Phong Thuỷ

Chúng sanh trong cõi Ta Bà: Sống, chết và tái sinh

Chúng sanh trong cõi Ta Bà là chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi. Đại lược nếu xếp từ cao xuống thấp thì nó như vầy: Thiên nhân, Người, A Tu La, Ngạ quỷ, Súc sanh, Địa ngục.

cõi ta bà, lời phật dạy, tâm linh bí ẩn, chúng sanh trong cõi ta bà: sống, chết và tái sinh

1. Cõi Ta Bà là gì?

Cõi Ta Bà còn gọi là Ta Bà Thế Giới hay Đại Thiên Thế Giới, và cõi mà hiện chúng ta đang sinh sống đây thuộc về Ta Bà Thế Giới. Ta Bà nguyên là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “kham nhẫn”.

Như vậy, Cõi Ta Bà là cõi giới mà nơi ấy chúng sanh có khả năng nhẫn nhịn và chịu đựng mọi sự thống khổ. Sự thống khổ ấy ở đâu ra? Sự thống khổ ấy nằm trong Bát Khổ và lưu chuyển trong lục đạo luân hồi. Bởi đa phần chúng sanh không nhận thức được Bát Khổ của kiếp nhân sinh nên nhiều vị chẳng biết tại sao mình khổ. Hễ nghe bảo đời là bể khổ thì ngơ ngơ bảo: Ai chứ tôi nào thấy mình có khổ gì đâu?!

Lục Đạo Luân Hồi bao gồm Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới, gọi tắt là Tam giới. Dục giới gồm có sáu nẻo chúng sanh, gọi là Lục Đạo Luân Hồi, gồm: Trời, Người, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục.

Chúng sanh nơi cõi Ta Bà tùy nghiệp thiện ác mà vô lượng kiếp đến nay luẩn quẩn lên xuống trong sáu nẻo luân hồi sanh tử: Sanh ra rồi chết đi, chết đi rồi lại sanh ra, lang thang bất tận trong sáu đường!

2. Chúng sanh trong cõi Ta Bà

Chúng sanh trong cõi Ta Bà là chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi. Đại lược nếu xếp từ cao xuống thấp thì nó như vầy:

Chúng sanh cõi Ta Bà: Thiên nhân

Sao gọi là Thiên thú? Thiên thú là nẻo trời, chữ Thiên có nghĩa: Thiên nhiên, tự nhiên. Đây là chỉ cho chúng sanh ở các cõi trời do tu thượng phẩm Thập thiện và các thiền định, nên được hưởng phước thiên nhiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện, không cần phải tạo tác. Lại chữ Thiên ở đây còn có bốn ẩn nghĩa: tối thắng, tối thiện, tối lạc, tối tôn.

Sáu hạng trời ở cõi Dục đều có hình tướng nam nữ, dục nhiễm tùy theo cao thấp mà có nặng nhẹ. Mười tám hạng trời ở cõi Sắc, không hình tướng nam nữ, không có sự dục nhiễm. Tất cả đều dùng thiền định để trưởng dưỡng sắc thân. Còn bốn hạng trời ở cõi Vô sắc thì không hình tướng sắc thân. Duy có tâm thức, vì là báo thể của không định.

Chúng sanh cõi Ta Bà: Cõi Người

Sao gọi là Nhơn thú? Nhơn thú là nẻo người. “Nhơn” có nghĩa là nhẫn, chỉ cho loài người khi gặp cảnh thuận nghịch có năng lực nhẫn nại an chịu với duyên phần. Lập Thế Luận nói: “Loài người do tu trung phẩm Thập thiện mà được sanh. Trong sáu nẻo luân hồi chỉ có nhơn thú là nhiều kiêu mạn. Nhưng về phần trấn định tâm ý lại hay hơn các nẻo kia”. Chúng sanh thuộc nẻo nầy có hình tướng nam nữ, ở rải rác khắp bốn đại châu.

Chúng sanh trong bốn châu phần nhiều theo đường nhiễm dục. Song cũng có người trọn đời giữ nếp sống tu hành thanh tịnh. Luận về phước báo, người ở ba châu: Tây Ngưu Hóa, Đông Thắng Thần, Bắc Câu Lư thù thắng hơn. Nhưng về nhân duyên giải thoát thì họ lại kém thua người ở Nam Thiệm Bộ Châu, vì nơi đây có ba điều đặc biệt: con người trí lanh lợi nhớ dai, nhiều kẻ siêng tu phạm hạnh; thường có Phật ra đời.

Chúng sanh cõi Ta Bà: Cõi A Tu La

Sao gọi là A tu la? A tu la là loại chúng sanh nhiều sân hận, đa số có hình tướng không đoan chánh. A tu la cũng gọi A tố lạc, dịch là Vô đoan chánh, Phi thiên. Hai danh từ nầy có nghĩa: Không xinh đẹp, có phước trời mà đức không bằng trời.

Trong Kinh luận có chỗ cho rằng loài A tu la do gây nhân hạ phẩm Thập thiện mà được sanh. Nhưng đó chỉ là nói riêng về một phương diện mà thôi, cho đến danh từ Phi thiên cũng như thế. Sự thật, phần chánh nhân là loài nầy do hay nóng giận, hiếu thắng ưa tranh cãi mà được sanh.

A tu la chia thành bốn bậc: Loài ở cõi trời thì giống trời, loại ở cõi người thì giống người, loài ở cõi quỷ thì giống quỷ, loài ở cõi súc thì giống súc. Vì họ không có chủng loại và trụ xứ nhất định, có thể nhiếp về các nẻo khác nên trong kinh có chỗ chỉ gọi là ngũ đạo hoặc ngũ thú. A tu la ở cõi trời cũng có cung điện thất bảo, sự ăn mặc tự nhiên hóa hiện như chư thiên, nhưng do nhân sân hận họ có ba sự kiện kém hơn người, nên ở sau loài người:

Dù loài nầy có ăn các món trân vị, song miếng sau rốt tự nhiên hóa ra bùn. Ở cõi trời mưa hoa hoặc châu báu, nơi cõi người mưa nước, cõi A tu la mưa xuống những binh khí dao gậy. Loài người tâm điềm tĩnh nên dễ thực hành theo chánh pháp của Như Lai. Loài A tu la tâm sôi nổi hơn thua, nên khó tu đạo giải thoát.

Chúng sanh cõi Ta Bà: Cõi Ngạ Quỷ

“Quỷ” có nghĩa là “úy”, là hay khiếp sợ; “Thần” có nghĩa linh thông biến hóa. Trong kinh có nói loài quỷ do nhân trung phẩm thập ác mà được sanh, và sắp quỷ đạo sau súc đạo, nhưng đó là chỉ nói riêng về phương diện Ngạ quỷ. Sự thật, nếu nói rộng, phải gọi là Quỷ thần thú, vì loài nầy chia làm hai hạng: hạng có uy phước và hạng không uy phước. Đây là do những nghiệp nhân thiện ác bất định từ thuở tiền sanh.

Loại Quỷ thần uy phước cũng có cung điện, thân tướng trang nghiêm, nhiều kẻ tùy thuộc. Hoặc thọ dụng những trân vị cam lồ, hoặc được người thờ cúng. Loại nầy lại chia ra làm hai hạng: Chánh thần và tà thần. Bậc chánh thần thì giữ lòng chân chánh hay giúp đỡ nhơn gian. Hạng tà thần tâm niệm quỷ quyệt không chân thật, hoặc đa dâm đa sát, thường làm tổn hại cho người. Loại quỷ không uy phước thì vất vả, ở chỗ âm u, thường đói khát, hoặc ăn những đồ bất tịnh.

Xứ sở của Ngạ quỷ có hai nơi: Chánh trụ và biên trụ. Chánh trụ là như trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Có thành Diêm La, nơi ở chánh thức của vô số Ngạ quỷ do Diêm La Vương thống lãnh. Thành nầy ở dưới châu Diêm Phù Đề, chu vi rộng 7.500.000 dặm, nơi đây không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng”.

Biên trụ là những chỗ như mé biển, triền núi, rừng bụi, đình miếu, hang hố, đồng trống, mồ mả, cho đến vườn nhà cùng các nơi bất tịnh.

Chánh trụ là xứ sở riêng của loài quỷ nghiệp nặng, thuộc về thế giới Ngạ quỷ. Biên trụ là xứ sở của các Quỷ thần nghiệp nhẹ hoặc có phước nghiệp, thuộc về hạng ở lẫn lộn trong loài người.

Chúng sanh cõi Ta Bà: Cõi Súc sanh (Bàng sanh thú)

Sao gọi là Bàng sanh? Bàng sanh là loại chúng sanh có xương sống nằm ngang. Lại chữ “bàng” còn có nghĩa “biến mãn”. Vì Bàng sanh có nhiều chi loại, và ở các nẻo kia đều có loài nầy.

Trong sách Phật có chỗ gọi nẻo nầy là Súc sanh đạo, nhưng danh từ Súc sanh chỉ ở trong phạm vi loài sanh vật được người nuôi dưỡng, không rộng rãi và đầy đủ bằng danh từ bàng sanh. Chủng loại bàng sanh tuy nhiều, song đại ước có ba: Loại bay trên hư không, loại ở mặt đất và loại sống dưới nước.

Theo kinh Chánh Pháp Niệm, Bàng sanh có đến 40 ức chi loại khác nhau, duyên phận của loại nầy cao thấp không đồng. Cao như Kim súy điểu vương, Long vương, có uy phước thần thông. Thấp như giòi, đỉa, côn trùng, sống một khung cảnh nhơ nhớp tối tăm, ngắn ngủi.

Bàng sanh cũng có nghiệp nhân thiện ác bất định như Quỷ thần và A tu la, nhưng nếu lấy phần đại khái về đa số, thì loài nầy do nhân hạ phẩm thập ác mà được sanh.

Chúng sanh cõi Ta Bà: Địa Ngục (Địa ngục thú)

Sao gọi là Địa ngục? Danh từ nầy do người Trung Hoa y theo nghĩa mà lập danh, để chỉ cho lao ngục ở dưới đất. Chữ “ngục” có nghĩa là bó buộc không được tự do.

Nhưng theo Luận Bà Sa, thì Địa ngục thú không phải đều ở dưới đất. Có khi ở trên mặt đất, hoặc dưới nước, hoặc trên hư không. Vì thế bổn kinh Phạm văn không gọi Địa ngục, mà gọi là Nại lạc ca có những nghĩa: Khổ cụ, phi đạo, ác nhơn. Chỉ cho nơi người tội ác làm điều trái đạo ở, nơi có đủ sự khốn đốn khổ đau.

Địa ngục tuy nhiều, nhưng đại ước có hai loại: Chánh ngục và biên ngục. Chánh ngục vị trí ở dưới châu Diêm Phù Đề và giữa núi Thiết Vi. Chánh ngục lại có hai thứ: Hàn ngục và nhiệt ngục. Hàn ngục và nhiệt ngục mỗi thứ có tám nơi, mỗi nơi có 16 ngục phụ. Mỗi ngục phụ lại có nhiều tiểu ngục khác nữa. Biên ngục cũng gọi là độc ngục, thì ở lẻ loi trên núi, nơi mé biển, dưới nước, chỗ đình miếu, giữa đồng trống, hoặc trong hang sâu.

Ở châu Nam Thiệm Bộ có đại Địa ngục, còn ba châu kia chỉ có biên, độc Địa ngục mà thôi. Theo kinh Nghiệp Báo thì Địa ngục là nơi thác sanh của loài hữu tình tạo mười điều ác về thượng phẩm.

Tóm lại, y báo và chánh báo của sáu nẻo luân hồi đều như huyễn. Chúng sanh do nghiệp duyên lành dữ mà đổi thay hình dạng, chịu sự khổ vui lên lên xuống xuống, luân chuyển không cùng.

cõi ta bà, lời phật dạy, tâm linh bí ẩn, chúng sanh trong cõi ta bà: sống, chết và tái sinh

3. Cõi Ta Bà: Sống, chết và tái sinh

Ta-bà là chu kỳ của sự hiện hữu (sự sinh, sự sống và cái chết) chi phối bởi nghiệp. Đấy là chiếc bánh xe của khổ đau hình thành từ các hiện tượng của sự hiện hữu.

Bám víu vào sự sống là một sự hão huyền

Thật hoài công khi muốn bám víu vào sự hiện hữu này, dù sống đến trăm tuổi ta cũng phải chết một ngày nào đó. Hơn nữa giây phút ra đi không thể biết trước được, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Dù là người giàu có, dù được những người chung quanh chăm sóc, sự sống này sớm muộn cũng chấm dứt, không cứu vãn được. Của cải chẳng giúp được gì, cái chết của một người tỉ phú không khác cái chết của một con thú hoang.

Vô thường

Trong chu kỳ hiện hữu, trên dòng nối tiếp bất tận của vô số kiếp tái sinh và trong khoảng thời gian của mỗi kiếp, bất thần tất cả vụt biến đổi. Tuy không có gì báo trước, thế nhưng hình như tất cả bỗng nhiên được tháo gỡ, địa vị xã hội sụp đổ, đoàn tụ trở thành chia ly, sự sống trở thành cái chết. Hạnh phúc trôi nhanh. Tất cả những gì thuộc sở hữu của ta trở nên vô thường. Tất cả những gì trước đây ta xem là thật cũng chỉ là vô thường.

Sân khấu của vô thường

Tái sinh không phải là một cách tránh né cái chết. Trái lại, mỗi chúng ta trong từng ngày nhích lại gần hơn với cái chết, tương tợ như những con vật bị đưa đến lò sát sinh. Trong vũ trụ này, bất cứ gì đều bị chi phối bởi quy luật vô thường và sẽ tan rã. Ngài Đạt-lai Lạt-ma thứ VII có nói như sau: “Những người còn trẻ, cường tráng và khỏe mạnh nhưng chết sớm chính là những vị thầy thuyết giảng cho chúng ta về vô thường. Vô thường tương tự như một sân khấu, sau một màn trình diễn các diễn viên trở vào hậu trường thay y phục và sau đó lại trở ra “.

Nguồn gốc của sự sống hiện tại và tương lai

Kinh sách Phật giáo giảng rằng tâm thức không có khởi thủy, do dó sự tái sinh cũng không có khởi thủy. Phân tích cẩn thận và nghiêm túc sẽ thấy rằng tri thức không hề là nguyên nhân thực thể của vật chất, ngược lại vật chất cũng không phải là nguyên nhân thực thể của tri thức. Giả thuyết duy nhất có thể chấp nhận được là nguyên nhân của tri thức là một tri thức khác đã có từ truớc. Đấy là một cách chứng minh và giải thích nguồn gốc của sự sống trong quá khứ và tương lai.

Tái sinh làm người là một sự quý hiếm

Hãy tưởng tượng một cái ách (dùng cho bò kéo cày) bằng gỗ nạm vàng trôi dạt trong một đại dương mênh mông. Có một con rùa già mù lòa sống trong đáy đại dương, cứ cách một trăm năm lại nổi lên mặt nước để thở một lần. Vậy thì cơ may khiến con rùa chui đầu vào cái ách bằng vàng ấy là bao nhiêu? Đức Phật giảng rằng được tái sinh dưới thể dạng con người cũng hiếm hoi như thế. (Cái ách nạm vàng thật quý giá tượng trưng cho sự tái sinh làm người, thế nhưng đồng thời nó cũng tượng trưng cho sự trói buộc và nhọc nhằn).

Tái sinh và đầu thai

Chư Phật bảo rằng tái sinh là một sự thật. Chính thế, đây là một sự thật hiển nhiên. Chúng ta tin rằng có một thứ tri thức thật tinh tế làm nguồn gốc phát sinh ra đủ mọi thứ mà chúng ta gọi là sự sáng tạo. Tri thức tinh tế ấy hiện hữu trong mỗi cá thể từ lúc khởi thủy tiếp tục cho đến khi đạt được Phật tính. Đấy là gì mà người ta gọi là sự “hiện hữu”. Nó có thể mang nhiều hình tướng khác nhau, chẳng hạn như một con thú, một con người hoặc cũng có thể là một vị Phật. Đấy là nguyên tắc căn bản của giả thuyết tái sinh.

Theo dòng thời gian từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, tâm thức tinh tế chuyển đổi từ hình tướng này sang hình tướng khác và tìm cách đạt được Phật tính. Nếu tái sinh là một sự bắt buộc đầu thai là một sự chọn lựa. Quyền được chọn lựa dành riêng cho một số cá thể xứng đáng, chủ động được sự tái sinh của mình trong tương lai, đấy là trường hợp của chư Phật và một số người khác nữa.

Khi tâm thức đạt được một cấp bậc phẩm tính nào đó mà chúng ta gọi là tri thức tinh tế, tâm thức không còn chết nữa, ít nhất là theo ý nghĩa thông thường của chữ này. Tâm thức đó hàm chứa khả năng giúp nó có thể chọn lựa một thân xác khác để đầu thai. Đấy là trường hợp đặc biệt của các vị bồ-tát. Dù đang đứng ở ngưỡng cửa của niết-bàn, bồ-tát cũng không bước vào, vì họ nhất quyết lưu lại trong cõi ta-bà tức là chu kỳ hiện hữu để giúp đỡ chúng ta.

Dưới cái nhìn của chúng tôi (những người Phật giáo), tái sinh và đầu thai là một điều hiển nhiên, một hiện tượng vật lý, có thật như những hạt nguyên tử.

Sự chối bỏ

Tất cả mọi cảm nhận – thích thú hay hạnh phúc trong chu kỳ hiện hữu – dù mãnh liệt hay tuyệt vời đến đâu đều chấm dứt một cách thảm thương. Hãy nghĩ đến bản chất hư ảo của chúng để hiểu rằng nên chấm dứt ngay cái vòng lẩn quẩn đó, dù cố gắng tiếp tục thêm cũng chẳng lợi ích gì. Vì thế hãy phát động trong lòng sự ghê tởm sâu xa về chuỗi dài thử thách đó (tức chu kỳ hiện hữu) và quyết tâm từ bỏ nó. Vậy chúng ta thử tìm hiểu thật chính xác xem đâu là nguyên nhân mang lại các nỗi khốn khổ và đớn đau ấy.

Sự tin tưởng do bản năng về một cái tôi độc lập

Khổ đau không phải vô cớ xảy ra, thế nhưng nó cũng không phải là tác phẩm của một vị Trời toàn năng nào cả. Đấy là sản phẩm phát sinh từ những lầm lẫn và những hành động thúc đẩy bởi các thể dạng tâm thức không chủ động được của chính mình. Nguyên nhân trước hết của khổ đau là vô minh, đấy là sự hiểu biết sai lạc về bản chất của mọi hiện tượng, tự xem mình hiện hữu một cách tự tại. Vô minh phóng đại cương vị của các hiện tượng và tạo ra các ranh giới phân biệt ta với người khác. Tự xem mình quý giá nhất trong vũ trụ khiến ta đối xử với người khác như chính ta là một vị Phật. Trên thực tế thái độ đó chưa bao giờ mang lại hạnh phúc lâu bền.

Tính cách lừa phỉnh của các thể dạng bên ngoài

Khi nào ý thức được các hiện tượng chỉ là sự lừa phỉnh khi đó ta mới đủ khả năng để hiểu là chúng không hàm chứa một sự hiện hữu tự tại nào. Sự phủ nhận đó không có nghĩa là loại bỏ một thứ gì đã từng hiện hữu trước đây, đấy chỉ là cách đơn giản thừa nhận những gì chưa bao giờ hiện hữu sẽ đương nhiên không hiện hữu. Vì lầm lẫn chúng ta xem các thể dạng bên ngoài là thật. Thế nhưng các thể dạng bên ngoài không tương quan với bất cứ một thực thể nào.

Ảo giác khiến ta tưởng lầm sợi giây thừng là con rắn

Hãy lấy thí dụ một cuộn giây thừng vào lúc nhá nhem tối, ta tưởng lầm đấy là một con rắn. Sự nhận biết sai lầm cho rằng sợi giây thừng là con rắn gây ra trong tâm thức một số phản ứng chẳng hạn như sự sợ hãi, sợ hãi làm phát sinh ra hành động thí dụ như tông cửa phóng chạy hoặc tìm cách giết con rắn. Tất cả các hành động ấy xảy ra chỉ vì một sự lầm lẫn nhỏ nhặt. Cũng thế chúng ta tưởng lầm thân xác và tâm thức của mình hàm chứa một cái tôi nào đó, từ đấy sinh ra mọi thứ sai lầm khác chẳng hạn như dục vọng, giận dữ. Từ thái độ ích kỷ tức bám víu vào một cái tôi ta phân biệt mình với người khác.

Lầm lỗi kéo theo sự trừng phạt

Hậu quả của các hành động tai hại tùy thuộc vào cường độ của ảo tưởng làm phát sinh ra chúng. Hậu quả tương xứng với nguyên nhân của nó. Thí dụ, tái sinh trong một cõi thấp hơn vì vi phạm vào hành động sát nhân chẳng hạn, kể cả trường hợp vẫn còn giữ được thể dạng con người đi nữa thì sự hiện hữu đó sẽ rất ngắn. Phạm vào hành động trộm cắp sẽ tái sinh trong cảnh thiếu thốn, phạm vào hành vi dục tính thiếu đạo hạnh sẽ gặp người phối ngẫu ngoại tình; lầm lỗi kéo theo sự trừng phạt, bất hòa đưa đến chia rẽ giữa bạn bè, cứ như thế mà tiếp tục. Quán nhận sai lầm sẽ tạo ra tình trạng hoang mang bất định hướng.

Hanh phúc hay khốn cùng trong hiện tại là hậu quả của những hành động mà ta thực thi trong quá khứ, không hơn không kém.

Quy luật chi phối sự tái sinh

Vô số kiếp tái sinh đang chờ đợi ta, các kiếp ấy có thể tốt hay xấu. Không thể tránh được hậu quả của nghiệp. Không thể đảo ngược các hành động. Ta sẽ gặt hái hậu quả một ngày nào đó. Khi một hành động được thực thi, nguyên nhân sẽ sinh ra, nó hiện hữu và tăng trưởng cho đến khi nào tạo ra hậu quả. Hành động dù được thực thi từ nhiều kiếp trước, tác động của nó vẫn luôn tiềm tàng, dù trải qua những khoảng thời gian thật lâu dài.

Nguồn: tamhuongphat.com!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News