Phật học

Bồ Tát Địa Tạng là ai? 19 công đức chí tâm niệm danh hiệu, tán thán ngài

Ngày nay, người theo đạo Phật và không theo đạo Phật thật sự trong thâm tâm và niềm tin của mọi người rất kính trọng Bồ Tát Địa Tạng vì lời nguyện rộng sâu của Ngài.

địa tạng vương bồ tát, kinh địa tạng, lời phật dạy, bồ tát địa tạng là ai? 19 công đức chí tâm niệm danh hiệu, tán thán ngài

I. Duyên khởi

Ngày nay, người theo đạo Phật và không theo đạo Phật thật sự trong thâm tâm và niềm tin của mọi người rất kính trọng Bồ Tát Địa Tạng vì lời nguyện rộng sâu của Ngài.

“Địa ngục vị không thệ bất thành Phật Chúng sinh độ tận phương chứng Bồ đề”. Nên Ngài được “chư Phật ba đời đồng khen chuộng. Mười phương Bồ Tát chung tin tưởng” là vua trong các vị Bồ Tát.

Có người còn băn khoăn và suy nghĩ mãi về Ngài, cho rằng Bồ Tát Địa Tạng chỉ là nhân vật hư cấu, sản phẩm của đầu óc tưởng tượng phong phú của người Trung Hoa?

Chúng tôi nghiên cứu, truy tìm đến các tài liệu của các học giả nghiên cứu về Phật giáo cổ Ấn Độ đã trưng ra các bằng chứng xác định rằng tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Địa Tạng (Kshitigarbha) đã được khai sinh tại Ấn Độ vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai sau công nguyên (C.E.), cùng một lúc với sự phát triển mạnh mẽ của khuynh hướng Phật giáo phát triển, mà bằng chứng cụ thể là Bồ Tát Địa Tạng và những kinh sách liên quan đến Ngài đã được đưa vào chương trình học tập, nghiên cứu tại Đại học cổ điển Phật giáo nổi tiếng Nalanda xứ Ma Kiệt Đà.

II. Thế thân và danh xưng

A. Thế thân/xuất gia và thị tịch Ngài Bồ Tát Địa Tạng

Căn cứ vào nhiều tài liệu để tìm hiểu lại lịch sử của Ngài Bồ Tát Địa Tạng Vương trên lịch sử Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Hàn Quốc. Ngài Bồ Tát Địa Tạng tục danh tên là Kim Kiều Giác (Kim Kyo-gak), sinh vào thế kỷ thứ VII, năm 696 TL, tại nước Tân La (Silla), hiện nay là Hán Thành, thuộc Nam Hàn.

Ngài vốn là một Hoàng tử, sống trong lầu son nhung lụa, ở cung vàng điện ngọc, thế nhưng tính Ngài lại thích đạm bạc, không bị ảnh hưởng bởi nếp sống vương giả phong lưu đài các, mà chỉ chăm lo học hỏi và ham đọc Thánh hiền.

Vào năm Vĩnh Huy đời Đường Cao Tông, sau khi tham khảo hết Tam giáo, Cửu lưu và Bách gia chư tử thì Ngài bèn buông lời cảm thán: “So với Lục kinh của Nho gia, Đạo thuật của Tiên gia, thì lý Đệ nhất Nghĩa đế của nhà Phật là thù thắng hơn hết, rất hợp với chí nguyện của ta.” Sau đó lập chí xuất gia vào lúc 24 tuổi.

Sau khi xuất gia, Ngài thích đến chỗ vắng vẻ tu tập tham thiền nhập định, nhân đây bèn nghĩ đến việc hành cước, tìm một nơi thanh vắng để tĩnh tu. Ngài chuẩn bị thuyền bè, đem theo một ít hành trang và lương thực, đồng thời dắt theo con bạch khuyển (chó trắng) tên Thiện Thính, đã theo Ngài từ lúc xuất gia. Ngài một mình tự lái thuyền rời bến Nhân Xuyên (Incheon), trương buồm ra khơi, tùy theo hướng gió mà đi, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đến cửa sông Dương Tử (Trung Hoa). Thuyền bị mắc cạn trên bãi cát, Ngài bèn bỏ thuyền đi bộ lên bờ, tiếp tục cuộc hành trình. Sau nhiều ngày lang thang, Ngài đến chân núi Cửu Tử ở huyện Thanh Dương, tỉnh An Huy. Thấy phong cảnh nơi đây hùng vĩ, sơn xuyên tú lệ, Ngài bèn quyết định ở lại. Ngài đi dọc theo triền núi lên phía trên cao để khảo sát, phát giác khoảng giữa các ngọn núi là một vùng đất bằng phẳng, cảnh trí nên thơ vô cùng tĩnh mịch, bèn trèo lên mỏm đá bên cạnh một khe nước suối. Một hôm, đang lúc tĩnh tọa, bỗng có một con rắn độc nhỏ đến cắn vào đùi, nhưng Ngài vẫn an nhiên bất động. Giây lát sau, một người đàn bà tuyệt đẹp từ trên vách núi bay xuống, đến bên cúi lạy, đưa thuốc cho Ngài và nói: “Đứa bé trong nhà rắn mắt, xúc phạm tôn nhan. Thiếp xin tạo một con suối mới để đền đáp lỗi lầm của cháu nhỏ.” Nói xong biến mất. Chưa đầy một sát na, trong vách núi ào ra một dòng suối cuồn cuộn chảy xuống. Từ đó, Ngài không còn phải lao nhọc đi xa gánh nước về. (Đây là dòng suối Long Nữ Tuyền nổi danh ở núi Cửu Hoa).

Ngài Địa Tạng tu hành ở núi Cửu Hoa Sơn 75 năm. Thọ đến 99 tuổi. Suốt thời gian tu khổ luyện ở đây, Ngài không hề trở về nước Đại Hàn. Ngài nhập Niết bàn vào ngày 30 tháng 7 năm Đường Khai Nguyên thứ 26. Ba năm sau khi Ngài viên tịch, thì tọa quan của Ngài tự động mở cửa. Và trong đó thi thể và dung mạo của Ngài y hệt như người sống. Tay chân vẫn mềm dẻo như có thể di chuyển được.

Mãi cho đến ngày nay, nhục thân của Ngài Địa Tạng vẫn còn được thờ phụng tại Cửu Hoa Sơn để cho thính chúng chiêm ngưỡng.

B. Danh xưng Ngài Bồ Tát Địa Tạng

Tên Bồ Tát đọc theo tiếng Phạn là Khất Xoa Để Nghiệt Sa (Ksitigarbha), Hán dịch là Địa Tạng. Nhưng trong các bản Kinh truyền dịch, tên Ngài cũng có chỗ được dịch dài hơn, kể ra như dưới đây:

a. Bồ Tát Địa Tạng. Danh hiệu này là tên thông dụng trong các bản dịch Kinh. Ý nghĩa chữ “Địa Tạng” như trong Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo Kinh Sớ của Đại Sư Ngẫu Ích đã giảng rộng.

b. Danh hiệu Bồ Tát Đại Địa Tạng phát xuất từ phẩm Nhập Pháp Giới của Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm bản dịch đời Tấn.

c. Danh xưng Bồ Tát Trì Địa Tạng phát xuất từ Kinh Phật Thuyết La Ma Già được dịch vào đời Tây Tần. Kinh này chính là bản dịch khác của phẩm Nhập Pháp Giới.

d. Danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng Vương phát xuất từ Kinh Đại Thừa Bổn Sinh Tâm Địa Quán dịch vào thời Đường. Ngài Lai Châu đời Thanh giải thích: “Chấp chưởng U Minh, tùy nguyện tự tại; vì thế được tôn là Vương”. Nghĩa chữ Vương rất rộng, lời giải thích trên chưa được trọn vẹn.

Bồ Tát Địa Tạng đại biểu cho một khuôn mẫu tốt đẹp và tích cực nhất của lý tưởng Bồ Tát đạo, qua hành động dấn thân, lăn xả vào chốn địa ngục lầm than để cứu độ chúng sinh với lời nguyện bất hủ: Khi nào trong cõi địa ngục còn một chúng sinh khổ đau, Ngài sẽ không bao giờ trọn thành Phật đạo. Thế nên được tôn sùng như là vị “U Minh Giáo Chủ”, Bồ Tát Địa Tạng đã được quần chúng phật tử tại Á châu theo truyền thống Bắc tông tôn thờ kính ngưỡng.

Hàng ngàn hình tượng Bồ Tát Địa Tạng được tôn thờ trong những hang động tại vùng Long Môn và Đôn Hoàng, Turkestan trong khu vực được gọi là Vạn Phật đã nói lên niềm tin tưởng của dân chúng địa phương về sự hộ trì của Bồ Tát Địa Tạng đối với khách lữ hành và là một bằng chứng sống động cho thấy rằng Bồ Tát Địa Tạng không phải là sản phẩm hư cấu của người Trung Hoa.

(TT.Thích Thiện Hạnh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2018!)

địa tạng vương bồ tát, kinh địa tạng, lời phật dạy, bồ tát địa tạng là ai? 19 công đức chí tâm niệm danh hiệu, tán thán ngài

III. Đoạn kinh văn đức Phật tán thán ngài Địa Tạng

Nếu quý vị thành tâm tán thán, chiêm ngưỡng đảnh lễ, xưng niệm danh hiệu, cúng dường, hoặc tạc đúc các hình tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, thì vĩnh viễn sẽ không bị đọa lạc vào đường ác nữa.

Bản thân tôi cũng từng lập nguyện rằng trong số những người đã quy y với tôi, nếu có một người chưa thành Phật thì tôi cũng chưa thành Phật. Tuy nhiên, vì tôi không có được nguyện lực lớn lao như Địa Tạng Vương Bồ Tát để có thể độ cho tất cả chúng sanh đều thành Phật, do đó tôi có đặt điều kiện phải là đệ tử quy y và phải thật tâm tin tưởng nơi tôi thì tôi mới chờ đợi. Nếu người ấy bị đọa địa ngục, tôi sẽ vào địa ngục để tìm và cứu người ấy ra.

Giả sử về đời sau, có người tấm tắc ngợi khen rằng Địa Tạng Vương Bồ Tát có nguyện lực không thể nghĩ bàn, thần thông không thể nghĩ bàn và lòng từ bi cũng không thể nghĩ bàn; đồng thời giới thiệu cho mọi người biết về Ngài, và “hoặc chiêm lễ, hoặc xưng niệm danh hiệu ‘Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát’…”

“Chiêm” là dùng mắt để nhìn ngắm; “lễ” là lễ bái, vái lạy. Khi chúng ta quỳ lạy trước tượng Phật, tức là chúng ta đang “chiêm lễ” Phật. Chúng ta hiện đang giảng Kinh Địa Tạng, tôi nói Địa Tạng Vương Bồ Tát thật là bất khả tư nghì; thì đó là “tán thán,” khen ngợi. Trong lúc chiêm ngưỡng và đảnh lễ, chúng ta niệm “Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát”; thì đó gọi là “xưng niệm danh hiệu.”

“Hoặc cúng dường.” Chúng ta đã cung thỉnh tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát về giảng đường này, và bây giờ mọi người ngày ngày thắp hương, lễ lạy, dâng cúng hoa quả… trước tôn tượng; như thế gọi là “cúng dường.”

“Cho đến tô vẽ, chạm khắc, tạc đúc, sơn thếp hình tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát…” Đừng nói tới dùng gỗ, chỉ cần dùng màu sắc để tô vẽ một bức hình của Bồ Tát Địa Tạng cũng là rất đáng quý.

Người nào vẽ được một bức tranh Phật thì tướng mạo của người đó sẽ trở nên trang nghiêm, viên mãn thêm một chút. Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt cùng tám mươi vẻ đẹp nếu quý vị vẽ một bức hình Phật thì tướng mạo của quý vị sẽ tốt đẹp hơn một chút, vẽ hai bức thì tướng mạo lại đẹp lên một chút nữa; vẽ ba bức, bốn bức, năm bức…, thậm chí cả trăm ngàn vạn ức bức tranh Phật, thì quý vị cũng sẽ có được ba mươi hai tướng tốt cùng tám mươi vẻ đẹp như Phật vậy. Nói tóm lại, nếu quý vị tô vẽ hình Phật, tạc tượng Phật, đắp tượng Phật, thì tướng mạo của quý vị sẽ được đẹp đẽ hơn.

“Chạm khắc” tức là dùng dao để đẽo gọt và chạm trổ trên gỗ, làm thành tượng Phật hoặc Bồ Tát.

“Thì người đó sẽ được một trăm lần sanh lên cõi trời Tam Thập Tam.” Nếu quý vị tô vẽ tranh ảnh Phật, điêu khắc từ gỗ tốt hoặc tạc từ đá quý thành hình tượng Phật, hoặc là dùng sơn keo để tô đắp và sơn thếp tượng Phật, thì sẽ được sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba một trăm lần. “Một trăm lần” này không phải chỉ ở cõi trời Ba Mươi Ba, mà trước tiên là sanh lên sáu tầng trời Dục Giới, mười tám tầng trời Sắc Giới-tức là ba tầng trời Sơ Thiền, ba tầng trời Nhị Thiền, ba tầng trời Tam Thiền và chín tầng trời Tứ Thiền-và luôn cả các tầng trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ ở Vô Sắc Giới. Cứ ở mỗi cõi giới Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới-quý vị sẽ được tái sanh một trăm lần, sau đó sanh về cõi trời Ba Mươi Ba một trăm lần nữa. Quãng thời gian này vô cùng lâu dài.

“Vĩnh viễn chẳng còn bị đọa vào ác đạo.” Nếu quý vị thành tâm tán thán, chiêm ngưỡng đảnh lễ, xưng niệm danh hiệu, cúng dường, hoặc tạc đúc các hình tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, thì vĩnh viễn sẽ không bị đọa lạc vào đường ác nữa.

Hoà Thượng Tuyên Hóa giảng!

IV. Công đức chí tâm niệm danh hiệu, cúng dường, tán thán ngài Địa Tạng Bồ Tát

1. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình do mong cầu các thứ, bị buồn khổ bức bách, có thể chí tâm niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường ngài đại Bồ-tát Địa Tạng thì đều được tất cả mong cầu như pháp, xa lìa các buồn khổ, tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay được Niết-bàn.

2. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình bị đói khát bức bách, có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì đều được đầy đủ tất cả thức ăn uống mong cầu như pháp. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay được Niết-bàn.

3. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình thiếu thốn các thứ y phục, đồ trang sức quý báu, thuốc men, giường nằm và các vật dụng, có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì đều được đầy đủ tất cả y phục, đồ trang sức quý báu, thuốc men, giường nằm và các vật dụng mong cầu như pháp, tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

4. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình điều ưa thích lại bị xa lìa, oán ghét lại hội họp mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều được ưa thích được hội họp, oán ghét thì xa lìa. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

5. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình thân tâm buồn khổ, các bệnh làm đau đớn mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều được thân tâm an lạc, các bệnh tiêu trừ. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

6. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình chống trái nhau gây ra các việc đấu tranh mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều bỏ tâm độc hại, hòa hợp với nhau, vui vẻ, nhẫn nhịn nhau, lần lần hối lỗi, hổ thẹn, có tâm từ với nhau. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

7. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình bị nhốt trong lao ngục, bị gông cùm, xiềng xích trói thân, chịu đủ các khổ mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều được thoát khỏi lao ngục, xiềng xích, gông cùm, được tự do, vui vẻ. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

8. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình đang bị tù, bị đánh đập bằng roi vọt, tra khảo rất đau đớn, sắp bị giết hại mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều được thoát khỏi tù tội, đánh đập bằng roi vọt, giết hại. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

9. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình thân tâm mệt mỏi, khí lực suy yếu mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều được thân tâm thoải mái, khí lực mạnh mẽ. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

10. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình không đủ các căn, hoặc bị tổn hại mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều được đầy đủ các căn, không bị tổn hoại. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

11. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình tâm loạn điên cuồng, bị ma quỷ làm mê mờ mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều được tâm không cuồng loạn, lìa các quấy nhiễu. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

12. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình bị tham dục, sân giận, ngu si, giận hờn, bỏn xẻn, ganh ghét, kiêu mạn, ác kiến, ngủ nghỉ, buông lung, nghi ngờ… đều rất hừng hẫy, làm não loạn thân tâm, thường không an lạc mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều được xa lìa tham dục…, thân tâm an lạc. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

13. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình bị lửa thiêu đốt, bị nước cuốn trôi, bị gió thổi bay, hoặc ở trên núi cao, cây cao, nhà cao, bị té rơi xuống rất sợ hãi kinh hoàng mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều được thoát khỏi ách nạn, được an ổn, không tổn hại. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

14. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình bị các rắn độc, trùng độc đốt chích, hoặc bị trúng các thuốc độc mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều được xa lìa các thứ làm khổ hại. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

15. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình bị ác quỷ bắt làm cho bị bệnh, hoặc hàng ngày phát bệnh, hoặc cách ngày phát, hoặc ba bốn ngày phát một lần, hoặc làm cho thân tâm cuồng loạn, run rẩy, mê muội không biết gì mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều được thoát khỏi, thân tâm an ổn, không còn sợ hãi. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

16. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình bị các quỷ dược-xoa, la-sát, ngạ quỷ, quỷ Tất-xá-già, quỷ Bố-đát-na, quỷ Cưu-bạn-trà, quỷ Yết-tra-bố-đát-na, quỷ hút tinh khí và các ác thú: cọp, sói, sư tử; các chú thuật yếm độc, giặc thù, quân trận và các việc sợ hãi khác quấy nhiễu làm cho thân tâm kinh hoàng, khiếp sợ, mất thân mạng, sợ chết, tham sống, chán khổ, cầu vui mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả đều được xa lìa các sợ hãi, được bảo toàn thân mạng. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

17. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình hoặc vì nghe nhiều, hoặc vì tịnh tín, hoặc vì tịnh giới, hoặc vì tịnh lự, hoặc vì thần thông, hoặc vì Bát-nhã, hoặc vì giải thoát, hoặc vì sắc đẹp, hoặc vì tiếng hay, hoặc vì hương thơm, hoặc vì vị ngon, hoặc vì xúc chạm êm ái, hoặc vì lợi dưỡng, hoặc vì tiếng khen, hoặc vì công đức, hoặc vì khéo léo, hoặc vì hoa quả, hoặc vì rừng cây, hoặc vì giường tòa, hoặc vì đồ nằm, hoặc vì đường đi, hoặc vì của cải, hoặc vì thuốc men, hoặc vì nhà cửa, hoặc vì tôi tớ, hoặc vì hình sắc, hoặc vì mưa ngọt, hoặc vì mong cầu nước, hoặc vì cấy gặt, hoặc vì quạt phẩy, hoặc vì gió mát, hoặc vì cầu lửa, hoặc vì xe cộ, hoặc vì nam nữ, hoặc vì phương tiện, hoặc vì tu phước, hoặc vì ấm áp, hoặc vì mát mẻ, hoặc vì nhớ nghĩ, hoặc vì các việc lợi ích thế và xuất thế gian…, trong lúc tìm cầu các việc ấy bị buồn khổ bức bách mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì vị thiện nam tử với công đức, định lực, thần thông thù thắng làm cho tất cả đều xa lìa buồn khổ, thỏa mãn ý nguyện. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

18. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình gieo các hạt giống ở ruộng hoang hoặc ruộng tốt, hoặc siêng năng làm việc, hoặc không làm việc mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì thiện nam tử này với công đức, định lực, thần thông thù thắng làm cho tất cả cây trái đều được mùa. Vì sao? – Vì thiện nam tử này từng trải qua vô lượng vô số đại kiếp ở vô số cõi Phật Thế Tôn thời quá khứ phát đại thệ nguyện kiên cố, tinh tấn; do năng lực nguyện này vì muốn giáo hóa các hữu tình nên thường thống lãnh tất cả đại địa, thường nắm giữ tất cả hạt giống, thường làm cho tất cả hữu tình tùy ý sử dụng. Năng lực thần thông của vị thiện nam tử này hay làm cho tất cả cây cỏ, gốc rễ, mầm, cọng, cành, lá, hoa, quả ở khắp đại địa đều sanh trưởng từ mầm non, hoa quả tươi tốt, trái chín mọng, hương vị thơm ngọt.

19. Ở trụ xứ nào, nếu các hữu tình tham, sân, si hừng hẫy, tạo ra mười ác nghiệp: sát sanh, hoặc không cho mà lấy, hoặc tham dục tà hạnh, hoặc nói dối trá, hoặc nói thô ác, hoặc nói lời ly gián, hoặc nói lời tạp uế, hoặc tham, hoặc sân, hoặc tà kiến mà có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, quy kính, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng thì tất cả phiền não đều tiêu trừ, xa lìa mười điều ác, thành tựu mười điều lành; đối với các chúng sanh phát tâm từ bi, làm lợi ích. Vị thiện nam tử này thành tựu công đức, định lực, thần thông, dũng mãnh, tinh tấn như vậy, trong khoảng một bữa ăn có thể ở vô lượng vô số cõi Phật, ở mỗi quốc độ trong khoảng một bữa ăn đều có thể độ thoát, giáo hóa vô lượng vô số căng-già-sa hữu tình, làm cho xa lìa các khổ, đều được an vui. Tùy theo nghiệp tương ưng mà được sanh thiên hay Niết-bàn.

Trích kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân
Hán dịch:Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News