Phật học

Cõi Ta Bà là gì, ở đâu? Tại sao gọi cõi Ta Bà là ngũ trược ác thế?

Cõi Ta Bà là gì, ở đâu? Cõi Ta Bà còn gọi là Ta Bà Thế Giới hay Đại Thiên Thế Giới, và cõi mà hiện chúng ta đang sinh sống đây thuộc về Ta Bà Thế Giới. Ta Bà nguyên là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “kham nhẫn”.

cõi ta bà, lời phật dạy, lục đạo luân hồi, ngũ trược ác thế, cõi ta bà là gì, ở đâu? tại sao gọi cõi ta bà là ngũ trược ác thế?

1. Cõi Ta Bà là gì?

Cõi Ta Bà còn gọi là Ta Bà Thế Giới hay Đại Thiên Thế Giới, và cõi mà hiện chúng ta đang sinh sống đây thuộc về Ta Bà Thế Giới. Ta Bà nguyên là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “kham nhẫn”.

Như vậy, Cõi Ta Bà là cõi giới mà nơi ấy chúng sanh có khả năng nhẫn nhịn và chịu đựng mọi sự thống khổ. Sự thống khổ ấy ở đâu ra? Sự thống khổ ấy nằm trong Bát Khổ và lưu chuyển trong lục đạo luân hồi. Bởi đa phần chúng sanh không nhận thức được Bát Khổ của kiếp nhân sinh nên nhiều vị chẳng biết tại sao mình khổ. Hễ nghe bảo đời là bể khổ thì ngơ ngơ bảo: Ai chứ tôi nào thấy mình có khổ gì đâu?!

Lục Đạo Luân Hồi bao gồm Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới, gọi tắt là Tam giới. Dục giới gồm có sáu nẻo chúng sanh, gọi là Lục Đạo Luân Hồi, gồm: Trời, Người, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục.

Chúng sanh nơi cõi Ta Bà tùy nghiệp thiện ác mà vô lượng kiếp đến nay luẩn quẩn lên xuống trong sáu nẻo luân hồi sanh tử: Sanh ra rồi chết đi, chết đi rồi lại sanh ra, lang thang bất tận trong sáu đường!

2. Đại lược về cõi Ta Bà: Đại Thiên Thế Giới

Cõi Ta Bà bao gồm Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Theo Phật Học Tinh Yếu: “Kể theo phần chánh yếu, Một Tiểu thế giới có một Lục Dục-thiên, một nhật nguyệt, một núi Tu-Di và một Tứ-đại-châu. Một ngàn Tiểu-thế-giới hợp lại thành một Tiểu-thiên-thế-giới. Một ngàn Tiểu-thiên-thế-giới hợp lại thành một Trung-thiên-thế-giới. Một ngàn Trung-thiên-thế-giới hợp lại thành một Đại-thiên-thế-giới. Đại-thiên-thế-giới có nơi gọi là Tam-thiên-đại-thiên-thế-giới. Danh từ nầy chỉ cho Đại-thiên-thế-giới do ba lần ngàn thế-giới kết hợp, chớ không phải có ba ngàn cõi Đại-thiên.

Hoa-Nghiêm-Sớ-Sao nói: “Về Tiểu-thiên-thế-giới, chỉ kể Sơ-thiền; về Trung-thiên-thế-giới, phải kể Nhị-thiền; về Ðại-thiên-thế-giới, thì kể Tam-thiền”. Luận Bà-Sa nói: “Bề rộng của trời Sơ-thiền che bốn châu thiên hạ. Bề rộng của trời Nhị-thiền che một cõi Tiểu-thiên. Bề rộng của trời Tam-thiền che một cõi Trung-thiên. Bề rộng của trời Tứ-thiền che một cõi Đại-thiên”. Thế thì Tiểu-thiên-giới có 1.000 cõi Sơ-thiền, Trung-thiên giới có 1000 cõi Nhị-thiền, Đại-thiên giới có 1.000 cõi Tam-thiền.

Theo Kinh Thế Ký thì “Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Như trong chỗ mà một mặt trời, mặt trăng vận hành khắp quanh bốn thiên hạ, tỏa ánh sáng chiếu; có một ngàn thế giới như vậy.

Trong ngàn thế giới có một ngàn mặt trời, mặt trăng; có một ngàn núi chúa Tu-di, có bốn ngàn thiên hạ, bốn ngàn đại thiên hạ, bốn ngàn biển, bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn rồng, bốn ngàn rồng lớn, bốn ngàn chim cánh vàng, bốn ngàn chim cánh vàng lớn, bốn ngàn đường dữ, bốn ngàn đường dữ lớn, bốn ngàn vị vua, bốn ngàn vị vua lớn, bảy ngàn cây lớn; tám ngàn địa ngục lớn, mười ngàn núi lớn, ngàn Diêm-la vương, ngàn Tứ thiên vương, ngàn trời Đao-lị, ngàn trời Diệm-ma, ngàn trời Đâu suất, ngàn trời Hóa tự tại, ngàn trời Tha hóa tự tại, ngàn trời Phạm. Đó là Tiểu thiên thế giới. Như một Tiểu thiên thế giới, ngàn tiểu thiên thế giới như thế là một Trung thiên thế giới.

“Như một Trung thiên thế giới, một ngàn Trung thiên thế giới như vậy là một Tam thiên Đại thiên thế giới. Phạm vi thế giới thành hoại như thế là nơi chúng sinh cư trú, gọi là một cõi Phật.”

Đức Phật Thích Ca thị hiện thành Phật nơi cõi Ta Bà này để độ sanh, nên trong kinh ta hay thấy chư Phật mười phương khen ngợi đức Thích Ca: “Ở trong cõi Ta Bà trược ác mà có thể thành Vô thượng Chánh đẳng chánh giác”. Nghĩa là Ngài thành đạo và giáo hóa chúng sanh trong cõi Ta Bà đầy trược ác này vậy!

3. Ba đại kiếp của cõi Ta Bà

Trong một đại-kiếp, ba trung-kiếp thành, hoại, không đều không có chúng-sanh ở. Khí-thế-giới, và hữu-tình giới duy thể hiện đầy đủ trong kiếp-trụ. Cứ theo ba thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai thì đại-kiếp vừa qua tên là Trang-Nghiêm, đại-kiếp hiện nay gọi là Hiền hay Thiện-Hiền, đại-kiếp sẽ đến tên là Tinh-Tú. Trong ba đại-kiếp nầy, mỗi kiếp đều có 1.000 vị Phật ra đời vào trung-kiếp-trụ.

Sao gọi là kiếp Trang-Nghiêm? Kinh Trang-Nghiêm-Kiếp-Thiên-Phật-Danh nói: “Đại-kiếp của thời quá khứ tên là Trang-Nghiêm. Trong kiếp nầy có 1.000 đấng chánh giác ra đời, vị đầu tiên là Hoa-Quang Như-Lai, vị sau rốt là Tỳ-Xá-Phù-Phật. Vì một ngàn Ðức Thế-Tôn ra đời làm cho y-báo và chánh-báo của kiếp nầy được trang nghiêm, nên gọi là Trang-Nghiêm-kiếp”.

Sao gọi là kiếp Hiền hay Thiện-Hiền? Từ-Ân-Kiếp-Chương nói: “Kiếp hiện tại tên là Hiền-Kiếp vì có ngàn Đức Phật ra đời và rất nhiều bậc hiền-thánh”. Trong kinh Bi-Hoa có đoạn nói: “Thế-giới của Đức Phật ấy gọi là Ta-Bà, đang ở vào đại-kiếp tên là Thiện-Hiền. Vì trong đại-kiếp nầy có 1.000 Ðức Thế-Tôn đã thành tựu đại bi tâm, xuất hiện ra đời.

Sao gọi là kiếp Tinh-Tú? Phật-Tổ-Thống-Kỷ nói: “Đại-kiếp của thời vị lai gọi là Tinh-Tú. Trong kiếp nầy có 1.000 đấng Điều-Ngự ra đời, vị đầu tiên là Nhật-Quang, vị sau rốt là Tu-Di-Tướng. Một ngàn vị Phật xuất hiện sáng rỡ như các ngôi sao lớn trên trời, nên gọi kiếp sẽ đến là Tinh-Tú-kiếp.

Trên đây đã nói lược qua về ba đại-kiếp theo ba thời gian, kế tiếp xin kể thêm một vài chi tiết trong kiếp hiện tại của chúng ta đang là Hiền-Kiếp.

Trong Hiền-kiếp có 1.000 Đức Phật ra đời, vị đầu tiên thành danh Câu-Lưu-Tôn, vị sau rốt hiệu là Lâu-Chí. Về túc nhân của 1000 đấng Thế-Tôn, kinh Hiền-Kiếp đã nói: “Đời quá khứ lâu xa về trước, có Phật hiệu là Vô-Lượng-Tinh-Tấn Như-Lai ra đời. Thuở ấy, một ngàn người con của vua Đức-Hoa nghe Phật thuyết pháp, liền phát tâm bồ-đề, tu theo chánh đạo. Một ngàn vương-tử đó, chính là ngàn Đức Phật trong Hiền-kiếp nầy vậy.”

Đại-kiếp Thiện-Hiền hiện nay, chư Phật đều ra đời trong kiếp-trụ. Trong hai mươi tiểu-kiếp của kiếp-trụ, tám tiểu-kiếp trước không có Phật ra đời. Ðến tiểu-kiếp thứ chín, lúc nhơn thọ giảm còn sáu muôn tuổi, khởi thỉ có Đức Phật Câu-Lưu-Tôn xuất hiện. Khi nhơn thọ giảm xuống còn bốn muôn tuổi, có Phật Câu-Na-Hàm-Mâu-Ni xuất hiện; nhơn thọ giảm xuống còn hai muôn tuổi, có Phật Ca-Diếp xuất hiện; nhơn thọ giảm xuống còn 100 tuổi, có Phật Thích-Ca Mâu-Ni xuất hiện. Như thế trong tiểu-kiếp thứ chín có bốn vị Phật ra đời. Sang tiểu-kiếp thứ mười lúc nhơn thọ từ 84.000 giảm còn 80.000 tuổi, có Phật Di-Lặc ứng thế độ sanh.

Từ tiểu-kiếp thứ 11 đến tiểu-kiếp thứ 14, trong thời gian nầy không có Phật ra đời. Qua tiểu-kiếp thứ 15, có 994 vị Phật nối nhau xuất thế. Trong bốn tiểu-kiếp thứ 16, 17, 18, 19 không có Phật ra đời. Đến tiểu-kiếp thứ 20, lúc nhơn thọ 84.000 tuổi đức Lâu-Chí Như-Lai xuất thế, thuyết pháp độ sanh. Sau khi Phật Lâu-Chí niết-bàn, mãn tiểu-kiếp cuối cùng, thế-giới nầy bắt đầu vào giai đoạn tiêu hoại để chuyển sang sự thành lập của kiếp Tinh-Tú tương lai.

Phật-giáo đồ khi sám hối, có vị lễ tam thiên Phật, đó chính là lạy 3000 Ðức Thế-Tôn trong ba đại-kiếp quá khứ, hiện tại, vị lai. Về sự ứng thế trước sau của 3000 vị Phật, có bài kệ tổng quát rằng:

Trang-Nghiêm Hoa-Quang, Tỳ-Xá-Phù Hiền-kiếp Câu-Lưu, Lâu-Chí Phật Tinh-Tú, Nhật-Quang, Tu-Di-Tướng
Như thế, chư Phật độ chúng sanh.

cõi ta bà, lời phật dạy, lục đạo luân hồi, ngũ trược ác thế, cõi ta bà là gì, ở đâu? tại sao gọi cõi ta bà là ngũ trược ác thế?

4. Tại sao gọi cõi Ta Bà là ngũ trược ác thế?

Ngũ trược là năm thứ dơ dáy ở cõi Ta Bà, Đức Thế Tôn thường gọi cõi Ta Bà là cõi ác lụy, tràn đầy năm thứ trược. Song Ngài vì lòng từ bi mà giáng thế, giáo hóa chúng sinh. Thuyết cho họ biết cõi Tịnh Độ của Phật để cho họ có thể tu hành vãng sanh về cõi đó.

Ngũ trược ác thế là năm sự ô trược xấu ác thiêu đốt thế gian và con người, năm sự ô trược đó là: Kiếp trược, Kiến trược, Chúng sinh trược, Mạng trược, Phiền não trược.

Ngũ trược ác thế gồm 2 loại: Ngũ trược ở phạm trù Thế Giới và Ngũ trược trong Thân Tâm của chúng sanh. Kinh dạy: “Vào thời tăng kiếp, khởi đầu tuổi thọ trung bình của con người được 10 năm, sau đó cứ trải qua 100 năm thì tuổi thọ lại tăng thêm được 1 năm; cứ như vậy tăng mãi cho đến khi tuổi thọ con người đạt đến 84.000 năm thì dừng.

Từ đó về sau cứ trải qua 100 năm thì tuổi thọ lại giảm đi 1 năm, cứ như vậy giảm mãi cho đến khi tuổi thọ chỉ còn 10 năm là thấp nhất. Khi tuổi thọ trung bình của con người là 10 năm, lại bắt đầu tăng dần như trước. Sự biến đổi tăng giảm này cũng giống như trong năm có những lúc ngày dài đêm ngắn, lại có những lúc ngày ngắn đêm dài, cứ như vậy mà tuần hoàn mãi mãi không dứt”.

Ngũ Trược ác thế xuất hiện vào thời giảm kiếp, khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 200 tuổi. Trước thời kỳ Ngũ trược, Thế gian và tâm tánh con người đều vô cùng trong sáng và thanh tịnh. Còn trong thời kỳ ngũ trược, Thế gian và con người đều trở nên bất tịnh, cấu uế và xấu ác.

Kinh dạy rằng: Thời ngũ trược ác thế bắt đầu khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 200 tuổi. Sau khi đức Phật nhập niết bàn và giáo pháp bắt đầu suy yếu, ma đạo sẽ vô cùng thịnh hành trong thời ngũ trược này. Vậy năm món trược ác là như thế nào?

a. Kiếp trược

Xếp đầu tiên trong Ngũ trược ác thế, Kiếp trược (Kalpa-kaṣāya) là “Thời gian hoặc thời đại biến đổi hỗn loạn không ngừng.” Làm sao mà kiếp trở nên bị hỗn trược? Là vào thời kì ngũ trược ác thế, các nghiệp ác của chúng sinh làm cho kiếp trở nên bị hỗn trược.

Theo Luận Địa Trì: “Nếu vận kiếp đói kém xảy ra, vận kiếp dịch bệnh phát sinh, vận kiếp chiếc tranh nổi lên, thì gọi là Kiếp trược”

b. Kiến trược

Kiến trược (Dṛṣṭi-kaṣāya). Kiến là thấy, trược là tà vạy. Kiến trược là sự thấy biết tà vạy, sai lầm: Sai cho là đúng, đúng lại cho là sai. Trong quá khứ, mọi người đều thấy mọi vật đều thanh tịnh và tinh khiết. Nhưng khi đến thời kỳ Ngũ trược ác thế, thì người ta thấy môi trường chung quanh không còn thanh tịnh và tinh khiết nữa. Kiến trược là kết tinh của năm tà kiến, lấy ngũ lợi sử làm thể. Lợi có nghĩa là nhanh, sắc bén. Ngũ lợi sử tức là năm quan niệm sai lầm: Thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ, kiến thủ, tà kiến.

Theo Luận Địa Trì: “Nếu ở đời này lúc pháp hoại diệt- pháp suy tàn, Tượng pháp dần dần thay đổi, tà pháp trở lại sinh sôi, thì gọi là Kiến trược.”

Thân kiến

Thân kiến là mọi chúng sinh đều chấp rằng mình có thân. Họ yêu mến thân mình.”Ta phải săn sóc thân mình, đừng để điều gì xảy đến cho tôi cả.” Họ xem thân thể mình là điều tối quan trọng. Họ muốn ăn ngon, mặc đẹp, sống tiện nghi. Họ luôn luôn xem thân thể mình như là viên ngọc quý.

Đúng rồi! Thân thể quý vị là viên ngọc quý, nhưng nếu quý vị sử dụng sai mục đích, quý vị sẽ biến nó thành một thứ chẳng khác gì hơn phân người. Sao vậy? Vì quý vị chỉ để ý đến phương diện hời hợt nông cạn bên ngoài, mà không khám phá hết được hạt ngọc chân thật bên trong tự tánh. Thế nên những gì quý vị biết tựu trung chỉ là thân xác và quý vị không thể nào buông bỏ nó xuống được. Từ sáng đến tối, quý vị chỉ bận rộn vì thân thể mình. Đó là thân kiến.

Biên kiến

Biên kiến là thích bên nầy hoặc bên kia. Nếu quý vị không nghiêng về không (vô) thì sẽ nghiêng về có (hữu). Nói chung, biên kiến là không hợp với nghĩa Trung đạo.

Giới cấm thủ

Giới cấm thủ Giới luật sẽ trở thành tệ hại khi căn cứ vào một cái gì chẳng phải là nhân mà cho đó là nhân. Những sai lầm như thế dẫn đến lối tu khổ hạnh vô ích. Trước đây tôi đã giảng giải có người bắt chước thói quen của loài bò hoặc chó, hoặc ngủ trên giường đinh, hoặc làm theo lối tu khổ hạnh vô ích. Những ai làm theo như vậy gọi là mắc vào giới cấm thủ. Họ nghĩ rằng: ‘Hãy nhìn tôi đây! Chẳng có ai làm được như tôi, các ông chẳng ai bằng tôi cả.’ Họ luôn luôn có suy nghĩ tự cao ngã mạn nầy trong tâm.

Kiến thủ

Kiến thủ có nghĩa là chấp vào quan niệm của mình là đúng. Quan niệm sai lầm về một cái gì chẳng phải là quả mà cho đó là quả. Người mắc phải kiến chấp nầy cho rằng họ đã chứng quả trong khi thực sự họ chẳng được điều gì cả.

Tà kiến

Tà kiến là gì? Những người có tà tri tà kiến thường cho rằng không có nhân quả, bài báng chánh pháp, tự mê hoặc mình và làm cho người khác mê lầm. Năm thứ vọng kiến trên đây khiến cho tâm chúng sinh tối tăm mê loạn, tự tánh vẩn đục, cho nên gọi là ngũ trược.

c. Phiền não trược

Xếp thứ ba trong Ngũ trược ác thế, Phiền não trược là sự si mê tham đắm điên đảo, do do ngũ độn sử kết thành: Gồm tham, sân, si, mạn và nghi.

  • Tham là chỉ cho sự tham muốn một cách không thể thỏa mãn được những cảm giác dễ chịu. Quý vị thường tham muốn những gì mình thích.
  • Sân là không thích những điều mình cảm thấy khó chịu.
  • Si là những vọng tưởng điên rồ.
  • Mạn là lòng tự mãn và kiêu ngạo, cảm thấy rằng “Ta là bậc nhất.” và “Chẳng có ai bằng ta.” Người ngạo mạn thường không lịch sự đối với người khác.
  • Nghi là nghi ngờ chánh pháp, thay vì vậy lại thích tà pháp, không tin vào chánh pháp nhưng lại tin vào các pháp không chân chính.

Đây là ngũ độn sử, tạo thành thứ trược thứ ba tức là phiền não trược. Sự có mặt của ngũ độn sử nầy đã tạo nên vô số phiền não. Theo Luận Địa Trì: “Nếu những chúng sanh này tăng thêm điều phi pháp, ham thích dao kiếm, bố thí đồ dùng chiến tranh, bố thí tranh chấp quyền lợi, đấu đá làm loạn, nịnh hót quanh co, lừa dối không thật, nói năng xằng bậy, tiếp nhận đủ tà pháp, và phát sinh những pháp bất thiện xấu xa khác, thì gọi là phiền não trược.”

d. Chúng sinh trược

Chúng sinh trược là sự sanh tử hỗn loạn không ngừng. Chúng ta nay cũng đừng cố diễn tả nó làm gì. Sao vậy? Chúng sinh vốn là quá dơ bẩn, quá bất tịnh, quá cấu uế. Quý vị đừng nên cho rằng mình là hạng chúng sinh cực kỳ lớn. Chúng sinh vốn là rất tối tăm và u mê đần độn. Chẳng có gì tốt đẹp về chúng sinh cả. Nhưng chúng sinh lại nghĩ về chính mình như một cái gì rất đặc biệt, mặc dù thực sự họ cấu thành do từ bốn thứ trược nêu trên.

Theo Luận Địa Trì: “Nếu các chúng sanh không biết đến cha mẹ, không biết đến Sa môn-Bà la môn, và người bề trên trong họ hàng, không tu dưỡng nhân nghĩa và đạo lý, không làm những điều đáng làm, không sợ quả báo ác nghiệp của đời nay-đời sau, không tu bố thí ban ơn, không làm việc công đức, không tu trai pháp, không trì cấm giới, thì gọi là chúng sanh trược.”

e. Mạng trược

Mạng trược là kiếp sống của chúng sanh trên thế gian ngày một mong manh, ngắn ngủi và bất tịnh. Vào thời ngũ trược ác thế, tâm tính chúng sinh cang cường, khó điều phục, nên vào thời kỳ ấy, chư Phật thường xuất hiện để giáo hóa chúng sinh. Theo Luận Địa Trì: “Chúng sanh đời này đoản thọ, người cao nhất thọ được một trăm năm, đây gọi là Mạng trược.”

5. 10 điều khó ở cõi Ta Bà so với Cực Lạc

Bồ tát Long Thọ nói: “Tu hành trong cõi Ngũ trược gọi là khó hành đạo, như người què đi trên đường hiểm trở, một ngày chẳng đi quá mấy dặm. Tu hành ở Tịnh Độ gọi là dễ hành đạo, như kẻ phàm phu nương vào sức mạnh của Chuyển Luân Vương, trong một ngày đi khắp tứ thiên hạ”.

Nay đem 10 điều khó ở cõi Ta Bà để so sánh với mười điều dễ ở Tịnh Độ:

1. Ta-bà không thường gặp Phật. Phật Thích-Ca đã diệt độ, tà pháp mạnh mẽ; Cực Lạc thì Phật thường chẳng diệt, hiện đang làm giáo chủ.

2. Ta-bà mạt pháp nhiễu nhương, có nhiều ngoại đạo, dù bàn Phật pháp nhưng đa số nghiêng lệch sai lầm; Cực Lạc thì Phật và Bồ-tát, nước, chim, cây rừng thường tuyên thuyết Diệu pháp.

3. Ta-bà bạn bè tà ác, mong cầu lợi dưỡng, làm mê lầm người tu hành đọa vào ba đường ác; Cực Lạc thì Quán Âm, Thế Chí làm bạn thù thắng, các bậc Thượng thiện nhân ở chung một nơi.

4. Ta-bà có các loài ma não loạn, phá hoại chánh pháp; Cực Lạc tuy có Thiên ma nhưng đều hộ trì chánh pháp, giúp người tu hành mau được thành tựu.

5. Ta-bà luân hồi trong sáu nẻo, như bánh xe xoay vòng không có ngày dừng nghỉ; Cực Lạc thì hoa sen hóa sinh, không còn luân chuyển trong đường sinh tử khổ đau.

6. Ta-bà qua lại ba cõi theo nghiệp chịu quả báo, tuy sinh lên cõi Trời nhưng khó tránh con đường ác; Cực Lạc thì danh từ của ba đường ác còn không nghe, huống chi có thật.

7. Ta-bà trần duyên ác trược, thường làm chướng ngại đối với việc xuất thế; Cực Lạc thì lầu vàng điện ngọc, áo đẹp cơm ngon đều làm phương tiện trợ giúp tu hành.

8. Ta-bà con người sống trăm năm nhưng phần nhiều chết yểu, thời gian mau chóng, đại đạo khó thành; Cực Lạc thì tuổi thọ của chúng sinh ngang bằng với Phật.

9. Ta-bà tu hành phải đoạn trừ Kiến hoặc, Tư hoặc mới có thể được Bất thối chuyển. Người mới tu chưa tránh khỏi sự thối chuyển đọa lạc; Cực Lạc thì chúng sinh khi sinh về đều vào Chánh định tụ mãi không còn thối chuyển.

10. Ta-bà người tu hành trải qua muôn kiếp khó thành, như các vị đồ đệ nghe pháp trong thời Phật Đại Thông, thối chuyển Đại thừa chấp vào Tiểu thừa, trải qua vô số kiếp còn ở bậc Thanh văn; Cực Lạc thì chỉ một đời này thường theo Phật học, tiến thẳng đến đạo tràng, thành tựu đạo giác ngộ Vô Thượng.

Mười điều khó và dễ nói trên đây, thật cách xa nhau như trời với vực. Nếu cậy vào sức mình thì chỉ luống uổng tự nhọc nhằn. Nhưng nếu nương nhờ vào duyên thù thắng thì được sự lợi ích cao rộng.

Nguồn: tamhuongphat.com!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News