Phong Thuỷ

Mối thù con nhà bá hộ, báo thù tận đến kiếp sau

Như mọi lần, tịnh xá Liên Hoa hôm ấy lại xáo động và ồn ã. Có lẽ những người ở đây cũng đã quen với việc các vong linh oan ức lên nhờ hòa thượng trụ trì giải oan cho.

luân hồi là gì, luật nhân quả, tâm linh bí ẩn, mối thù con nhà bá hộ, báo thù tận đến kiếp sau

Tịnh xá Liên Hoa nằm ở khu vực gần cầu Bạch Đằng, xã Bạch Đằng, Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tịnh xá được trụ trì bởi Hòa Thượng Thích Giác Sự, người đời thường gọi hòa thượng bằng cái tên trìu mến: sư ông An Lạc Hạnh. Đây là một vị hòa thượng được nhiều người tôn kính không chỉ vì đức hạnh của ông, mà còn vì hòa thượng có những năng lực phi thường, chuyên hóa giải được những vấn đề về tâm linh, ma quỷ. Ngoài việc chăm lo cho tịnh xá và dạy dỗ các đệ tử, sư ông còn thường hay giúp đỡ, chữa bệnh tâm linh cho mọi người miễn phí, không nề hà mệt mỏi.

Giống như những người có xung đột với nhau, thường tìm đến quan tòa để kiện cáo, quan tòa chân chính luôn công bình, sẽ giúp hai bên giải quyết mâu thuẫn. Nhưng các vong linh thì đâu có thể tìm tới quan tòa để kêu oan, mà các quan tòa cũng không có năng lực làm được điều đó. Những vong linh oan ức chỉ có nương nhờ những người như sư ông từ bi và đức độ, để hóa giải nỗi đau khổ cho mình.

Buổi sáng ngày hôm ấy, cái nắng hè oi ả như thiêu như đốt cả bầu không gian, tất cả đều hướng về tháp thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Sư ông hướng dẫn cho đôi vợ chồng trẻ và vong linh đang nhập vào người cô Kim, tất cả đi lên trên tháp để giải quyết mâu thuẫn.

Những tia nắng gay gắt chiếu rọi lên khuôn mặt đầy uất hận của cô Kim – người bạn của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng cô ta hiện không ở trạng thái bình thường, mà đang bị một vong nhập. Cái vẻ mặt đay nghiến ấy thực không phải của cô Kim, mà là của vong hồn tên Tú đang nhập vào Kim. Và đây cũng không phải lần đầu vong Tú nhập vào làm náo loạn, mà đã nhập nhiều lần rồi, hành đủ trò rồi. Sợ hãi và mệt mỏi, đôi vợ chồng mới tìm đến sư ông, nhờ sư ông gọi vong hồn của Tú lên để giải quyết ân oán.

Tú đưa mắt đôi mắt sắc lẹm nhìn đôi vợ chồng trẻ với vẻ đầy căm hận, vừa vất vả lê lết lên từng bậc thang để tới đài Quan Âm. Còn đôi vợ chồng chẳng dám ngẩng đầu lên, cứ cúi khom người xuống vì hổ thẹn, đưa tay muốn đỡ Tú cùng lên đài cho đỡ nhọc.

“Không cần! Không cần!”- Tú lên giọng dứt khoát, như thể muốn hai tên thối tha kia tránh xa ra, đừng có lại gần. Tú cứ thế lê lết từng bước mệt nhọc, rồi cũng lên tới nơi.

Trước tượng thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát trang nghiêm, thanh tịnh, sư ông An Lạc Hạnh mở lời từ bi, nhẹ nhàng bảo Tú hãy ra phía sau tượng ngài Quan Âm mà ngồi cho khỏi nắng.

Khi mọi người đã tập trung đầy đủ, sư ông mới hỏi cho rõ ngọn ngành, thì được biết thời gian vừa qua, gia đình cặp vợ chồng trẻ gặp rất nhiều vấn đề: vợ chồng mâu thuẫn triền miên, chồng tự dưng sinh tâm ghét bỏ vợ vô duyên vô cớ, làm ăn thì thất bát, trồng cây gì quả gì cũng thất bại, nghèo khó khổ sở, lại thêm con cái hư hỏng, chửi bới cha mẹ, bỏ nhà theo trai.

Lúc này, vong hồn của Tú vẫn mượn xác cô Kim, nói lời đầy căm phẫn, uất ức:

– Là con phá chúng nó đấy. Đến con ngựa của chúng, chúng còn yêu thương, còn con là con người, mà chúng không có coi ra gì hết … chúng dùng cây “chọt chọt” vào chân con, chúng kẹp các ngón tay của con rồi kéo nó ra, dùng cùi trỏ đánh vào lưng con. Chúng hành hạ con liên tục. Con dập đầu van xin chúng liên tục mà chúng không hề tha, vẫn đánh số đau đớn tới chết… con không bao giờ tha thứ cho chúng đâu…

Tú thốt lên những lời đầy ai oán, lửa hận thù ngùn ngụt cháy trong đôi mắt nhắm thẳng vào hai kẻ thù ngồi ngay trước mặt. Bốp! Bốp! Không thể kìm nén được, dù có sư ông ở đó, Tú lao vào đánh tới tấp cặp vợ chồng trẻ bằng cánh tay duy nhất đang còn lành lặn của mình. Bởi cánh tay còn lại và hai chân của vong linh đều đã bị hỏng.

Rồi ánh mắt Tú bỗng trùng xuống, Tú nhớ lại quá khứ kiếp xưa của mình, kể hết cho sư ông cùng mọi người xung quanh nghe.

Tú kiếp đó là một cô gái nghèo, ngoài ba mươi tuổi, đi làm người ở đợ cho nhà bá hộ. Tú biết thân phận mình nghèo hèn, nên chấp nhận công việc đi hầu hạ người khác để có miếng cơm, manh áo sống qua ngày.

Ở thời phong kiến, sự phân biệt giai cấp vô cùng mạnh mẽ. Thời đó, không ai dám trái ý hay làm gì ảnh hưởng đến các gia đình bá hộ, dù là chính quyền; chủ bảo gì, Tú làm nấy, không dám trái lời. Cùng làm việc với Tú, còn có anh Tèo, hai anh em ngày ngày chăm chỉ, chịu thương chịu khó làm việc, hầu hạ cho nhà người ta.

Nhưng ở đời, đôi khi chúng ta muốn bình yên cũng không được. Thói đời là vậy, nhún nhường lại thường hay bị người ta lấn tới. Ngày đó, vì có tiền nên các bá hộ thường nắm quyền sinh sát trong tay, dù họ có đúng hay sai, thì cũng không ai dám ho he lên tiếng, chỉ biết chịu đựng dù có oan khuất đến đâu.

Thân làm con ở, dù Tú và Tèo đã hầu hạ, cung phụng chủ nhân hết lòng, hết sức, dường như tất cả vẫn không làm vừa lòng cậu ấm cô chiêu của nhà bá hộ. Cậu con trai cả và cô con gái út nhà đó luôn được cha mẹ cưng chiều, không gì không có. Ăn sung mặc sướng, gấm vóc lụa là, xe ngựa đưa rước, chẳng thiếu thứ gì. Có lẽ quen thói được hầu hạ tới tận răng, nên hai cậu ấm cô chiêu được dịp lộng hành ngang ngược, vô cớ đánh đập kẻ ăn người ở một cách tàn nhẫn vô cùng.

Lúc này, Tú vừa nói vừa thở gấp, hai hàm răng sít chặt vào nhau như đay như nghiến, đưa mắt nhìn hai kẻ thù trước mặt, cô đưa ngón trỏ chỉ thẳng vào cặp vợ chồng:

– Chính chúng nó. Chính chúng nó kiếp trước là hai anh em, kiếp này lại làm vợ chồng của nhau. Con muốn làm cho chúng nó phải chịu cảnh đau đớn khốn khổ như con đã từng phải chịu.

Lúc nào cũng trực chờ muốn xông thẳng vào đôi vợ chồng để đánh, Tú dùng hết ý chí kiềm chế lại, tiếp tục kể với giọng nói đầy phẫn nộ:

-Chúng thời đó thỏa sức phi xe ngựa trên đường mà chẳng cần biết tới người đi đằng trước. Nếu ai thấy xe tới mà không tránh kịp, bị đâm vào ngựa của chúng, thì xác định sẽ bị đánh tơi bời, chúng lấy cớ vì làm ngựa của chúng bị đau. Với chúng thì những người dân thường hay người làm công trong nhà cũng không đáng quý bằng mấy con ngựa chở xe cho chúng. Quen thói hà hiếp người khác, chỉ cần ai làm chúng thấy ngứa mắt, không cần có lý do, chúng đánh thẳng cánh không chút kiêng nể.

Tú kể tiếp, một lần, vì sơ ý Tú đụng mạnh vào con ngựa. Lập tức, một trận lôi đình đổ ập xuống đầu cô.

“Á à, con này, mày dám làm chân con ngựa của tao bị đau à. Mắt mày để đâu, láo thật, gan mày to quá” – Vừa nói, cô út vừa nhanh mắt lượm ngay được một cái cây, xông tới đâm vào chân trái của Tú liên tục cho hả hê, làm máu chảy đầm đìa, liệt cả bên chân phải.

Chưa hết, cô út còn kẹp các ngón tay của Tú và kéo chúng căng giãn ra đến nỗi các ngón tay từ đó về sau cứ co quắp hết lại. Cậu cả thì biết võ, bằng lực rất mạnh như trời giáng, cậu dùng cùi trỏ đánh mạnh vào lưng của Tú, nhiều lần như vậy, phổi của cô đã bị tổn thương rất nặng, chúng đánh cả vào cổ làm vùng họng của cô cũng đau không dứt.

Toàn thân Tú, chẳng chỗ nào là không đau đớn cả, thương tích thì chi chít khắp trên cơ thể. Đau đớn tột cùng, không thể chịu nổi, Tú dập đầu lia lịa van xin cô chủ, cậu chủ thống thiết, mà chúng chẳng mảy may động lòng. Có vẻ như hành hạ người khác chính là thú vui tiêu khiển của hai cậu ấm, cô chiêu thì phải.

Cuối cùng, Tú tắt thở, bị đánh dã man đến chết. Anh Tèo cũng không ngoại lệ, bị chúng cho uống thuốc độc mà chết tức tưởi không lâu sau đó. Vừa kể, vong hồn Tú vừa lườm đôi vợ chồng, thi thoảng lại nhảy bổ vào đánh cho hả dạ.

Càng về dần trưa, nắng càng gay gắt hơn, tất cả những người có mặt tại đó đều xót xa cho một cô tớ gái kiếp nào chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, vì ôm nỗi căm hờn quá lâu mà tới nay vẫn chưa siêu thoát, chịu sự khổ đau dày vò thống khổ tâm can như thế này.

Nhưng tất cả không chỉ dừng lại ở đó…

Tưởng rằng chết là hết, mọi đau khổ sẽ dừng lại, mọi oan khuất sẽ được chôn vùi, mọi tội ác đều được xóa sổ. Có phải thế chăng? Thực tế không phải vậy, chúng sinh do nghiệp lực mà đã luân hồi từ vô thủy kiếp nay. Đã tạo nhân thì sẽ có quả. Quả không đến trước thì cũng đến sau. Quả không trổ kiếp này, thì cũng trổ kiếp khác.

Sau khi lìa bỏ thân xác, vong hồn của Tú và Tèo vẫn lang thang vất vưởng đi theo hai anh em con nhà bá hộ để chờ cơ hội trả thù, như trong kinh Phật gọi, là một vong hồn “oan gia trái chủ”. Thời gian trôi qua, hai anh em cậu ấm cô chiêu đã già, chết, và chuyển kiếp không biết bao lần, thì Tú và Tèo vẫn chưa siêu thoát nổi. Vì sự sân hận như thiêu như đốt, họ vẫn cứ bám theo hai anh em suốt từng ấy thời gian.

Sức mạnh của nhân quả, luân hồi, duyên nợ, nghiệp báo đã kết nối họ lại với nhau. Ở kiếp này, hai anh em con nhà bá hộ lại nên duyên vợ chồng. Và đương nhiên vong hồn của Tú và Tèo vẫn luôn bên họ chẳng rời xa, để thực hiện được công cuộc báo thù của mình. Giờ đây, nó không còn là cuộc chiến giữa người với người, mà đã trở thành cuộc chiến giữa người và vong.

Về phía Tú, khi còn là người đã khổ sở, chết rồi lại càng thê thảm. Cô phải sống bao năm trong cõi giới của vong linh vất vưởng, đói khát, lại cộng thêm lửa thù hận hừng hực, thiêu đốt tâm hồn cô từng giây từng phút, thống khổ vô cùng. Thay vì tìm đường siêu thoát, Tú chỉ trực chờ thời cơ, khe hở để báo thù, mong làm cho cuộc sống của hai vợ chồng kia phải khốn đốn và chịu sự đau đớn như Tú đã từng phải trải qua.

Bằng cách nào chứ? Bởi vong linh thường có tha tâm thông – tức đọc được suy nghĩ của người khác, và còn có thể tác động vào tâm của họ phần nào đó. Thấy con gái của hai vợ chồng đã đến tuổi dậy thì, Tú nghĩ:

“Đứa con gái cả nhà này mới chớm lớn mà đã yêu đương nhăng nhít. Đã thế thì mày đi luôn theo nó đi, cho cha mẹ mày đau khổ vì đứa con hư hỏng như mày. Hãy đi đi! Đi theo nó đi!”.
Lợi dụng tâm ý của cô con gái lớn, Tú tìm cách tác động, dụ dỗ bé bỏ nhà theo trai, làm cha mẹ phải phiền lòng, buồn khổ. Từ một cô bé ngoan, nay trở nên ích kỉ, xấu tính, gặp ai bé cũng ghét, cũng chửi bới. Gia đình vì đó mà náo loạn, khổ não vì con.

Không dừng lại ở đó, vong hồn của Tú còn tìm cách tác động vào tâm làm cho người chồng ghét vợ, dẫn đến hai vợ chồng xảy ra xung đột, mâu thuẫn lẫn nhau. Cô còn phá làm cho hai vợ chồng không thể khấm khá lên được, họ làm gì cũng thất bại, nên gia cảnh luôn khó khăn túng thiếu. Một gia đình mà vợ chồng bất hòa, con cái hư hỏng, kinh tế túng thiếu, thì còn gì để cứu vãn được nữa.

Mục đích cuối của Tú không gì hơn chính là mong kẻ thù phải chết. Khi đó cả hai bên đều là vong hồn, Tú sẽ dễ dàng báo thù hơn nữa.

Nhưng hành trình trả thù này cũng đâu có dễ dàng như vậy. Bỗng nhiên, xuất hiện ở đâu cô gái tên Kim, chính là người Tú đang nhập vào, vì thương cảm cho hoàn cảnh của hai vợ chồng mà tìm cách cứu giúp, gây cản trở kế hoạch báo oán của Tú. Đang hận sẵn, Kim lại can thiệp vào, làm vong hồn của Tú càng sôi máu lên. Chả quen chả biết, nhưng vì động vào việc riêng của Tú, lửa sân càng bùng lên mạnh mẽ, cô quyết định phá cho cả nhà cô Kim cũng tan nát không kém. Từ một cô tớ gái chịu thương chịu khó kiếp nào, nay lại trở thành một vong hồn vô cùng sân hận, tàn độc.

Mọi thứ dường như bế tắc với tất cả. Đôi vợ chồng thì làm ăn thất bát, con cái hư hỏng, mâu thuẫn lẫn nhau. Cả gia đình cô Kim cũng bị vạ lây. Bản thân Tú cũng không một giây phút yên bình. Oan oan tương báo chẳng bao giờ chấm dứt được, nếu người trong cuộc không dùng từ bi để buông bỏ hận thù. Thì rốt cuộc cũng chỉ đem lại khổ đau cho tất cả mà thôi.
Mặt trời đã đứng bóng, không khí xung quanh đều trùng xuống, không phải vì uể oải do cái nóng của mùa hè, mà vì thấm thía nỗi khổ đau của kiếp nhân sinh. Chỉ vì những cảm xúc đến bất chợt, vì những phút hả hê ngắn ngủi ở kiếp xưa, mà nay đôi vợ chồng phải chịu bao khổ sở không nói hết.

Nghe Tú giãi bày hết nỗi niềm, sư ông An Lạc Hạnh vừa an ủi, vừa khuyên nhủ Tú hãy tha thứ vì chúng cũng đã biết hối hận. Thêm nữa, có thể yêu cầu chúng phải cạo đầu, cung cấp nhà, xe cúng cho Tú có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, làm nhiều công đức để hồi hướng cho Tú mau siêu thoát. Và sư ông hứa sẽ nhận Tú và Tèo làm đệ tử, cho ở lại tịnh xá Liên Hoa để tu tập. Thấy mình được làm đệ tử của sư ông, Tú phấn khởi lắm, lạy sư ông liên tục.

– Con lạy sư phụ như vậy cả ngày cũng được. Mà sư phụ tên gì để nếu có ai ăn hiếp, con còn biết đường gọi sư phụ cứu giúp.

– Ta là An Lạc Hạnh.

– Nhưng con không tha cho chúng được đâu. Nhất định con phải cho chúng nếm mùi đau đớn như con đã từng phải chịu đựng khi xưa

– Vậy con đánh chúng nốt đi cho hả dạ, rồi tha thứ cho chúng, theo ta tu học

– Không, con không tha cho chúng

Tú dằn vặt, nửa muốn theo sư ông tu học, nửa không muốn tha thứ cho hai tên cậu ấm cô chiêu độc ác kia.

– Vậy chúng phải cúng trai tăng (mà hồi hướng công đức), chứ con không thèm nhà, thèm xe đâu. Nếu con nhận nhà, nhận xe là con tham. Nhưng con không tham.

– Chúng khó khăn vậy, lấy đâu tiền mà cúng trai tăng.

– Con nhất định không nhận nhà, xe đâu.

– Thôi được rồi, vậy chúng sẽ phải cạo đầu. Chúng phải cố gắng tích cóp, khi nào đủ điều kiện thì sẽ cúng trai tăng. Còn ta cho con ở đây tu tập, hàng ngày nghe Pháp.

Trời dần trở về chiều, thoáng những cơn gió đã khẽ lay cành lá xung quanh, bóng râm sau tượng Đức Quan Âm đã dần lớn hơn trước. Có lẽ Tú cũng quá mệt mỏi rồi, suốt bao tháng năm ròng rã ủ mưu tính kế trả thù, thống khổ lắm chứ. Oán hận lắm, nhưng cô tớ gái kiếp nào giờ đây có lẽ đã muốn cho bản thân mình một cơ hội, Tú vẫn là cô gái đáng thương nhường nào.

– Vậy sư phụ cho con ở đây hả?

– Cho Tú và cả Tèo ở đây. – sư ông đáp – Ta đặt pháp danh cho Tú là Ngọc Thu, pháp danh cho Tèo là Thiện Tân. Hộ Pháp, Chư thần! dẫn Ngọc Thu và Thiện Tân qua bên chỗ nhà cửu huyền, sắp xếp chỗ ở đàng hoàng.

Cuối cùng thì khát khao được vươn lên ánh sáng của một vong hồn cũng đã lấn át được nỗi oán hận sâu sắc bấy lâu. Tú cuối cùng cũng đồng ý tha thứ cho kẻ thù, và cho mình một cơ hội sống tốt đẹp hơn. Màn đêm đã tắt, bình minh đã ló rạng soi sáng cuộc đời Tú. Rồi mai đây, cô sẽ được tu học, nương theo ánh sáng Phật Pháp dẫn lối. Tất cả đều vui mừng cho mối oan khiên đã được hóa giải. Trong lòng Tú cũng đã lóe lên niềm hy vọng, hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn.

May cho họ có duyên gặp được một vị hòa thượng đức độ và đủ năng lực để hóa giải mối “oan oan tương báo” này. Nhưng nếu như những người không có duyên được một vị như sư ông An Lạc Hạnh, thì phải làm sao ? Thực ra vẫn còn cách khác, ta có thể hướng về các oan gia trái chủ đang báo oán mình mà thành tâm sám hối, tạo nhiều phước lành mà hồi hướng cho họ, bù đắp tội lỗi khi xưa. Kiên trì và thành khẩn làm như vậy, các vị oan gia trái chủ sẽ dần nguôi hận mà tha thứ cho ta.

Cả Tú, Tèo và cặp vợ chồng kia đều là những chúng sinh vô minh và đáng thương vô cùng, cứ mãi lặn ngụp trong màn đêm tăm tối, không nhận ra ánh sáng ở nơi đâu. Họ chẳng hiểu được nhân quả nghiệp báo luân hồi, không phân biệt được thiện ác, chẳng biết đâu là lối thoát cho mình.

Tưởng rằng ở đời “mạnh được yếu thua”, tưởng rằng chết là hết, cứ mãi tưởng như vậy, rồi đến lúc quả báo đến mới hối hận thì đã quá muộn màng. Sống ở trên đời chỉ có thiện lương mới đưa con người ta đến được với hạnh phúc, chứ không phải sự trà đạp lên những người yếu thế hơn mình. Đó là bài học mà cặp vợ chồng kia cần phải học.

“Oan oan tương báo”- có lẽ không phải ai cũng thấm thía điều này. Đời này anh hại tôi, đời sau tôi trả thù anh. Rồi đời sau nữa anh lại trả thù tôi, rồi lại đời sau nữa … biết bao giờ mới dứt được. Người ta gọi đó là oan oan tương báo. Vậy phải làm sao? Từ Bi chính là đáp án, là chìa khóa mở ra mọi nút thắt. Từ Bi chính là yêu thương kẻ thù và giải thoát cho chính mình, là khoan dung với lỗi lầm của người, và cũng là phát triển tâm linh của chính mình.

Ôm giữ oán hận kẻ thù, chính là đem lỗi lầm của kẻ khác hành hạ chính mình. Đây chính là bài học dành cho Tú. Từ một cô gái biết nhẫn nhục, chăm chỉ, chịu khó, đã dẫm lên vết xe đổ của người khác, trở thành một người đầy sân hận, tàn ác phá hoại cuộc đời kẻ khác, nào có khác chi đâu.

Đó là bài học, là chìa khóa mở ra con đường ánh sáng. Có chìa khóa trong tay, nhưng có kĩ năng sử dụng nó hay không? Có con đường trong tay, nhưng có kiên trì, có mạnh mẽ tiến bước tới đích hay không? Điều đó lại nằm ở ý chí của mỗi người.

(Tĩnh Như – thuật lại từ sự việc có thật tại tịnh xá Liên Hoa, Bình Dương)/Fb Quang Tử!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News