Phong Thuỷ

Bói toán là gì? Xem bói có thay đổi vận mệnh hay rước họa vào thân?

Bói toán là gì? Có những hình thức xem bói nào phổ biến hiện nay? Có nên đi xem bói không? Xem bói có thay đổi vận mệnh hay rước họa vào thân? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

tâm linh bí ẩn, xem bói là gì, bói toán là gì? xem bói có thay đổi vận mệnh hay rước họa vào thân?

1. Thế nào là bói toán?

Bói toán là từ dân gian, mang nghĩa chung nói về việc đoán biết quá khứ, hiện tại và dự đoán tương lai. Xét về chuyên môn, bói toán được gọi là huyền học.

Một số người có thể phản đối vì nhiều môn không thể gọi là bói được. Nhưng nhìn chung đã dự đoán những việc chưa xảy ra, thì có thể gọi là bói toán rồi, không có gì sai.

Các hình thức xem bói phổ biến hiện nay có thể phân bói toán làm 2 loại: Có khoa học và Không có khoa học. Tuy nhiên, trên thực tế các Thầy bói đều kết hợp cả 2 loại hình này.

2. Thế nào là bói có khoa học?

Hầu hết các môn bói khoa học đều dựa trên 1 nền tảng là Dịch. Sau đó thêm các kinh nghiệm, kiến thức, suy ngẫm hàng ngàn năm để tạo nên các nguyên lý cụ thể và rõ ràng. Vì thế có thể nói bói toán có khoa học có độ chính xác cao nhất “khi dự đoán về tương lai”. Bói có khoa học gồm những môn hay được sử dụng:

– Tử vi

Tử vi là môn huyền học, dự trắc vận mệnh con người dựa trên ngày giờ tháng năm sinh của một người. Đây là bộ môn nói chi tiết, chi li, từ cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, nhà cửa, bạn bè, xã hội xung quanh mình…

Điểm đặc biệt của môn này là ngày xưa vốn chỉ truyền trong vua chúa, sau đó vua chúa chạy loạn mới lộ ra, nhưng cũng không đầy đủ. Sách gốc bị thất lạc nhiều, nên chia ra nhiều trường phái, nhiều quan niệm khác nhau. Dù sao, dù ở trường phái nào, khi đã đạt đến trình độ cao thủ, thì cũng có khả năng nói rất chính xác nhiều thứ.

Tử Vi được coi là bộ môn “dễ học nan tinh”, ý là học qua qua thì rất dễ, “chém gió thành thần”, nhưng đạt tầm trình độ cao thì cực khó, vì phải đi sâu nghiên cứu cái gốc rễ.

– Tử Bình

Cũng là môn dựa trên giờ, ngày, tháng, năm sinh, hay còn gọi là Tứ Trụ hay Bát Tự. Môn này khai sinh từ quần chúng, phát triển bởi quần chúng.

Tuy không tỉ mỉ như Tử Vi, nhưng các quy tắc, khái niệm rất rõ ràng và chuẩn mực. Vì vậy Tử Bình có độ chính xác khá cao. Nhưng Tử Bình cũng rất khó học. Có người học cả chục năm mà vẫn tính sai.

– Bát Tự Hà Lạc

Đây cũng là môn dựa trên giờ sinh. Bát Tự Hà Lạc ít người học, nó dựa trên nguyên lý của Dịch, dự đoán khá sơ sài, chủ yếu theo phương châm của Dịch số, đó là chuyển động, biến đổi.

Bát Tự Hà Lạc chủ yếu đưa ra những lời khuyên nên làm thế nào. Những điều này thì người học, nghiên cứu sâu Tử vi hay Tử Bình cũng làm được.

– Nhân tướng học

Nhân tướng học dựa vào hình dáng mặt (mắt, mũi….), dáng đi, tiếng nói, cao cấp hơn là thần khí, sắc thái của con người. Môn này có thể nói là môn khó học nhất, vì những đặc điểm rất riêng của nó. Đi xem cũng không nên xem môn này, vì 1 cao thủ bậc nhất cũng có thể gặp sai sót khi sử dụng nếu chỉ nhìn trong 1 thời gian ngắn.

– Xem chỉ tay

Bộ môn bói này dựa vào sắc thái, hình dáng, và đường trên bàn tay. Môn này cũng khá phát triển ở Tây Phương. Ở Phương Đông, chỉ tay vốn chỉ là nhánh phụ của Nhân Tướng học. Bây giờ khá phát triển, nhưng hầu hết những người xem chỉ tay hiện nay, đều ứng dụng cảm xạ vào, nên bớt đi tính khoa học của nó.

– Bói Dịch

Bói Dịch có thể gọi là khoa học, vì nó có các nguyên lý, quy tắc cụ thể, kinh nghiệm đúc kết lâu đời. Nhưng nhiều người không nghĩ nó khoa học, vì đơn giản, nó chỉ là gieo đồng xu, đếm đồ vật hoặc gieo quẻ gỗ…

Nhưng Dịch vốn có ý nghĩa của nó, tức là không nói chính xác hoàn toàn, mà đưa ra lời khuyên cho mình để làm theo. Tất nhiên một số người học sâu vẫn có thể nói khá chính xác, chính xác bạn đang có cái gì trong túi xách chẳng hạn.

Bói bài cũng là thể loại tương tự. Kể cả bói bài tây hiện tại cũng mỗi người mỗi vẻ, người theo hướng Đông Phương, ảnh hưởng bởi bói dịch, người theo hướng Tây Phương.

3. Thế nào là bói không có cơ sở khoa học?

Bói không có cơ sở khoa học hay còn gọi là cảm xạ. Tức là người xem chỉ nhìn vào người hỏi, sau đó họ sẽ cảm nhận được đối phương. Cảm nhận được gì? Gần như mọi thứ từ quá khứ, hiện tại, tính cách con người bạn. Còn tương lai thì chỉ là bất định, người cảm xạ vẫn nói, nhưng chưa chắc đúng.

Vì sao? Vì người cảm xạ có khả năng rất đặc biệt, họ bắt được sóng của người khác, bắt được suy nghĩ, tâm tư và các thứ khác. Vì thế người cảm xạ có thể làm chúng ta hoảng loạn, vì nói chính xác chân tơ kẽ tóc, chẳng sai thứ gì mà cũng chẳng cần bất cứ thông tin gì.

Thậm chí bạn đang nghĩ gì họ cũng biết, nhà cửa, mộ cụ tổ bạn thế nào họ cũng nói được. Người yêu bạn, bố mẹ bạn thế nào có khi họ cũng nói được.

Nhưng như đã nói, đây là môn không có cơ sở khoa học. Mọi thứ thuộc về quá khứ, hiện tại đều nằm trong tâm trí, suy nghĩ của bạn, vì thế họ bắt được và nói ra được cũng không phải là lạ.

Con người ta khi nghe quá khứ hiện tại đúng vanh vách, thì họ nói gì về tương lai cũng tin hết mức. Nhưng tương lai đã xảy ra đâu mà họ bắt được sóng. Họ sẽ cảm nhận, nhưng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm trạng, ước mơ của bạn, và tâm trạng của chính họ.

4. Quan điểm của Phật giáo về tử vi, bói toán

Trong kinh Chuyển Pháp Luân ngay sau khi Phật giác ngộ và kinh Di Giáo ngay trước khi Phật Niết-bàn, Ngài khuyên các đệ tử của Ngài là không nên xem bói toán, xem quẻ, xem tướng số…

Đạo Phật là đạo Giác, hay là con đường tới Giác Ngộ. Đức Phật là người đã giác ngộ, là người thầy dẫn đường cho chúng ta đạt tới giác ngộ. Ngài không phải là một vị thần linh tối cao, hay một đấng thượng đế toàn năng, sáng tạo và bất diệt. Ngài không ban phát ân huệ hay trừng phạt chúng sinh. Ngài có thể cứu giúp chúng sinh bằng cách chỉ dạy cho chúng sinh phương pháp tu hành để chuyển hóa nghiệp lực, thoát khỏi những khổ đau và đạt được niềm vui an lạc. Tuy bản thân Ngài đã giải thoát hoàn toàn khổ đau và đạt được niềm vui an lạc vĩnh cửu, nhưng Ngài không thể tu thay hoặc ban phép cho chúng sinh thoát mọi khổ đau và đạt được niềm vui an lạc.

Nhiều người cho rằng việc bói toán, tử vi, coi ngày giờ, ngũ hành,… là quan niệm của nhà Phật. Nhưng đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Không có bất kỳ quyển kinh nào Đức Phật nói về cách xem tử vi, ngày giờ, vận mạng của con người trong tương lai hay quá khứ. Phật chỉ dạy về “xem bói” trong kinh Nhân Quả rằng:

“Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị.

Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị.”

Nghĩa là:

“Muốn biết nhân đời trước, hãy nhìn vào kết quả thọ báo hiện tại.

Muốn biết kết quả thọ báo của đời sau, hãy nhìn vào những tạo tác của hiện tại”.

Theo quan điểm Phật giáo thì vấn đề tai họa hay sung sướng, khổ đau hay bất hạnh, giàu có hay nghèo khổ đều do nhân thiện ác mà chúng ta gieo trồng từ nhiều đời sống trước rồi đời này hay đời sau chịu quả báo. Lại cộng thêm sự nỗ lực hay lười biếng trong đời sống hiện tại mà có thể thay đổi hoặc ảnh hưởng đến vận mạng của đời này hay đời sau. Do việc gieo nhân khác nhau trong đời trước mà tiếp nhận hoàn cảnh khác nhau trong đời này.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật nói: “Những hành vi tạo lỗi này do chính ta làm, không phải do nơi cha mẹ, bè bạn, hay người thân quyến thuộc, cho nên chính ta phải gặt hái kết quả đau khổ.”

Cái gọi là hoàn cảnh cũng bao gồm cả di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa, văn minh, nuôi dưỡng và giáo dục, anh em, họ hàng, thầy bạn và đồng nghiệp. Tất cả đều ảnh hưởng đến vận mạng của cả một cuộc đời. Dù cho nhân tạo ra ở đời trước là xấu, dẫn tới hoàn cảnh hiện tại xấu nhưng hiện tại biến tu tập, làm nhiều việc thiện thành sẽ giúp phước báu sinh trưởng có thể chuyển hóa được vận mệnh.

Như thế thì tử vi bói toán đâu có ích lợi gì! Điều cần thiết là làm lành, lánh ác, thì nhân xấu ác sẽ tàn lụi, nhân lành sẽ nẩy nở xum xuê. Cho nên nhà Phật có câu:

“Khi trước gây nhân hiền, ác

Bây giờ đang lãnh thọ đây

Muốn biết tương lai sướng khổ

Cứ xem hành động lúc này”.

Phật Giáo quan niệm, con người không phải do một đấng nào đó tạo ra, có thể bị sai sử, bị thưởng phạt, cho sống hay cho chết. Người Phật tử không tin vào cái gọi là “định mệnh” an bài. Phật giáo cho rằng, sự vận hành biến hóa của vũ trụ và sự lưu chuyển của sinh mạng, là do nghiệp lực của chúng sinh tạo nên. Tiến trình nhân và quả không do một nhân vật toàn năng nào điều khiển và định đoạt mà do hành động qua thân, khẩu và ý của chúng ta hằng ngày. Đó là một định luật tự nhiên. Chúng ta trách nhiệm về những hành động chúng ta làm, thì chúng ta cũng phải gánh trách nhiệm về hậu quả của những hành động ấy.

Việc chấp nhận ở đây không có nghĩa là tự mãn hay cam chịu với cái gọi là “Số Mệnh” an bài, bởi vì chúng ta có tự do làm thay đổi và khắc phục những sự việc hay kết quả mà chúng ta không ưa thích, chúng ta là chủ của mọi hành động và cũng chính là người sẽ kế thừa hậu quả của những hành động ấy. Chỉ cần sáng suốt khi tạo nhân, chịu khó chăm sóc tốt cho nhân tăng trưởng, thì quả chín ngon ngọt sẽ đến tay chúng ta một cách dễ dàng. Ðó là lý nhân quả, nếu chúng ta tin sâu và tin chắc lý này, chắc chắn sẽ không còn mê tín mà đi coi bói toán tử vi hay đi xin xăm cầu đảo.

Có bao giờ bạn thắc mắc rằng: “Nếu như ông thầy, bà bói biết được tương lai và quá khứ của bạn thì tại sao họ không dùng khả năng này để xoay chuyển cuộc đời của mình?”.

5. Phật tử cần cẩn trọng để không rơi vào hố sâu mê tín dị đoan

Phật tử nên trau dồi học hỏi thêm Phật pháp và đồng thời cũng gieo duyên lành với Tam Bảo. Và nhân đó, chư Tăng, Ni còn có thể giải thích cho Phật tử biết thêm về quy luật nhân quả. Nhờ đó, có nhiều Phật tử bước đầu chưa hiểu Phật pháp còn mê tín nhưng dần dần về sau, khi nghe chư Tăng, Ni giảng pháp và tìm hiểu học hỏi Phật pháp sẽ phát khởi Tâm Phật vào Tam Bảo và quy luật nhân quả. Trở lại với con đường chánh pháp, chánh tín.

Đối với việc xem tử vi bói toán, cũng như việc xin xăm cầu đảo là những việc làm có tính cách mê tín, không có chỗ đứng trong Phật giáo. Người Phật tử được khuyên bảo cẩn trọng đừng để rơi vào hố sâu mê tín dị đoan khiến tâm bị rối loạn bởi sự sợ hãi không cần thiết. Một thời tọa thiền hay niệm Phật hằng ngày giúp ích rất nhiều để tự thanh lọc tư tưởng bất thiện trong tâm. Tâm được thanh lọc tự động dẫn đến một thân thể trong sạch và khoẻ mạnh. Giáo pháp của Đức Phật là liều thuốc chữa khỏi các loại tâm bệnh này. Một phút giây tâm được tịnh là ngưng tạo bao nhiêu nghiệp, ngưng gieo bao nhiêu nhân xấu và xa bao nhiêu dặm khổ ải.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:

“Không trên trời, giữa biển,

Không lánh vào động núi,

Không chỗ nào trên đời,

Trốn được quả ác nghiệp.” (127)

Nếu như con người hàng ngày không làm các việc lành thiện, chỉ lo tạo tội, tạo nghiệp, trong cuộc sống đấu tranh giành giật, khi quả báo đến, không ai có thể tránh được, dù cho có lên non xuống biển hay trốn đi bất cứ đâu!

TH!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News