĩ thật sạch sẽ để đón cát khí.

Lau dọn vệ sinh kĩ bộ bàn ghế ta ngồi, nếu là đồ gỗ có thể thuê người đánh vécni, làm mới để tăng thêm năng lượng tích cực.

Những nơi đón, tiễn khách cần đặt để những chậu cây cảnh hoặc các bức tượng trang trí, tranh ảnh, câu đối… vừa tăng phần sinh động, vừa tạo sinh khí trong nhà trong dịp Tết đến xuân về.

Những vật sắc nhọn, quá góc cạnh như đèn trang trí nhiều góc cạnh, tiêu bản động vật có hình thù kỳ quái, rùng rợn cũng không nên trưng bày trong phòng khách dịp năm mới.

4. Dọn dẹp phòng bếp

Trước tiên, gia chủ nên lưu ý không treo các vật dụng sắc nhọn trên tường như dao, kéo, bào lộ ra ngoài…

Những vật dụng này vô hình trung trở thành những sát khí, khiến vận khí trong nhà xấu đi, các thành viên dễ nảy sinh cãi cọ, mâu thuẫn.

Những vật dụng mang tính trang trí như hộp khăn giấy, giá đề rượu, khay trà… là ưu tiên hàng đầu để làm đẹp không gian phòng bếp dịp năm mới.

5. Dọn dẹp phòng ngủ

Các bạn chú ý nếu trong năm cũ, vận khí của bạn khá tốt thì bạn chỉ nên lau dọn giường ngủ sạch sẽ, tuyệt đối không xê dịch giường nhất là đầu giường.

Ngược lại nếu năm cũ đã qua, vận khí của bạn xấu không thuận lợi, để đón chào một năm mới tốt đẹp hơn, bạn có thể nhấc cả đầu giường ra, lau dọn thật sạch sẽ rồi lại kê vào như cũ.

Thường các gia đình hay để két ở trong phòng ngủ và cũng hay quên không bao sái lau két sắt điều này ảnh hưởng không tốt đến tài khí.

Trong két sắt không được để các linh thú (tỳ hưu, cóc 3 chân, long quy, kỳ lân…). Đơn giản chỉ cần để 3 đồng tiền hoa mai hoặc để 1 xâu tiền Bát Đế.

6. Nếu mua thêm cây xanh lưu ý vị trí đặt cây

Nhiều gia đình có sở thích mua thêm cây để trang trí nhà cửa ngày Tết. Để công việc thăng tiến, sức khỏe dồi dào, gia chủ nên đặt cây ở phía Đông, Đông Nam của ngôi nhà hay văn phòng.

Một số loại cây được xem là cây tài lộc phong thủy như: ngọc bích có lá giống viên đá cẩm thạch, hoa cúc, mẫu đơn, hay các loại cây lọc khí như lưỡi hổ, thường xuân,…

Tuyệt đối tránh trồng các loại cây có gai nhọn trong nhà mà chỉ nên trồng bên ngoài như xương rồng, tạo nên dòng năng lượng độc hại có thể gây bệnh tật hay bất hạnh cho gia chủ.

Những loại cây không nên trồng trong nhà, sân vườn như hoa sứ, hoa đại, thông thiên, liễu… ngoài ra, nếu thấy cây lá héo úa cũng nên cắt bỏ, chăm sóc lại cho xanh tốt. Mệnh không hợp, thổ nhưỡng không hợp để trồng cây thì cũng không nên trồng.

7. Không chọn mua tranh treo tùy ý

Những bức tranh được treo trong ngày Tết thường là tranh mang ý nghĩa tốt đẹp, may mắn như tranh đàn lợn, đàn gà, tranh cậu bé… tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở hoặc ảnh hình hoa lá, cỏ cây tạo cảm giác vui tươi cũng khá phù hợp.

Không nên treo ảnh hình người, nhất là những bức tranh tạo cảm giác cô độc, lạnh lẽo.

Nhà cửa dịp năm mới nhất định phải có sinh khí. Một ngôi nhà thiếu sinh khí sẽ khiến gia chủ luôn trong tình trạng ảm đạm, buồn tẻ, bạn có thể nuôi thêm chó, mèo… để tăng thêm vượng khí cho ngôi nhà.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News